An Dương Vương Thục Phán (Phần 1)
“Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét, chẳng dám sai lời. Nước Nam trường tồn lưu ở miếu Hùng Vương. Ví bằng vua sau nối nghiệp trái ước phai thề sẽ bị trăng vùi gió dập, trời đất cùng tru diệt.”
Khổng Tử từng dạy rằng: “Độ lượng bao dung, ôn hòa giáo hóa, không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của phương Nam. Người quân tử ở đấy. Mặc giáp cưỡi ngựa, xông pha giáo mác, đến chết không chán, đó là sức mạnh của phương Bắc. Kẻ cường bạo ở đấy”.
Khởi đầu từ những bộ lạc du mục phương Bắc dần dần lấn chiếm xuống phía Nam. Nền văn minh của nước Trung Hoa không phải ngày một ngày hai mà thành vĩ đại. Nó đã quật khởi thành công trở thành một nền văn minh rực rỡ và lâu dài nhất trên thế giới nhờ biết cách khéo léo hấp thụ những tinh hoa từ các vùng lãnh thổ chiếm đóng , đặc biệt là ở phía Nam, nơi vốn có bề dày văn minh nhiều nghìn năm.
Thời điểm đó nền văn minh Văn Lang hùng vĩ của dân Nam kéo dài suốt 26 thế kỷ rốt cuộc cũng đã đến khúc vĩ thanh của nó, người quân tử Bách Việt cũng đã đi vào quên lãng… An Dương Vương tuy là người đánh bại Văn Lang, nhưng xét cho cùng lại chính là người kế thừa cuối cùng những tinh hoa của dòng dõi các vua Hùng. Chỉ tiếc là ý trời khó cưỡng, một nền văn minh rực rỡ nhường ấy đã chìm theo dòng nước biển Đông, để lại cho hậu nhân niềm tiếc thương vô cùng.
Đại chiến Văn Lang Âu Lạc, người thừa kế cuối cùng
Nước Văn Lang trải 18 đời vua Hùng đến Tuyền Vương đã không còn hùng mạnh như xưa, vì thế mà An Dương Vương muốn đánh Văn Lang để mở rộng lãnh thổ. Cuộc chiến Văn Lang Âu Lạc thực ra có thể coi như một cuộc nội chiến tranh giành ngôi báu giữa dòng trưởng và dòng thứ. Vì khi còn hùng mạnh, lãnh thổ nhà Văn Lang trải dài từ hồ Động Đình đến Chiêm Thành. Các sắc dân Bách Việt làm chư hầu sống trong đất nước rộng lớn dưới sự cai quản của các vua Hùng, người được Thần khải thị. Điều này ứng với truyền thuyết Long Quân Âu Cơ trăm con lên rừng xuống biển chia nhau cai trị.
Khi nhà Văn Lang dần suy yếu và mất đi các vùng lãnh thổ vào tay phương Bắc, các chư hầu cũng dần dần mạnh lên độc lập và không còn thần phục Văn Lang. An Dương Vương có thể coi là chư hầu mạnh nhất, vừa là đối thủ vừa là có quan hệ họ hàng. Sau nhiều năm chiến tranh, cuối cùng Thục Phán nhà Âu Lạc đã chiến thắng và trở thành người thừa kế đại thống nhà Văn Lang.
“Hùng Tuyền vương hưởng nước 115 năm rồi nhường ngôi cho rể là Sơn Tinh Tản Viên. Sơn Tinh cố từ không dám nhận. Tuyền vương nói:
– Cơ đồ họ Hùng đã hết, khanh có thể lên thay.
Tản Viên còn do dự chưa quyết thì Thục vương (là chúa Phụ đạo nước Ai Lao, cũng là tông phái Hùng vương) từ xa nghe tin Tuyền vương nhường ngôi cho Tản Viên, bèn đem quân sang đánh Hùng Tuyền vương để xâm chiếm nước Nam. Vua (Tuyền vương) binh hùng tướng mạnh, Thục vương mấy lần bị đánh bại. Vương bảo với Thục vương: “Ta có sức thần, Thục vương không sợ sao?”
Từ đó Tuyền vương bỏ bê không chăm sửa sang võ bị, chỉ đam mê tửu sắc làm vui. Đến khi quân Thục kéo đến tận nơi, vua vẫn còn say khướt chưa tỉnh. Quân lính trở giáo đầu hàng quân Thục. Hùng Tuyền vương thu họp tàn quân, tuyển thêm dân binh, rồi sai người đưa thư cho Tản Viên, nói: “Thục vương đem quân sang đánh, đã chiếm đô thành của ta, khanh mau đem quân đến cứu viện”
Tản Viên bèn dẫn binh mã thẳng đến Loa Thành, dàn quân đối trận với Thục vương để khuếch trương thanh thế. Mấy hôm sau Tản Viên khuyên Hùng Tuyền vương:
– Họ Hùng hưởng nước kể cũng đã lâu dài. Lòng trời ắt có hạn, khiến cho Thục vương thừa cơ gây hấn xâm lấn nước ta. Vả lại Thục vương vốn là bộ chủ Ai Lao, cũng là dòng phái của tiền hoàng đế. Nay quốc thế không được bình thường, cũng là chuyện do tiền định. Vua có yêu riêng gì một cõi đất phương nam mà cưỡng lại ý Trời, làm hại sinh linh? Vả lại bệ hạ và thần đã có phép thần tiên, không gì hơn là quay về chốn Bồng Hồ, Lãng Uyển, tiêu dao ở làng quê bất lão, thanh nhàn nơi gác phượng lầu rồng, há phải nhiễm bẩn bụi trần, vàng ngọc châu báu cũng chẳng bằng mảy lông, ngọc nữ tiên đồng cũng chỉ mát mắt chốc lát. Trí lực như thế mới thật là cao!
Tuyền vương cho là phải. Rồi Tuyền vương sai đưa thư nhường nước cho Thục vương. Thục vương sai sứ đến tạ ơn. Tuyền vương trở về núi Nghĩa Lĩnh cùng với Tản Viên Sơn Tinh, biến hóa vào cõi hóa sinh bất diệt.
Thục An vương đã được nhường nước, tưởng nhớ ơn đức trời biển của Hùng Tuyền vương bèn xa giá đến núi Nghĩa Lĩnh cho dựng Dao Đài để làm nơi quốc gia phụng thờ, dựng hai cột đá trong núi, chỉ tay lên trời thề rằng:
– Nguyện trời cao mây xám lồng lộng xét soi: nước Nam trường tồn trường tại. Ngôi miếu Hùng vương nơi đây nếu vua sau kế trị mà bội ước nhạt thề thì sẽ bị rìu trăng búa gió trừng phạt, không phụ lời thề của tiền nhân.
Đọc lời khấn xong, Thục vương lạy tạ rồi lên xe trở về kinh đô Phong Châu, cho triệu các dòng phái cành vàng lá ngọc của dòng họ Hùng ban cho danh hiệu Trung nghĩa hương (làng Trung nghĩa), cấp cho dân tạo lệ hưởng dụng lâu dài, cấp 500 mẫu ruộng ở gò Nghĩa Lĩnh thuộc bản thôn. Lại cấp cho các cánh ruộng ở nhiều địa phương để thu tô thuế: trên từ Tuyên Quang, Hưng Hoá, dưới đến các xã ở Việt Trì hàng năm nộp hoa lợi để dùng vào việc đèn hương phụng thờ 18 đời vua Hùng từ Thánh tổ Cao hoàng đế đến các vua kế đời truyền nối.” (Hùng Vương ngọc phả)
Đại chiến quân Tần, Âu Lạc dương uy
Vừa mới kế thừa quốc tộ không lâu, Âu Lạc đã phải đối đầu với kẻ thù mạnh nhất thế giới thời đó là quân nhà Tần. Hiệu úy Đồ Thư vâng lệnh Thủy Hoàng Đế, dẫn 50 vạn quân rầm rập kéo vào nước ta.
Sách Hoài Nam tử chép:
“Thủy Hoàng lại tham sừng tê, ngà voi, phỉ thúy và ngọc chu cơ đất Việt, sai viên úy Đồ Thư điều động 50 vạn quân sĩ, chia thành 5 lộ đại quân: một lộ chặn đỉnh núi Đàm Thành, một lộ phòng thủ quan ải Cửu Nghi, một lộ trú đóng trong thành Phiên Ngung, một lộ tản ra khắp đồng hoang Nam Dã, một lộ tập trung ở cạnh sông Dư Can, binh lính các lộ trong ba năm không cởi áo giáp cung nỏ.”
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, dân Bách Việt phải đối đầu với một đạo quân khổng lồ đến vậy của đế quốc Trung Hoa thống nhất. Họ đã điều động 5 đạo quân tiến vào phương Nam theo 5 đường, không chừa một lối thoát nào cho dân Việt hết. Năm đường tiến quân đó cũng chính là nguồn gốc của tên gọi Ngũ Lĩnh, chứ không phải nghĩa là dãy núi như xưa nay người ta vẫn cho là thế. Với sự trợ giúp đắc lực của một số tướng lãnh người Việt, quân Tần cũng thành công chiếm được nhiều vùng đất phương Nam. Tiêu biểu có thể kể đến viên tướng tên Sử Lộc, được Tần Thủy Hoàng sai đào kênh nối sông Tương với sông Ly, để vận chuyển quân nhu vật tư. Từ năm 219 TCN đến năm 215 TCN, Sử Lộc hoàn thành việc đào kênh, gọi là kênh Linh (Linh Cừ), nối hệ thống sông Trường Giang với hệ thống sông Châu Giang. Quân Tần nhờ đó mà đánh bại quân Tây Âu, giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống.
“Khi Tần Thủy Hoàng sai hiệu úy Đồ Thư dẫn 50 vạn quân, chia làm 5 đạo, tiến đánh Bách Việt, Lộc được giao việc đào kinh ngòi để chuyển vận quân lương. Lộc bèn khơi nguồn từ Dương Sơn, dẫn dòng bắc sông Tương chảy nhập vào sông Sở Dung, lại dẫn hạ lưu sông Kha chảy sang phía nam rồi thông ra biển. Việc chuyển vận quân lương vẫn còn rất cực nhọc, Lộc nghĩ ra cách đắp đá, ngăn chặn nước sông Tương sông Dung cho chảy ngược lên đến 60 dặm, lại đặt 36 cửa sông. Thuyền vào ngăn nào thì đóng cửa sông ngăn ấy lại. Nước chảy dần vào, nâng thuyền lên cao. Mở cửa kế tiếp, thuyền lại sang ngăn kế. Cứ thế kế tiếp, đưa thuyền lên ghềnh xuống thác. Đã tiện cho thuyền bè thông thương, lại lợi cho công việc đồng áng. Lộc gọi cách này là Linh Cừ (ngòi thiêng). Cũng nhờ cách ấy mà giết được vua Tây Âu là Dịch Hu Tống.”(Bách Việt tiên hiền chí- Âu Đại Nhậm)
Thế nhưng dân Bách Việt vốn đã từng là thần dân của một vương quốc truyền thừa mấy nghìn năm đâu dễ chịu khuất phục. Dưới sự lãnh đạo của An Dương Vương, họ đã sử dụng chiến thuật thanh dã quyết tâm chống cự đến cùng, cho đến khi giết được Đồ Thư và buộc quân Tần phải rút.
“Người Việt bỏ nhà cửa ruộng vườn mà vào rừng núi hoang vu, thà sống với cầm thú, không chịu sống nhục dưới ách nhà Tần. Ngày ẩn, đêm đánh, giết được Đồ Thư. Nhà Tần bèn rút quân về mà gìn giữ biên giới để phòng bị.”(Bách Việt tiên hiền chí- Âu Đại Nhậm)
An Dương Vương đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến thành công. Sau trận đại chiến này, An Dương Vương đã xây dựng uy tín vô địch trong lòng quân dân Âu Lạc và thay thế hoàn toàn ảnh hưởng còn lại của các vua Hùng.
“Khi Tần Thủy Hoàng sai hiệu úy Đồ Thư dẫn 50 vạn quân, chia làm 5 đạo, tiến đánh Bách Việt… Người Việt bỏ nhà cửa ruộng vườn mà vào rừng núi hoang vu, thà sống với cầm thú, không chịu sống nhục dưới ách nhà Tần. Ngày ẩn đêm đánh, giết được Đồ Thư. Nhà Tần bèn rút quân về mà gìn giữ biên giới để phòng bị.” (Bách Việt tiên hiền chí )
Minh Bảo