Lý Long Tường – Vị bạch mã hoàng tử đánh bại quân Mông Cổ trên xứ Cao Ly (P1)
Lịch sử hay nhắc đến nhà Trần với ba lần thắng quân Mông Cổ như một thần tích. Nhưng ít ai biết là trên xứ Cao Ly xa xôi, một dũng tướng Đại Việt cũng đường hoàng đánh bại quân Nguyên Mông đến hai lần. Đó chính là hoàng tử Lý Long Tường.
Hàn Quốc hay Cao Ly ngày xưa là một xứ sở xinh đẹp và có nền văn hóa lịch sử rất đáng ngưỡng mộ. Trong thời đại ngày nay, họ đã thành công khi phần nào khôi phục văn hóa cổ và định hình văn hóa hiện đại, đồng thời còn xuất khẩu văn hóa “Made in Korea” ra khắp thế giới.
Những chàng trai cô gái Hàn Quốc xinh tươi trong các series phim truyền hình trở nên vô cùng nổi tiếng và thu hút khán giả, đặc biệt ở Việt Nam. Hưởng ứng theo làn sóng hâm mộ các nam tài tử Hàn Quốc, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả câu chuyện độc đáo về “Bạch Mã hoàng tử” thật sự ở Cao Ly nhưng lại đến từ Việt Nam khoảng… 800 năm về trước.
Chúng tôi đang kể về hoàng tử Lý Long Tường (李龍祥, Hàn ngữ: 이용상/ Yi Yong-sang). Ông là hoàng tử triều Lý nước Đại Việt, sau trở thành Hoa Sơn tướng quân (Hwasan Sanggun) nước Cao Ly và là ông tổ của dòng họ Lý Hoa Sơn (Hoa Sơn Lý Thị) ngày nay tại Hàn Quốc.
Từ Đại Đô Đốc Hải Quân đến người tỵ nạn xứ Cao Ly
Lý Long Tường sinh năm 1174 (Giáp Ngọ), là con thứ bảy của vua Lý Anh Tông (trị vì 1138-1175) và Hiền phi Lê Mỹ Nga. Ông được ban chức Thái sư Thượng trụ quốc, Khai phủ nghị đồng tam tư, Thượng thư tả bộc xạ, lĩnh đại đô đốc hải quân, tước Kiến Bình vương. Ông là em trai vua Lý Cao Tông và là chú của Lý Huệ Tông.
Với tư cách là con vua Anh Tông, em trai vua Cao Tông, chú Huệ Tông nên có thể nói Lý Long Tường là một trong những hoàng thất quan trọng có vai vế vào hàng cao nhất của nhà Lý. Ông lại nắm trong tay lực lượng trên biển hùng mạnh nhất trong khu vực thời bấy giờ, đó là hạm đội hải quân nhà Lý (trú đóng tại Đồ Sơn).
Nhưng cuộc đời vốn không như là mơ, một vị hoàng thất tôn quý quyền uy như vậy cũng không thoát khỏi số phận trầm luân trong thời khắc biến động của lịch sử. Năm 1225, Trần Thủ Độ lật đổ nhà Lý bằng cách đưa cháu là Trần Cảnh vào hầu Lý Chiêu Hoàng, dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và nhường ngôi để lập ra nhà Trần. Sau đó Trần Thủ Độ tiến hành tàn sát con cháu nhà Lý, buộc con cháu nhà Lý đổi qua họ Nguyễn, đày con cháu nhà Lý đi lên vùng núi non hiểm trở phía bắc.
Năm 1226 (tức niên hiệu Kiến Trung thứ hai đời vua Trần Thái Tông), để bảo toàn tính mạng và lo việc thờ cúng tổ tiên, Lý Long Tường đã bí mật về Kinh Bắc, vái lạy tạ biệt lăng miếu Đình Bảng, tới Thái miếu thu gom các bài vị, các đồ tế khí, rồi trở lại Đồ Sơn cùng sáu ngàn gia thuộc qua cửa Thần Phù, Thanh Hóa chạy ra Biển Đông trên ba hạm đội. Vậy là hoàng tử nhà Lý đã trở thành một trong những thuyền nhân tỵ nạn đầu tiên của nước ta.
Điềm lành đến từ phương Nam
Cuộc hành trình rời bỏ quê hương không bao giờ dễ dàng. Đó không phải là những chuyến ra khơi đánh cá, cũng không phải những cuộc viễn chinh huyền thoại của Lý Thường Kiệt, tuy vất vả nhưng sau đó đều khải hoàn quay về. Đoàn thuyền chiến gồm ba hạm đội lừng lẫy biển cả năm xưa giờ phải tháo chạy vô định trên đại dương, không biết ngày mai sẽ ra sao. 52 tuổi nhưng vẫn phải đem cả gia quyến lưu lạc, mỗi khi nghĩ về cố hương, lòng của vị hoàng tử đô đốc vẫn quặn lên từng hồi, vì nỗi nhớ quê và vì không biết ngày mai điều gì đang chờ đợi ông và đoàn quân vong quốc này.
Sau một tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền gặp bão lớn phải ghé vào Đài Loan. Khi Lý Long Tường quyết định lên đường thì một chuyện buồn khác lại đến, con trai ông là Lý Long Hiền ốm nặng nên phải ở lại đảo Đài Loan cùng 200 gia thuộc. Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, cuối cùng đoàn thuyền bị bão dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly.
Trời đúng là không tuyệt đường con người, một điềm trùng hợp kỳ lạ báo trước số phận của đoàn người nhà Lý đã diễn ra ngay trước khi họ đến vương quốc Cao Ly. Đất nước Cao Ly lúc này đang dưới thời Cao Ly Cao Tông (trị vì 1213–1259) là vị vua thứ 23 của Cao Ly trong lịch sử Triều Tiên. Ông là con trai duy nhất của Cao Ly Khang Tông và Nguyên Đức Vương hậu, được Thôi Trung Hiến đưa lên làm vua, nguyên danh là Vương Hạo, tự Thiên Hựu. Dù lên ngôi năm 1213, vua Cao Tông không có nhiều quyền lực cho đến khi các quân sư đầy quyền lực bị giết hết. Năm 1216, đế quốc Khiết Đan xâm lược nhưng đã bị đánh lui, tuy nhiên quốc gia lại đứng trước nguy cơ xâm lăng của một kẻ thù còn mạnh hơn gấp bội, đó là người Mông Cổ. Vị vua trẻ Cao Tông đầy hùng tâm tráng chí đang rất đau đầu khi quốc gia còn yếu, không có được vị đại tướng tài ba giúp ông chống ngoại xâm.
Ông trời đã mỉm cười với Cao Tông, vào đêm nọ ông nằm mơ thấy một con chim phượng hoàng cực lớn bay đến từ phương Nam và đậu xuống bờ biển Cao Ly. Thấy giấc mơ quá lạ, ông kể lại cho quan chiêm tinh của mình nghe, các quan nghe xong rồi đều đồng loạt tâu rằng:
“Xin chúc mừng hoàng thượng. Phượng hoàng là vua của loài chim, còn có nghĩa là dòng dõi hoàng tộc cao quý và mang điềm lành. Nay nó đậu xuống nước ta nghĩa là bệ hạ là vị Thiên tử được lòng Trời, nên ông Trời cho chim phượng đến, cũng có nghĩa là sắp tới sẽ có người tài giỏi thuộc dòng dõi cao quý đến từ phương Nam, không phải phía nam của nước ta (Cao Ly) mà là đến từ một quốc gia phía nam. Người này chắc là mãnh tướng mà bệ hạ đang mong chờ”.
Cao Tông nghe vậy mừng rỡ vô cùng, liền xuống chiếu cho người đi tìm khắp nơi. Trùng hợp vào thời điểm đó, hạm đội lưu vong của Lý Long Tường cũng vừa cập bến Cao Ly.
Thông qua bút đàm và đàm thoại bằng Hán tự mà Lý Long Tường có thể trình bày thân thế và sự việc của mình, và cũng qua giấc mộng nói trên nên vua Cao Ly lệnh cho chính quyền địa phương tiếp đón ân cần, và đồng ý cho Lý Long Tường ở lại dung thân.
Tại đây Lý Long Tường cùng tướng sĩ và gia thuộc trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi. Triều Lý là triều đại huy hoàng của Đại Việt, phát triển vượt bậc cả văn trị lẫn võ công, nên Lý Long Tường lại càng là vị võ tướng tài kiêm văn võ.
Cảm cái ân tri ngộ của vua Cao Tông, ông đem hết những sở học đắc ý cả đời mở ra để dạy cho dân xứ này, mong muốn biến họ thành một dân tộc lễ nghi văn võ như triều Lý vào thời hoàng kim. Do đó ông mô phỏng theo cách thức nhà Lý, cho mở độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự) và giảng võ đường dạy võ (binh pháp, võ thuật). Học trò theo học rất đông, lúc nào cũng trên nghìn người. Kể từ thời đại này mãi đến vài trăm năm sau, hầu hết những danh tướng danh thần đều xuất thân từ các ngôi trường này. Đây quả là điềm lành và món quà từ Thiên thượng dành cho vua và dân Cao Ly vậy.
(Còn tiếp)
Minh Bảo