Kỳ 14: Long tộc thời Lê và công cuộc Nam tiến huy hoàng
Rồng là một con vật thần thoại vô cùng phổ biến trong cả hai nền văn minh Đông và Tây. Nếu ở văn minh Tây Phương, rồng hiện thân cho cái ác, được xem như một loài quái vật thì ở Đông Phương rồng lại là một loài Thần thú cao quý, đứng đầu tứ linh, là hiện thân của Long vương, là biểu tượng của Thiên tử con Trời tại nhân gian. Truyền thuyết về Rồng tại phương Đông có nhiều vô số, vậy thì con Rồng là có thật hay tưởng tượng? Và nếu Lạc Long Quân, vị khai tổ đáng kính của tộc Việt là vua Rồng, vậy thì long tộc của Ngài là dân tộc như thế nào, có thật hay không?
EpochTimes Tiếng Việt trân trọng giới thiệu chuyên đề lịch sử TRUYỀN KỲ VỀ LONG TỘC VÀ LONG MẠCH ĐẠI VIỆT. Thông qua sử liệu và các câu chuyện truyền thuyết, hy vọng sẽ mang đến cho quý độc giả góc nhìn toàn cảnh về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt.Là một triều đại thịnh trị bậc nhất cổ kim với các vị vua hiền minh tín Phật, nên không khó hiểu khi các thành viên Long tộc lại hiện diện thường xuyên nhất trong thời đại này.
Nhà Lê với cái binh uy vừa rửa xong nỗi nhục mất nước, lập tức quay giáo trỏ về phương Nam, quyết tâm hoàn thành con đường gian nan nhưng vinh quang của các triều đại trước đã tìm ra. Với sự lãnh đạo thiên tài của Lê Thánh Tông và các tướng lãnh sau đó, quân dân Đại Việt đã bám rễ vững chắc trên mảnh đất phương Nam, chuẩn bị cho một thời kỳ huy hoàng về sau.
Tiếp tục Nam tiến, gầy dựng tương lai cho dân tộc nghìn năm
Thời Lê có thể coi là thời kỳ phục hưng của văn minh Đại Việt sau khi bị tàn phá 20 năm thời nội thuộc Minh. Sau khi Lê Thái Tổ lên ngôi, nước Việt có cái binh uy hùng mạnh vừa thắng giặc Minh nên đối với Chăm Pa rất kiên quyết và mạnh mẽ. Nhà Lê cũng coi vấn đề Nam Tiến là một quốc sách quan trọng, đặc biệt là trong thời kỳ cực thịnh của Lê Thánh Tông. Chăm Pa bắt đầu từ thời Lê trở đi không còn sức lực để quật khởi lần nào nữa, lại có đế quốc Chân Lạp phía Nam uy hiếp nên dần dần suy bại.
“Giáp Dần, Thiệu Bình năm thứ 1 [1434] Chúa Chiêm Thành là Bố Đề nghe tin Thái Tổ băng, thấy vua mới lên ngôi, ngờ là nước ta có biến loạn, bèn tự mình cầm quân ra đóng sát biên giới, chực mưu vào cướp. Nhưng vì chưa rõ thực hư, không dò hỏi vào đâu được, mới sai thuyền đi ngầm vào Cửa Việtcướp bắt mấy người rồi đi. Dân địa phương đánh lại, bắt được 2 người đem nộp.
Ngày 12, sai quân năm đạo diễn võ ở trường đấu, dẫn [9b] bọn tù Chiêm Thành tới xem rồi cho về.
Sai Nhập nội tư mã Lê Liệt, tổng đốc các quân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, đi tuần tra các nơi thuộc Tân Bình, Thuận Hóa, nếu gặp giặc cỏ Chiêm Thành vào cướp biên giới, mà có viên chỉ huy hay tên lính nào vi phạm quân lệnh hay sợ hãi rút lui thì cho phép chém trước tâu sau. Lại sai Nhập nội thiếu úy Lê Khôi và Hành khiển tổng quản Lê Truất cùng đốc suất các quân ở Tân Bình và Thuận Hóa đitheo”. (Đại Việt sử ký toàn thư).
Chăm Pa nhân triều đình nhà Lê mới thành lập nên nhiều lần vào đánh cướp nước ta. Nhà Lê đang thời cường thịnh liền điều động đại quân thảo phạt và ngay sau đó đã đánh tan nước Chăm Pa, bắt vua cùng toàn bộ hoàng gia.
“Giáp Tý, [Thái Hòa] năm thứ 2 [1444] Mùa hạ, tháng 5, chúa Chiêm Thành là Bí Cai vào cướp thành châu Hóa, cướp bắt nhân dân. Sai Nhập nội kiểm hiệu thái bảo Lê Bôi và Tổng quản Lê Khả đem 10 vạn quân đi đánh.
Ất Sửu, [Thái Hòa] năm thứ 3 [1445], Mùa hạ, tháng 4, Chiêm Thành vào cướp thành An Dung của châu Hóa. Tháng 5, gặp nước lũ nên thua to.
Ngày 25, sai bọn nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự Lê Thận, Nhập nội đô đốc Lê Xí đi đánh Chiêm Thành.
Tháng 12, sai Bình chương sự Lê Khả đem quân đi đánh Chiêm Thành.
Bính Dần, [Thái Hòa] năm thứ 4 [1446], Ngày 22, sai bọn nhập [61b] nội đô đốc bình chương Lê Thụ, Lê Khả, Nhập nội thiếu phó thamdự triều chính Lê Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Vua thấy chúa Chiêm Thành là Bí Cai nhiều lần dốc quân cả nước vào cướp, cho nên sai đi đánh.
Ngày 23, các quân của bọn Lê Thụ đến các xứ Ly Giang, Đa Lang, Cổ Lũy, mở thông đường thủy, dựng đắp thành lũy để đánh nhau với giặc, phá tan giặc, thừa thắng đánh thẳng đến cửa biển Thi Nại.
Mùa hạ, tháng 4, ngày 25, các quân của bọn Lê Thụ tiến công thành Chà Bàn, phá tan quân giặc, bắt được chúa nó là Bí Cai và các phi tần, bộ thuộc, ngựa voi vũ khí, cùng các hàng tướng rồi đem quân về.
Cháu thúc bá của vua Chiêm cũ Bố Đề là Ma Ha Quý Lai đã đầu hàng tứ trước, nay sai bề tôi là bọn Chế Cữu, Ma Thúc, Bà Bị sang chầu, dâng biểu xưng thần, xin cho lập làm vua.
Tháng 6, đem chúa Chiêm Thành Bí Cai làm lễ dâng tù cáo thắng trận ở Thái miếu. Đại xá thiên hạ. Giữ chúa Chiêm Thành Bí Cai và ba người phi tần ở kinh sư. Sai sứ đi tìm những người Chiêm ở kinh thành từ trước trao cho tả hữu của vua Chiêm và các hàng trong nước Chiêm cho về nước.” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Khi Lê Thánh Tông lên ngôi là bắt đầu quá trình vận động Nam tiến và mở rộng lãnh thổ vô cùng mạnh mẽ hiếm có của Đại Việt. Có lẽ với tầm nhìn xa và hùng tài đại lược của mình, Thánh Tông muốn dùng hết sức đặt nền tảng cho con đường sống còn duy nhất của dân tộc cho muôn đời sau vậy.Người Chăm Pa cũng hiểu được đại thế của họ đã mất, nên cũng chỉ còn 1 con đường tử chiến mà thôi, dẫu biết sức lực không còn bao nhiêu nhưng cũng chỉ có 1 con đường đó mà thôi.
“Canh Dần, Hồng Đức năm thứ 1 [1470] Tháng 8, quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hoá. Tướng trấn giữ biên thuỳ ở châu Hoá là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cáo cấp.
Ngày mồng 6, vua xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành.
Hôm ấy, sai Thái sư Lân quận công Chinh lỗ tướng quân Đinh Liệt, Thái bảo Kỳ quận công Chinh lỗ tướng quân Lê Niệm đem thủy quân 3 phủ vệ Đông, Nam, Bắc đi trước. Ban hành 24 điều lệnh đánh Chiêm Thành trao cho các quân doanh và các vệ ty Cẩm y, Kim ngô, Thần vũ, Điện tiền.
Ngày 16, vua thân hành dẫn quân đại quân tiến tiếp sau. Sai bọn Tả đô đốc Lê Huy Cát, Hữu đô đốc Lê Cảnh Huy ở lại kinh giữ nước.
Tân Mão, [Hồng Đức] năm thứ 2 [1471] Tháng 2, ngày mồng 5, Trà Toàn sai em là Thi Nạivà 6 viên đại thần đem 5.000 quân và voi, ngầm đến sát dinh vua.
Ngày mồng 6, vua bí mật sai bọn Tả du kích tướng quân Lê Hy Cát, Hoàng Nhân Thiêm và bọn Tiền phong tướng quân Lê Thế, Trịnh Văn Sái đem hơn 500 chiếc thuyền, 3 vạn tinh binh, ban đêm ra cửa Áp và cửa Tọa vượt biển gấp, bí mật tiến vào cửa biển Sa Kỳ dựng lũy đắp thành để ngăn chặn lối về của giặc. Người Chiêm Thành không biết gì về việc này.
Ngày mồng 7, vua tự mình dẫn hơn 1.000 chiếc thuyền, hơn 70 vạn tinh binh ra hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa dựng cờ thiên tử, đánh trống hò reo mà tiến.
Trước đó, vua đã bí mật sai bộ binh tướng quân Nguyễn Đức Trung dẫn bộ binh ngầm đi đường chân núi. Tướng giặc trông thấy ngự doanh thì tan vỡ, giày xéo lẫn nhau chạy về Chà Bàn. Chạy đến núi Mộ Nô, bỗng thấy quân của bọn Hy Cát đã chặn đường về, giặc cuống cuồng sợ hãi, chạy rẽ ngang trèo qua chân núi cao, xác người, ngựa và đồ quân tư đầy núi đầy đường. Bọn Lê Niệm, Ngô Hồng tung quân ra đánh, chém được 1 viên đại tướng giặc, còn thì đều sợ hãi tan chạy cả.
Bấy giờ, vua đến Mễ Cần, tung binh tiến đánh, chém được hơn 300 thủ cấp, bắt sống hơn 60 tên. Trà Toàn nghe tin em mình thua chạy, rất sợ hãi, sai người thân tín mang biểu tới xin hàng. Vua cũng sai sứ đi lại không ngớt.
Ngày 27, vua tự mình đem đại quân đánh phá thành Thi Nại, chém được hơn 100 thủ cấp.
Ngày 28, vua tiến vây thành Chà Bàn.
Ngày 29, đến sát chân thành vây thành mấy vòng.
Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được [62b] thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Chia cắt Chăm Pa, làm thành rễ sâu gốc vững ở miền Nam
Sau khi tiêu diệt Chăm Pa, Lê Thánh Tông sáp nhập 1 phần lãnh thổ của họ vào nước ta. Một vị tướng của Chăm Pa chạy thoát về phía Nam lập lại nước Chăm Pa ở Phan Rang, phần còn lại của nước Chiêm thì Lê Thánh Tông thì chia làm 2 nước nhỏ hơn để khống chế. Các nước ở phía Tây nghe tin quân Việt đại thắng đều đến tiến cống. Lần chiến thắng và cắt đất này của Lê Thánh Tông chính là đã khiến cho thế lực Đại Việt hoàn toàn đứng vững chân ở vùng đất phía Nam, tạo tiền đề cho các triều đại sau thuận lợi mở rộng thêm lãnh thổ.
“Sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng của hắn là Bố Trì Trì chạy đến Phiên Lung, chiếm cứ đất ấy, xưng là chúa Chiêm Thành, Trì Trì lấy được 1 phần 5 đất của nước Chiêm, sai sứ sang xưng thần, nộp cống, được phong làm vương. Vua lại phong vương cho cả Hoa Anh và Nam Bàngồm 3 nước để dễ ràng buộc.
Tháng 6, lấy đất Chiêm thành đặt làm thừa tuyên Quảng nam và vệ Thăng Hoa.
Đặc chức Án sát sứ ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty ở Quảng Nam.
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Long mạch Đại Việt đến Lê Thánh Tông lấy thêm đất Quảng Nam và Thăng Hoa thì vượng khí đã ngày càng mạnh, con đường Nam tiến ngày càng tươi sáng, đã chuẩn bị sẵn sàng cho triều đại sau đó có người Đại đức hoàn tất vậy.
Lời bàn:
Thời Trần suy vi từ lúc các vua không còn quan tâm đến chuyện tu hành, Thiện niệm rời xa dân chúng. Rồi nhà Hồ chỉ thích dùng bá đạo trị quốc, ngông cuồng đến nỗi phải mất nước 20 năm. Cái hại của việc nhân tâm suy đồi, rời xa Vương đạo quả thật là to lớn thay.May nhờ phúc trạch con cháu Long quân cũng còn đó, mà cõi Nam này cũng là một phần đất quan trọng nên Trời mới cho Lê Thái Tổ khởi binh thu phục giang sơn.
Một nhúm quân nhỏ lúc mới khởi nghĩa lại có thể đánh bại một đế quốc sừng sỏ thế giới đang ở thời kỳ đỉnh cao, âu cũng là một Thần tích mà Trời muốn cho chúng nhân thấy để quy chính lòng người hướng Thiện mà tu tâm. Nhưng triều Lê tuy rất thành công trong việc Nam tiến và mở rộng lãnh thổ nhưng các vua lại không quy chính được nhân tâm đi cho đúng với Thiên ý, vì vậy mà mấy trăm năm trị vì khiến dân chúng không ngớt cái nạn binh đao, thật đáng tiếc thay.
Đông Phong
(Còn tiếp)