Truyền kỳ về 18 đời vua Hùng (2): Lạc Long Quân và thần tích con Rồng cháu Tiên
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba mùng Mười”
Tiếp theo Phần 1: Những dấu ấn của thần triển hiện ở cõi Nam.
Thời đại Văn Lang với nền văn hiến rực rỡ gần 5.000 năm trong huyền sử luôn là niềm tự hào của dân tộc ta. Những nghiên cứu gần đây nhất với những sử liệu cổ xưa và các hiện vật còn sót lại được khai quật, chúng ta đều biết rằng nền văn hiến Văn Lang của người Lạc Việt ấy là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên niên đại của các vua Hùng và triều đại kéo dài suốt 26 thế kỷ của họ vẫn còn gây nhiều tranh cãi khi các học giả cho rằng chỉ có 18 vị vua không thể nào cai trị suốt 2.600 như thế, vì tuổi thọ của con người không bao giờ dài mấy trăm năm. Vậy phải chăng sự tích các vua Hùng cần phải có lý giải khác khả tín hơn chăng?
May mắn thay, chúng ta gần đây đã tìm lại được những Thần phả cổ xưa nhất của dân tộc về thời đại huyền thoại của vua Hùng. Có lẽ thông qua những Thần phả này ta có thêm được nhiều manh mối khả dĩ sáng tỏ được nhiều điều bí ẩn về tổ tiên dân tộc mình, để lý giải được sự trường tồn của 1 triều đại huy hoàng nhất đã vùi sâu trong cát bụi thời gian.
Phần 2: Lạc long quân và thần tích con rồng cháu tiên
Tuy Kinh Dương Vương là vua đầu tiên của phương Nam, nhưng chính con của ông là Lạc Long Quân húy Sùng Lãm mới là vị Hùng Vương nổi tiếng nhất, là vị vua tu luyện đắc Đạo và vị Thần cổ xưa đầu tiên khai sinh ra dòng giống Bách Việt và định lãnh thổ cho quốc gia Văn Lang thời cổ đại. Dân ta tự hào mình là dòng giống Con Rồng cháu Tiên là nhờ ơn của Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ vậy.
Trăm trứng nở trăm con, khai sinh dòng Bách Việt
Long Quân lên nối ngôi, đổi hiệu là Hùng Hiền vương, trở thành vị vua đầu tiên của triều đại Hùng Vương của quốc gia Văn Lang. Nhân duyên trời định đã đưa đến cho ông một người vợ vốn gốc Tiên để khai mở ra dòng giống Bách Việt sau này. Người vợ này chính là Âu Cơ, tổ mẫu của dân tộc ta. Sau khi về làm vợ Lạc Long Quân, Âu Cơ đã sinh ra cho ông những người con trai một cách thần kỳ mà sự tích còn lưu truyền đến ngày nay.“Bấy giờ có con gái của Đế Lai tên là Âu Cơ về sống ở quê mẹ tại động Lăng Sương huyện Thanh Nguyên châu Đà Bắc (nay đổi làm sách Lăng Sương huyện Bất Bạt). Một hôm Âu Cơ đi chơi ở châu Trường Sa, gặp khi vua đi tuần thú ở Đà Giang. Vua thấy Âu Cơ dung nhan xinh đẹp, rất vừa ý, bèn lấy làm vợ, lập làm Hoàng phi.
Bấy giờ nàng Âu Lạc (tức Âu Cơ) có thai đã 3 năm 3 tháng 10 ngày, mây ngũ sắc sáng bừng đầu núi Ngũ Lĩnh. Giờ ngọ ngày 25 tháng 12 năm Giáp Tý cái thai trong bụng Âu Cơ chuyển động, đến giờ ngọ ngày 28 khắp nhà hương thơm tỏa nức, ánh sáng lóe lên trong trướng, hoàng phi Âu Cơ sinh ra một bọc màu trắng như ngọc. Khi hoàng phi mới sinh, hương lạ thơm nức khắp núi Nghĩa Lĩnh và cả vùng đất tổ Phong Thứu, Ngọc Lĩnh, Liên Trì (đầm sen).” (Hùng Vương ngọc phả)
Thần tích triển hiện, Thượng đế ban ân
Vốn là một đế vương anh minh và vô cùng tôn kính Thần linh, khi đứng trước dị tượng lúc con mình sinh ra, Hùng Hiền Vương đã nhanh chóng tổ chức triều thần để làm lễ chầu lạy Thượng đế, mong Ngài chỉ bảo việc lành dữ. Thể theo lòng thành của Hiền Vương, Thượng đế đã giáng chỉ và triển hiện thần tích cho toàn thể nước Nam, chúc mừng vị chân mệnh đế vương khai mở triều đại, ban cho Ngài tất cả những thần khí sắc chỉ và vinh dự được truyền thừa triều đại dưới sự bảo hộ của Thiên thượng.
“Hiền vương thấy hoàng phi sinh tú bào hết sức dị thường , cổ kim thiên hạ chưa từng thấy. Người trong nước lấy làm lạ. Vua bèn triệu hội bách quan văn võ triều thần đến chầu ở chính điện. Giờ ngọ hôm ấy ba tiếng trống lệnh rung trời chuyển đất vang lên giữa không trung trong thành nội, núi sông cây cỏ muôn vật đều phải kinh hoàng, mây lành ngũ sắc sáng bừng khắp ba ngàn thế giới. Muôn chim bay chầu trên chính điện, dưới núi làn nước tung sóng cuộn dâng. Trăm kình nghê muông thú, muôn vật cá tôm gội gió mưa về chầu cống. Vua thấy quốc gia có điềm lành kỳ lạ, bèn xuống chiếu cho bá quan văn võ sửa sang áo mũ trai giới tịnh khiết đến tề tựu ở điện Kính Thiên đèn hương phụng hầu chầu lạy Hoàng thiên thượng đế.
Ngày hôm ấy vào giờ Thân bỗng thấy một áng mây xanh từ phía Tây bay đến hội ở sân rồng điện Kính Thiên, rồi bốn vị thiên tướng hiện ra rất kỳ lạ. Các vị tướng ấy cao hơn nửa trượng, đầu đội mũ hoa, mình mặc cẩm bào xanh, lưng thắt đai ngọc, chân đi hài sắt, nói cười đều loé hào quang lưỡi lửa. Rồi giữa các tầng mây hiện lên nhiều thiên quan thiên tướng. Ngọc Hoàng thượng đế xuống sắc:
‘Hiền chúa Nam Miên bọc rồng trăm trứng, nở ra trăm trai trị nước. Nay sai Tứ đại Thiên vương phù giúp bảo hộ. Vậy ban sắc này.’
Hiền vương sai truyền long bài truyền các quan văn võ ngước lên trời cao vái vọng, rồi lạy tạ Thiên vương. Thiên vương nói: Bào ngọc trăm trứng, rồng lành giáng sinh.
Thiên sứ báo cho Hiền vương đặt chiếu sắc của Ngọc hoàng Thượng đế lên chiếc mâm vàng đem đến ngôi chùa cổ ở núi Viễn Sơn, chuyển cho Từ Sơn Thiên Quang hoà thượng ở ngọn Thứu Lĩnh (sau đổi là Thiên Quang thiền tự) lưu giữ ở trong chùa, chọn quan trai giới chầu hầu, đèn hương không ngớt. Đến ngày bào trứng nở ra, Hiền vương theo lời dặn của Tứ đại thiên vương chờ đợi các trứng tự nhiên biến hoá. Hiền vương thành tâm làm lễ cầu đảo lớn.
Thế là vào giờ ngọ ngày rằm tháng giêng trăm trứng an lành nở ra trăm con trai. Khắp Long thành đầy mây ngũ sắc, ánh lành tỏa rạng khắp nơi, hương trời thơm ngát bay tỏa khắp chốn núi sông. Trong khoảng một tháng các chàng trai không cần bú mớm mà lớn bật lên như người trưởng thành, tướng mạo phương phi, dáng hình kỳ tú, thân cao ba thước bảy tấc, cái thế anh hùng.
Hiền vương triệu phi tần sáu cung đến phát các tấm gấm lĩnh để khâu may 100 bộ áo mũ cấp cho các chàng trai. Trong một ngày các cung nữ được ba lần cười vui, thường lấy hoa sen, lá sen trên hồ đem đến tặng cho các chàng trai. Được một trăm ngày, các chàng trai đã lớn, nhưng không biết nói, chỉ biết cười. Đúng trăm ngày, vào giờ Thìn ngày 20 tháng 7 cả trăm chàng trai đều cười vang, nói lớn:
Trời sinh bậc thánh,
Trị nước sinh vua.
Thanh bình bốn biển,
Thiên hạ vững yên.
Thế là một trăm hoàng tử đều đến trước sân rồng ở điện Kính Thiên. Bỗng thấy một áng mây ngũ sắc từ trên không bay sà xuống sân rồng. Hiền vương thấy 8 vị thiên tướng đầu đội mũ đồng, mình mặc áo bào giáp sắt, chân đi hia bạc, lưng thắt khăn rồng quá độ, tướng mạo sang quý sáng láng, mắt sáng như sao, miệng nhả hào quang hỏa khí, tay cầm thần kiếm linh trượng, chày ngọc búa sắt, dàn hàng đứng hai bên tả hữu chờ lệnh. Bỗng không trung biến hóa, nhất thời mưa gió nổi lên, mây mù vờn bay vây quanh chính điện trên núi Nghĩa Lĩnh. Trong khoảnh khắc núi non mất hình, sông suối tràn dâng, không ai lường được chuyện gì xảy ra. Sau khoảng ba giờ (nửa ngày) bầu trời lại tạnh sáng. Đó là 8 vị thiên tướng gọi là Bát bộ Kim Cương vâng sắc chỉ của Chư Phật ở Thượng thiên sai xuống hộ vệ 100 vị hoàng tử. Nay các hoàng tử đã trưởng thành đôn hậu minh mẫn, tám tướng phụng sai đưa các hoàng tử đến lạy mừng vua cha trị bình trong nước.
Tâu xong các các thiên tướng biến hóa bay về trời, ban cho Hiền vương một lệnh long bài, một quả bảo ngọc thần ấn, một hòn ngọc trắng, một thanh kiếm thần, một quyển Thiên thư (sách trời), một chiếc thước ngọc, một chiếc mâm vàng, tất cả đều đặt trong chính điện. Hiền vương vâng mệnh đón nhận, coi đó là điềm lành lớn trời ban để trị yên thiên hạ.”(Hùng Vương ngọc phả)
Phân phong thiên hạ, định cõi trị vì
Tuy đã có trăm con trai uy vũ phi phàm, thiên tư trác tuyệt, nhưng việc phân định danh phận chức tước trong triều đình cho họ thì lại là việc không hề dễ dàng. Vì thế Lạc Long Quân một lần nữa phải nhờ đến sự giúp đỡ của Thần Phật.
“Bấy giờ vua lên đàn tràng khấn lễ cầu đảo lớn. Vua vừa cầu khấn xong, tự nhiên có cảm ứng, có vị thần ở phương Tây tới. Bỗng thấy một ông già râu tóc bạc phơ đầu đội mũ Phật gấm lĩnh, mình mặc áo vải nhuộm nâu, chân đi hia, tay cầm gậy tre ra chơi chùa Hoa Long ở thôn Việt Trì huyện Bạch Hạc. Ông già rửa chân bên sông rồi ngồi nghỉ trên tảng đá phẳng trên con sông gọi là sông Nhị Hà. Hôm ấy có triều quan là Nguyên suý tiết chế tướng quân trấn thủ đô thành Phong Châu đang ngồi trên ngôi lầu bên sông. Quan Nguyên suý trông thấy ông Tiên đang xem phong thuỷ, cúi đầu nhìn xuống đáy sông, một chân ghếch lên tảng đá hình lưng rùa (Đá lưng rùa ở thôn Việt Trì huyện Bạch Hạc; chùa Hoa Long ở bên bờ sông. Nay dấu tích ông Tiên hãy còn). Quan trấn thủ bèn mời cụ già đến hỏi chuyện. Quan đem hết chân tình quốc sự bộc bạch với cụ già, mở tiệc khoản đãi rồi mời ông về điện vua trên núi Nghĩa Lĩnh. Triều quan vào tâu vua. Vua thân hành ra mời cụ già vào cung mở tiệc chúc mừng. Hiền vương hỏi:
– Tiên ông từ đâu đến ngao du phong cảnh ở đây? Nay trong nước có chuyện lạ, nhờ Tiên ông chỉ giáo cho.
Tiên ông ha hả cười vang. Hiền vương vẫn đứng nói chuyện, hỏi Tiên ông:
– Trẫm có điềm lành sinh được trăm con trai trí tuệ thông minh thì tất cả đại khái cũng như nhau, cho nên khó đặt định danh hiệu vị thứ, cũng không biết ai anh ai em. Kính nhờ Tiên ông đặt tên, định thứ bậc giúp cho.
Tiên Ông đáp:
– Ta sinh ở thời Hoàng Đế, theo học đạo Phật, ngao du nơi hải ngoại càn khôn. Trong ba ngàn thế giới ta thích đến nước Nam Miên ngắm xem phong thuỷ. Vua cho mời ta đến đây, ta có một quyển sách thần có thể bói xem mọi việc trong thiên hạ, gọi tên các vị Tiên. Huống chi quốc gia đã có thành tâm lập đàn cầu đảo, đã cầu tất ứng. Xin nhà vua thành tâm để lão vận trù một quẻ hỏi xem tiền định thế nào?
‘Tiên Ông bèn xem mặt các hoàng tử, phân định thứ bậc anh em. Đoạn Tiên ông lấy bút giấy ra đặt tên cho một trăm hoàng tử. Viết xong, Tiên ông đặt tờ giấy lên chiếc mâm vàng. Để phân định thứ bậc anh em, Hiền vương lại gọi 100 hoàng tử đến hội ở chính điện để nhận tên đã ghi trong sách. Mọi người đồng thanh cần phải có bậc huynh trưởng đứng đầu. Rồi mọi người lại chia xếp thành hai hàng đối nhau đợi lệnh. Một người được gọi tên được lập làm Vương trừ thái tử (Thái tử nối ngôi vua), còn 99 người khác lần lượt đến trước mâm vàng nhận danh hiệu được ban. Từ đó thứ bậc anh em phân định rõ ràng, ai nấy đều vui. Xếp đặt mọi việc đã xong, Tiên ông tự nhiên biến hoá về trời. Hiền vương sai các quan thường xuyên đến chùa Từ Sơn Thiên Quang Hoà thượng cầu Phật ứng hộ.
Vương trừ Thái tử tục danh là Hùng Lân sau đổi là Hùng quốc vương. Các con thứ có tên là Xích Lang, Quỳnh Lang, Mật Lang, Thái Lang, Vĩ Lang, Huân Lang, Yến Lang, Tiêu Lang, Diệu Lang, Tĩnh Lang, Tập Lang, Ngọ Lang, Cấp Lang, Tiếu Lang, Hộ Lang, Thục Lang, Khuyến Lang, Chiêm Lang, Vân Lang, Khương Lang, La Lang, Tuần Lang, Tán Lang, Quyền Lang, Đường Lang, Kiều Lang, Dũ Lang, Ác Lang, Hãn Lang, Liệt Lang, Ưu Lang, Nhiễu Lang, Lý Lang, Thế Lang, Dạng lang, Tróc Lang, Sát Lang,Cốc Lang, Nhật Lang, Sái Lang, Chiểu Lang, Điềm Lang, Kiềm Lang, Trường lang, Thuận Lang, Tẩm Lang, Thai Lang, Triệu Lang, Ích Lang, gồm 50 trai theo lệnh cha. Hương lang, Thiêm Lang, Thận Lang, Văn Lang, Vũ Lang, Linh Lang, Tịnh Lang, Hắc Lang, Quản Lang, Cao Lang, Tế lang, Mã Lang, Chiếu Lang, Khang Lang, Chỉnh Lang, Đào Lang, Nguyên Lang, Miên Lang, Xuyến Lang, Yêu Lang, Thiếp Lang, Bái Lang, Tài Lang, Trừng Lang, Triệu Lang, Cố Lang, Lưu Lang, Lộ Lang, Quế Lang, Diêm Lang, Huyền Lang, Nhĩ Lang, Tào Lang, Nguyệt Lang, Sâm Lang, Lâm Lang, Triều Lang, Quán Lang, Canh Lang, Thải Lang, Lôi Lang, Thấu Lang, Việt Lang, Vệ Lang, Mãn Lang, Long Lang, Trình Lang, Tuấn Lang, Tòng Lang, Thanh Lang, gồm 50 trai theo lệnh mẹ.
Từ đó các hoàng tử đều đã có tên gọi, trưởng thành phương trưởng, ngồi chính tọa ở triều đường, vị thứ xếp trên các quan. Hiền vương bèn phong hầu riêng cõi, chia nước làm 15 bộ:
Một là Sơn Tây, hai là Sơn Nam, ba là Hải Dương, bốn là Kinh Bắc, năm là Ái Châu, sau là Hoan Châu. bảy là Bố Chánh, tám là Ô Châu, chín là Ai Lao, mười là Hưng Hoá, mười một là Tuyên Quang, mười hai là Cao Bình, mười ba là Lạng Sơn, mười bốn là Quảng Tây, mười lăm là Quảng Đông.” (Hùng Vương ngọc phả)
Lên rừng xuống biển, quốc tộ vĩnh truyền
Việc nước sau khi phân phong đã tạm yên, nhưng để cho việc nước yên ổn lâu dài, Lạc Long Quân đã tính đến việc chia các con ra khắp nơi từ trên rừng xuống dưới biển, chia nhau cai trị, bảo vệ bờ cõi và tạo phúc cho muôn dân. Quả thật là một kế sách vẹn toàn, mở ra tương lai vững chắc cho toàn quốc gia. Thời Long Quân trị vì nước Văn Lang vô cùng thái bình thịnh trị suốt mấy trăm năm.
“Trước đó Long Quân nói với Âu Cơ rằng:
– Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, giống loài không hợp nhau, chung sống với nhau thực cũng khó. Vì thế ta phải lìa nhau thôi. Chia 50 con theo cha về biển, làm Thủy tinh. Chia 50 con theo mẹ về núi, làm Sơn tinh, làm hiển rạng cho các vương tử, trấn ngự khắp các vùng núi biển, đều là với danh nghĩa thần thuộc. Vua bèn đặt quan văn gọi là Lạc hầu, đặt tướng võ gọi là Lạc tướng; các vương tử gọi là Quan Lang vương, các vương nữ (công chúa) gọi là Mị Nương. Các quan hữu ti gọi là Bồ Chính.
Thời bấy giờ trên chính nhân luân, dưới hậu phong hoá, thi hành việc gì ai cũng được thích nghi. Vua vì thế được rũ áo khoanh tay, hòa mục trong chốn cửu trùng. Dân nhờ thế được đào giếng cấy ruộng, vui sống ở nơi thôn dã. Không một người dân nào bị xua đuổi không chốn sinh cư, không một vật nào không được yên bề nuôi dưỡng. Công thành trị định, đứng đầu so với các tiên vương, dẫu là phong hóa của thời thái cổ cũng không sánh kịp.”
Hùng Hiền vương hưởng nước dài lâu, đời đời cha truyền con nối, đều gọi là Hùng Vương. Ngọc lụa xe thư, núi sông một mối. Đó là Thuỷ tổ của Bách Việt. Hiền vương ở ngôi bốn trăm năm, sau về biển, hoá sinh bất diệt, trở thành Tiên, làm Động Đình đế quân.”(Hùng Vương ngọc phả)
Thần thông đại hiển, bảo hộ quốc gia
Lạc Long Quân không những là một vị Hùng Vương nổi tiếng nhất, Ngài còn là một vị thần bảo hộ cho dân tộc Việt Nam từ thời thượng cổ. Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi! Sao không lại cứu chúng tôi!”. Long Quân tới ngay, sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi. Các Thần tích mà Ngài vì dân trừ hại đến nay vẫn được ca tụng lưu truyền đến ngày nay.
Diệt Ngư tinh
“Ở biển Đông có con tinh ngư xà (còn gọi là Ngư Tinh) dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa vạn trạng, linh dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm như mưa, lại ăn được thịt người nên ai cũng sợ.Thuở ấy có hòn đá Ngư Tinh, răng đá lởm chởm cắt ngang bờ bể, ở dưới đá có hang, Ngư Tinh sống ở trong đó. Vì sóng gió hiểm trở, không có lối thông, dân muốn mở một đường đi khác nhưng đá rắn khó đẽo. Thuyền của nhân dân đi qua chỗ này thường hay bị Ngư Tinh làm hại. Đêm kia có bọn người tiên đục đá làm đường đi để cho hành nhân có chỗ qua lại. Ngư Tinh bèn hóa làm con gà trắng gáy ở trên núi. Quần tiên nghe tiếng ngỡ rằng đã rạng đông bèn cùng bay lên trời.
Lạc Long Quân thương dân bị hại bèn hóa phép thành một chiếc thuyền của thường dân, hạ lệnh cho quỷ Dạ Thoa ở Thủy Phủ cấm hải thần nổi sóng, rồi chèo thuyền đến bờ hang đá Ngư Tinh, giả cách cầm một người sắp ném vào cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng định nuốt. Long Quân cầm một khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá. Ngư Tinh chồm lên quẫy mình quật vào thuyền. Long Quân cắt đứt đuôi cá, lột da phủ lên trên núi nay chỗ đó gọi là Bạch Long Vĩ, còn cái đầu trôi ra ngoài bể biến thành con chó. Long Quân bèn lấy đá ngăn bể rồi chém nó. Nó biến thành cái đầu chó, nay gọi là Cẩu Đầu Sơn. Thân trôi ra ngoài Mạn Cầu, chỗ đó nay gọi là Mạn Cầu Thủy (còn gọi là Cẩu Đầu Thủy)”. (Lĩnh Nam Chích Quái)
Diệt Hồ tinh
Thành Thăng Long xưa hiệu là Long Biên, hồi thượng cổ không có người ở. Vua Thái Tổ nhà Lý chèo thuyền ở bến sông Nhị Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, cho nên đặt tên là Thăng Long rồi đóng đô ở đấy. Xưa ở phía tây thành có hòn núi đá nhỏ, phía đông gối lên sông Lô Giang. Trong hang, dưới chân núi, có con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu quái, thành người hoặc thành quỷ đi khắp nhân gian. Con cáo chín đuôi biến thành người áo trắng nhập vào giữa đám dân Mán cùng ca hát rồi dụ dỗ trai gái trốn vào trong hang núi. Người Mán rất khổ sở. Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ thủy phủ dâng nước lên công phá hang đá. Cáo chín đuôi bỏ chạy, quân thủy phủ đuổi theo, phá hang bắt cáo mà nuốt ăn. Nơi này trở thành một cái vũng sâu gọi là “đầm xác cáo” (tức Tây Hồ ngày nay). Sau lập miếu (tức Kim Ngưu Tự) để trấn áp yêu quái. Cánh đồng phía Tây Hồ rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn, nay gọi là Hồ Đỗng (hang cáo). Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở nay gọi là Hồ Thôn (thôn Cáo). Chỗ hang cáo xưa, nay gọi là Lỗ Khước Thôn.” (Lĩnh Nam Chích Quái)
Sau này đến thời Hùng Vương thứ sáu không tín Thần, làm nhiều điều sai phạm nên Trời giáng ngoại xâm. Sau khi Hùng Vương hối lỗi, Long Quân cũng hiện thân chỉ cho vua đi tìm Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc cứu nước.
Long Quân còn dạy cho dân chúng cách ăn ở sinh sống cùng các phong tục tập quán tốt đẹp lưu truyền đến nay. Ngài cũng có thể coi là thủy tổ của nền văn minh Thần truyền cho dân Văn Lang vậy.
“Dân ở rừng núi xuống sông ngòi đánh cá, thường bị giao long làm hại nên bạch với vua. Vua bảo rằng:
– Ở núi là loài rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm hại.Bèn khiến lấy mực châm hình trạng thủy quái ở thân thể, từ đó tránh đượcnạn giao long cắn hại; cái tục văn thân của Bách Việt thực khởi thủy từ đấy.Ban đầu quốc dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm; lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây soa đồng làm bánh; lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cày, lấy nước cấy; đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm, gác cây làm nhà để tránh nạn hổ lang; cắt ngắn đầu tóc để tiện vào rừng núi, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm; nhà có người chết thì giã cối gạo để cho hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp; trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu để làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới tương thông; lúc bấy giờ chưa có trầu cau nên phải thế”. (Lĩnh Nam Chích Quái)
Lời bàn:
Ngài là giống Rồng, kết hôn với Tiên nhân mà sinh ra dân Bách Việt. Sự kết hợp hoàn hảo của Rồng Tiên, giữa cao quý và bản lĩnh đến nay vẫn luôn là niềm tự hào và gắn kết gần trăm triệu dân Nam. Dẫu qua nhiều năm tháng đằng đẵng vinh nhục lên xuống, nhưng một niềm tin và cội rễ văn hóa thâm sâu vẫn giữ cho chúng ta tiếng nói và dáng hình của con dân Lạc Việt như hôm nay. Nếu không phải đại công đức, tinh hóa văn hóa của Long Quân di lưu lại từ xưa thì sao có thể làm đến như vậy. Vĩ đại thay đức Long Quân.
Minh Bảo