Lý Thường Kiệt (P9): Quyết tử vì Thăng Long, phục kích tiêu diệt
Nhà Lý mới quyết định “tiên phát chế nhân”, đánh thẳng qua Khâm Ung để tranh thủ thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến lớn hơn với Tống sau này.
P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8
Chiến thắng trên đất Tống càng huy hoàng bao nhiêu thì sức lực mà Tống dồn cho trận đòn thù lên nước ta càng khủng khiếp bấy nhiêu. Cuộc chiến xâm lược do nhà Tống phát động và kết thúc với trận tử thủ Như Nguyệt là một trận chiến bất đối xứng và không hề có đường lui, cũng như không được phép thua. Dẫu cho chúng ta cuối cùng cũng dành chiến thắng, nhưng sự hy sinh anh dũng của vô số các danh tướng tài năng và những đoàn quân tinh nhuệ đã khiến cho chiến tích này trở nên vô cùng bi thương và mất mát. Các vị anh hùng tiền bối đã dùng máu xương của mình mà tô vẽ núi sông này để lại cho con cháu vậy. Quả thật là:
“Ba xứ non sông một dải liềnMáu đào xương trắng điểm tô nênCơ trời dù đổi trò tang hảiMặt đất chưa tàn nghiệp tổ tiênCó nước có dân đừng rẻ rúngMuốn còn muốn sống phải đua chenGiật mình nhớ chuyện nghìn năm cũChiêm, Lạp xưa kia vốn chẳng hèn” -Nhượng Tống
Giai đoạn hai: Quyết tử vì Thăng Long, phục kích tiêu diệt
Thăng Long bị uy hiếp, kỵ bộ cùng tiến quân
Quân Tống chiếm được lũy Như Nguyệt nhưng do thương vong quá nặng nề, chỉ có kỵ binh là còn nguyên vẹn, các đạo binh khác cần có thời gian để bổ sung và tái tổ chức. Quách Quỳ bèn ra lệnh cho tướng Trương Thế Cự dẫn 1 vạn quân kỵ này tiến nhanh về công phá Thăng Long với mục tiêu là thị uy gây áp lực cho quân Lý và chờ khi đại quân đến mới công thành. Quỳ còn cẩn thận sai thêm Miêu Lý, Lưu Mân, Đặng Trung dẫn thêm 5 vạn bộ binh tiến tiếp theo sau chân kỵ binh để đánh dẹp các phòng tuyến còn lại, bắt thêm người Việt làm dân phu. Ngoài ra, cánh quân Tống của Yên Đạt sau khi đột phá trận tuyến Phú Lương còn 3 vạn quân triều cộng với bảo binh dân phu gần 11 vạn sẽ cùng quân của Quách Quỳ hai mặt giáp công. Tổng cộng gần 20 vạn quân bộ kỵ sẽ cùng tiến như nước lũ về phòng tuyến Cổ Pháp. Nếu Cổ Pháp mà bị đánh hạ, Thăng Long sẽ mất trong sớm tối.
Trận Cổ Pháp đầu tiên, tranh hùng nơi đồng lầy
Đạo quân do Trương Thế Cự rầm rập phi nhanh về Thăng Long nhưng gặp phải mai phục khiến cho bị thiệt hại nặng về người và ngựa, chỉ còn mấy nghìn quân nguyên vẹn đành phải xuống ngựa chờ Miêu Lý và đạo bộ binh đến hội quân cùng tấn công các tuyến phòng vệ trên đường tới Thăng Long. Các chiến binh trong đạo quân công Thăng Long do danh tướng Miêu Lý dẫn đầu toàn là những người dày dặn kinh nghiệm trên chiến trường Tây Bắc với Liêu Hạ, tuy nhiên lần này là chiến trường đồng bằng ngập nước châu thổ sông Hồng đã đem đến cho họ một trải nghiệm kinh hoàng nhất trên đời. Quân Tống ở đây có gần 6 vạn quân, gấp 3 lần quân Việt, và kỳ lạ là đối thủ của họ nơi đồng lầy lần này là Thiên Ninh công chúa và các tướng dưới quyền nàng cùng hai hiệu Hồng Châu và đội quân hoàng nam ở địa phương mà thôi. Tuy nhiên kết quả chiến trận đã làm cho quân Tống phải ôm hận. Trận quyết chiến khốc liệt nơi làng quê bùn lầy này đã đi vào lịch sử.“Ba tiếng trống lệnh vang lên. Hơn sáu vạn quân tinh nhuệ của Tống từng tung hoành trên sa mạc Tây thùy, Bắc thùy, rời khu đất khô ở nghĩa địa tràn xuống ruộng. Còn ngựa không thể lội bùn phải để lại trên bãi đất. Quân dẫm lên lúa, bùn chỉ tới mắt cá. Nhưng đây là những đội quân sinh sống ở sa mạc đã quen, bây giờ lội bùn lên tới dầu gối đã lấy làm khó khăn, chứ đừng nói vận động chiến. Người thì rút chân lên không nổi, kẻ thì ngã xuống, bùn nước ướt hết quân phục. Lại nữa quân phải mang theo y phục, chăn, màn, cung, tên, đao, mộc, thuẫn, quá nặng. Nhiều người bị lún tới háng đứng như trời trồng, đồng đội phải xách nách lôi ra khỏi hố.Các tướng cho lệnh: – Chỉ mang theo vũ khí tùy thân. Còn lại, để trên bãi đất. Từ nghĩa trang tới bờ chiến lũy không quá hai dặm (1 km) mà quân lội ỳ ạch mãi mới được nửa đường. Khi quân còn cách chiến lũy một lằn tên, thì cờ lệnh phất lên, ra hiệu dừng lại, chuẩn bị hàng ngũ để xung phong.Trong chiến lũy vẫn im lìm. Đứng trên mỏm đất cao quan sát trận tuyến, Miêu Lý thấy trận thế bên Tống đã xong. Y dơ tay ra lệnh. Ba chiếc pháo thăng thiên tung tung lên trời, rồi nổ tan. Quân Tống reo hò xung phong. Người thì bước những bước khó khăn, kẻ thì ngã, nhưng rồi tất cả chỉ còn cách bờ chiến lũy 20 trượng.
Vũ Quang nhảy lên mình ngựa phi về hướng Thăng-long. Giữa lúc trận chiến nghiêng ngửa chưa phân thắng bại, thì lại năm trái Lôi tiễn nổ trên không. Tiếp theo Lôi tiễn nổ liên tiếp ở khu rừng tre phía hậu quân Tống, lửa cháy ngụt trời. Bất giác chư tướng Tống cùng quay đầu nhìn lại: Suốt một giải rừng tre, cờ Việt bay phất phới, quân reo dậy đất. Kỵ binh Việt đang phi như bay đuổi theo mười hai kị mã Tống nằm rạp xuống, ra roi cho ngựa chạy. Miêu Lý kinh hoàng, vội lệnh cho quân rút khỏi chiến lũy. Lệnh vừa ban ra, quân sĩ ùn ùn bỏ chạy, bỏ cả lá chắn. Bấy giờ quân Việt mới xuất hiện truy kích. Tống bỏ lại tử sĩ, thương binh la liệt trong chiến lũy; chồng chất trên bờ chiến lũy, dưới con hào, và trên những thửa ruộng đầy nước.Quân Tống rút ra khỏi tầm tên quân Việt, tập trung lại trên các bờ ruộng, trên nghĩa địa, thì đội kỵ binh Việt lại biến mất trong rừng tre.
Công chúa Thiên-Ninh gọi Mai Nhị: – Miêu Lý cho quân rút khỏi tầm tên, y đã tưởng được yên thân ư? Khó lắm. Em cho nã Lôi-tiễn lên đầu chúng, để chúng kinh hoàng. Lá cờ đỏ phất lên, tiếp theo những tiếng vi vu rít lên không gian, rồi hàng chục, hàng trăm mũi Lôi-tiễn nổ chụp trên đầu chỗ quân Tống tập trung. Mệt mỏi sau cuộc giao chiến thất bại, bây giờ bị Lôi tiễn nã. Quân Tống không còn lòng dạ chiến đấu, quẳng vũ khí chạy tán loạn ra cánh đồng, vượt khỏi tầm Lôi tiễn.Quân Tống thua cay phải rút chạy, nhưng quân Việt do quân số ít nên cũng gánh chịu những hậu quả nặng nề. Danh tướng Vũ Quang của Đại Việt cũng đã xả thân tại nơi chiến trận này.“Hổ Uy thượng tướng quân, Chính Tâm Hầu Vũ Quang bị thương ở cổ, Hầu nằm rạp trên lưng ngựa tay bịt vết thương, hướng về hậu cứ để điều trị. Vì máu ra nhiều quá, hầu không điều khiển được ngựa. Con thần mã quen đường, đưa hầu về ấp phong của hầu là xã A Hộ, huyện Lục Ngạn (Kinh-Bắc) thì ngừng lại. Gió lạnh làm hầu tỉnh giấc. Một thiếu phụ thấy ngài thì chắp tay: –Bẩm lạy đại vương ạ! Con nghe nói đại vương đang đánh giặc, sao lại về đây? –Ta bị giặc chém vào cổ. Này bà ơi! Người ta bị chém mất đầu có sống được không?– Bẩm, e không sống được. Hầu tuyệt vọng, buông vết thương trên cổ, máu phun ra như vòi, rồi ngã lăn xuống mình ngựa. Người đàn bà kinh hãi, tri hô lên. Dân chúng vực hầu vào đình cứu cấp, thì Hầu đã hóa”.
(Nam quốc sơn hà, Trần Đại Sỹ)
Các ghi chép trong gia phả của chính các bại tướng mới ghi lại những bình luận xác đáng nhất về trận chiến thê thảm này chứ không phải chính sử của cả Trung và Việt. Gia phả Lưu thị chép về Lưu Mân như sau:
“Thảm thương thay, những chiến binh Tống kinh nghiệm có thừa, võ nghệ cao cường, trung nghĩa không thiếu; suốt cuộc đời sống ở miền Bắc, luyện tập chiến đấu ở ở vùng sa mạc. Bây giờ bị bọn ngu tướng (chỉ Quách Quỳ, Triệu Tiết) đẩy vào vùng bùn lầy, lội nước lõm bõm; đi đứng xoay sở đã khó khăn, thì còn nói gì đến chiến đấu? Họ giống như người bị trói chân trói tay. Khổ cho họ, họ phải đối địch với đội quân Việt thiện chiến hơn, dược dưỡng sức nên khoẻ hơn, được nuôi ăn đầy đủ hơn; trong lòng lại quyết tử để bảo vệ sống còn cho đất nước. Tướng của họ lại biết lựa chọn địa thế, để diệt khả năng chiến đấu địch, tăng khả năng chiến đấu quân mình”. (Nam quốc sơn hà, Trần Đại Sỹ)
Gia phả của họ Đặng chép về Đặng Trung có hơi khác: “Tổ (Trung) tiến trước quân sĩ, đánh phá được chiến lũy Cổ Pháp, rồi kịch chiến với Hổ Uy thượng tướng quân, tước Thành Tâm Hầu tên Vũ Quang. Người giết được Quang, nhưng cũng bị trúng thương tuẫn quốc. Quách Quỳ cố che giấu việc tiến binh vụng về, nên không tâu rõ ràng trận đánh thất bại, vì quân triều phải lội qua bùn lầy lên tới gối. Còn quân Việt thì phục ở trong bắn ra”.
(Nam quốc sơn hà, Trần Đại Sỹ)
(Còn tiếp)
Minh Bảo