4 cổ trấn lưu giữ văn hóa truyền thống Trung Hoa
Trung Hoa có một nền văn hóa lâu đời và phong phú bậc nhất thế giới. Nền văn hóa nơi đây trải dài theo diện tích địa lý rộng lớn, đa dạng các dân tộc với phong tục và truyền thống cổ xưa. Nhưng vì sự phá hoại một cách có chủ đích của Trung Cộng, những di tích, truyền thống cổ xưa này đang dần mai một và bị phá bỏ.
May mắn là vẫn còn một số ngôi làng cổ lưu giữ văn hóa còn sót lại. Hãy cùng chiêm ngưỡng một số cổ trấn, được xây dựng với lối kiến trúc cổ kính độc đáo vẫn còn được lưu giữ cho tới ngày nay. Tại đây, chúng ta như được trở về thời xa xưa, sống chậm lại và tận hưởng một không gian thanh bình.
1. Tây Đường cổ kính
Đây là một thủy trấn điển hình của miền đông Trung Quốc, với chín con sông chảy qua chia thị trấn thành tám phần được nối với nhau bằng những cây cầu đá cổ, cả trấn có tới 27 cây cầu. Cổ trấn này có nền văn hóa lâu đời và lịch sử phát triển hơn một nghìn năm.
Lịch sử của trấn Tây Đường bắt đầu từ thời Xuân Thu khi nó nằm trên biên giới giao tranh của hai nước Ngô và Việt. Đây là nơi tướng Ngũ Tử Tư của nước Ngô đào một con kênh để quân binh của ông có thể tiếp tế lương thực ra chiến trường.
Về sau, con kênh này đã trở thành đường thủy giao thương giữa Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô. Qua thời gian, cư dân ở đây đã đào thêm rất nhiều kênh, tạo thành 122 con lạch nhỏ với những ngôi nhà được xây dựng trực tiếp trên mặt nước. Hầu hết việc giao thương và buôn bán đều diễn ra trên những con thuyền.
Dân gian nơi đây có câu: “Nước chảy thời Xuân Thu, thị trấn thời Đường – Tống, nhà cửa thời Minh – Thanh, và chỉ có con người là thuộc về thời nay”.
2. Bát Quái Gia Cát ‘đệ nhất kỳ thôn’
Làng Bát Quái Gia Cát (tên cũ là Cao Long) được lập nên từ năm 1340, thuộc địa phận thành phố Lan Khê, tỉnh Chiết Giang. Ngôi làng này còn được gọi với cái tên “Trung Quốc đệ nhất kỳ thôn” và được xây dựng theo “Bát Trận đồ” của Khổng Minh.
Theo lời kể, xưa kia, Gia Cát Đại Sư, cháu đời thứ 28 của Gia Cát Lượng đã chọn đây làm nơi an cư lạc nghiệp. Ông đã thiết kế nên ngôi làng dựa trên ý tưởng cửu cung bát quái đầy sáng tạo và phong thủy. Hồ Chuông nằm ở trung tâm, mang hình ảnh thái cực với hai nửa âm dương, nối với 8 con đường hướng ra bên ngoài tạo thành 8 cung trong Bát quái.
Làng Bát Quái Gia Cát không chỉ mang cấu trúc độc đáo mà còn là một phòng tuyến quân sự vững chắc. Vào thời kỳ chiến tranh Bắc phạt năm 1925, một trận giao tranh ác liệt liên tục suốt ba ngày đêm ở gần thôn Bát Quái mà không một viên đạn nào lọt được vào bên trong, toàn bộ ngôi làng được bảo toàn nguyên vẹn. Lại có một câu chuyện khác, xưa có một nhóm đạo tặc xông vào làng tấn công, nhưng cuối cùng không tìm được lối ra nên đành phải đầu hàng, giơ tay chịu trói. Đó chính nhờ kiến trúc có một không hai của “đệ nhất kỳ thôn” này.
Đi sâu vào trong những con hẻm nhỏ, ta sẽ thấy các ngôi nhà được xây đan xen so le theo lối “môn không đăng, hộ không đối”. Điều này được lý giải bởi theo quan niệm của người dân làng Bát Quái, để tránh phát sinh mâu thuẫn không đáng có khi hai nhà “cổng đối cổng”, ngày ngày mọi người đi lại đối mặt nhau nhiều.
Các hậu thế của Khổng Minh Gia Cát Lượng đều sống tập trung tại Gia Cát trấn. Trải qua thời gian, cộng đồng dân cư này cũng hình thành một lối sống rất độc đáo, khác biệt với thế giới bên ngoài. Đó là lối sống giản dị, chân thật nhưng cũng đầy thú vị.
3. Lệ Giang ‘chốn bồng lai’
Thị trấn Lệ Giang (hay còn gọi là Đại Nghiên) thuộc tỉnh Vân Nam, là một trong những trấn cổ nổi tiếng nhất Trung Quốc. Cổ trấn với những ngôi nhà gỗ với kiến trúc cổ, mái ngói âm dương, cột gỗ đặc trưng kiểu Trung Hoa; những con đường lát đá vuông cạnh và 354 cây cầu bắc qua sông Ngọc Hà hơn 800 năm lịch sử. Điểm nhấn nổi bật của trấn cổ này là tháp Ngũ Phượng cao 20 mét, được xây dựng năm 1601 vào thời nhà Minh.
Nơi đây có đường mòn giao thương Trà mã đạo, con đường được biết đến như là “Con đường tơ lụa Tây Nam”. Nền văn hóa ở đây là sự kết hợp của người dân tộc Nạp Tây với các yếu tố trái ngược của những thương nhân người Hán định cư ở khu vực này từ nhiều thế kỷ trước. Người Nạp Tây sống trong những ngôi nhà bằng gỗ và gạch bùn mà họ học được từ các thương nhân Nam Kinh. Thợ mộc địa phương xây dựng các khung nhà gỗ phức tạp theo trí nhớ mà không cần phải có bất kỳ bản thiết kế nào. Các chạm khắc hoa văn tỉ mỉ mô tả bốn mùa giống văn hóa người Hán được chạm khắc trên cửa sổ bởi người dân tộc Bạch, đối với họ thậm chí còn quan trọng hơn đồ nội thất trong ngôi nhà.
Lệ Giang được công nhận là Di sản thế giới năm 1997. Kể từ đó, chính quyền địa phương chú trọng nhiều hơn về sự phát triển gắn với bảo tồn thành phố cổ.
4. Làng Dukezong – trấn cổ Tây Tạng ngàn năm
Thị trấn cổ Dukezong nằm ở độ cao 3,200m so với mực nước biển. Thị trấn với lịch sử hơn 1,300 năm đã trải qua cả ngọn lửa chiến tranh và giai đoạn thương mại thịnh vượng. Nằm trên con đường buôn bán trà và là điểm nối kết giữa Vân Nam và Miến Điện. Ban đầu, nó được xây dựng với vai trò là chiến lũy quân sự cho quân đội Tây Tạng, cho nên tên gọi sơ khai của ngôi làng mang ý nghĩa là “lâu đài được xây dựng trên đá”.
Người Tây Tạng vốn coi màu trắng là dấu hiệu của sự tôn trọng đối với tổ tiên nên họ tôn thờ những tảng đá trắng. Các thợ thủ công xưa đã dùng đất sét trắng trong khu vực để tạo ra sơn, vậy nên chỉ cần nhìn từ xa người ta cũng có thể thấy rõ mọi ngôi nhà trong làng đều mang màu trắng. Điều này biến Dukezong trở thành một thị trấn đá trắng, đặc biệt khi đêm đến, sự phản quang còn khiến cho cả trấn cổ lấp lánh ánh bạc, đó là lý do nó còn được gọi là thành cổ Ánh Trăng. Đối diện với thành cổ Ánh Trăng là thị trấn Niwangzong bên sông Naizi, được gọi là thành phố Mặt Trời. Hai thành cổ Mặt Trời và Mặt Trăng đã tạo ra bài dân ca “Mặt Trời và Mặt Trăng trong trái tim” mà người Tây Tạng đã hát hơn một nghìn năm qua.
Ghé thăm làng Dukezong, bạn sẽ tìm thấy khoảng lặng bình yên với vô số phòng cầu nguyện, những ngôi chùa tráng lệ, cùng những ngôi nhà Tây Tạng và những làn đường lúa mạch quanh co. Tiếng chuông ngựa vẫn leng keng, những ngọn lửa vẫn sáng bừng ở quảng trường mỗi khi đêm xuống và từng nhạc sĩ lại vang lên các điệu hát, bản nhạc truyền thống.
Trấn cổ này không tự nhiên nảy sinh ra được những nét đẹp riêng biệt đó, mà nó cũng đã từng phải trải qua một dòng lịch sử khó quên. Nhưng không may, một đám cháy lớn năm 2014 đã tàn phá làng Dukezong và phá hủy hàng trăm ngôi nhà. Hiện nay ngôi làng đang trong nỗ lực trùng tu và khôi phục lại.
Ngân Hà
Xem thêm: