Lý Thường Kiệt (P.2): Sự nghiệp và Binh quyền
Tuy bản thân có tài phò tá nhà vua và đã đạt đến chức vị rất cao, nhưng nếu muốn thực sự kiến công lập nghiệp thì phải lập được quân công vì thời đó nhà Lý vẫn chuộng võ hơn văn. Cơ hội đã đến vào năm ông 43 tuổi, khi dân xứ Thanh Nghệ nổi loạn, ông đã lập chiến công đầu tiên bằng việc kinh lý hai xứ ấy. Ông đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc.
Kinh lược Thanh Nghệ, bắt sống vua Chiêm
“Gặp lúc trong nước, ở cõi Tây Nam, dân nổi lên chống các thuộc lại, dân Man Lào lại hay tới quấy rối. Vua thấy ông siêng năng, cẩn thận, khoan hồng bèn sai ông làm Kinh phỏng sứ vào thanh tra vùng Thanh Hóa, Nghệ An, vào trao quyền tiện nghi hành sự. Ông phủ dụ dân khôn khéo, nên tất cả năm châu, sáu huyện, ba nguồn, hai mươi bốn động đều quy phục và được yên ổn”.
Năm 50 tuổi đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong đời ông khi tham gia vào chiến dịch bình định Chiêm Thành của vua Lý Thánh Tông. Chiến dịch này thắng lợi lớn, Lý Thường Kiệt thân dẫn quân truy kích và bắt sống được vua Chiêm cùng 5 vạn tù binh.
“Kịp đến lúc Phật thệ hỗn phép không tới chầu, quân nhà vua rầm rộ sang đánh. Ông có tài thao lược hơn người đời, vào trong cung giúp vua lo toan mưu kế, đặt binh luật để đi đánh dẹp. Hoàn vương (tức vua Chiêm) bỏ thành chạy trốn, nhưng lại tự mình hiến thân chịu chém. Ông bèn bắt lấy, rồi đem quân khải hoàn. Vua luận công, gia thưởng và ban trật cho ông” (bia chùa Linh Xứng).
Với chiến công này, ông được vua ban quốc tính và từ đó chính thức được gọi là Lý Thường Kiệt. Bên cạnh đó, ông còn được phong các quan tước như Phụ quốc Thái phó, kiêm các hàm như Dao thụ chư trấn Tiết độ, Đồng trung thư môn hạ, Thượng trụ quốc, Thiên tử nghĩa đệ cùng Phụ quốc thượng tướng quân. Với tôn hiệu “Thiên tử nghĩa đệ”, Lý Thường Kiệt đã được liệt vào hàng quốc thích, do đó được phong tước Khai quốc công, tước Công một chữ là cao nhất trong triều, chỉ sau vương tước.
“Ông làm quan kính cẩn, hành động đều tuân theo lễ pháp, không một mảy may lầm lỗi, mang ơn vua trao cho Tiết Việt, được đi kinh lý hai quận Thanh Hóa và Nghệ An, coi dân đến năm huyện, mọi lào ba nguồn, nếu có kẻ nghịch mệnh thì uỷ cho quan Trấn trừng trị; duy có nước Chiêm Thành nhác bỏ chức cống, vua phải thân hành chinh phạt; ông phụng lãnh Tiết Việt Đại Tướng, sung chức Tiền phong, bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ, luận được thăng chức Phụ Quốc Thái Uý kiêm lãnh chức Chư Trấn Tiết Độ Đồng Trung Thư Môn Hạ, Thượng Trụ Quốc Thiên Tử Nghĩa Đệ Quốc Phụ Quốc Đại Tướng Quân Khai Quốc Công” (trích Việt Điện u linh tập Lý Tế Xuyên).
Thân nắm đại quyền, xuất tướng nhập tướng
Năm Nhâm Tý 1072, Lý Thánh Tông băng hà, thái tử Càn Đức nối ngôi chỉ mới 7 tuổi là vua Lý Nhân Tông. Do tân hoàng còn quá nhỏ, nên Thượng Dương thái hậu buông rèm nhiếp chính và Thái sư Lý Đạo Thành nắm đại quyền trong triều.
Nhưng vấn đề lớn cũng xuất phát từ chuyện này, vì lẽ thường xưa nay khi ấu quân vừa đăng cơ chưa nắm quyền, tất triều chính sẽ phải trải qua sóng gió về việc tranh giành thế lực.
Phái Ỷ Lan đã hành động rất nhanh chóng và hiệu quả ngay sau khi vua mới lên ngôi 4 tháng.
“Ngày mồng 8 tháng tư năm ấy, sau khi làm lễ tắm tượng Phật, nhân ngày Phật đản, vua Nhân Tông chọn quan đại liêu Nguyễn Thường Kiệt làm kiểm hiệu thái úy, và Nguyễn Nhật Thành làm binh bộ thị lang”. Họ Nguyễn đây là họ Lý mà đời Trần kiêng húy (tổ nhà vua là Trần Lý) mà đổi ra. Nhật Thành chắc là Đạo Thành. Chữ Đạo hình như vì húy nên đời Trần cũng hay đổi (XV/1).” (Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Hoàng Xuân Hãn).
Với tài năng, sự quyết đoán, Ỷ Lan hoàng thái phi cuối cùng đã thực hiện thành công mưu đồ đoạt quyền và tiêu diệt đối thủ của mình một cách chớp nhoáng và thẳng tay. Thượng Dương thái hậu và 76 thị nữ bị bức tử. Thái sư Lý Đạo Thành vì can ngăn nên bị biếm ra Nghệ An, chỉ có thể đem vị hiệu của Tiên đế ra thờ để tỏ lòng bất bình mà thôi.
“Qúy Sửu, Thái Ninh năm thứ 2 [1073], (Tống Hy Ninh năm thứ 6). Bấy giờ mưa dầm, rước phật Pháp Vân về kinh để cầu tạnh. Cúng thần núi Tản Viên. Giam Hoàng thái hậu họ Dương, tôn Hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu. Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú qúy người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?”. Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông. Thái sư Lý Đạo Thành lấy chức Tả gián nghị đại phu ra coi châu Nghệ An. Đạo Thành lập viện Địa Tạng ở trong miếu Vương Thánh châu ấy, ở giữa viện đặt tượng Phật và vị hiệu của Thánh Tông, sớm hôm thờ phụng” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sau khi Lý Đạo Thành bị biếm chức ra Nghệ An, Lý Thường Kiệt trở thành người nắm quyền lực cao nhất trong triều đình và được Linh Nhân thái hậu toàn lực hậu thuẫn. Triều đình Đại Việt có lẽ rúng động mạnh sau biến cố trên và sẽ đặt nhiều nghi ngờ lên Lý thái úy và Linh Nhân thái hậu. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, Lý Thường Kiệt và Thái hậu đã chứng minh họ là lựa chọn của lịch sử và là người cầm quyền thích hợp duy nhất cho triều đại lúc đó.
Điều này thật rõ ràng, vì Lý Thường Kiệt đã nhanh chóng đoàn kết nội bộ triều đình bằng cách chia sẻ quyền lực với đối thủ cũ là Thái sư Lý Đạo Thành, ta có thể nhận thấy sự vô tư trong sáng, tầm nhìn vì đại cuộc rộng lớn của ông. Đó cũng là chỗ cao thượng và điều hiếm thấy ở một vị hoạn quan thân nắm đại quyền như Lý Thường Kiệt, ông không hề bị quyền lực làm tha hóa. Nó cũng là lý giải tốt nhất cho sự ủng hộ nhiệt thành của ông với Linh Nhân thái hậu và tiêu diệt đối thủ chính trị. Ông chính là đặt xã tắc lên hàng đầu và không ngại thị phi, sẵn sàng làm nhiệm vụ mà Tiên đế đã giao phó, bảo vệ vững chắc ngai vàng của nhà Lý. Vì thế mà nghìn năm sau chúng ta mới có thêm 1 vĩ nhân để ngợi ca và tôn sùng.
“Giáp Dần, [Thái Ninh] năm thứ 3 [1074], (Tống Hy Ninh năm thứ 7). Mùa xuân có chim sẻ trắng đậu ở cấm đình. Chiêm Thành lại quấy rối biên giới. Cho Lý Đạo Thành làm Thái phó bình chương quân quốc trọng sự.” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Chút lạm bàn về vụ án Thượng Dương thái hậu
Vụ án Thượng Dương thái hậu và 76 cung nữ đều bị giết cùng một lúc là một vụ chính biến cung đình thảm khốc vào thời Lý. Kết quả là Ỷ Lan nguyên phi lên làm thái hậu thùy liêm thính chính, quyền lực về tay Lý Thường Kiệt. Điều này đã gây ra nghi vấn lớn trong sử sách, khi có nhiều ý kiến cho rằng nhờ sự tiếp tay của Thái úy Lý Thường Kiệt mà Ỷ Lan có thể thành công làm chính biến chớp nhoáng và đẫm máu đến thế. Trong chính sử cũng chê Ỷ Lan về việc này, cho rằng bà vì ganh ghét do không được làm Thái hậu mà chủ mưu gây ra và coi việc này như một vết nhơ của bà với phần góp tay của Lý thái úy. Nhưng người viết cho rằng sự việc này không đơn giản như thế. Xét toàn bộ công nghiệp của hai Ngài thì ta mới nhìn ra sự bất đắc dĩ khi các ngài lựa chọn như thế. Quốc gia và dân tộc khi đứng trước nguy cơ tồn vong, thì người có trách nhiệm phải lựa chọn đúng, dù đó là phải hy sinh danh tiếng bản thân để thẳng tay trấn áp những nguy hiểm tiềm tàng. Lý Thường Kiệt và Ỷ Lan cuối cùng đã chọn đúng và làm những điều cần thiết. Họ hoàn toàn đặt quốc gia dân tộc lên trên, hành động quyết liệt không nhân nhượng.
Vì sao lại nói như thế? Vì mọi xét đoán phải từ nhiều góc độ. Thái sư Lý Đạo Thành lúc bấy giờ tuy là bậc nguyên lão uy vọng cao nhất triều, đã làm tể tướng suốt 18 năm kể từ khi Thánh Tông còn trẻ. Với thân phận như thế, lẽ dĩ nhiên ông sẽ ủng hộ Thượng Dương thái hậu “thùy liêm thính chính”. Nhưng ông chắc không ngờ chuyện này lại là lựa chọn sai lầm nhất của mình. Vì bản thân của ông với tài trí của mình cũng không đủ tầm để nhận ra tình thế hiểm nghèo của cục diện chính trị trong và ngoài nước lúc bấy giờ.
Đầu tiên là vị thế của Đại Việt thời điểm đó. Nước ta lúc đó đang ở giai đoạn hoàng kim của nhà Lý dưới sự trị vì của Lý Thánh Tông suốt 18 năm qua. Nhưng rốt cục, Đại Việt cũng chỉ là một quốc gia non trẻ vừa lập quốc sau khi đô hộ bởi Trung Hoa suốt 1000 năm. Các triều đại khổng lồ của Bắc triều vẫn lăm le thôn tính và muốn lập lại quận huyện như xưa. Điển hình là cuộc chiến của Lê Hoàn và nhà Tống vừa kết thúc chưa đầy 100 năm trước. Họ vẫn luôn tìm cơ hội từ những mâu thuẫn chính trị nhỏ nhất của Đại Việt để thực thi chiến lược của mình. Trong đó sự kế thừa là một trong những điểm yếu dễ lợi dụng nhất, nhất là lúc tân hoàng đăng cơ khi quá nhỏ, quyền lực dễ bị tranh giành.
Khi sự tranh giành quyền binh xảy ra, sẽ dẫn đến nguy cơ thứ hai. Nguy cơ này đến từ ngoại thích (bên ngoại của vua). Xưa nay chuyện ngoại thích soán ngôi có thể nói là nhiều nhất và là con đường hiệu quả nhất để đoạt quyền. Đặc biệt là khi hoàng đế còn nhỏ thì chỉ cần khống chế người quan trọng nhất của ngoại thích (hoàng hậu) là có thể soán ngôi. Thái hậu Dương Vân Nga thời Đinh Lê là một ví dụ vẫn còn rất sinh động mới mấy chục năm trước. Nhà Lý hẳn là đã rút kinh nghiệm rất nhiều về việc này vì chính Lý Công Uẩn cũng là người đoạt ngôi nhà Tiền Lê.
Nguy cơ thứ ba là Lý Nhân Tông lại không phải con ruột của Thượng Dương thái hậu, mà là con của Ỷ Lan nguyên phi. Không có gì đảm bảo là bà ấy (Thượng Dương thái hậu) vì quyền lợi lại không truất ngôi tân hoàng và đưa một vị vua bù nhìn khác lên để nắm chắc hơn và tạo cơ hội cho gia tộc họ Dương nhà bà đoạt quyền. Có thể có người cho rằng Thượng Dương thái hậu không mưu đồ quyền lực, nhưng không có gì đảm bảo tất cả dòng họ Dương vốn có rất nhiều người nắm quyền cao mấy chục năm nay lại không có dã tâm đó? Và tình thế này chắc chắn không qua mắt được vị tướng nắm binh quyền cao nhiều năm như Lý Thường Kiệt. Nên nhớ Lý Thường Kiệt không những nắm quân đội mà còn là người đứng đầu Khu mật viện, một dạng cơ quan an ninh mật vụ của quốc gia vào thời đó. Còn chưa kể, nếu như nghi án Thượng Dương thái hậu đã ra lệnh hoạn Lý Thường Kiệt là sự thật thì dù kể cả về công hay tư, Lý Thường Kiệt đều sẽ không thể bỏ qua cho bà. Lý Thánh Tông vì tình nghĩa vợ chồng có thể che dấu cho bà hơn 18 năm nhưng khi mất rồi thì những tính toán cho xã tắc vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Thật ra không phải chỉ riêng Lý Thường Kiệt, mà chính Lý Thánh Tông mới là người ý thức được rõ điều này nhất ngay từ khi còn sống. Một manh mối quan trọng thể hiện việc này đến từ cuộc chinh phạt Chiêm Thành năm 1069. Trong bối cảnh Đại Việt bị uy hiếp bởi xung đột biên giới phía Bắc và khả năng liên minh Tống Chiêm, Lý Thánh Tông quyết định “tiên phát chế nhân” tiêu diệt Chiêm Thành để chặt đi tham vọng của Tống. Trong khi ông ngự giá thân chinh thì điều ngạc nhiên là quyền điều hành đất nước lại đưa vào tay Ỷ Lan nguyên phi với sự trợ giúp của Lý Đạo Thành và các quan chức trong nội các do Ỷ Lan đề xuất bổ nhiệm. Vì sao một ông vua thánh minh 40 tuổi như Thánh Tông lại không giao quyền cho vợ cả mình là hoàng hậu mà lại giao cho một phi tần trẻ tuổi mới nhập cung chưa lâu, nhất là trong bối cảnh quốc gia lưỡng bề thọ địch. Vì sao ông làm việc mạo hiểm như vậy, do không sáng suốt chăng? Người viết cho rằng đó là lựa chọn duy nhất mà ông có thể làm thôi, khi không còn tin tưởng vào dòng họ của hoàng hậu xung quanh và cả bản thân của hậu. Ông đã đặt cược vào Ỷ Lan, vào khả năng nhìn người của mình, và may mắn cho dân ta và nước ta là Lý Thánh Tông đã đặt cược thắng.
Vậy một hoàng đế anh minh như Thánh Tông, trong hoàn cảnh đó đã có sự nghi ngờ về dã tâm của ngoại thích, có thể để yên cho mọi sự phát triển mà không dàn xếp gì cho hậu sự của con cháu mình hay không? Người viết cho rằng chẳng những ông đã sắp xếp mà còn chuẩn bị phương án hành động, nhân sự chi tiết an bài trong suốt mấy năm cầm quyền để có thể an toàn giao phó lại xã tắc của mình cho con trai (Lý Nhân Tông con của Ỷ Lan là người con trai duy nhất của Lý Thánh Tông, ông chỉ có một số con gái trước đó). Bởi vì sự kiện Thượng Dương thái hậu bị giết sau khi vua băng hà có phần quá giống với kịch bản mà Lữ hậu nhà Hán đã trải qua.
“Lã Hậu hỏi: “Sau khi bệ hạ muôn tuổi, mà thừa tướng Tiêu Hà cũng mất, thì nên cho ai làm thừa tướng?”. Lưu Bang đáp: “Tào Tham làm được”. Lã Hậu lại hỏi sau Tào Tham là ai. Lưu Bang lại đáp: “Vương Lăng có thể thay được. Tuy nhiên Vương Lăng tính trực mà ương, cần phải có Trần Bình giúp sức. Trần Bình trí khôn có thừa nhưng không thể gánh vác một mình. Chu Bột là kẻ thật thà, tính thận trọng, nên cùng hắn làm chức Thái úy”. Lã Hậu lại hỏi về sau, Lưu Bang nói: “Ta chỉ biết đến đó mà thôi”. (Sử ký Tư Mã Thiên)
Sau khi Lưu Bang chết, Lã hậu vì muốn đoạt vị cho dòng họ Lã nên đã giết chết rất nhiều người con của Lưu Bang. Khi con trai bà là Hán Huệ Đế mất không con nối, bà lấy một đứa bé đưa vào cung mạo xưng là con Huệ đế đưa lên làm vua gọi là Hán Tiền Thiếu Đế và chính thức “lâm triều xưng chế” thay hoàng đế mà cai quản thiên hạ. Sử sách xưa nay đều coi bà ngang với các vua Hán cũng như Võ Tắc Thiên là ngang với hoàng đế nhà Đường. Thời của bà quyền lực họ Lã lên đến tột đỉnh, các anh em bà đều được phong vương. Chỉ đến cuối cùng sau khi Lữ hậu mất, nhờ Trần Bình cùng Chu Bột, hai nhân vật Lưu Bang ủy thác trước đây, liên kết lại tiêu diệt họ Lã mà giành lại được ngai vị cho họ Lưu.
Dù Thượng Dương thái hậu và dòng họ Dương nắm được quyền thùy liêm thính chính và quyền quản lý triều đình trong tay Lý Đạo Thành thì Lý Thánh Tông vẫn cao tay hơn khi an bài hai quân cờ vô cùng mạnh là Thái úy Lý Thường Kiệt nắm trọng binh và Ỷ Lan nguyên phi với uy tín đã từng “giám quốc” và các quan lại ủng hộ trong nội các.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tìm hiểu thêm một giả thuyết nữa cho vụ đại án giết chết Thượng Dương thái hậu vì các tư liệu chính sử hầu như không ghi chép. Đó chính là dựa vào những sử liệu địa phương và gia phả các gia tộc của cả nhà Tống và Lý, một nhà nghiên cứu đã thuật lại việc Thượng Dương thái hậu đã chuẩn bị âm mưu to lớn để đem quyền lực về cho họ Dương nhà bà sau khi nắm quyền toàn bộ triều đình, khống chế Nhân Tông mới bảy tuổi. Âm mưu cẩn mật đó cùng với 76 hảo thủ mai phục trong cung cấm dưới dạng cung nữ, cùng mấy trăm cung nga thái giám vốn do Thái hậu thống lĩnh xưa nay, lại bí mật được huấn luyện quân sự từ trước để khi hữu sự khống chế hết nội cung và hoàng đế.
Đó quả là những quân bài vô cùng đáng sợ. Mọi người cũng đều biết Lý Thường Kiệt và Linh Nhân thái hậu đều là người sùng Phật và vô cùng thông minh, họ sẽ không lạm sát người vô tội như các cung nhân nếu không xác định được họ là đối tượng nguy hiểm cần tiêu diệt. Có một điểm đáng quý của sự phối hợp giữa Ỷ Lan và Lý Thường Kiệt có thể nói là hiệu quả nhất trong lịch sử chính biến của nước ta. Hai người đã tránh tối đa được sự đổ máu do nội chiến có thể xảy ra nếu xử lý không khéo trong cung cấm, nhất là khi Lý Thường Kiệt đem quân về kinh trợ giúp Ỷ Lan.
Ỷ Lan có lẽ đã nắm chắc được chứng cứ tạo phản rõ ràng và chi tiết của lực lượng đối thủ nên đã thuyết phục được Lý Thường Kiệt chọn giúp cho bà. Vì ông vốn là con nuôi Lý Thánh Tông, đại tướng phò tá tiên đế. Lý Thường Kiệt đứng trước thời khắc nguy nan đã chọn cách hoàn toàn ủng hộ Ỷ Lan. Ông cùng các tướng lãnh và quân đội trong tay đã hành động nhanh như sấm sét để bảo vệ ngôi báu cho tân hoàng, cũng là nghĩa huynh của ông. Và sau đó lịch sử đã chứng minh lựa chọn của ông đúng đắn như thế nào.
Sau khi triều chính đã giải quyết ổn thỏa vấn đề quân quyền và nội chính, toàn thể Đại Việt đã phải tập trung hết sức lực và tinh thần để đối phó với 1 nguy cơ khổng lồ đến từ phương Bắc, cuộc xâm lược của nhà Tống.
Nếu Lý Thường Kiệt và Ỷ Lan để lòng nhân từ của đàn bà xen vào, thất bại trong cuộc chính biến thì ngay cả độc lập của Đại Việt còn chưa thể đảm bảo và lúc đó thì không chỉ là sinh mệnh của Thái hậu Thượng Dương và 76 cung nữ đâu, mà là sinh mệnh của cả dân tộc này đều sẽ gặp nguy hiểm vậy.
(Âm mưu của Thượng Dương thái hậu dẫn bên trên là từ tiểu thuyết lịch sử “Nam quốc sơn hà” của tác giả Trần Đại Sỹ viết dựa trên nền tảng sử liệu cổ xưa từ thời Tống với độ khả tín rất cao).
(Còn tiếp)
Lý Thường Kiệt (P1): Vị tướng quân với huyền thoại Nam quốc sơn hà