Bùi Thị Xuân – Vị nữ tướng anh kiệt thời cận đại (Kỳ 3)
Xưa nay lòng trung nghĩa đâu chỉ là khí phách riêng của đấng nam nhi đại trượng phu… xuân này ta hãy cùng xem lại những trang sử ghi chép tấm lòng trung liệt tuyệt vời của một vị nữ tướng mang tên mùa Xuân: nữ tướng Bùi Thị Xuân, người đã cống hiến toàn bộ cuộc đời và tài năng của mình cho sự thành công của triều đại Tây Sơn…
Vỗ yên Vạn Tượng, Miến Điện kết minh
Đoàn tượng binh do đích thân Bùi Thị Xuân lãnh đạo đã trở thành lực lượng chủ lực quan trọng đem đến nhiều chiến thắng cho quân đội Tây Sơn. Hình tượng vua Quang Trung oai dũng trên bành voi chiến trong trận công thành Thăng Long năm 1789 đã đi vào lịch sử. Và sau năm Kỷ Dậu lịch sử đó, đạo tượng binh này phải cùng với vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân bôn ba vài phen để giữ yên bờ cõi cho nhà Tây Sơn.
Sau đại thắng Thăng Long, tân hoàng đế Quang Trung và chính phủ của ông phải tập trung lập lại bang giao với nhà Thanh, xin phong vương để chính vị hiệu và tránh bị tấn công từ Trung Hoa thì ở miền Nam lại bất ổn. Nguyễn Vương Phúc Ánh chiếm Gia Định, xây dựng lực lượng chuẩn bị đánh ra Bắc. Đế quốc Xiêm La đánh chiếm một số tiểu quốc ở Lào, cùng với Lê Duy Chỉ, em vua Lê Chiêu Thống khởi binh uy hiếp đến mặt Tây của nước ta ở Nghệ An. Có thể nói là lưỡng đầu thọ địch, nguy cơ trùng trùng.
Tháng 6 năm Canh Tuất (1790), Trần Quang Diệu lấy được Trấn Ninh, bắt tù trưởng Cheo Nan và Cheo Kiêu, tháng 8 bình định được Trịnh Cao và Quy Hợp. Tháng 10, Trần Quang Diệu tấn công Vạn Tượng, buộc thủ lãnh bỏ thành chạy trốn, thu được vô số chiêng, trống và vài chục thớt voi. Thừa thắng, Quang Diệu đánh thẳng đến biên giới Xiêm La, chém được Tả súy Phan Dung, Hữu súy Phan Siêu. Binh Xiêm thua chạy tán loạn. Trần Quang Diệu và Lê Trung dẹp yên biên giới, kéo binh về Tuyên Quang đánh Nùng Phúc Tân và Huỳnh Văn Đồng. Tân, Đồng chống không nổi bị chém tại trận tiền. Lê Duy Chỉ trốn không thoát cũng bị giết.
Mùa Xuân năm Tân Hợi (1791), vua Ai Lao là Chiêu Án không chịu triều cống, Trần Quang Diệu lại được cử đem binh sang vấn tội. Trận ra quân này có nữ tướng Bùi Thị Xuân tháp tùng. Quân Ai Lao chống cự không lại, sợ hãi xin hàng. Ở lại bình định một thời gian, hai vợ chồng kéo binh về nước, chuẩn bị sang đánh Miến Điện. Vua Miến Điện hay tin liền sai sứ sang xin thông hiếu, từ ấy bờ cõi phía Tây cũng như phía Bắc được yên ổn.
Một đời trung nghĩa, đến chết mới thôi
Cũng như Khổng Minh Gia Cát Thừa tướng, một đời hiến dâng cho nhà Thục Hán nổi tiếng với câu “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” khiến cho hậu thế bao đời tán thán, nữ tướng Bùi Thị Xuân tuy là thân nữ nhi nhưng tấm lòng trung nghĩa của bà đối với nhà Tây Sơn cũng sáng ngời sử xanh. Có thể nói cuộc đời của bà từ lúc sinh ra cho đến lúc mất là dành cho sự nghiệp Tây Sơn vậy.
Sau khi Quang Trung mất, nhà Tây Sơn bắt đầu xuống dốc không phanh. Thái sư Bùi Đắc Tuyên nhân vua còn nhỏ tuổi lộng quyền, hãm hại trung thần, vận nước ngày càng suy yếu đến nỗi đánh mất cả kinh đô Phú Xuân.
Mùa xuân năm 1802, vua Cảnh Thịnh sai em là Nguyễn Quang Thùy vào trấn giữ Nghệ An, còn tự mình cầm quân đi đánh chiếm lại Phú Xuân. Trong chiến dịch này, Bùi Thị Xuân được lệnh đem 5.000 quân đi hộ giá. Lịch sử gọi trận đánh này là trận đánh lũy Trấn Ninh.
Cùng sự canh tân quân đội học tập từ Tây Phương và các quân tướng tôi luyện qua nhiều năm chiến đấu, quân nhà Nguyễn giờ đây không yếu ớt như xưa nữa, mà đã trở thành một đạo quân rất hùng mạnh. Quân Tây Sơn tiến công cả ngày đêm nhưng không xuyên nổi phòng tuyến quân Nguyễn. Thấy tình thế ngày càng bất lợi, Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh thẳng từ sáng đến chiều vào lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Vương Phúc Ánh đang cố thủ, máu và mồ hôi ướt đẫm áo giáp, làm cho quân tướng và cả Nguyễn Vương cũng nao núng. Nhưng trời không chiều người, những tưởng có thể chuyển bại thành thắng thì ngay lúc đó tướng Nguyễn Văn Trương đã phá tan thủy binh Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình), cướp được hầu hết tàu thuyền, tướng giữ cửa biển Nguyễn Văn Kiên cũng đã đầu hàng. Đội quân của bà dưới áp lực đó đã hốt hoảng bỏ cả vũ khí, đạn dược để tháo chạy, vua Cảnh Thịnh cũng đành hạ lệnh cho lui binh. Bùi Thị Xuân khuyên vua cố đánh tiếp nhưng không được. Bấy giờ chồng bà là Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng không thể giữ Quy Nhơn, đưa quân theo ngả thượng đạo ra Nghệ An để hội với vua Tây Sơn lo việc chống giữ. Vừa đến huyện Hương Sơn thì được tin thành Nghệ An đã bị hạ. Được mấy hôm, cả hai vợ chồng đều bị bắt.
Vốn đã nhiều phen khốn đốn với tài cầm quân của hai vợ chồng bà, sau khi chiêu hàng Trần Quang Diệu không xong, Nguyễn Vương đã ra lệnh chém đầu Trần Quang Diệu, riêng Bùi Thị Xuân và con gái bị nhà Nguyễn xử bằng hình phạt tàn khốc nhất… voi dày. Vậy là kết thúc một cuộc đời của vị nữ tướng lẫy lừng nhất nước Nam ta từng có từ sau thời Hai Bà Trưng.
Trích tài liệu của giáo sĩ De La Bissachère:
“Đứa con gái trẻ của bà (Bùi Thị Xuân), một thớt voi từ từ tiến đến. Cô gái biến sắc rồi mặt trắng bệch như tờ giấy. Nàng ngoảnh nhìn mẹ, kêu thất thanh. Bà Xuân nghiêm mặt trách: Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta!… Đến lượt bà, nhờ lớp vải ở bên trong quấn kín thân thể, nên tránh khỏi sự lõa lồ. Và bà rất bình thản bước lại trước đầu voi hét một tiếng thật lớn khiến voi giật mình lùi lại. Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo, đâm cây nhọn sau mông con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy bà tung lên trời… Nhưng trái với lệ thường, nó không chà đạp phạm nhân như mọi bận mà bỏ chạy vòng quanh pháp trường, rống to lên những tiếng đầy sợ hãi khiến hàng vạn người xem hoảng hốt theo”.
(Việt Sử tân biên – Phạm Văn Sơn).
Lời kết
Con người sinh ra hầu như ai cũng cầu cho bản thân được sung sướng, ăn ngon mặc đẹp, vinh thân phì gia và chắc chắn không ai muốn đầu rơi máu đổ, thịt nát xương tan cả. Vì thế mà hàng tỷ người trên trái đất này mới là những người bình thường. Vì thế mà nhân loại đông đúc thế mà qua nhiều năm lại có không mấy những anh hùng thật sự, đến lúc chết vẫn một thân đầy hạo nhiên chính khí, làm cho chính kẻ thù cũng phải khâm phục và khiếp sợ.
Và cũng vì thế mà lời nói: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm Vương đất Bắc” của Trần Bình Trọng và bài thơ Chính Khí Ca của Văn Thiên Tường dẫu qua mấy trăm năm vẫn làm trái tim bao người ái quốc phải rung lên vì khâm phục.
Và giờ đây, sau Bảo Nghĩa Vương mấy trăm năm lại có một người phụ nữ mà trước cái chết tàn khốc nhất đang đợi mình và con thơ lại còn có thể làm cho kẻ thù kinh hãi và tôn trọng. Trong lịch sử có lẽ chưa có ai làm được thế, chỉ có mỗi một Bùi Thị Xuân mà thôi. Bỏ qua hết những búa rìu công tội của sử gia phe chiến thắng, ta chỉ thấy một tấm lòng trung nghĩa chói lọi đến ngày nay của một nữ kiệt vô song, đáng kính thay. Quả đúng là: Cân quắc do tư báo quốc cừu
Khả liên di hận phó đông lưu
Dạ lan mỗi độc Tây Sơn sử
Phảng phất phương dung hiện án đầu.
(Vịnh phu nhân Bùi Thị Xuân- Nguyễn Bá Huân (1853- 1915))
Dịch thơ:
Phận gái lo tròn chuyện nước non
Thương thay mối hận chảy về đông
Đêm khuya lần đọc Tây Sơn sử
Phảng phất dung nhan trước án còn.
Minh Bảo thực hiện