Nhật Bản chế tạo ra vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tạo ra vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới. Vệ tinh mini này nặng khoảng 1.1 kg, dự kiến sẽ được phóng vào tháng Chín năm nay. Các nhà nghiên cứu nói rằng việc sử dụng vật liệu gỗ để chế tạo vệ tinh có thể giúp giảm tác động tiêu cực của vật liệu kim loại đến môi trường.
Theo AFP đưa tin, vệ tinh nhỏ có tên LignoSat này làm bằng gỗ mộc lan, và được chế tác bởi một nhóm nghiên cứu phát triển của Đại học Kyoto và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sumitomo.
Chiều dài cạnh của khối lập phương này khoảng 10cm. Nó sẽ du hành vào vũ trụ trên hỏa tiễn của công ty SpaceX trong vài tháng nữa.
Hôm 28/05, các nhà phát triển thông báo rằng LignoSat đã hoàn thành. Họ kỳ vọng rằng khi vệ tinh này quay trở lại Trái Đất sau khi kết thúc sứ mệnh, vật liệu gỗ của nó sẽ bốc cháy hoàn toàn khi đi vào bầu khí quyển. Đây là một cách để tránh các vệ tinh ngừng hoạt động sinh ra các hạt kim loại khi chúng quay trở lại Trái Đất. Những hạt kim loại này có thể tác động tiêu cực đến môi trường và viễn thông.
Ông Takao Doi, một phi hành gia người Nhật và là Giáo sư nổi tiếng tại Đại học Kyoto, cho biết trong cuộc họp báo vào cùng ngày rằng: “Vệ tinh làm bằng vật liệu phi kim loại có lẽ sẽ trở thành xu hướng chủ đạo.”
Các nhà phát triển có kế hoạch bàn giao LignoSat cho Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Nó sẽ cưỡi trên hỏa tiễn SpaceX từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida, Hoa Kỳ để đi đến Trạm vũ trụ quốc tế vào tháng Chín tới.
Vệ tinh này sau đó sẽ được phóng từ mô-đun thử nghiệm của Nhật Bản trên Trạm vũ trụ quốc tế để kiểm tra sức mạnh và độ bền của nó.
Phát ngôn viên của Công ty Lâm nghiệp Sumitomo nói với AFP rằng dữ liệu từ vệ tinh sẽ được gửi đến các nhà phát triển. Họ sẽ kiểm tra sức chịu đựng của nó để xem liệu nó có thể chịu được những thay đổi lớn về nhiệt độ hay không.
Theo Guardian của Anh đưa tin, ông Takao Doi trước đó tuyên bố rằng sau khi quay trở lại bầu khí quyển, tất cả các vệ tinh sẽ bắt đầu bốc cháy và tạo ra các hạt nhôm oxide cực nhỏ. Những hạt này có thể trôi nổi trong tầng thượng của bầu khí quyển trong nhiều năm, cuối cùng chúng sẽ ảnh hưởng đến môi trường Trái Đất.
Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu và phát triển tại Đại học Kyoto đã bắt đầu hàng loạt thí nghiệm để đánh giá xem liệu gỗ có thể chịu được lực phóng và quỹ đạo kéo dài quanh Trái Đất hay không.
Trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên trong phòng thí nghiệm tái tạo các điều kiện không gian, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng không có sự thay đổi nào có thể đo được về chất lượng của các mẫu gỗ, cũng như không có dấu hiệu hư hỏng hay phân rã nào về mặt ngoài của chúng.
Sau giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, các mẫu gỗ đã được gửi đến Trạm vũ trụ quốc tế, nơi chúng được tiếp xúc với không gian gần một năm trước khi được đưa trở lại Trái Đất. Lúc này, chúng vẫn không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hư hỏng nào.
Ông Koji Murata, người đứng đầu dự án nghiên cứu và phát triển, Giáo sư chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Nông nghiệp tại Đại học Kyoto, suy đoán rằng điều này có thể là do trong không gian không có oxy để đốt cháy gỗ, cũng không có sinh vật sống nào khiến gỗ bị mục nát, vậy nên gỗ vẫn giữ được sự ổn định của nó.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều loại gỗ, bao gồm cả gỗ anh đào Nhật Bản, cuối cùng phát hiện mộc lan là loại gỗ bền nhất trong số đó.