Những nhân tài lưu danh sử sách đất Việt
Cây có cội nước có nguồn, con người ta có tổ tiên. Đất Việt là nơi địa linh nhân kiệt nơi xuất sinh những nhân vật tạo nên nền văn minh các thời đại. Họ là người kế thừa và lưu truyền nền văn hóa dân tộc mấy nghìn năm qua.
1. Sĩ Nhiếp
Sĩ Nhiếp, còn gọi là Sĩ Tiếp sinh ra ở Giao Chỉ vào thế kỷ thứ II, làm Thái thú Giao Chỉ. Ông được các nhà sử học đời sau tôn xưng là Nam Giao học tổ, Sĩ Vương… Sĩ Nhiếp có công lao lớn trong việc dạy chữ, phát triển kinh tế, văn hóa, đào tạo nhân tài, và giữ được thế cuộc bình yên giữa thời chiến loạn Tam Quốc ở phương Bắc. Sử gia Lê Văn Hưu thời nhà Trần nhận xét: “Sĩ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người dân yêu mến mà đạt đến quý thịnh một thời”.
Sách dạy chữ Hán cho trẻ em Việt Nam xưa là “Tứ tự kinh” có viết: “Thời nước Ngô – Tam Quốc, Sĩ Vương cai quản. Ông dạy Ngũ kinh Tứ thư, gây dựng thuần phong mỹ tục”.
2. Khương Tăng Hội
Ông là tăng nhân sinh vào khoảng thế kỷ thứ III ở Giao Chỉ. Khương Tăng Hội cũng là thiền sư Việt Nam đầu tiên. Hiện nay nhiều người đang đề nghị công nhận ông là ông tổ Thiền tông Việt Nam. Thiền sư Khương Tăng Hội là một trong những người đứng đầu trung tâm Phật giáo Luy Lâu (Bắc Ninh ngày nay) – là một trong những trung tâm Phật giáo lớn trên thế giới đương thời. Ông cũng là một trong những người có công truyền Phật giáo vào Trung Quốc sớm nhất.
Thành Luy Lâu lại do đích thân Sĩ Nhiếp cho xây dựng lại và đặt làm trung tâm chính trị văn hóa của Giao Châu. Luy Lâu là trung tâm giao lưu kinh tế văn hóa hội tụ và kết tinh văn hoá Việt Nam với văn hoá Phật – Ấn, Nam Á và Trung Á, văn hoá Nho Lão để rồi sinh thành bản sắc văn hoá Kinh Việt. Các tăng nhân Ấn Độ theo các tăng đoàn đến Giao Châu, dần dần hình thành nên trung tâm Phật giáo lớn đương thời, sớm hơn cả hai trung tâm Phật giáo ở đất nhà Hán thời đó là Lạc Dương và Bành Thành.
3. Khuông Việt và Pháp Thuận: Hai thiền sư trợ giúp hai triều đại Đinh – Tiền Lê
Hai triều đại mở ra nền độc lập cho nước Việt là nhà Đinh và Tiền Lê, được hai thiền sư là Khuông Việt (Đinh Tiên Hoàng phong làm quốc sư), và Pháp Thuận trợ giúp đắc lực. Cả hai ông có công lớn giúp vua về cả chính trị, ngoại giao, phát triển văn hoá giáo dục và Phật giáo.
Khi phái bộ sứ đoàn nhà Tống sang nước ta, vua Lê Đại Hành cử hai đại sư là Khuông Việt và Pháp Thuận đón tiếp.Sự kiện này đã để lại những giai thoại ngoại giao đặc sắc, trí tuệ, khiến sứ thần phương Bắc khâm phục.
Trước khi sứ thần phương Bắc là Lý Giác về nước, vua Lê Đại Hành lệnh cho thiền sư Khuông Việt viết một khúc nhạc tiễn đưa. Từ khúc “Ngọc lang quy” này còn được lưu truyền ở các thư tịch cổ của cả Việt Nam và Trung Quốc:
Trời quang, gió thuận, cánh buồm giương
Dõi theo sứ thần về cố hương
Ngàn trùng non nước vượt đại dương
Xa xôi hút dặm trường
Tình thắm thiết, xin nâng chén rượu lên đường
Cầm tay nhau, lòng vấn vương…
Nhờ đem ý nguyện người biên cương
Bày tỏ với thượng hoàng
Khi Lý Giác dẫn đầu đoàn sứ thần sang, vua sai thiền sư Pháp Thuận đóng giả anh lái đò nghênh đón. Nhìn cảnh sông nước mênh mông, đôi ngỗng trắng thong dong bơi lội, Lý Giác cảm hứng làm thơ rằng:
Song song ngỗng một đôi
Ngửa mặt ngó ven trời
Anh lái đò vẫn không dừng tay chèo ngâm nga tiếp lời:
Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi
Lý Giác vốn là Bác sĩ (tức bác học đại sĩ) Quốc Tử Giám của triều Tống, một học sĩ tài năng của nước lớn, nên có ý coi thường nước Đại Cồ Việt non trẻ, nhưng thấy anh lái đò xuất khẩu thành thơ, niêm luật chặt chẽ, lại rất hình tượng như bức họa, có đủ màu sắc trắng xanh biếc hồng, ý cảnh lại hay và thoát tục hơn hai câu của mình, điều .Điều này đã khiến ông ta vô cùng bất ngờ và khâm phục, cũng từ đó không dám coi thường người nước Nam nữa.
Khi vua Lê Đại Hành mới lên ngôi, một số cựu thần và dòng tộc triều Đinh không phục tìm cách chống lại . Giữa lúc đó nước Tống đang chuẩn bị đem quân sang xâm chiếm, thù trong giặc ngoài, lòng dân hỗn loạn bất an. Vua hỏi kế sách quản lý quốc gia, an bang tế thế, thiền sư Pháp Thuận trả lời bằng một bài thơ mang đậm chất trí tuệ Phật giáo, lại thể hiện tâm thái tích cực nhập thế cứu đời rằng:
Vận nước như mây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao binh
Vô vi được giải thích trong Lục Độ Tập Kinh rằng: “Cẩn thận, không kiêu ngạo, là hạnh của học sĩ, bỏ lòng dơ ân ái, không lấm bụi bặm của sáu tình, không để các ái nhỏ như tóc tơ che giấu trong lòng mình thì các niệm lắng diệt, đó là vô vi”.
Thiền sư Pháp Thuận đã thấy rõ thế cuộc nước Nam chìm trong binh đao loạn lạc, từ đô hộ ngoại bang đến loạn 12 sứ quân, rồi nhà Đinh nội loạn, dân tình rối ren, ngoại bang nhòm ngó. Bởi vậy người trên ngôi cao trong điện các cần đoàn kết quân thần đồng tâm, trên dưới một lòng, đồng thời phải khắc kỷ tu đức, bá quan bách tính mới noi theo. Tư tưởng trị quốc này cũng hoàn toàn giống với luận thuyết của Nho gia rằng: “Quản lý triều chính chính sự cần tu đức, giống như sao Bắc Đẩu, ở vị trí của nó mà muôn sao chầu về”. (Nguyên văn: Vi chính dĩ đức, thí như bắc thần, cư kì sở nhi chúng tinh củng chi).
4. Vạn Hạnh: Quân sư của vua Lê, thầy của vua Lý
Thiền sư Vạn Hạnh được vua Lê Đại Hành rất tín nhiệm, vua đã nhiều lần nghe theo lời khuyên của ông hòa Tống bình Chiêm giúp triều Tiền Lê được hưởng thái bình. Sư Vạn Hạnh có tài tiên tri, ông có nhiều lời sấm ký, trong đó nổi tiếng nhất là tiên đoán việc nhà Lý thay nhà Lê vào 6, 7 năm sau, khi đó thiên hạ thái bình. Ông là người tinh thông Tam giáo: Nho – Phật – Đạo, và là người thầy đã đào tạo ra vị vua anh minh Lý Công Uẩn, người sáng lập nên triều Lý và chính là người có quyết sách sáng suốt khi rời kinh đô từ Hoa Lư về Đại La, tức kinh thành Thăng Long – Hà Nội sau này, khởi đầu một trang sử mới vẻ vang và hào hùng của dân tộc.
5. Trần Nhân Tông: Trẻ vinh quang, già viên mãn
Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh tài năng, hai lần đánh thắng quân Nguyên Mông (trong tổng số 3 lần đại thắng của nhà Trần). Ông còn là người tu hành đắc Đạo, là ông tổ của thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam, hiện vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Trần Nhân Tông đạt được trình độ cao về các lĩnh vực như quân sự, âm nhạc, lịch số học và thiên văn học. Ông cũng tinh thông về tam giáo Phật–Lão–Nho và am hiểu tường tận giáo lý nhà Phật.
Khi còn làm Thái tử, Trần Nhân Tông đã nhiều lần muốn nhường ngôi cho em trai nhưng không được vua cha chấp nhận. Khi đã lên ngôi vua, Trần Nhân Tông vẫn ăn chay trường, sống thanh tịnh theo Phật giáo. Khi rảnh việc triều chính, ông thường tham thiền, bái thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ làm thầy, và đạt được độ thâm sâu tinh túy của thiền.
Sau lần thua Đại Việt lần thứ nhất năm 1258, hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt đã sai con trai là Thoát Hoan, dẫn theo các tướng lĩnh lừng danh của Mông Cổ và của các nước sau khi đã bị nhà Nguyên chinh phục như Tây Hạ, Uzbeck… để phục thù. Nhà Nguyên dùng số quân lớn nhất trong các cuộc chiến là 50 vạn quân đánh xuống từ phía Bắc, đồng thời cử đội quân Toa Đô khoảng 20 vạn quân từ Chiêm Thành đánh lên từ phía Nam.
Trước thế mạnh và lực lượng “đông như quân Nguyên” này, rất nhiều vương tôn, quan tướng hoàng gia dao động, đề nghị xin hòa. Vua Trần Nhân Tông nói: “Bọn giặc nhiều năm phải đi xa, lương thảo chuyên chở hàng vạn dặm, thế tất mỏi mệt. Lấy nhàn chống mệt, trước hết hãy làm chúng nhụt chí, thì ắt là đánh bại được chúng”. Cuối cùng quả đúng như dự liệu, quân Đại Việt đã làm nên lịch sử và chiến thắng vẻ vang.
Sau khi thua trận lần thứ 2, Hốt Tất Liệt lập tức chuẩn bị lực lượng đánh Đại Việt lần thứ 3. Quân Nguyên huy động tất cả quân tướng đã tham gia đánh Đại Việt lần 2 trước đó và bổ sung thêm nhiều viên mãnh tướng dày dạn kinh nghiệm, cùng 10 vạn quân người Mông Cổ thiện chiến, 9 vạn quân người dân tộc thiểu số Choang, chia làm 3 đường thủy bộ tấn công Đại Việt. Nhà Trần thực hiện kế sách vườn không nhà trống, rút lui khỏi Thăng Long. Sau đó mới dồn lực phản công, liên tiếp giành chiến thắng ở các trận Vạn Kiếp, Thăng Long, Vân Đồn, và cuối cùng là Chiến thắng Bạch Đằng bất hủ.
Trần Nhân Tông đã làm tròn chữ hiếu của kẻ làm con, làm trọn đạo nhân nghĩa của bậc quân vương, lấy sinh mệnh đền ơn tiên tổ, trọn trách nhiệm của bậc trượng phu với sơn hà xã tắc, trọn nghĩa vụ của bậc thiên tử chăm lo cuộc sống bách tính lê dân, an cư lạc nghiệp sau những năm chiến tranh tàn phá, trọn trách nhiệm của bậc làm cha, dạy dỗ chỉ bảo cho hoàng tử khôn lớn, đủ tài đức gánh vác non sông.
Năm 1299, Trần Nhân Tông lên Yên Tử xuất gia tu luyện. Sau khi khổ tu, khai ngộ, đắc Đạo, ngài lại thuận theo cái duyên của bậc Giác Ngộ, giáo hóa văn minh cho bách tính lê dân, hoằng dương Phật Pháp khắp xa gần, trong và ngoài bờ cõi.