Lý Thường Kiệt (P11): Dĩ dật đãi lao, chiến lược toàn thắng
Xem lại:P1,P2,P3,P4,P5,P6,P7,P8,P9,P10
Dù tiêu diệt được các đạo Thiên tử binh tinh nhuệ và rất nhiều danh tướng của Đại Việt phải ngã xuống, thậm chí đã thành công chọc thủng lũy Như Nguyệt, lập doanh trại và chỉ cách Thăng Long chừng trăm km, nhưng trước những đòn đánh cảm tử của đối phương, Quách Quỳ và đoàn quân viễn chinh của ông ta đã bị đánh bật trở lại bờ Bắc.
Kể từ lúc lùi về bờ bên kia, Quách Quỳ đã không còn đủ quân lực để thực hiện một cuộc đột phá như hồi đầu cuộc chiến bởi ông ta đã mất nhiều tướng lãnh và những quân doanh thiện chiến nhất. Lúc này thời tiết của Đại Việt lại thực thi vai trò của nó trên những kẻ không mời phương Bắc. Đây cũng là lúc quân đội Đại Việt sau những tổn thất ban đầu, nhưng với dự trữ chiến lược dồi dào, đã lại bổ sung đầy đủ quân số và trang bị, thắt chặt thêm từng vòng vây, tạo áp lực to lớn từng bước ép cho quân Tống phải rời khỏi đất nước. Đây gọi là chiến lược “Dĩ dật đãi lao” để dành lấy chiến thắng triệt để với một cái giá thấp nhất.Chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến giữa nước nhỏ và nước lớn, thì không chỉ đơn giản là đọ về lòng quyết tâm, ý chí kiên cường, mà còn so về tiềm lực dự trữ, quốc lực hai bên, chiến lược ngoại giao nội trị. Nhà Lý mới lập quốc được 4 đời vua, quốc lực nhỏ bé chỉ bằng 1 phần mười so với Tống. Nhưng nhờ vào nội trị ổn định của Thái Hậu, tài năng chiến lược của Lý Thường Kiệt cùng sự chuẩn bị chu đáo trước nhiều năm từ thời Thánh Tông đã thực sự vượt trội hơn đoàn quân Nam chinh của Tống vào lúc này. Ba hiệu Thiên tử binh bị xóa sổ cùng bốn hiệu tổn thất nặng trong cuộc chiến giờ đã được bổ sung hoàn toàn và sẵn sàng lâm trận.
Áp lực lên phía bờ Bắc nơi quân Tống trú đóng ngày càng tăng. Quân đội nhà Lý chia làm nhiều cánh quân tái chiếm lại các vùng đất đã mất, gây sức ép lên quân Tống. Cánh quân Vạn Xuân ép sát tổng hành doanh Tống, cánh quân miền núi tái chiếm Chi Lăng, Quyết Lý. Thủy quân thần tốc chở quân tái chiếm Đâu Đỉnh ép bên trái doanh quân Tống. Thủy quân phong tỏa đường biển phía Ngọc Sơn Đông Triều. Nếu quân Tống chíu không nổi sức ép và rút quân thì sẽ bị năm cánh quân đón đánh tiêu diệt suốt từ Như Nguyệt về đến biên giới.
Còn như Tống án binh bất động cũng sẽ bị các cánh quân lấn tới đè bẹp. Trong tình huống Quách Quỳ có phái quân đi bảo vệ đường tiếp tế ở Lạng Châu cũng chỉ là mục tiêu để quân ta công kích tiêu hao mà thôi.
Ngoài ra để đảm bảo chiến thắng toàn diện với ít tổn thất nhất, nhà Lý còn cử sứ giả sang Tống cầu hòa, trao trả tù binh, xưng thần và nhận nối lại cống nạp hàng năm. Điều này về mặt ngoại giao rất quan trọng, vì vua Tống nếu nhận lời sẽ không thể gửi binh tiếp viện cho quân viễn chinh. Quân Tống ở Đại Việt không còn tiếp viện thì chỉ như ba ba trong rọ chờ người đến bắt mà thôi. Họ đã hoàn toàn thua thảm cả về chiến lược và chiến thuật, ngoại giao, tâm lý chiến.
Sau khi nhận tin sứ giả nhà Lý sang cầu hòa thành công, Quách Quỳ đã đồng ý ký hòa đàm tại Như Nguyệt. Ông ta than rằng: “Ta không thể đạp đổ được sào huyệt giặc, bắt được Càn Đức để báo mệnh triều đình. Tại trời vậy! Thôi đành liều một thân ta để cứu hơn 10 vạn nhân mạng” (Tục tư trị thông giám trường biên)
Tháng 3 năm 1077, quân Tống rút lui khỏi Đại Việt. Họ rút đến đâu, quân Đại Việt đổ ra chiếm lại đến đó. Trước binh uy hùng dũng đầy đe dọa của nhà Lý, quân Tống vô cùng khiếp sợ.
“Quỳ muốn rút quân về, sợ giặc tập kích bèn bắt quân khởi hành ban đêm, hàng ngũ không được chỉnh tề, tình hình hỗn loạn, giày xéo lên nhau”. (Tống sử)
Sau trận chiến thất bại này, quân Tống tổn hại vô cùng nặng nề. Sách Nhị Trình di thư có nói về tổn thất của nhà Tống, cho biết họ thua rất to:
“Lúc đầu tiên ở biên giới không có lệnh cho quân sĩ kế tiếp kiểm điểm tập hợp lại để cứu viện lúc khẩn cấp. Lại có lệnh cho quân sĩ tự phóng túng đánh giết cho đến nỗi phải bị giết hàng vạn. Lại không đợi đến mùa thu mát-mẻ sang mùa đông một mạch tiến thẳng qua đánh phá mới thôi.Tháng 7 quân tiến qua ngọn núi, bị chướng-khí mà chết thì tự cho là số-phận. Đến khi quân tiến qua khỏi biên cảnh thì lương thực không được kế tiếp chuyển vận theo, tiến sâu vào sào huyệt của giặc thì lấy bè chở 500 quân qua sông, lại vừa đốn chặt vừa đốt phá mấy lớp rào tre mà không được, lại chèo bè không để tiếp tục đem viện-binh sang thì bị quân giặc hội họp bắt giết. Quân ta không có cứu binh có kẻ chết, có kẻ trốn, cho nên không thành công chỉ để tranh nhau có 50 dặm đất. Muốn đem quân qua nữa lại không có thuyền bè qua sông, không có lương thực để thành tựu công việc. Nhờ bên giặc có lời hơi thuận nên bên ta mới có lời thừa ứng mà giảng hòa. Nếu như bên giặc chưa lời xuôi thuận thì bên ta không biết phải xử sự ra sao. Quân vận lương tử trận là 8 vạn (80.000). Quân chiến đấu bị lam chướng mà chết là 11 vạn (110.000). Còn sống sót được 2 vạn 8 ngàn (28.000) người trở về, trong số này lại có nhiều người đau yếu. Lại còn số bị quân giặc giết lúc trước là mấy vạn nữa. Tính chung tất cả thì bên ta bị thiệt mất không dưới 30 vạn người (300.000). Thật là vô mưu ngu tối sai lầm quá lắm” .
Lời bàn:Chuyện xưa kể lại những sự tích oai hùng của chư tướng sĩ Đại Việt cách đây hơn 900 năm mà lòng vẫn còn thấy hào hùng. Ôi một lần vất vả khoác nhung y, đại chiến trăm trận mà đem lại thanh bình cho non nước đến thiên thu. Quả thật là:“Phạt Tống bình Chiêm, vạn cổ danh phương thùy vũ trụHộ dân bảo quốc thiên thu công đức quán sơn hà” (sưu tầm)
(Đánh Tống dẹp Chiêm tiếng thơm vạn cổ tràn vũ trụGiúp dân giữ nước ngàn đời công đức khắp non sông)
Minh Bảo
(Còn tiếp)