Lê Thánh Tông: Đức khiêm cung của một vị hoàng đế
Thánh Tông Thuần Hoàng Đế Lê Tư Thành là bậc minh quân số một trong lịch sử Việt Nam. Thời Ngài trị vì đã đưa Đại Việt trở thành bá chủ khu vực Đông Nam Á, khiến cả Trung Hoa cũng phải nể phục, các nước lân bang đều bị chấn nhiếp.
Ngoài tài năng trị quốc bẩm sinh thì thành công của vua Lê Thánh Tông còn đến từ sự áp dụng hoàn hảo hệ tư tưởng trị quốc của Nho giáo vào tình hình nước ta. Đây cũng là một minh chứng tuyệt vời của những lý thuyết Tu Tề Trị Bình trên thực tế, vốn đã từng thành công trước đây vào thời Lý Trần nay lại quật khởi lần nữa sau những năm dài đô hộ đen tối. May mắn thay những tư tưởng và bài học này vẫn còn lưu lại trong lịch sử để ngày nay chúng ta có thể hình dung được phong thái của một bậc thiên tử chân chính là như thế nào.
Nho giáo đề xuất tu thân, coi việc tu dưỡng bản thân là điều kiện quan trọng trước cả việc trị quốc. Trong việc tu thân thì đức tính khiêm cung có thể nói là rất khó thực hiện, nhất là với người trên ngôi cửu ngũ chí tôn như hoàng đế. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép về vua Lê Thánh Tông như sau:
“Đinh Hợi, [Quang Thuận] năm thứ 8 [1467], (Minh Thành Hóa năm thứ 3)
Mùa đông tháng 10. Ngày 16, đại thần và các quan dâng biểu xin vua thêm tôn hiệu. Vua phê rằng:
“Trẫm chưa dám nói đến danh hiệu Hoàng đế. Đối với các khanh, trẫm xưng là Hoàng thượng, đối với Thái miếu, trẫm xưng là Tự hoàng, như thế cũng đủ khác với danh hiệu của các thân vương rồi. Những lời ấy, các khanh nên nghĩ lại. Sau này vài năm nữa, nếu thấy trên thì trời thuận, dưới thì dân yên, mưa gió điều hòa, nước lớn thân thiện, nước nhỏ sợ uy, mới có thể bàn đến tôn hiệu. Các khanh nghĩ kỹ lại xem”.
“Ngày 19, đại thần và các quan văn võ lại dâng, biểu xin thêm tôn hiệu. Tờ biểu viết: Bệ hạ đã lên ngôi chí tôn, nên xưng là Hoàng đế. Vua không nghe.”
Lời bàn:
Con người ta sống ở đời nhiều khi cũng là vì một cái danh hão mà khổ tâm truy cầu mãi. Nhất là khi cái danh đó lại là tôn hiệu Hoàng đế cao quý của thiên hạ. Bao vị vua xưa nay vì thói háo danh mà tự khoác lên mình vô số tôn hiệu hoành tráng, và tạo thành cái cớ cho bề tôi tâng bốc nịnh hót. Cái tệ này quả còn xấu hơn tham quan ô lại, vì họ không quan tâm để biết rằng, tôn hiệu chỉ cao quý khi nó xứng đáng với những thành quả cai trị của một nhà vua làm cho nhân dân no ấm, nước giàu quân mạnh. Nếu không làm được thế thì xưng tôn hiệu có ích gì, chẳng qua lại phí mất bút mực của sử gia, để tiếng cười chê cho hậu thế mà thôi. Những thứ như “Nùng Bình phiên phục” của Lý Thái Tông nhà Lý chẳng đủ nực cười rồi sao? Thế nên với trí tuệ của mình, Lê Thánh Tông dĩ nhiên sẽ không làm việc vô nghĩa ấy.
Xem thêm:
Minh Bảo thực hiện