Bùi Thị Xuân Vị nữ tướng anh kiệt thời cận đại (Kỳ 2)
Kỳ 1: Vị nữ tướng anh kiệt thời cận đại
Xưa nay lòng trung nghĩa đâu chỉ là khí phách riêng của đấng nam nhi đại trượng phu… xuân này ta hãy cùng xem lại những trang sử ghi chép tấm lòng trung liệt tuyệt vời của một vị nữ tướng mang tên mùa Xuân: nữ tướng Bùi Thị Xuân, người đã cống hiến toàn bộ cuộc đời và tài năng của mình cho sự thành công của triều đại Tây Sơn…
Tận lực phò tá nhà Tây Sơn, xây dựng binh nghiệp, tiến cử hiền tài
Nhìn lại lịch sử nhà Tây Sơn từ trước lúc khởi nghĩa đến khi diệt vong, ta sẽ dễ dàng nhận ra sự đóng góp to lớn của vợ chồng Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu cho triều đại này. Có thể nói không ngoa rằng họ chính là các vì phúc tướng mà trời ban cho anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Có lẽ vì thế mà trong 18 tướng lãnh trụ cột, thì hai vợ chồng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân được anh em Tây Sơn coi như cật ruột.
Giai đoạn tiền khởi nghĩa, bà chẳng những một tay lo việc kinh tế tài chính mà còn huấn luyện nghĩa quân, khai phá đồn điền, thành lập tượng binh…
“Ở bên Phú An nay hãy còn một đám đất gọi là Trường Võ, đó là nơi bà mở trường dạy võ nghệ cho các nghĩa sĩ trong quân đội Tây Sơn.
Thuở ấy, bà Bùi Thị Xuân còn là một nữ tướng trẻ tuổi, xinh đẹp. Ngoài tài năng võ nghệ, cầm binh, huấn luyện voi rừng (nghe đâu dãy gò Dinh, sông Côn là bãi tập voi của bà)… bà còn giỏi cả việc đi buôn trầu ở An Khê, có tài thuyết phục người ở miền Thượng hơn cả Nguyễn Nhạc, giỏi cả việc khai hoang, làm thủy lợi như biến lòng một con suối khô, chỉ toàn là cát đá thành vùng đất màu mỡ “nhất đẳng điền” tên là ruộng Trại, rộng hơn hai chục hécta để lấy lúa nuôi quân…”
(Trích: Bút Ký – Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Ngoài các nữ võ sinh trường võ của bà sau này đều là tướng lãnh, chỉ huy quan trọng như đã dẫn ở trên, bỏ qua luôn cả ông chồng danh tướng – Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân còn chứng tỏ mình rất “mát tay” khi giới thiệu một số anh tài về đầu quân dưới trướng Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc. Tiêu biểu như:
Phi Vân Báo Lý Văn Bưu nổi danh với tài kỵ xạ bách phát bách trúng và gia đình truyền đời nuôi chiến mã, huấn luyện ngựa chiến. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng năng lực kỵ binh Tây Sơn và lập công trong chiến dịch Thăng Long năm Kỷ Dậu.
Lũy Tiệp tướng quân Đặng Xuân Phong gia nhập năm 1775, người Dũng Hòa, lập công đầu trong trận Quảng Nam giết chết Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân, cùng Nguyễn Văn Tuyết trấn thủ Quảng Nam. Sau đó ông tham gia trận Phú Yên đánh bại Tống Phước Hiệp, bắn chết tướng Nguyễn Văn Hiền. Ông làm quan đến Thái phó, huyện công Tuy Viễn.
Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, dẹp yên Xiêm La
Năm 1783, Nguyễn Vương Phúc Ánh sau nhiều trận đại bại đã quyết định đem hết tàn binh của mình cầu viện Xiêm La, một đế quốc láng giềng đang thời hùng mạnh, quyết giành lại giang sơn bằng mọi giá.
Người Xiêm vốn cũng là những kẻ cơ hội lọc lõi, đầu tiên họ vốn muốn đứng ngoài cuộc làm “ngư ông đắc lợi” cho cuộc chiến Nguyễn – Tây Sơn. Hơn nữa bên phía Nguyễn Nhạc cũng có động thái muốn hòa hoãn với Xiêm La để rảnh tay bình định trong nước bởi Tây Sơn không muốn có thêm một kẻ địch mạnh. Do đó Nguyễn Nhạc đã cử sứ giả đến Bangkok gặp vua Xiêm La Rama I.
Nhưng tháng 12 năm 1783, phò mã Trương Văn Đa của Tây Sơn theo lời cầu cứu của Nặc Ấn đã đem quân sang Chân Lạp tấn công viên tướng Chiêu Thùy Biện (Chao Phraya Abhaya Bhubet, Nhiếp chính vương Chân Lạp, do Xiêm ủng hộ) và đụng độ quân Xiêm ở đó. Vì thế mà vua Xiêm đã lựa chọn động binh giúp chúa Nguyễn vừa để giành lại ảnh hưởng ở Chân Lạp và vừa muốn chiếm Nam Bộ.
Tháng 4 năm 1784, vua Xiêm Rama I phái hai tướng Lục Côn và Sa Uyển cùng với Chiêu Thùy Biện, đem hai đạo bộ binh tiến sang Chân Lạp để từ đó, mở một mũi tiến công đánh phối hợp. Tổng quân số của liên quân Xiêm Nguyễn khoản 2 vạn người.
“… Vào tháng 5 [lịch Xiêm, khoảng tháng 3 DL] của năm Thìn [Giáp Thìn 1785], nhà vua sai cháu là Chaofa Kromluang Thepharirak chỉ huy một đội chiến thuyền và 5.000 quân, phát lệnh tấn công và tái chiếm – không được thất bại – lãnh thổ Saigon cho Ong Chiang Su [chúa Nguyễn]. Nhà vua cũng cho phép đích thân Ong Chiang Su đi theo với đoàn quân. Một toán quân đường bộ do Phraya Wichinarong chỉ huy được lệnh tiến theo đường Cam Bốt và điều động thêm một đoàn quân Cao Miên. Chaophraya Aphaiphubet tuyển thêm một lực lượng 5.000 quân Cam Bốt để đi cùng quân Thái”.
(Nguyễn Duy Chính – trích từ tài liệu lịch sử của Xiêm La).
Tháng 7 năm 1784, thủy quân Xiêm đổ bộ lên đánh lấy Rạch Giá (thuộc đạo Kiên Giang), tiến đánh quân Tây Sơn của Đô đốc Nguyễn Hóa ở Trấn Giang (Cần Thơ), tiến chiếm các miền Ba Thắc (Srok Pra-sak, Sóc Trăng), Trà Ôn, Sa Đéc, Mân Thít rồi chia quân đóng giữ. Xét thấy quân ít, không chống chọi được, phò mã nhà Tây Sơn là Trương Văn Đa cho quân lui về giữ Long Hồ. Quân Xiêm đi đến đâu cướp bóc đến đó, Nguyễn Ánh dù bất bình nhưng không can thiệp được vì họ (quân Xiêm) cậy mình là kẻ cứu giúp nên đàn áp, cướp bóc nhân dân, khinh mạn cả chúa Nguyễn và quân Nguyễn.Lần này kể cả Nguyễn Ánh cũng phải hối hận vì quyết định của mình:
“Vua thấy quân Xiêm tàn bạo, đến đâu là cướp bóc đấy, nhân dân ta oán rất nhiều, bảo các tướng rằng: “Muốn được nước phải được lòng dân. Nay Chu Văn Tiếp đã mất, quân Xiêm không ai chế ngự được. Nếu được Gia Định mà mất lòng dân thì ta cũng không nỡ làm. Thà hãy lui quân để đừng làm khổ nhân dân”.
(Theo: Đại Nam Thực Lục).
Trương Văn Đa gửi tin cáo cấp về Quy Nhơn, Thái Đức Hoàng đế cử Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ dẫn quân vào đánh quân Xiêm. Đầu năm 1785, quân đội Tây Sơn đã có mặt ở miền Nam.
Với quân số ít hơn, Nguyễn Huệ quyết định dùng chiến thuật mai phục và tập kích nhanh mạnh bằng hỏa lực lớn, là điều mà ngày nay gọi là “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”. Ông chọn khúc sông Rạch Gầm Xoài Mút làm địa điểm quyết chiến. Nguyễn Huệ tổng chỉ huy chiến dịch và trực tiếp thống lĩnh thủy binh, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân phụ trách bộ binh mai phục.
Sau khi sắp đặt xong mọi thứ, Nguyễn Huệ cử binh đi khiêu chiến quân Xiêm. Tướng Xiêm là Chiêu Tăng giao Sạ Uyển ở lại giữ đại bản doanh, cử tướng Lục Cổn dẫn bộ binh men theo tả ngạn sông Tiền để cùng phối hợp; còn ông cùng với tướng tiên phong là Chiêu Sương, dẫn hàng trăm thuyền chiến tiến xuống Mỹ Tho, nơi đặt đại bản doanh của Tây Sơn.
Đêm ngày 18 tháng 1 năm 1785, cả hai đạo thủy bộ quân Xiêm cùng rầm rộ tấn công.
Đến khoảng đầu canh năm ngày 19 tháng 1 năm 1785, đoàn thuyền chiến của địch lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn ở Rạch Gầm-Xoài Mút, tức thì pháo lệnh tấn công của Tây Sơn nổ vang. Các đội thủy binh Tây Sơn từ Rạch Gầm, Xoài Mút bất ngờ lao ra, chặn đánh hai đầu, dồn quân địch vào vòng vây đã bố trí sẵn. Đồng thời, từ hai bờ sông Tiền (đoạn Rạch Gầm-Xoài Mút) và dọc bờ cù lao Thới Sơn, bãi Tôn, cồn Bà Kiểu, Rừng Dừa… các đại bác cùng pháo hỏa hổ của bộ binh Tây Sơn bắn ra dữ dội vào giữa đoàn thuyền địch lúc bây giờ đang bị dồn lại. Dưới sự đốc chiến trực tiếp của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn thủy bộ phối hợp cùng nhau tận dụng sự chi viện của hỏa lực đại bác số lượng vượt trội trên bờ bắn xuống tiêu diệt gần như toàn bộ thủy quân Xiêm. Lục quân Xiêm trên bờ cũng bị tập kích bất ngờ bởi đạo kỳ binh do vợ chồng Bùi Thị Xuân chỉ huy. Vừa sợ hãi vừa rối loạn nên đoàn quân bộ của Xiêm – Nguyễn cũng mau chóng bị tiêu diệt, Bùi Thị Xuân với kiếm pháp tuyệt luân của mình đã chém bay đầu Lục Cổn tại trận.
Trời vừa rạng sáng, thì chiến cuộc cũng vừa dứt. Kết quả là 300 chiến thuyền và 2 vạn thủy binh của Xiêm cùng một số quân của chúa Nguyễn, không đầy một ngày, đã bị quân Tây Sơn phá tan. Hai tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương chạy trốn về Sa Đéc, bị truy kích, lại hối hả cùng Sa Uyển dẫn vài nghìn tàn quân chạy bộ sang Chân Lạp rồi về Xiêm.
Chính sử nhà Nguyễn dẫu không công nhận nhà Tây Sơn, nhưng vẫn phải nhận xét về cuộc chiến này như sau:
Minh Bảo thực hiện