Phong vận cổ Việt: Con mọt sách dễ tỉnh mộng phồn hoa, lửa đom đóm khó cháy lòng gấm vóc
Lời tòa soạn:
“Thi là chí, văn là đời”, đằng sau “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” trong những áng cổ văn thơ chính là tâm hồn người Việt. Các bậc tiền nhân mượn thi, ca, nhạc, họa để ký thác lòng mình, gửi vào đó một phong vị rất Việt, rất riêng. Chỉ tiếc là, phong vị ấy qua thời gian dần rơi vào quên lãng, lớp lớp người sau hầu như không còn giữ được tinh hoa dân tộc và cốt cách của cha ông mình.
Giữa thế sự xô bồ, chúng tôi nguyện lội một bước ngược dòng tìm lại huy hoàng xưa đã mất. Thông qua tác phẩm Hán-Nôm của các bậc tiên hiền, bài viết hy vọng có thể gom góp lại những mảnh hồn tinh túy và các giá trị đạo đức quý báu của tiền nhân. “Lời quê chắp nhặt dông dài”, dẫu chưa dám sánh với các bậc am Nho túc học thì vẫn chỉ mong sao “mua vui cũng được một vài trống canh”…
Tâm sự “con bướm chết trong sách” của thi hào Nguyễn Du
Nhắc đến Nguyễn Du là nhắc đến “Truyện Kiều”, đến mức nhiều người chỉ biết có Kiều mà không hay rằng còn có những viên ngọc khác không kém phần lấp lánh trong di sản cụ Tiên Điền. Trong đó có một bài thơ được nhận xét là ‘vừa lạ lùng vừa tuyệt diệu’, được viết khi ông chưa tới tuổi “tam thập nhi lập” nhưng lại mang đầy tâm tư và chiêm nghiệm về cuộc đời, về cõi nhân sinh. Đó chính là “Điệp tử thư trung” (Con bướm chết trong sách), được xếp gần cuối phần Làm quan ở Bắc Hà (1802-1804) trong Thanh Hiên Thi Tập.
Điệp tử thư trung
Nguyên tác:
蝶死書中
芸窗曾幾染書香,
謝卻風流未是狂。
薄命有緣留簡籍,
殘魂無淚哭文章。
蠹魚易醒繁華夢,
螢火難灰錦繡腸。
聞道也應甘一死,
淫書猶勝為花忙。
Hán Việt:
Vân song tằng kỷ nhiễm thư hương,
Tạ khước phong lưu vị thị cuồng.
Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch,
Tàn hồn vô lệ khốc văn chương.
Đố ngư dị tỉnh phồn hoa mộng,
Huỳnh hoả nan hôi cẩm tú trường.
Văn đạo dã ưng cam nhất tử,
Dâm thư do thắng vị hoa mang.
Dịch nghĩa:
Bao nhiêu lâu nay nhiễm hương thơm của sách trong thư phòng,
Từ bỏ cảnh phong lưu không thể cho là dại.
Mệnh bạc nhưng cũng có duyên lưu lại với sách,
Hồn tàn không có nước mắt mà khóc văn chương.
Con mọt sách dễ tỉnh mộng phồn hoa,
Lửa đom đóm khó đốt cháy tấm lòng gấm vóc.
Được nghe đạo lý rồi chết cũng cam,
Ham mê sách còn hơn đắm đuối vì hoa. [1]
Bài thơ kể về con bướm chết trong sách, hay nói đúng hơn là nhân lúc tình cờ thấy có con bướm chết trong trang sách cũ mà suy ngẫm về mình, mượn lời thơ để ký thác tâm tư, gửi tiếng lòng vào muôn thuở. Con bướm chấp nhận từ bỏ thú phong lưu (rập rờn nơi vườn hoa, rong chơi đây đó) để đắm mình trong thư hương cao quý, tuy yểu mệnh nhưng lại được lưu cùng những giá trị bất hủ, được thấm đượm hương thơm của văn chương nơi thư phòng.
Ý thơ đến đây, có thể nói là dung dị, dễ hiểu, không hề khiến người đọc thấy mông lung hay mơ hồ. Nếu tạm bỏ qua câu thứ ba và hai câu luận mà đi thẳng đến hai câu kết (“Được nghe đạo lý rồi chết cũng cam/Ham mê sách còn hơn đắm đuối vì hoa”) thì ý tứ vẫn liền mạch: Con bướm nằm trong sách, đã được nghe đạo lý Thánh hiền, như vậy thì chết cũng thỏa, không còn gì phải hối tiếc. Giống như một câu trong Luận Ngữ: “Triêu văn đạo, tịch khả tử” (sáng được nghe Đạo, tối chết cũng cam lòng). Đã như vậy, thì câu thứ ba “Hồn tàn vô lệ khóc văn chương” có ý nghĩa gì? Chuyện con bướm chết có liên quan gì đến “khóc văn chương”? Nhiều nhà nghiên cứu khi đọc đến đây đều cho rằng câu thơ này có thể nói là “hóc” vào bậc nhất trong thơ Nguyễn Du. Chi tiết ấy giống như chiếc chìa khóa giúp người đọc nắm được tinh thần của tác phẩm. Chỉ khi hiểu được tâm tư của tác giả đằng sau tiếng khóc văn chương, chúng ta mới có thể hiểu vì sao từ chuyện con bướm chết lại nói đến “mộng phồn hoa”, cùng với “lửa đom đóm” và “lòng gấm vóc”, từ đó mới có thể cảm thụ được giá trị của thi phẩm này.
Người đọc thơ Nguyễn Du đều nhận thấy: Thơ chữ Hán bộc lộ phần sâu kín nhất trong ông, giống như cuốn nhật ký giãi bày mọi ý nghĩ, nỗi niềm. Học giả Quách Tấn cũng nhận xét: “Tố Như làm thơ không phải để phấn sức tài ba trong nhất thời, mà để gửi tâm sự vào thiên cổ. Mỗi bài thơ là một mảnh lòng”. Và khi đọc lại toàn bộ thơ Nguyễn Du, sẽ không khó để hiểu tiếng khóc văn chương mà ông luôn đau đáu một đời.
Vì đâu tiếng khóc văn chương, để cho hậu thế một phen ngậm ngùi?
Với Nguyễn Du, văn chương cũng tựa như hơi thở, như tâm hồn của ông vậy. Nơi ông ở trước cửa toàn là núi xanh, căn phòng đơn sơ không gì ngoài “sách vở đầy bốn vách”, và một cái giường “có chồng sách đỡ tấm thân bệnh tật”. Ông tự gọi mình là “một đời từ phú”, “trăm năm kiết xác với văn chương”, nhưng văn chương ấy lại thấm đẫm đạo lý Thánh hiền và là nơi thánh khiết thanh cao:
“Chưa từng có chuyện văn chương sinh nghiệt chướng,
Không để cho bụi bặm lẫn vào nơi trong sạch”. — (Ngọa bệnh, kỳ 1)
Ông từng ví lòng mình thanh trong như giếng cổ được ánh trăng chiếu vào:
“Tấm lòng trong vằng vặc,
Như trăng soi giếng xưa”. — (Đạo ý)
Mang cái tâm thánh khiết mà đến với cuộc đời, Nguyễn Du từng ôm mộng làm bạn với hươu nai, vui với non xanh nước biếc, nghe tiếng thông reo lưng chừng mây, thoát khỏi vòng danh lợi, không để bụi bặm thế gian làm vấy bẩn tâm hồn thanh bạch… Vậy mà rốt cuộc, vẫn phải luống thẹn cùng gió mây: “Thẹn không cùng non xanh giữ được thủy chung”, “Thẹn cùng trúc đá vì đã phụ lời thề ước”, “Thẹn mình đã phụ làn mây núi Hồng”, “Hãy vì ta tạ lỗi với cây tùng tảng đá non Hồng / Ta không còn mặt mũi nào trông thấy bạn đồng minh kia nữa”.
Trải qua mấy cuộc bể dâu, nhà cửa không còn, anh em tan tác, gia đình ly tán, một mình bôn ba 10 năm gió bụi, lưu lạc bốn phương trời, Nguyễn Du bình sinh không màng danh lợi, luôn ghê sợ chốn quan trường ngột ngạt, bon chen. Nhưng khi quê nhà đại hạn, “mười đứa con sắc mặt xanh như rau”, gia cảnh “mười miệng ăn đang kêu đói ở phía bắc Hoành Sơn” mà lòng không khỏi chua xót. Gần chục năm, ông mấy lần cáo quan về quê dưỡng bệnh, có lần vừa xin về thì chỉ hơn một tháng sau ông lại ra nhận chức Đông Các học sĩ, chỉ vì năm đấu gạo mà phải dấn thân mình. Tương truyền, trong thư phòng Nguyễn Du có đôi câu đối:
“Nhất chức bất hiềm ti, chỉ vị mễ ngũ đấu chiết yêu, dụy dụy tiến, nặc nặc thối.
Bán sinh không hạo tưởng, yêu đắc hạ vạn gian tí sĩ, lạc lạc hậu, ưu ưu tiên.”[2]
(Một quan chức chẳng nề chức nhỏ nhen, chỉ vì năm đấu gạo phải uốn cong tấm lưng, dạ dạ lên, vâng vâng xuống.
Nửa đời người không tưởng việc to tát, mong sao được vạn gian nhà để chở che kẻ sĩ, lo lo trước, vui vui sau.)
Ông tự chế nhạo mình như viên ngọc thô trong đá, chỉ vì luấn quấn đường công danh mà không còn giữ được diện mạo thuần phác thuở ban sơ:
“Viên ngọc trong đá không giữ được bộ mặt thật của mình,
Chút công danh nho nhỏ ở một châu có đáng gì?” — (Ký hữu 2)
Bởi vậy thơ ông thường trở đi trở lại tiếng thở dài ngao ngán khi “phải lặn lội trong gió thu ngàn dặm”, “theo đuổi công danh tầm thường trong đám bụi trần”:
“Anh hùng nản bước bon chen,
Lợi danh ghen ghét đòi phen khóc cười” — (Xuân tiêu lữ thứ)
Người anh hùng từng ôm chí lớn, mang theo biết bao hoài bão, nhưng con đường công danh không thể giúp ông thực hiện hùng tâm tráng chí mà ngược lại, còn bào mòn, hủy hoại mọi ước mơ.
“Bạc đầu tráng sĩ nhìn trời
Hùng tâm sinh kếcả đôi lỡ làng” — (Tạp thi 1)
“Văn võ đều không thành nên sinh kế quẫn bách,
Hết xuân lại thu, làm đầu cứ bạc thêm” — (Tự thán 2)
Cả một đời rong ruổi, ấy vậy mà ước vọng thì tàn phai, công danh thì dang dở, tâm nguyện lại bất thành, còn thế gian phú quý cũng chỉ như mây trôi bèo nổi… Tài hoa mà làm chi? Văn võ mà làm chi? Ngẫm lại cuộc đời mình, ông xót xa: Dẫu rằng phong tư tài mạo tót vời, văn chương nết đất thông minh tính trời, thì đã mang lấy nghiệp vào thân, tránh sao cho khỏi kiếp đời long đong?
“Trăm năm một đời, chết khốn cùng trong vòng văn chương,
Sáu thước tấm thân, lênh đênh giữa vùng trời đất…” — (Mạn hứng, kỳ 2)
Bậc tráng sĩ tựa kiếm nhìn trời, khóc cho văn chương mà lòng luống bao tủi phận:
“Tựa kiếm nhìn lên thăm thẳm xanh
Ba mươi năm lội giữa bùn tanh
Văn chương phù phiếm không no được
Đói rét người thương tủi phận mình” — (Khất thực)
Rốt cuộc thì, một đời chữ nghĩa, vẫn hoàn không!
“Một đời chuyên về từ phú, biết là vô ích,
Sách đàn đầy giá, chỉ mình làm ngu mình” — (Mạn hứng)
Tâm sự ấy được bộc lộ rõ ràng nhất là khi Nguyễn Du khóc cho nàng Tiểu Thanh trong “Độc Tiểu Thanh ký”. Đây cũng là tác phẩm được xếp gần như ngay sau “Điệp tử thư trung” trong Thanh Hiên Thi Tập.
Nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn, vừa có tài cầm kỳ thi họa lại có phong tư lộng lẫy hơn người. Năm 16 tuổi nàng được gả cho Phùng Sinh, nhưng vợ cả vì đố kỵ với tài sắc của Tiểu Thanh nên bắt nàng ra ở riêng trên Cô Sơn, gần Tây Hồ. Tiểu Thanh sống cô đơn gối chiếc, sinh bệnh rồi qua đời khi mới 18 tuổi. Vẻ đẹp son phấn khiến người ta xót xa ngay cả sau khi chết. Còn văn chương, thể hiện cho tài hoa và tâm hồn của nàng, thì lại lại bị rẻ rúng đốt đi, phải nhờ vào tờ giấy gói quà may còn sót lại một vài bài mà đến được với đời.
“Vườn hoa cạnh Tây Hồ đã thành bãi hoang,
Ta chỉ viếng nàng qua bài ký đọc trước cửa sổ.
Son phấn có hồn chắc phải xót chuyện xảy ra sau khi chết,
Văn chương không có mệnh mà cũng bị liên lụy, đốt đi còn sót lại một vài bài.”
Nguyễn Du khóc cho Tiểu Thanh, cho tài văn chương của nàng, cũng là khóc cho chính mình vậy:
Mối hận cổ kim, khó mà hỏi ông Trời.
Ta tự coi như người cùng một hội một thuyền với nàng, là kẻ vì nết phong nhã mà mắc phải nỗi oan lạ lùng.
Chẳng biết ba trăm năm sau nữa,Thiên hạ ai người khóc Tố Như?
Và như thế, sau biết bao biến động phong ba, người tráng sĩ ngậm ngùi khi nhận ra: Chí nguyện cả đời, rốt cuộc cũng chỉ là một giấc mộng dở dang:
“Trăm năm trần thế chỉ là giấc mơ mở mắt,
Nghìn dặm Hồng sơn, luống chạnh lòng khi tựa lan can” — (La Phù giang thủy các độc tọa)
Nhân thế như phù du, nhân sinh như giấc mộng. Giấc mộng ấy không ít lần trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Du, khi thì là: “Kết cục trăm năm đều thế cả / Ngoảnh trông một áng bụi mơ màng”, lúc lại là: “Cuộc đời trăm năm thương thay chỉ là chớp mắt / Cuộc vui chơi lúc tuổi già, tiếc chỉ là thoáng chốc”, và còn là: “Bạn bè quen biết thường lấy làm lạ sao ta hay sầu mộng / Thiên hạ ai là người không ở trong mộng?”.
Nếu quả đúng thế gian là mộng, đời người là vở kịch, thì cớ sao phải mê man trong những hỉ nộ ái ố của đời người? Chi bằng:
“Ước gì nhảy ra khỏi vòng tục
Dưới bóng cây tùng thích biết bao” — (Sơn thôn)
“Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại” (nhảy ra ngoài cõi tục), nếu thân ở nơi nhân thế mà tâm đã ở ngoài trần thế, vậy thì đó chính là cảnh giới của Đạo, của Thiền.
Đến đây, chúng ta đã hiểu phần nào tâm sự của Tố Như, rằng vì sao trong thơ ông tiếng khóc văn chương cứ trở đi trở lại nhiều đến vậy. Nếu có thể tóm gọn lại trong một vài câu thì là: Mang hùng tâm tráng chí, ôm ước vọng thi thư ⇒ nhưng cuộc đời lại chìm nổi giữa ba đào, rong ruổi long đong đến bạc đầu ⇒ xót xa khi tài hoa uyên bác cũng bằng thừa ⇒ khóc văn chương, cũng chính là khóc cho mình ⇒ cuối cùng mới nhận ra nhân gian là “mộng” ⇒ ước vọng thoát khỏi chốn trần ai…
Con mọt sách dễ tỉnh mộng phồn hoa, lửa đom đóm khó cháy lòng gấm vóc
Khi đã hiểu tiếng khóc văn chương kia rồi, đối chiếu với “Điệp tử thư trung” ta sẽ thấy ý thơ vô cùng liền mạch, mọi thứ đều sáng sủa rõ ràng. Con bướm sau một đời phiêu bạt, lênh đênh, nếm trải hết đủ mọi phong lưu cho đến khi mệnh bạc, mãi tới khi nghe đạo lý Thánh hiền nó mới nhận ra: Thế gian là cõi mê, đời người chỉ như mộng. Biết là mộng, ắt không còn mê đắm phồn hoa. Biết là mộng, ắt không để cát bụi trần ai làm vấy bẩn cái tâm vàng ngọc.
Bởi con người sống trong mê, nên mới cần tỉnh giấc trở về, và cánh cửa duy nhất để trở về, chính là Đạo. Trong cõi nhân sinh có điều chi đáng giá? Một lần nghe Đạo là niềm vui thiên cổ. Do đó mới nói: Sớm nghe Đạo, tối chết cũng cam lòng.
Bài thơ viết về con bướm chết nhưng không gợi cảm giác bi thương, mà ngược lại, lại cho thấy ánh sáng của một tâm hồn đã tỉnh mộng phồn hoa để trở về với Đạo. Đó cũng là điều mà cả Phật gia lẫn Đạo gia đều giảng: Trở về mới là con đường của sinh mệnh, mới là mục đích chân chính làm người.
Cuối cùng, mời quý độc giả cùng thưởng thức lại thi phẩm “Điệp tử thư trung” qua bản dịch thơ của học giả Quách Tấn:
Song vân từng thấm vị thư hương
Bỏ thú phong lưu há phải cuồng
Mệnh bạc còn duyên vương sử sách
Hồn tàn không lệ khóc văn chương
Khó mong lửa đóm thiêu lòng gấm
Dễ khiến thân sâu tỉnh mộng vàng
Đạo lý sớm nghe chiều chết thỏa
Hoa sao bằng chữ dám cưu mang.
Chú thích:
[1] Theo bản dịch đăng trên Thivien.net, dẫn từ Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Trần Văn Nhĩ, NXB Văn Nghệ, 2007
Thảo Ngọc thực hiện