Cự tuyệt tà dâm, trọng đức đắc phúc báo
Người hiện đại thường cho rằng chỉ cần nỗ lực học tập, làm việc chăm chỉ thì sẽ có được tương lai xán lạn, thậm chí có thể thay đổi vận mệnh. Tuy nhiên, người xưa thì không chỉ dừng lại như vậy.
Người xưa cũng nói rằng “học giỏi thì làm quan”, có chí tiến thủ là điều mà một người nên làm. Thế nhưng, việc một người có thể ghi danh bảng vàng, đỗ khoa trúng cử hay không, ngoài việc văn chương lưu loát, thì điều quan trọng hơn là đức hạnh của người đó như thế nào, thậm chí thiện hạnh phúc báo của tổ tiên người đó ra sao…
Trong cuốn “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” ghi chép rằng, vào thời nhà Minh có một người đàn ông tên là Úc Tòng Chu, là một người tài giỏi có tiếng. Vận mệnh của ông vốn là tiền đồ thuận lợi, vinh hoa phú quý, sung túc đến già. Tuy nhiên vì cậy tài khinh người, nói lời cay nghiệt, Úc Tòng Chu không chỉ bị tước bỏ công danh mà còn hại con cháu trở thành kẻ ăn mày. Vậy mới nói rằng, đức hạnh mới là nguyên nhân cuối cùng quyết định hạnh phúc của một người.
Vậy đối với người tham sắc ham dâm, Thượng thiên sẽ an bài tương lai cho họ như thế nào? Theo ghi chép trong “Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn”, Đế Quân từng nói: “Những kẻ tham lam sắc dục, hành vi bất chính, bôi nhọ bản tính thiện lương và danh tiết của bản thân, làm trái Thiên lý, sẽ bị trừng phạt. Thượng thiên hạ thấp phúc ân trạch. Chỉ có những người giữ gìn sự thanh khiết, đức độ, thủ thân như ngọc, mới có thể đắc được phúc khí từ trời cao. Trong các kỳ thi xuân thu, mỗi lần ta thường tạm thời tước bỏ hoặc ban cho người nào đó công danh. Phàm là bị ta tước bỏ công danh, bổng lộc chức quyền, phần lớn là do tham lam thất đức, vi phạm phép tắc lễ tiết, vậy nên suốt đời phải sống trong cảnh bần cùng, loạn lạc. Thế nhưng cũng có người lại vì một niệm thiện mà đắc được thiện báo.”
Dưới đây là hai ví dụ về nhân quả báo ứng như vậy:
Làm chuyện xằng bậy bị tước danh hiệu Trạng Nguyên
Vào thời Nam Tống, ở Giang Châu có một tú tài tên là Phan Ngộ, cha của anh là Phan Lãng từng làm Thái thú Trường Sa, đã từ quan về nhà ở ẩn. Phan Ngộ thi đỗ Tỉnh nguyên, định từ biệt phụ thân đến Lâm An tham gia thi Hội. Đêm đó, cha anh mộng thấy đoàn người cầm cờ kéo trống, đưa một tấm bảng Trạng Nguyên đến cửa, trên tấm bảng đề tên của Phan Ngộ. Ông bèn dậy sớm và kể lại với con trai. Phan Ngộ rất vui, cho rằng bản thân ắt sẽ đỗ đạt, không còn nghi ngờ gì nữa. Vì vậy trong suốt chặng đường đi đến Lâm An dự thi, anh ta đều hát hò ăn uống no say, tâm tình rất vui vẻ.
Không lâu sau khi đến Lâm An, Phan Ngộ tìm được một lữ quán nhỏ để ở trọ. Chủ quán nghênh đón và hỏi: “Anh họ Phan phải không?”. Phan Ngộ nói: “Chính xác. Làm sao ông biết?”. Chủ quán nói: “Đêm qua tôi nằm mộng thấy Thổ địa công nói rằng: ‘Trạng Nguyên năm nay họ Phan, trưa mai sẽ đến đây, ông hãy cẩn thận nghênh đón!’. Anh đúng là ứng với giấc mộng này. Nếu anh không ngại hàn xá này đơn giản, có thể nghỉ lại ở đây được không?”.
Phan Ngộ nói: “Nếu quả có chuyện như vậy, tôi sẽ trả gấp đôi giá phòng”. Anh lập tức ra lệnh cho gia nhân chuyển hành lý vào đây ở trọ. Chủ quán có một cô con gái, nàng nghe cha nói về giấc mộng này, biết được Phan Ngộ có thân phận Trạng Nguyên thì liền sinh hảo cảm. Phan Ngộ gặp được thiếu nữ trẻ tuổi xinh đẹp, liền sai đồng tử đem hai chiếc nhẫn vàng và một chiếc kẹp tóc bằng ngọc bích tới để tặng cho nàng, tỏ ý muốn hẹn hò.
Cô con gái chủ quán vui vẻ nhận lễ, cởi chiếc túi thêu đeo ở thắt lưng làm quà đáp lễ, đồng thời hẹn sẽ đích thân đến thư phòng khi cha cô ra ngoài. Mấy ngày không có cơ hội, mãi cho đến sau kỳ thi, chủ quán mở tiệc chiêu đãi những người ở trọ, tửu lượng càng sâu, chủ quán càng say khướt. Phan Ngộ đang chuẩn bị đi ngủ thì đột nhiên nghe thấy tiếng gõ cửa nhẹ, mở ra thì thấy đó là con gái của chủ tiệm, hai người sau đó đã làm chuyện xằng bậy. Phan Ngộ còn hẹn ước rằng sau khi thành danh sẽ cưới cô làm tiểu thiếp.
Đêm hôm đó, phụ thân Phan Lãng lại mộng thấy tiếng trống cờ giống như lần trước, nhưng tấm bảng Trạng Nguyên lại vụt qua cửa nhà ông mà đi. Trong giấc mộng, Phan Lãng hét lên: “Đây là bảng cờ của nhà tôi”. Người đưa bảng trả lời: “Không phải!”. Phan Lãng đuổi theo để nhìn, quả nhiên là một cái tên khác.
Người đưa bảng nói: “Trạng Nguyên năm nay vốn là Phan Ngộ, con trai của ông, nhưng vì hắn làm chuyện xằng bậy, Thiên Đế hạ lệnh tước bỏ tiền đồ, chuyển cho người khác!”. Phan Lãng giật mình tỉnh dậy, bán tín bán nghi. Sau khi trời sáng không lâu, Phan Lãng đi xem bảng cáo thị, quả nhiên Trạng Nguyên là cái tên trên tấm bảng trong giấc mộng đêm qua, con trai ông đã thi rớt.
Ông chờ Phan Ngộ quay về rồi hỏi: “Ngươi đã làm việc gì trái với lương tâm?”. Phan Ngộ chống chế không nổi đành phải nói ra sự thật. Hai cha con buồn bã, thở dài không thôi. Một thời gian sau, Phan Ngộ nhớ nhung người con gái của chủ quán đó, phái người đem vàng lụa đi đính hôn, nhưng nàng đã kết hôn với người khác! Phan Ngộ cảm thấy rất hối hận, về sau liên tiếp thi trượt nhiều lần, cuối cùng buồn bực sầu não mà qua đời.
Câu chuyện nhân quả của phụ thân Vương Dương Minh
Vương Dương Minh là một nhà tư tưởng, nhà giáo dục sống vào thời nhà Minh, phụ thân Vương Dương Minh tên là Vương Hoa. Khi còn trẻ, Vương Hoa từng dạy học trong một gia đình giàu có, vì nhân phẩm và học vấn tốt nên vị phú ông rất coi trọng tài năng của ông. Phú ông có rất nhiều tỳ nữ thê thiếp, nhưng đáng tiếc là không có con.
Một đêm nọ, một người tiểu thiếp trẻ tuổi của phú ông đi đến phòng ngủ của Vương Hoa. Vương Hoa cự tuyệt nàng, tiểu thiếp kia lấy ra một tờ giấy và nói: “Đây là ý của chủ nhân!”. Chỉ thấy trên giấy ghi dòng chữ “Dục cầu nhân gian tử” (mong muốn có con trai), Vương Hoa lập tức nhấc bút lên viết vào bên cạnh rằng: “Khủng kinh thiên thượng thần” (kính sợ thần trên Thiên thượng), từ chối người tiểu thiếp kia. Ngày hôm sau, Vương Hoa xin nghỉ việc, rời khỏi nhà của phú ông.
Về sau, phú ông mời một đạo sĩ đến cầu phúc. Lúc vị đạo sĩ quỳ xuống dâng tấu chương, liền nằm xuống mặt đất, rất lâu sau vẫn không dậy. Phú ông kinh ngạc hỏi nguyên nhân, đạo sĩ nói: “Vừa rồi ta gửi tấu chương đến Nam Thiên Môn, vừa đúng lúc gặp các vị Thần trên trời đang nghênh tiếp bảng Trạng Nguyên, vậy nên rất lâu mới có thể thông qua!”.
Phú ông hỏi: “Trạng Nguyên là ai vậy?”. Đạo sĩ đáp: “Không biết họ tên, nhưng trước ngựa của Trạng Nguyên có treo hai lá cờ, trên cờ có viết một câu đối: “Dục cầu nhân gian tử, Khủng kinh thiên thượng thần”.
Không lâu sau đó, Vương Hoa quả nhiên đỗ Trạng Nguyên, về sau làm quan đến Lại bộ Thượng thư, lấy vợ họ Trịnh, phu thê rất hòa thuận. Khi Vương Dương Minh được sinh ra, bà nội của Vương Dương Minh nằm mộng thấy trong nhà tấu lên thiên nhạc, cờ phướn tung bay, một nhóm tiên nhân cưỡi mây lành đưa một cậu bé đến nhà, đồng thời nghe thấy một Thiên Thần hô lớn: “Quý nhân tới rồi!”. Sau đó các Tiên nhân cưỡi mây mà đi.
Bà nội của Vương Dương Minh đột nhiên tỉnh dậy và nghe thấy tiếng khóc của trẻ con. Lúc này tỳ nữ vào báo rằng, Trịnh phu nhân đã sinh một hài tử, đó chính là Vương Dương Minh. Vương Dương Minh cả đời tận sức mở trường học, tuyên dương việc thiện, công danh học vấn của ông đều được hậu nhân tôn sùng.
Ông còn để lại rất nhiều châm ngôn, như: “Sở dĩ vi thánh giả, tại thuần hồ thiên lý, nhi bất tại tài lực dã. Cố tuy phàm nhân, nhi khẳng vi học, sử thử tâm thuần hồ thiên lý, tắc diệc khả vi thánh nhân” (Tạm dịch: Sở dĩ là Thánh nhân, hoàn toàn là do thiên lý, không phải do tài lực. Cho nên dù là phàm nhân, mà chịu học hỏi, khiến tâm thuần hợp với thiên lý, thì cũng có thể là Thánh nhân); “Thiên địa tuy đại, đãn hữu nhất niệm hướng thiện, tâm tồn lương tri, tuy phàm phu tục tử, giai khả vi thánh hiền” (Tạm dịch: Trời đất tuy lớn, nhưng có một niệm hướng thiện, tâm tồn lương tri, thì dù là phàm phu tục tử, cũng có thể là Thánh hiền).
Hai cha con Vương Dương Minh đều hành sự xuất phát từ “lương tri”, được hậu nhân truyền tụng như một giai thoại.
Có thể thấy rằng chính vì Vương Hoa đã âm thầm thủ đức mà về sau công danh đại hiển; Phan Ngộ vốn đỗ Trạng Nguyên, nhưng vì làm chuyện bất chính với con gái của chủ quán mà số mệnh hoàn toàn thay đổi. Đây chẳng phải là những ví dụ để cảnh tỉnh chúng ta hay sao?
Duyên vợ chồng là nhân luân do Trời định, người xưa trọng luân lý danh tiết, việc quan hệ bừa bãi giữa hai giới được cho là tội rất nặng. Những điều tổn hại đến thiên lý, tổn hại đến lương tâm, làm mất luân thường đạo lý, làm loạn lẽ thường, đều sẽ tổn hại đến âm đức, gọt hao hết tiền đồ của người đó. Kỳ thực, đây là chuẩn mực do Thần chế định cho con người, cũng sẽ không vì tập tục của xã hội hiện đại như thế nào mà cải biến.
Cổ nhân nói: “Trạm trạm thanh thiên bất khả khi, vị tằng khởi ý thần tiên tri” (Trời xanh trong vắt không thể dối, ý niệm chưa khởi Thần biết rồi). Người hiện đại thường phàn nàn về nhân sinh không như ý hoặc thế sự lắm gian nan, nhưng họ có đang chiểu theo tiêu chuẩn quy phạm của con người mà làm không? Đây thực sự là một câu hỏi đáng để chúng ta suy ngẫm.
Trí Chân thực hiện
Lý Mai biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ