Lâm Hiếu liêm được Thần minh tán dương và bảo hộ
Ở Phúc Kiến có vị Lâm Hiếu liêm (người ta đã quên mất tên của ông) đi về phía bắc đến kinh đô để dự kỳ khảo thí. Vào ban đêm, chiếc thuyền ông đi neo đậu tại cửa Ngô Giang.
Trên bờ có một lầu cao. Khoảng nửa đêm, trên lầu bất ngờ xảy ra một đám cháy, ngọn lửa lớn cháy hừng hực, người trong tòa lầu hoảng loạn la hét. Lâm Hiếu liêm đột nhiên nhìn thấy một thiếu phụ chỉ mặc nội y và quần ngắn (nguyên văn ghi ‘đoản khố’) từ trên nhà lầu rơi xuống thuyền. Nhìn thấy y phục thiếu phụ không đủ che thân, Lâm Hiếu liêm vội vàng lấy áo choàng lông cáo của mình che cho cô. Ông còn nhờ người dìu cô vào khoang thuyền nghỉ ngơi. Còn bản thân ông khêu đèn đứng bên ngoài khoang thuyền, bảo vệ cho cô ấy.
Lâm Hiếu liêm đứng đó cho đến sáng hôm sau. Sau khi trời sáng, ông đưa cô ấy lên bờ rồi mới quay trở lại thuyền, nhổ neo và ra khơi, tiếp tục lên đường đến kinh dự thi.
Kỳ thi năm đó, Lâm Hiếu liêm đỗ Tiến sỹ. Ông cùng các vị “đồng niên” trong danh sách thi đỗ Tiến sỹ đến bái kiến quan giám khảo. Sau khi bái tạ xong, quan giám khảo nói với Lâm Hiếu liêm: “Trò có âm đức rất lớn! Trước đó, ta thẩm duyệt bài thi trò nộp và thấy trên bài thi có vết dầu bẩn. Ta có chút tức giận nên chưa đọc đã bỏ ngay bài thi vào trong tập bài thi trượt. Đột nhiên cảm thấy buồn ngủ nên ta đã ngủ quên ở bàn làm việc. Trong mộng ta thấy một vị Thần râu dài, mặt đỏ. Ngài ấy đọc bài thi của trò và phê hạ ba câu: ‘Lõa hình phụ, hồ cừu khỏa, bỉnh chúc đạt đán nhữ dữ ngã’ ([Người này nhìn thấy] thiếu phụ lõa thể liền dùng áo lông cáo [che đậy giúp], lại cầm nến chiếu sáng suốt đêm cùng với ta!) Ta lập tức giật mình tỉnh lại, nhìn thấy bài thi của trò đã ở trên bàn. Ta đọc bài thi của trò một cách cẩn thận, quả nhiên nó rất hay. Vì vậy, trò được chấm chọn là Tiến sỹ. Nay ta hỏi trò: Trò rốt cuộc đã làm việc tốt gì?”
Lâm Hiếu liêm liền kể lại những gì ông đã làm.
Lúc này, một Tiến sỹ người vùng Ngô Giang bất ngờ quỳ xuống lạy Lâm Hiếu liêm và nói: “Người rơi từ trên nhà lầu xuống là thê tử của tôi! Tối hôm đó, tôi đến nhà một người bạn uống rượu, nghe tin trong nhà có cháy, vội vàng quay về. Nhà tôi có một nô tỳ và một người hầu đều bị thiêu chết, duy chỉ không nhìn thấy bóng dáng của thê tử đâu. Sáng sớm hôm sau thấy cô ấy trở về còn mặc một chiếc áo choàng lông cáo mới toanh, tôi hỏi cô ấy từ đâu trở về? Cô ấy nói: ‘Thiếp được một người trên thuyền cứu.’ Tôi nghi ngờ thân thể cô ấy đã bị hoen ố. Nhân lúc say rượu, tôi đã đưa cô ấy về nhà mẹ đẻ. Tôi không biết là nghĩa huynh đã cứu tính mệnh và còn bảo vệ sự trong sạch của cô ấy, thật sự là ân trọng như núi. Đó là lý do tại sao huynh được Thiên Thần tán dương!”
Quan giám khảo thở dài: “Xem ra sự việc này là do Quan Công hiển linh, nên [dung nhan] mới có râu dài, mặt đỏ, còn có điển cố ‘bỉnh độc đạt đán’ (một mình cầm đèn đến sáng).”
Tiến sỹ ở Ngô Giang kia lập tức viết thư cho thê tử và đón cô ấy về nhà. Hai vợ chồng cùng nhau bái tạ Lâm Hiếu liêm (nay là Lâm Tiến sỹ), hơn nữa còn nâng chiếc áo choàng lông cáo và nói: “Phu thê chúng tôi trân trọng cất giữ nó, lấy đó làm điều cảm kích! Đại đức của huynh trưởng chúng tôi sẽ mãi không bao giờ quên!”
Tài liệu tham khảo: “Tiểu Đậu Bằng” của Tăng Diễn Đông thời Thanh
Bài viết đăng lại từ Chánh Kiến. Net