Nhân thế nhiều thần tiên
“Đề đăng chân động” (Trương Quả Lão)
Tu thành kim cốt luyện quy chân, động khóa di tung bất kế xuân.
Dã thảo mạn tùy thanh lĩnh tú, nhàn hoa trường đối bạch vân tân.
Phong dao thúy tiểu xao hàn ngọc, thủy kích đan chu tẩu tố lân.
Tự thị thần tiên đa biến dị, khẳng giáo tung tích yểm hồng trần.
Tạm dịch:
Tu thành thân vàng luyện quy chân, động khóa dấu vết chẳng kể xuân.
Cỏ dại mơn mởn núi tú sắc, hoa nhàn mãi sánh mây trắng tân.
Gió đưa trúc biếc gõ hàn ngọc, nước tung màu đỏ đuổi tố lân.
Tự xưng thần tiên nhiều khác biệt, rõ ràng tung tích yểm hồng trần.
“Tặng Lý Đức Thành” (Lã Động Tân)
Cửu trùng thiên tử hoàn trung quý, ngũ đẳng chư hầu môn ngoại tôn.
Tranh tự bố y cuồng túy khách, bất giáo tính mệnh thuộc càn khôn.
Tạm dịch:
Trong chín tầng trời, nơi ở của thiên tử thật cao quý, chư hầu ngũ đẳng bên ngoài kia cũng đều tôn quý.
Tranh tựa như người khách mặc áo thô say rượu, chẳng quản tính mệnh thuộc càn khôn.
“Bát tiên quá hải, các hiển thần thông”, đa số mọi người cho đây là thần thoại. Bất quá, Trương Quả Lão trong bát tiên được chính sử ghi chép, như Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tư trị thông giám. Toàn Đường thi ghi lại bài thơ Đề đăng chân động của Trương Quả Lão, và câu chuyện kèm theo: “Trương Quả, người Lưỡng Đang (Cam Túc). Lúc đầu ở ẩn trong núi Trung Điều, sau đến động Đăng Chân ở núi Nhạc Trạc. Thiên Hậu (Võ Tắc Thiên) triệu mời không được, Minh Hoàng (Đường Huyền Tông) dùng lễ đối đãi, cho dùng kiệu nhập cung, cất nhắc lên làm Ngân Thanh Quang lộc đại phu, ban hiệu là Thông Huyền tiên sinh, không được bao lâu lại quay trở về núi”.
Con người vì sao có thể tu thành thần tiên? Ở đây là có sử dụng phương pháp, đa số là luyện đan. Bài thơ Đề Đăng Chân động tràn đầy khí tiên kích thích con người, hai câu ở phần cổ bài thơ “Phong dao thúy tiểu xao hàn ngọc, thủy kích đan chu tẩu tố lân”, chính là lối ẩn dụ trong quá trình luyện đan của Đạo gia: “tiểu là cây trúc, “phong dao thúy tiểu” là nói năng lượng xuất ra từ trong tu luyện nội đan, tương tự như một mảng rừng trúc bị gió lay động mãnh liệt; mà “xao hàn ngọc” là chỉ loại thạch ngọc cứng cỏi và băng giá đã bị đập phá, hình dung như quá trình biến chuyển của thân thể khi vượt qua quan trong tu luyện và đột phá tầng thứ. Đan chu thuộc hỏa, “thủy kích đan chu” có sự tương hỗ của nước và lửa, có ý điều hòa của âm và dương; “tố lân” cũng ẩn dụ cho thủy ngân, thuộc kim, câu này là nói lúc tu luyện nội đan, cần điều hòa, tập trung hết thảy tinh, khí, thần của thân thể đến độ “chân ý”, mới có thể luyện thành kim đan. (Ẩn dụ của câu “Phong dao thúy tiểu xao hàn ngọc, thủy kích đan chu tẩu tố lân”, thư tịch xưa ghi chép rất nhiều, trong Tây du ký cũng xuất hiện nhiều).
Quyển 8 Minh hạc từ âm bản Đạo tàng còn ghi lại bài từ Thủy tiên tử của Trương Quả Lão, từ rằng:
Đà yêu khúc tí lục tuần cao, hạo thủ thương nhiêm niên kỉ lão. Vân du tẩu biến hồng trần đạo. Giá bạch vân lư đà cao. Hướng Triệu Châu thành trang đảo thạch kiều trụ nhất điều. Ban trúc trượng, xuyên nhất lĩnh thô bố bào. Dã tặng túy phó bàn đào.
Tạm dịch:
Phần sống lưng cong ở eo lạc đà cao sáu tuần, đầu bạc râu xanh đã già bao tuổi. Dạo chơi đi khắp hồng trần đạo. Cưỡi mây trắng trên con lừa cao. Đi ngược cây cầu đá ở trang thành Triệu Châu. Trượng trúc lốm đốm, khoác áo bào thô. Đã từng say rượu để lại bàn đào.
Viết ra câu chuyện vui: Lúc còn cưỡi con lừa nhỏ ở trên đầu cầu thành Triệu Châu phá hỏng vài thứ, lúc lại say khướt ở yến hội bàn đào trên trời. Đây rõ ràng là một lão ngoan đồng rồi, nhưng một hình tượng Trương Quả Lão giống nhau mà người người đều biết đến: cưỡi lừa đi ngược lại. Nhưng Trương Quả Lão vì sao cưỡi lừa đi ngược? Vẻ ngoài trở thành quy phạm của Thần tiên có lẽ cũng để điểm ngộ người đời: Ngoảnh đầu nhìn thế giới, lại là một cõi đất trời.
Vậy, con người quay đầu nhìn thế giới như thế nào? Lã Động Tân nổi danh nhất trong bát tiên, chuyện thành tiên của ông là một ví dụ sinh động. Lại nói sau “giấc mộng của Hoàng Lương”, thầy Động Tân là Từ Vân Phòng tiên sinh tu hành, trải qua mười lần khảo nghiệm như “sinh, tử, tài, sắc, oan, dục, lễ” vân vân. Vân Phòng nói với Động Tân rằng: Ta vượt qua được thảy mười lần khảo nghiệm là đã đắc đạo rồi. Nhưng công hạnh còn chưa xong, ta nay giao cho con phương pháp bí truyền hoàng bạch (tức thuật sửa đá thành vàng), có thể cứu đời giúp vật, nếu khiến ba ngàn công được mãn thành, tám trăm hạnh được viên tròn, thì ta đến độ con. Động Tân nói: làm chuyện canh tân (tức biến hóa thành vàng bạc) có điều biến dị ư? Vân Phòng đáp: Ba ngàn năm sau sẽ quay về bản chất thôi. Động Tân suy nghĩ nói: Ngộ nhỡ con người sau ba ngàn năm không nguyện ý làm như vậy. Vân Phòng cười nói: Lòng con suy nghĩ như thế, ba ngàn tám trăm công hạnh tất có được vậy.
Mọi người thử nghĩ xem, nếu đổi lại là bản thân mình làm thì có thể qua được mấy lần khảo nghiệm? Tâm tính Lã Động Tân như thế nào? Nếu một người thực sự đạt đến cảnh giới của Lã Động Tân, vậy cách thần tiên còn xa sao? Thần tiên không nên dùng người như vậy để đi làm sao? Như thế xem ra, Lã Động Tân nói trong bài Tặng Lý Đức Thành là “bất giáo tính mệnh thuộc càn khôn” tuyệt chẳng phải nói ngoa.
Toàn Đường thi chép bốn quyển thơ của Lã Động Tân. Trong thơ có thú vui, có tình cảm. Mời đọc thử bài Ngưu đồng như sau: “Thảo phô hoành dã lục thất lý, địch lộng vãn phong tam tứ thanh. Quy lai bao phạn hoàng hôn hậu, bất thoát thôi y ngọa nguyệt minh”. (Tạm dịch: Cỏ phô bày sáu, bảy dặm ngang, tiếng sáo chiều thổi ba bốn tiếng. Quay về ăn cơm sau hoàng hôn, chẳng cởi áo tơi nằm ngắm trăng sáng). Lại như bài Ngô đồng ảnh: “Minh nguyệt tà, thu phong lãnh. Kim dạ cố nhân lai bất lai? Giáo nhân lập tận ngô đồng ảnh”. (Tạm dịch: Ánh trăng sáng sắp ngả bóng, gió thu lạnh lẽo. Đêm nay cố nhân có đến chăng? Khiến người đứng mãi dưới bóng ngô đồng).
Trương Quả Lão, Lã Động Tân đều là nhân vật trong Đạo gia. Mà thời Đường còn có rất nhiều người ở ẩn chẳng biết rõ thân phận, thơ của họ cũng thoát tục siêu trần. Ví như, dựa theo ghi chép của Cổ kim thi thoại: “Bậc thái thượng ở ẩn, người đời không biết rõ ngọn nguồn về họ, chuyện tốt là lúc hỏi họ tên của họ, không đáp, chỉ lưu lại thơ”. Mà thơ tức là Đáp lại lời người, rằng:
Ngẫu lai tùng thụ hạ, cao chẩm thạch đầu miên.
Sơn trung vô lịch nhật, hàn tận bất tri niên.
Tạm dịch:
Chợt đến dưới gốc cây tùng, gối đầu lên tảng đá ngủ.
Trong núi chẳng kể ngày, lạnh lẽo chẳng biết tháng năm.
Bậc thái thượng ở ẩn là đến không bóng, đi chẳng để lại dấu vết, một cái liếc mắt là đủ kinh sợ. Bất quá, người ở ẩn càng nhiều thì hình tượng sẽ tươi sáng, ví dụ như Trương Chí Hòa (732-774). Trương Chí Hòa ba tuổi đã đọc sách, sáu tuổi làm văn chương, mười sáu tuổi đã đỗ minh kinh cập đệ. Vì giỏi về phương diện đạo thuật, được Thái tử Lý Hành (sau này là Túc Tông) trọng thưởng. Loạn An Sử nổi lên, Chí Hòa cùng cậu là Lý Bí (người đương thời gọi là “Tể tướng thần tiên”) thường hiến kế cho Túc Tông, được cất nhắc lên làm Tả Kim ngô Vệ đại tướng quân, hưởng đãi ngộ hàm chánh tam phẩm. Về sau, từ quan bỏ nhà, thoái tích giang hồ (giống như Khương Tử Nha, thả câu cũng là câu thực sự). Bài từ Ngư ca tử của ông lưu truyền thiên cổ (người Nhật Bản rất yêu thích nó), hiếm có bài ngang tầm, từ rằng:
Tây tái sơn tiền bạch lộ phi, đào hoa lưu thủy quyết ngư phì.
Thanh nhược lạp, lục soa y, tà phong tế vũ bất tu quy.
Tạm dịch:
Cò trắng bay trước núi ở miền biên giới phía tây, hoa đào trôi theo dòng nước, cá rô béo mập.
Nón tre xanh, áo tơi biếc, gió chiều mưa nhẹ chẳng muốn quay về.
Người ở ẩn thời Đường nhiều nhưng tam giáo Nho, Phật, Đạo đều phát triển. Phật giáo phát triển mạnh, nhân vật trong Phật gia có thơ ca truyền thế. Ví như, Vương Phàm Chí thời Sơ Đường. Thân thế ông ấy mang màu sắc truyền kì, viết rõ trong lời thơ, phần nhiều có ảnh hưởng (đặt cơ sở cho thơ dân gian thời Đường phát triển vững chắc), nhưng một phen thất truyền, sau đó vào thế kỉ 20 bước đầu phát hiện trong văn thư ở Đôn Hoàng, lúc đó mới xuất hiện lại trên đời. Thơ ông có phong cách đặc biệt, có thể xem qua bài này “Phạm Chí lật trở cái vớ, người đời đều cho đạo là sai. Bỗng chốc như đâm vào mắt người, không thể ẩn đi dấu chân của mình”. Phàm là tất đều có hai mặt chính phản, mặt chính tức là bề ngoài, vẻ tươi tắn đẹp đẽ, mặt phản là bên trong, thô tháo khó nhìn. Người đời nhìn qua thường lấy mặt tươi tắn mặc bên ngoài. Phạm Chí lại làm ngược lại, lật tất rồi mặc vào. Hoàng Đình Kiên từng có lời bình luận nói “thế mới biết Phạm Chí là một nhà tu hành lớn vậy”.
Chúng ta lại đọc thử thơ của một nhân vật cực kì nổi tiếng trong Phật giáo. Kim Kiều Giác (696-794), vốn là vương tử nước Tân La (nay là Triều Tiên), thuở nhỏ xuất gia, mười sáu tuổi vượt biển đến Trung Hoa, định cư ở chùa Hóa Thành, núi Cửu Hoa ở An Huy. Có lời truyền rằng ông là hóa thân của “Bồ tát Địa Tạng”, nhục thể chân thân của ông được giữ gìn cho đến ngày nay, trải hơn ngàn năm vẫn không hư hoại. Lúc ở núi Cửu Hoa, ngày ngày làm bạn cùng đứa trẻ nhỏ. Đương lúc đứa trẻ lo việc nấu nước pha trà nhưng không muốn ở lại nơi thâm sơn tịch mịch, muốn trở về nhà, ông đã viết bài thơ luật thất ngôn Tống đồng tử hạ sơn để tặng cậu ấy, thơ rằng:
Không môn tịch mịch nhữ tư gia, lễ biệt Vân Phòng hạ Cửu Hoa.
Ái hướng trúc lan kị trúc mã, lãn vu kim địa tụ kim sa.
Bình thiêm giản đê hưu niêm nguyệt, y tẩy trì trung bãi lộng hoa.
Hiếu khứ bất tu tần hạ lệ, lão tăng tương bạn hữu yên hà.
Dịch thơ:
Cửa không tịch mịch ngươi nhớ nhà, lễ biệt Vân Phòng rời Cửu Hoa.
Lòng yêu thềm trúc cưỡi trúc mã, lười ở đất quý nhiều kim sa.
Đáy bình thêm nước thôi nhón nguyệt, chén rửa ao hồ chẳng trêu hoa.
Thích đi chẳng nên tuôn rơi lệ, lão tăng làm bạn với yên hà.
Đại ý là: đứa trẻ hoạt bát đáng yêu, nhưng không thích cuộc sống thanh bần, khổ ải của tăng nhân, một lòng nhớ nghĩ nhà mình, nhưng rốt cục nhớ đến cuộc sống lúc nhỏ cùng lũ bạn cưỡi ngựa trúc đùa vui rất vô tư, sau cùng lễ biệt sư phụ mà xuống núi. Người vào cửa Phật cần một lòng quy tĩnh, sai đi lấy nước trong khe suối, rửa bát trong hồ, cũng không được nhón hoa hỏi liễu, vời gió ghẹo nguyệt. Đứa trẻ ngươi thực sự muốn rời đi, nhưng cuối cùng vẫn là khóc lóc, không rời được khỏi sư phụ. Sư phụ nói với cậu ấy, ta ở trong núi có khói sương cùng làm bạn, tự có niềm vui của mình, con bất tất phải lo nghĩ.
Toàn bài thơ thân thiết nhu hòa, không ngớt nói về đạo, đều là việc gần gũi trong đời sống hằng ngày, một lòng nhân từ và khoát đạt. Đọc xong khiến người ta cảm thấy toàn thân rất thanh khiết, mát lành.
Đương nhiên, thơ của người trong chốn Phật gia được hậu nhân coi là khích lệ chí khí. Thượng đường khai thị tụng của thiền sư Hoàng Bách (?-855) được xem là bài được lưu truyền rộng rãi nhất, thơ viết:
Trần lao quýnh thoát sự phi thường, khẩn bả thằng đầu cố nhất trường.
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt, tranh đắc mai hoa quải tị hương.
Dịch thơ:
Thoát khỏi trần lao việc phi thường, khẩn nắm đầu dây giữ một trường.
Không phải một phen xương lạnh buốt, tranh được hoa mai ngửi mùi hương.
Đại ý rằng: Giữ gìn để siêu thoát khỏi lục trần chẳng phải là việc dễ dàng, muốn tu tâm dưỡng tính giống như người chăn bò khẩn trương nắm giữ đầu dây để thuần phục nó, một phen công phu. Nếu không trải qua một đoạn mùa đông rét buốt khắp xương cốt, làm sao có thể ngửi được mùi hương của hoa mai đây?
Xác thực rằng, con người là phải có chí hướng của bản thân. Nhưng Hoàng Bách thiền sư là một vị cao tăng đắc đạo, thơ ông không chỉ để khuyến khích ý chí con người thời hiện đại. Bài thơ quan trọng nhất của thiền sư là dự ngôn Thiền sư thi, dự ngôn chính xác về sự diệt vong của triều Minh, Khang Hy, Ung Chính… thẳng đến hôm nay. Ông không giống như lời dự ngôn của mình, dự ngôn trong thơ nói đến chúng ta hôm nay là đã kết thúc rồi, tương lai cần chúng ta đi hỏi người tương lai. Bốn câu sau cùng viết:
Nhật nguyệt suy thiên tự chuyển luân, ta dư xuất thế bổn vô nhân.
Lão tăng tòng thử hưu nhiêu thiệt, hậu sự hoàn tu vấn hậu nhân.
Dịch thơ:
Nhật nguyệt đổi thay tự chuyển vần, ôi ta xuất thế vốn vô nhân.
Lão tăng từ đây thôi nói nữa, chuyện sau phải hỏi người hậu nhân.
Thiền sư Hoàng Bách sao lại viết như vậy? Độc giả nếu có hứng thú có thể tự mình khám phá.
Do Tiết Trì thực hiện
Toan Đinh biên dịch
Quý độc giả xem bản gốc từ Epochtimes Hoa ngữ.