[Cổ đạo nhân sinh] Vị hôn thê của hàn sỹ bị ép cải giá, gặp kỳ ngộ và được giải cứu
Vào thời nhà Thanh, có một vị quan Tổng đốc Lưỡng Giang tên là Trần Mỗ. Một lần nọ, ông đích thân đến thư viện Kim Lăng xem xét việc khảo hạch. Khi ông đang trò chuyện với viện trưởng thì đột nhiên nghe thấy bên ngoài có tiếng người ồn ào, lại có thêm tiếng trống nhạc và pháo hoa, ông liền phái một quan viên ra ngoài tra xét sự tình.
Quan viên quay trở lại nói rằng các khảo sinh đang chen chúc nhau mở cửa để đi ra ngoài xem đoàn người rước dâu. Tổng đốc mang theo sự giận dữ, chắp hai tay sau lưng bước ra ngoài. Ông đến từng phòng thi kiểm tra, thấy tất cả các dụng cụ thi cử đều vẫn còn đó, nhưng trong phòng lại không có một bóng người. Cuối cùng, ông phát hiện có một người ngồi ở hàng cuối đang cúi đầu chăm chú suy nghĩ. Tổng đốc cảm thấy rất kỳ lạ, cho rằng đây là một khảo sinh trầm tính hiếu học, muốn bắt chuyện với cậu ta. Ông liền bước tới trước mặt nhìn, hóa ra đó là một chàng thanh niên trẻ tuổi. Người này ngẩng đầu lên, nhìn thấy Tổng đốc đang bước đến, liền lập tức đứng dậy.
Tổng đốc hỏi: “Tất cả những khảo sinh khác đều đi ra ngoài cả rồi, duy chỉ có cậu là bình tĩnh ngồi lại đây và viết bài thôi sao? Hay là còn có nguyên nhân nào khác?” Chàng trai không kiềm chế được nên lớn tiếng bật khóc.
Tổng đốc vội vàng hỏi nguyên nhân, chàng trai đáp: “Học trò họ Ngô, phụ thân từng là học sỹ Hàn Lâm (phụ trách biên soạn sách, viết lịch sử, soạn thảo các chiếu thư và hầu quản việc đọc sách cho nhà vua). Hôm nay tân nương được đưa đón có nhạc trống và pháo hoa ở bên ngoài vốn là thê tử đã được đính ước với học trò.” Tổng đốc cười nói: “Tại sao gia giáo nhà cậu lại nghiêm khắc như vậy. Nếu hôm nay đã là ngày kết hôn, thì tại sao cậu còn ngồi ở đây ứng thí? Cậu hãy đi hoàn thành hôn sự của mình đi. Nếu phụ mẫu và lão sư trách mắng thì nói là phụng lệnh của ta cho nghỉ, chắc chắn sẽ không sao đâu.”
Nghe thế, chàng trai càng thêm đau lòng hơn: “Dạ, không phải là ý đó, vị hôn thê của học trò hôm nay bị ép cải giá với người khác.” Tổng đốc hỏi rõ rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.
Ngô khảo sinh nói với Tổng đốc: “Phụ thân vị hôn thê của học trò họ Hứa. Ông ấy trước đây trông coi công trình trị thủy ở tỉnh Hà Nam, nay đã về hưu. Vốn dĩ ông ấy là một quan viên có chức vị rất nhỏ. Phụ thân của học trò lúc bấy giờ là quan Học chánh của tỉnh này. Hứa đại nhân vì để leo lên được địa vị cao hơn, muốn dựa vào quyền lực của tiên phụ, nên ông ấy đã đính ước mối nhân duyên của con gái với học trò. Ông ấy còn nhờ tiên phụ đi du thuyết, tuyên dương khắp nơi để tiến cử ông ấy thăng làm đại quan. Tiên phụ của học trò đã mất ở đô thành một năm trước. Vì gia đình của học trò nghèo nên phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, bạn bè để lo tang lễ. Học trò cùng mẫu thân đưa linh cữu phụ thân về quê hương an táng. Nghe nói Hứa đại nhân xưa nay vẫn luôn không được lòng dân. Người ông ấy có thể dựa vào là phụ thân của học trò lại đã qua đời, chắc hẳn ông ấy nghĩ mình khó tránh khỏi việc bị cách chức, nên đã nghỉ hưu về nhà. Ông ấy nghe nói nhà của học trò hiện tại rất nghèo, nên nảy sinh ý định muốn hủy hôn. Ông ấy gọi học trò đến nhà và cho một trăm lượng bạc, để đổi lại thiếp canh ban đầu (là tấm thiệp trao đổi lúc đính hôn). Học trò không đồng ý, ông ấy tức giận nói rằng: ‘Con gái ta nay giàu có phú quý, sao có thể gả cho cậu và sống trong nghèo khổ chứ? Cho dù cậu không trả lại thiếp canh thì ta vẫn sẽ chọn một chàng rể khác, cậu làm gì được ta nào?’”
“Học trò quay về thưa chuyện với mẫu thân. Mẫu thân nói: ‘Người vì lợi ích mà kết giao, khi không còn lợi dụng được nữa thì lại quay mặt tuyệt giao. Rõ ràng là họ đang khi phụ nhà ta sa cơ lỡ bước. Nhưng mà Thượng Thiên thấu tỏ, bây giờ chỉ có thể chờ xem thế nào.’ Về sau, Hứa gia thay đổi hôn ước, đem con gái gả cho nhà họ Dương giữ chức ở bộ Binh. Nghe nói hôm nay là ngày rước dâu, đoàn người rước dâu chen chúc thật xa hoa, lộng lẫy. Vậy nên các khảo sinh khác đều kéo nhau chạy ra ngoài để nhìn ngắm. Chắc hẳn bây giờ họ đang nghênh đón tân nương rồi.”
Tổng đốc sau khi nghe xong đại khái câu chuyện, liền hỏi chàng thanh niên: “Cậu biết cưỡi ngựa không?” Ngô khảo sinh đáp: “Dạ biết!” Tổng đốc sai người đem hai con ngựa tới, và ra lệnh cho quan võ đi theo Ngô khảo sinh về nhà nhanh chóng đem thiếp canh quay trở lại đây. Một lúc sau họ đã quay trở lại. Tổng đốc kiểm tra thiếp canh, truyền lệnh cho Trung Quân (cách gọi khác của tướng quân) dẫn quân đội đến nhà họ Dương để chúc mừng.
Lúc này, Dương bộ Binh đang đảm nhiệm chức vụ ở kinh thành. Ông ấy chỉ có một người con trai, nghe nói Tổng đốc đích thân đến chúc mừng hôn sự, liền lấy đó làm vinh dự to lớn. Ông cho xe ngựa đón tiếp từ xa tới tận cửa. Những tân khách có địa vị đều đồng loạt tiếp đón Tổng đốc vào chỗ ngồi. Tổng đốc đáp lễ với mọi người. Sau khi thăm hỏi, ông mới biết người mai mối cho hôn sự này là hai vị tiến sỹ họ Chung và họ Từ. Sau khi trà được dâng lên, Tổng đốc nói: “Tôi nghe nói phong tục ở các nơi khác nhau, đặc biệt là chuyện hôn lễ. Gần đây tôi mới biết hôn lễ nơi đây có khác biệt rất lớn so với tỉnh của tôi.”
Không lâu sau đó có tiếng pháo đinh tai nhức óc, xe chở của hồi môn đến trước, người mai mối đi theo sau. Tổng đốc quát to, ra lệnh lập tức bắt giữ người mai mối, bảo binh lính bắt xe chở của hồi môn, lệnh cho Trung quân cầm thẻ lệnh, chặn xe hoa chở tân nương và tất cả người hầu lại, đưa tất cả mọi người đến thư viện. Bên trong sảnh thư viện, ông bày ra một tấm ván, lệnh cho hai tiến sỹ họ Từ và họ Chung quỳ xuống, chất vấn họ rằng: ‘Các ngươi thân là Nho lâm (chỉ nhóm người học giả, đọc sách của Nho gia), tại sao lại dám làm bại hoại phong tục, mai mối cho người phụ nữ đã có chồng?” Hai vị Tiến sỹ kinh hãi đáp: “Chúng tôi là bạn bè thân hữu của hai nhà này, xưa nay không hề hay biết con gái của Hứa gia đã có hôn ước từ trước. Là kẻ ác độc nào dám vu khống như vậy?” Tổng đốc rút thiếp canh ra khỏi tay áo và ném cho họ xem.
Hai vị Tiến sỹ nhận ra đây là chữ viết tay của Hứa đại nhân, hai người đồng loạt phẫn nộ nói: “Hứa Mỗ có quan tước và bổng lộc, vậy mà làm chuyện phi nhân như thế. Ông ta đã sớm kết thông gia ở Hà Nam, cách xa nơi này hàng ngàn dặm. Ông ta có ý đồ che giấu thì làm sao chúng tôi biết được? Đây chính là cố ý đẩy người khác vào tội trạng, xin đại soái nhất định phải truy cứu thận trọng sự việc này.” Dương bộ Binh cũng nói: “Tâm của Hứa Mỗ như sói lang, hành vi như ma quỷ. Nếu tôi biết sớm hơn, quyết không kết thông gia với ông ta. Tôi muốn đối chất với tên Hứa tặc này, xin ngài hãy phân xử nghiêm khắc.” Tổng đốc nhìn thấy lời nói lẫn thần sắc của họ đều vô cùng sợ hãi, nghĩ rằng họ cũng không biết được tình huống chân thực, liền ra lệnh điều tra rõ tình hình thực tế rồi sau mới phán xét.
Thế là Tổng đốc mượn tiệc mừng của Dương gia và y phục của tân lang mang về thư viện. Đúng lúc các học trò đang nộp bài thi, ông ra lệnh cho mọi người không cần phải ra về, ai cũng được tham gia vào bữa tiệc rượu này. Ông cho người chuyển tất cả đồ vật trong thư viện ra bên ngoài, dùng phòng trong làm phòng tân hôn. Ông ra lệnh mời mẫu thân của Ngô khảo sinh ăn mặc lộng lẫy để đến đây đón hoa chúc. Ngô khảo sinh mặc y phục của tân lang họ Dương, cùng với nữ tử họ Hứa hợp bái thành lễ. Từ trong ra đến ngoài thư viện bày hàng chục mâm cỗ. Các quan viên và sai dịch đều cùng nhau uống rượu mừng, sau đó mọi người vui vẻ rời đi.
Ngày hôm sau, Tổng đốc thúc giục các quan viên phụ trách giám sát sự vụ nhanh chóng truy cứu và báo cáo. Tổng đốc đích thân viết bản tấu. Hứa Mỗ vô cùng sợ hãi, vội vã đến thư viện gặp con rể. Ông quỳ gối dập đầu trước con rể, tự nhận mình phạm tử tội. Ông nói: “Nếu con có thể cứu ta, tất cả gia sản của ta, ta sẵn sàng chia sẻ nó với con.” Ngô khảo sinh ngập ngừng, không biết phải làm sao.
Thân mẫu Ngô khảo sinh khuyên bảo chàng: “Tuy rằng phụ thân của tân nương hung hãn ngang ngược, nhưng bản thân tân nương lại rất cẩn thận. Con không thấy sao? Sau khi tân nương biết sự tình này mới tỉnh ngộ nói: ‘Nếu không có quyền lực của Tổng đốc thì con suýt nữa đã bị phụ mẫu của mình lừa rồi.’ và khóc mãi không thôi. Tình cảnh của tân nương cũng rất đáng thương, hãy để chuyện này được giải quyết một cách nhẹ nhàng.” Ngô khảo sinh nghe xong lời khuyên giải của mẫu thân liền đi gặp Tổng đốc, nói những lời này cho ông ấy nghe.
Tổng đốc nói: “Nếu là như vậy thì hãy bắt ông ta khai ra tất cả những tài sản, nhà cửa và đất đai. Ta sẽ đứng ra phân chia cho các người, để ông ta có thể chuộc tội của mình. Tài sản được phân chia sẽ làm chi phí cho cậu học tập. Nếu dung túng, tha tội cho ông ta quá nhẹ nhàng thì sau này ông ta nhất định sẽ lại nuốt lời và trở mặt. Cậu không phải là đối thủ của ông ta đâu.”
Tổng đốc liền ra lệnh cho quan viên giám sát sự vụ đưa Hứa Mỗ tới. Chiểu theo cách giải quyết của Tổng đốc, Ngô khảo sinh lập tức trở nên giàu có. Chàng dốc sức chăm chỉ học tập, vừa nhập học trong năm ấy đã lập tức thi đỗ.
Tổng đốc thường ngày rất bảo thủ nên bị kẻ thù hãm hại, phụng chỉ bị truy nã và thẩm vấn. Ngô khảo sinh đã theo ông vào kinh. Sau đó, chàng nhờ những học trò và bạn bè cũ của phụ thân để dốc sức giải cứu Tổng đốc. Cuối cùng Tổng đốc được thả và phục chức. Ngô khảo sinh cũng được chọn làm Huyện lệnh và trở thành một vị quan.
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ