[Cổ đạo nhân sinh] Hiếu tử lao xuống vực để cứu cha, xuất hiện kỳ tích
Vào thời nhà Minh, ở huyện Tân Thành, phủ Kiến Xương, Giang Tây, có một người con hiếu thảo họ Ngô, tên là Thiệu Tông, luôn sống ở Mai Khê. Thiệu Tông thiên tính thông minh, từ nhỏ đã rất giỏi viết văn chương. Vào năm Bính Ngọ niên hiệu Vạn Lịch (tức năm Vạn Lịch thứ 34, năm 1606), quan Đốc học Lạc Nhật Thăng làm chủ khảo đã chọn Thiệu Tông là người đứng đầu trong tất cả các thí sinh, khi đó chàng mới 20 tuổi. Về sau, chàng tham gia rất nhiều kỳ thi và đều đạt được loại ưu.
Phụ thân của người con hiếu thảo này là Ngô Đạo Long, người yếu nhiều bệnh. Sau một thời gian dài bị bệnh, toàn thân ông bị tê liệt, không thể đứng dậy được nữa, thân thể luôn chảy máu, dù đã điều trị hơn mười năm nhưng đều không có kết quả. Vào tháng Giêng năm Mậu Ngọ, bệnh tình ông Ngô trở nên trầm trọng hơn. Trong lòng Thiệu Tông vô cùng lo lắng, nhưng chàng lại không nghĩ ra cách nào để giúp đỡ phụ thân, chỉ biết trai giới tắm rửa, thắp hương cầu nguyện đất trời. Chàng còn châm vào khuỷu tay để viết một bức thư bằng máu, dự tính đến núi Thái Hoa, gieo thân mình xuống “Xả Thân nhai” (vách núi xả thân) để chết thay cho phụ thân.
Núi Thái Hoa là một ngọn núi nổi tiếng ở huyện Sùng Nhân, Phủ Châu, cách Tân Thành ba trăm dặm, tương truyền các vị Thần Tiên ở ngọn núi ấy rất linh nghiệm. Phàm là người đến cầu nguyện, người có tội đều sẽ bị trừng phạt, không thể đi lên núi được. Thậm chí còn có Linh Quan đến thích sát họ, những người đi cùng có thể nghe rõ mồn một tiếng đánh của roi sắt. Có người bỗng nhiên phát cuồng, kể ra tất cả những việc ác mình đã làm trong đời mà không muốn cho ai biết. Phía bên trái Thần điện có một vách đá vô cùng dốc được gọi là “Xả Thân nhai.” Có người gặp chuyện quẫn trí, liền đến đây, nhảy xuống vách núi và mất mạng.
Sau khi Thiệu Tông viết xong lời cầu nguyện, vào sáng hôm sau, chàng một mình đi bộ lên núi trong suốt hai ngày. Sau khi đến được núi Thái Hoa, chàng trọ lại ở tiểu phòng của đạo sỹ Quản Tốn Ngô. Trong số những người ở đây, có hai người đến từ làng Nam Xương, và ba người nữa là ba thư sinh cùng làng với nhau. Hôm ấy là ngày 18, Thiệu Tông bước vào đại điện, trầm mặc thỉnh cầu và đốt đi lời cầu nguyện. Những người trọ cùng Thiệu Tông mời chàng đi thăm ngọn Kỳ Phong. Khi đi ngang qua vách núi xả thân, chàng vượt lên trước mọi người, đến bên rìa vách núi và đột nhiên nhảy xuống vực. Những người đi cùng vô cùng kinh hãi, không biết phải làm gì. Sự việc lan truyền khiến dân chúng chấn động, hàng ngàn người kéo đến xem.
Đạo sỹ nhờ người mua quan tài để chuẩn bị tẩm liệm cho Thiệu Tông. Đường đi từ đỉnh núi đến chân vách núi quanh co khúc khuỷu tận 40 dặm. Đột nhiên đạo sỹ trong điện thờ vội vàng chạy tới vách đá, lớn tiếng nói với mọi người: “Ai nói Ngô Tú tài nhảy xuống vách núi mất mạng? Hiện cậu ta đang quỳ lạy ở dưới đài Thần, y phục vẫn giống như cũ.” Mọi người kéo đến trước điện thờ để xem, quả nhiên là như vậy.
Hóa ra sau khi Thiệu Tông nhảy khỏi vách đá, chàng đã dừng lại trên không mà không bị rơi xuống. Khi mở mắt ra, chàng nhìn thấy những đám mây trắng bay lên phía dưới chân mình, xa xa lại thấy một cánh cổng đá, trên cổng viết chữ “Hiếu” rất lớn. Một lúc sau, chàng nhìn thấy ba vị Thần Tiên. Họ nói với chàng rằng: “Này hiếu tử, trên tảng đá phía bên trái ta có một đạo bùa Thần Tiên với 92 nét. Con hãy ghi nhớ nó, sau khi trở về, hãy viết nó ra giấy và cho phụ thân của con ăn. Không những có thể trị khỏi bệnh cho ông ấy mà còn có thể kéo dài tuổi thọ.” Họ còn dạy chàng những câu chú ngữ và bùa chú để trợ sản, chữa bệnh lỵ, bệnh sốt rét, xua đuổi ôn dịch v.v. Sau khi dập đầu tạ ơn thì thân thể chàng đã ở trong điện thờ rồi. Thiệu Tông nói: “Toàn bộ quá trình giống như tôi đang nằm mơ vậy.”
Thiệu Tông sắp xếp xong mọi thứ thì lập tức chạy nhanh về nhà. Chàng chỉ đi mất một ngày rưỡi để quay trở về. Khi về tới nhà, phụ thân đã bệnh sắp qua đời, không thể nói được nữa. Thiệu Tông vội vàng viết lá bùa Thần Tiên có 92 nét, rồi đốt để phụ thân ăn, mọi người trong phòng đều ngửi thấy hương thơm. Tiên ấn vừa vào miệng, phụ thân của Thiệu Tông liền có thể nói chuyện được. Ông hỏi: “Đây là thuốc gì vậy?” Ngày hôm sau, ông đã có thể ngồi dậy và ăn cháo, mười ngày sau thì khỏi bệnh hoàn toàn. Thiệu Tông đã đi tận sáu trăm dặm cả đi cả về và không ăn không uống trong suốt năm ngày liền. Phụ thân của chàng sau đó trở nên mạnh khỏe hơn, sức ăn cũng tăng lên. Mỗi ngày ông đều tận hưởng niềm vui cùng thơ và rượu. Ở tuổi chín mươi hai, ông vẫn rất minh mẫn và tỉnh táo, cuối cùng ông qua đời mà không mang bệnh tật nào.
Từ đó trở đi, Thiệu Tông nổi tiếng khắp xa gần. Thượng thư bộ Lại tiền nhiệm Đồ Quốc Đỉnh là bạn đồng đạo với chàng. Tiến sỹ Hoàng Đoan Bá, Quá Chu Mưu, Cử nhân Hoàng Danh Khanh, Đồ Bá Xương, Cống sỹ Cừ Quang Phu, thảy đều tôn Thiệu Tông làm thầy. Khi nhà Minh sụp đổ vào năm Giáp Thân, ông đã đến Thái Ninh để tránh chiến loạn và qua đời vì bệnh tại nhà của thư sinh Liêu Dũ. Liêu Dũ đến Tân Thành, ở nhờ nhà của Ngô Trường Tộ, con trai của Thiệu Tông. Liêu Dũ nói: “Hiếu tử sinh thời có danh tiếng rất tốt, xem nhẹ tiền tài, thường xuyên phó xuất tiền và vật để giúp mọi người giải quyết kiện tụng. Ông ấy lại tận mắt nhìn thấy Thần linh, càng chuyên tâm tu dưỡng đức hạnh của bản thân hơn. Nếu xung quanh có người bị bệnh, ông ấy sẽ dùng bùa chú để cứu chữa họ.”
Ngụy Hy bình luận: Nghe nói những người con hiếu thảo thường đi lên núi Thái Hoa, bước đến đài Thần, thì thầm với các Thần linh, cầu nguyện thay cho người khác. Một số người cho rằng những điều này là trái với lẽ thường tình. Tuy nhiên, những người quân tử trong huyện thường kể lại chi tiết những sự tích của họ.
Tài liệu tham khảo: “Ngô Hiếu Tử truyện” của Ngụy Hy
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ