[Cổ đạo nhân sinh] Con dâu nấu giun cho mẹ chồng mù ăn liền bị trời phạt
Trong cuốn “Vi lô dạ thoại” thời nhà Thanh có câu “bách thiện hiếu vi tiên” (trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu), phản ánh giá trị cốt lõi trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Hiếu đạo là yếu tố căn bản nhất trong việc xây dựng luân lý xã hội Trung Quốc. Trong xã hội từ xưa đến nay, hiếu là tiêu chuẩn cơ bản để đo lường hành vi đạo đức của một người. Như vậy, kẻ bất hiếu liệu có bị Thiên Thần trừng phạt không?
Nấu giun cho mẹ chồng ăn, con dâu bị Thiên Lôi trừng phạt
Vào thời đại nhà Thanh, tại huyện Tân Kiến, vùng Giang Tây có một người phụ nữ họ Cố, chồng nàng họ Hồng, làm nghề phu xe. Hồng Mỗ phụng dưỡng mẫu thân vô cùng hiếu thuận. Mẫu thân tuổi đã cao, hai mắt lại mù lòa, Hồng Mỗ mỗi lần kiếm được tiền đều mua rượu thịt đem về nhà bảo thê tử nấu cho mẫu thân ăn.
Cố Thị vốn không phải là một nàng dâu tốt, đã vậy còn ham ăn. Những lúc chồng không có nhà, nàng ta thường xuyên ức hiếp mẹ chồng. Những thức ăn chồng mua về đều bị nàng ta ăn trước hơn phân nửa, chỉ chừa lại một ít cho mẹ chồng. Mẹ chồng không dám kể lại cho con trai vì sợ con trai tức giận sẽ ngược đãi con dâu, bà chỉ đành âm thầm than vãn. Hồng Mỗ vẫn luôn không biết rõ sự tình.
Về sau, Cố Thị sinh được một người con trai. Mấy tháng sau, nàng ta càng thèm ăn hơn. Một lần, Hồng Mỗ ra chợ mua được một ít mì đem về nhà bảo thê tử nấu cho mẹ chồng ăn, còn mình thì đánh xe đi nơi khác làm việc. Cố Thị sau khi nấu mì thì một mình ăn hết. Đến lúc mẹ chồng muốn ăn mì, Cố Thị không biết làm thế nào. Vì hai mắt mẹ chồng không thấy gì, nên nàng ta đã nấu giun cho mẹ chồng ăn. Mẹ chồng sau khi ăn xong thì không ngừng nôn mửa. Lúc này, một cơn giông tố bất ngờ nổi lên dữ dội. Sau khi một tiếng sấm vang lên, Cố Thị cũng biến mất.
Sau khi trời quang mây tạnh, Hồng Mỗ đánh xe trở về nhà. Khi đi ngang qua một ngọn núi đá, chàng bắt gặp một người phụ nữ lõa thể. Nhìn kỹ hóa ra là thê tử của mình, nhưng phần cơ thể từ thắt lưng trở xuống đã bị chôn vùi trong đá, chung quanh cũng toàn là đá, giống như được đúc lại vậy. Chàng dùng hết sức kéo thê tử ra nhưng không được. Hồng Mỗ hỏi nguyên nhân nhưng miệng nàng ta đã bị câm không nói được gì. Cố Thị vẫn còn sống, nhưng chỉ có hai đồng tử liếc qua liếc lại để nhìn người, hệt như một kẻ ngốc. Bên cạnh tảng đá có 24 chữ bị sét đánh sâu vào trong đá, như thể được khắc lên vậy, bên trên viết: “Chôn một nửa thân thể chỉ vì bảo vệ cô nhi, để lộ hai bầu ngực là để đứa trẻ có thể bú sữa. Mỗi ngày chỉ cho ăn một bữa để kéo dài sinh mệnh. Ba năm sau sẽ bị sét đánh chết.”
Hồng Mỗ làm theo lời dặn dò của Lôi Thần, mỗi ngày đều bồng con đến bú sữa, đồng thời đem thức ăn đến cho Cố Thị, nhưng mỗi ngày chỉ cho nàng ta ăn một bữa. Rất nhiều người tụ tập lại xem, nhưng không một ai có thể tiến lại gần. Kỳ lạ là, nếu có người đến gần thì sẽ có một vật kéo họ trở lại, khiến họ bị ngã. Ba năm sau, Cố Thị một lần nữa bị sét đánh chết, thi thể lộ ra bên ngoài. Toàn thân bị thiêu rụi lở loét, giun đất bò ra ăn thi thể của nàng ta, còn khe đá thì khép lại như cũ.
Phi Phi Tử nói rằng: Tội bất hiếu có thể thông đến Thiên đình, bị Lôi Thần đánh chết cũng là chuyện thường thấy. Cố Thị đáng xử tử tội, nhưng Hồng Mỗ đáng được có đời sau. Hồng Mỗ bần cùng không thể lấy thêm thê tử, cũng vì bần cùng mà không thuê được nhũ mẫu. Nếu hài nhi không có sữa thì sẽ mất đi, Hồng Mỗ do đó cũng không có đời sau. Tru sát Cố Thị chẳng khác nào sát hại con trai của nàng ta. Sát hại con trai nàng ta thì Hồng Mỗ sẽ tuyệt hậu. Đây không phải là kết cục nên có dành cho một hiếu tử. Từ đây có thể thấy được sự an bài khéo léo của Thượng Thiên và sự khổ tâm của Lôi Thần.
Bạc đãi mẫu thân, con gái bất hiếu bị nước nhấn chìm
Tại huyện Lan Khê, tỉnh Chiết Giang có người phụ nữ họ Lý, gia cảnh vô cùng giàu có. Vào ngày sinh nhật 40 tuổi của nàng, hàng xóm và bạn bè thân thiết đều tập trung đông đủ, họ tặng nàng những món quà sinh nhật phong phú và hậu hĩnh. Chính vào lúc này, mẫu thân của Lý phụ tuổi đã cao, tóc bạc trắng, cơ thể yếu nhược, mặc một bộ đồ rách nát, tay phải cầm gậy, tay trái xách một giỏ tôm sông đến chúc mừng con. Bà nói: “Phụ thân của con chẳng may mất sớm, chỉ còn lại ta một thân một mình, gia cảnh bần cùng, lại ở cách con quá xa. Hôm nay là sinh nhật 40 tuổi của con, ta gần như đã quên mất. Ta không có gì tặng con, giỏ tôm này là ta sáng sớm nay bắt được dưới con sông nhỏ bên ngoài thôn, xem như là thêm một món ăn vào tiệc mừng của con!”
Lý Thị tức giận nói: “Bà già bất tử này, phụ thân ta đã mất nhiều năm như vậy rồi, chỉ có bà là bị Diêm Vương lãng quên, sống trên đời này làm ăn mày. Mặt mũi của ta đã bị người mẫu thân ăn mày như bà làm cho mất hết rồi.” Nói rồi, nàng ta giật chiếc giỏ trên tay mẫu thân vứt xuống đất, những con tôm còn sống nhảy tung tóe trên mặt đất. Người mẫu thân im lặng không nói lời nào, chỉ cúi đầu rơi nước mắt.
Những người có mặt ở đó, người thì an ủi, người thì ngửa mặt lên trời trút tiếng thở dài, người thì im lặng rời đi. Nhìn thấy buổi tiệc của mình bị gián đoạn, Lý phụ càng phẫn nộ hơn, nàng ta không ngừng mắng nhiếc.
Lúc đó đang giữa trưa nắng, bầu trời không một chút mây. Đột nhiên từ xa vọng đến tiếng sấm, ngay tức thời mây đen kéo đến, mưa lớn trút xuống, tiếng sấm ầm ầm vang dội, mọi thứ diễn ra rất nhanh. Thế nhưng, những lời mắng chửi của Lý phụ vẫn không ngừng, hòa lẫn cùng với tiếng sấm. Đúng lúc này, nàng ta đột nhiên khụy gối về phía trước, ngã nhào dưới bậc thềm, kèm theo một tiếng sấm cực lớn. Nàng ta thân mặc y phục trang sức hoa lệ, bị nhấn chìm trong trận mưa như trút nước. Câu chuyện này do chính Hà Thiết Lan (bạn của Du Giao, tác giả cuốn “Mộng xưởng tạp trứ”) tận mắt chứng kiến.
Tư liệu tham khảo: “Nhĩ thực lục”, “Mộng xưởng tạp trứ”
Tịnh Liên thực hiện
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ