Đừng trở thành một con bò hay một con chó để người khác tàn sát, khi đắc được thân người hãy làm một việc tốt trong đời
Tục ngữ có câu: Nợ là thứ bắt buộc phải trả! Nhưng nhân tâm bây giờ không giống như xưa, đa phần đều là những người muốn trốn tránh trách nhiệm và nợ nần. Luật pháp còn đặt ra thời hạn đòi nợ, qua thời hạn đó, món nợ sẽ không còn. Tuy nhiên, trốn nợ một thời gian hoặc trốn nợ cả đời, liệu có thật sự thoát được kiếp nạn nợ nần không? Có người nói: “Để kiếp sau làm trâu làm ngựa trả nợ!” Đằng sau câu nói này chứa đựng ý nghĩa thâm sâu và nó không đơn giản chỉ là một câu nói đùa.
Phụ thân chuyển sinh thành con chó để trả nợ
Thời nhà Tống, trong thành Bình Giang (nay là Tô Châu) có một người đàn ông làm nghề đồ tể tên là Trương Tiểu Nhị. Vào năm Thiệu Hưng thứ tám thời Cao Tông (năm 1138), Trương Tiểu Nhị đến Liễu gia ở làng Hoàng Đại, cách thành Bình Giang 15 dặm để mua một con chó.
Liễu gia có một con chó, khi trông thấy Trương Tiểu Nhị, thì vui mừng một cách kỳ lạ, thậm chí còn chạy tới giữ chân ông lại. Trương Tiểu Nhị nhấc tai của con chó lên kiểm tra trọng lượng, rồi mua nó với giá ba ngàn văn tiền. Con chó cùng Trương Tiểu Nhị quay trở về nhà. Trên đường đi, Trương Tiểu Nhị không dùng dây buộc lại nhưng con chó vẫn đi theo ông ấy mà không hề có chút phản kháng.
Khi họ quay về đến Tề môn của thành Bình Giang, Trương Tiểu Nhị lo rằng con chó sẽ bị lạc nên đã dùng sợi dây buộc nó lại. Chính vào lúc này, con chó đột nhiên lên tiếng, nói với Trương Tiểu Nhị rằng: “Ta là cha của con đây. Ta không mắc nợ con, con không thể giết ta được.”
Trương Tiểu Nhị lúc này đã uống say, lại vô cùng mệt mỏi, ông hoàn toàn không nghe hiểu được lời chú chó nói. Sau khi quay trở về nhà, Trương Tiểu Nhị bảo thê tử chuẩn bị bữa ăn. Lúc này, con chó nói với thê tử của Trương Tiểu Nhị rằng: “Ta là cha chồng của con đây. Đã bảy tám năm rồi, ta không được gặp lại hai vợ chồng con, bây giờ may mắn được quay trở về. Ta nợ Liễu gia ba ngàn văn tiền, nay đã trả xong rồi. Các con tuyệt đối không được giết ta. Thọ mệnh của chồng con chỉ còn lại một đến hai năm nữa thôi, phải nhanh chóng đổi nghề khác, nếu không kiếp sau chồng con sẽ không thể làm người. Ta cảm thấy rất đói, hãy mang ít thức ăn cho ta.”
Sau khi thê tử của Trương Tiểu Nhị nghe vậy, nàng vội vàng chia một nửa bữa ăn của Trương Tiểu Nhị đưa cho con chó. Đợi sau khi Trương Tiểu Nhị ăn hết thức ăn trong bát, ông nhờ thê tử lấy thêm thức ăn, nhưng phát hiện thức ăn đã hết rồi, Trương Tiểu Nhị vô cùng phẫn nộ. Thê tử nói với ông ấy rằng: “Thiếp đã chia một nửa số thức ăn cho cha chồng rồi.” Sau đó, nàng thuật lại đầu đuôi ngọn ngành những lời nói của con chó cho Trương Tiểu Nhị nghe.
Sau khi Trương Tiểu Nhị nghe xong, liền cảm thấy vô cùng sợ hãi. Thế là, ông quyết định giữ lại con chó để nuôi dưỡng, không dám giết nó nữa. Ba ngày sau, con chó chạy đến nhà Tưởng Thị cắn người, kết quả là bị đánh chết. Từ đó, Trương Tiểu Nhị không làm đồ tể nữa, ông đổi nghề làm người hầu cho một gia đình bán dầu. (Trích từ “Di kiên chí”)
Trong câu chuyện này, chúng ta thấy con người và động vật chuyển sinh lẫn nhau, và những sinh mệnh chuyển sinh vào thế giới động vật có khả năng dự đoán tương lai nhất định. Nói cách khác, con người ở nhân thế là đang sống trong mê mờ. Cha của Trương Tiểu Nhị đã nợ Liễu gia ba ngàn văn tiền trước khi ông chuyển sinh, vì vậy ông đã đầu thai thành một con chó để trả nợ. Sau đó ông bị bán đi với giá ba ngàn văn tiền để trả món nợ ở kiếp trước. Khi nợ được trả xong, không lâu sau nó cũng phải mất đi, kết thúc một đời làm chó! Con người trong không gian tam giới này chính là đang trải qua sự luân hồi giữa nợ và ân!
Câu chuyện trên kể về trường hợp người đầu thai để trả nợ, nhưng cũng có người đầu thai để đòi nợ. Câu chuyện sau đây là trường hợp như vậy.
Người cậu chuyển sinh thành con bò
Khi người bạn về quê, người thân đã kể cho anh ấy nghe câu chuyện vô cùng thần kỳ và sâu sắc.
Vào những năm 1950, có một người nông dân nuôi một con bò đang mang thai. Vào ngày con bò sắp đẻ, người chủ nông trại đang bận rộn làm việc trong vườn, bỗng ông ngước đầu lên nhìn thấy cậu mình đang bước vào chuồng bò. Điều này khiến ông cảm thấy rất kỳ lạ. Vì tò mò, ông gác công việc lại và bước vào chuồng bò, tình cờ chứng kiến cảnh bò mẹ đang sinh con.
Không lâu sau, một người họ hàng trong gia đình người cậu mang tin dữ đến: Cậu của ông ấy đã qua đời. Điều này khiến chủ nông trại cảm thấy rất căng thẳng, trong đầu ông chợt lóe lên một ý nghĩ: Con bê sơ sinh này có lẽ là hóa thân của cậu mình. Vì vậy, ông vô cùng yêu quý bê con và chăm sóc rất chu đáo. Bất kể ông đi đâu cũng đều sẽ mang con bê ấy đi theo bên cạnh. Nó rất khỏe mạnh và ngoan ngoãn.
Một hôm, ông dẫn con bê ra chợ. Ở đó có một tiểu thương đang rao bán niêu đất. Đột nhiên, con bê thoát khỏi dây thừng và chạy về phía quầy bán nồi đất. Nó dùng sức đập và đá mạnh vào đó, như thể đang phát điên. Nó đập nát chiếc xe đựng niêu đất thành từng mảnh. Mọi chuyện xảy ra quá đột ngột khiến người tiểu thương không kịp ngăn cản nên ông ấy đã cầm gậy đánh vào con bê. Người chủ nông trại lập tức bước tới ngăn cản và nói: “Đừng đánh, tôi trả tiền cho ông. Ông tính xem bao nhiêu tiền vậy.” Sau đó, hai người bắt đầu nói về chuyện gia đình.
Lúc này, ông mới tiết lộ cho người tiểu thương biết, ông tin rằng con bò này chính là chuyển sinh của người cậu và cũng chia sẻ một chút thông tin về người cậu như tên gì, đến từ làng nào, v.v. Người tiểu thương ban đầu không tin, nhưng sau một hồi suy nghĩ, ông hỏi: “Cậu của ông có phải là người cao lớn và hơi mập không?” Nhận được lời khẳng định, người tiểu thương kinh ngạc. Ông tiết lộ rằng mình vẫn còn nợ người đó một số tiền. Sau khi tính toán thì họ phát hiện, số tiền mà ông ấy nợ vừa khớp với số niêu đất bị tổn thất. Người tiểu thương xúc động nói: “Thật là kỳ lạ, có nợ thì phải trả là đạo nghĩa của trời đất. Số tiền niêu đất này ông không cần phải trả.” Nói rồi người tiểu thương nói với con bê rằng: “Anh bạn già à, hôm nay chúng ta giải quyết hết nợ nần rồi nhé.” (Nguồn tư liệu: Chánh Kiến Net)