Liễu Hạnh công chúa (P1): Sơn nữ ngồi trên ghế, phải chăng Tiên giáng trần?
Liễu Hạnh công chúa là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng Đế, đã ba lần giáng hạ xuống nước Nam. Từ thời nhà Hậu Lê đến nhà Nguyễn, Bà đã được cấp phong nhiều Sắc, tôn vinh là bậc “Mẫu nghi thiên hạ – Mẹ của muôn dân”.
Dân tộc ta với nguồn gốc con Rồng cháu Tiên là dấu tích rõ ràng nhất cho sự tồn tại của Thần và Thiên thượng phản ánh tại nhân gian. Trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, Thiên thượng đã nhiều lần triển hiện Thần tích giúp dân tộc ta vượt bao gian nguy mà vững bước trường tồn. Đặc biệt trong thời gian lâu dài đó có bốn vị Thần cổ xưa luôn giúp đỡ bảo vệ nước Nam, gọi là “Tứ Bất Tử”. Trong bốn vị này có duy nhất một người là nữ giới, đó là Thánh mẫu Liễu Hạnh.
Bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng Đế, ba lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp phong nhiều Sắc, tôn vinh là bậc “Mẫu nghi thiên hạ – Mẹ của muôn dân”.
Do nhiều lần giáng trần nên Liễu Hạnh công chúa là vị Thần tiên gần gũi và để lại nhiều giai thoại trong lịch sử Việt Nam. Những lần gặp gỡ đầy thi vị của bà với Trạng Bùng đã để lại cho đời những câu chuyện truyền kỳ với bao vần thơ Tiên tuyệt đẹp.
Ba lần giáng sinh nơi trần thế
Lần đầu tiên: Bà giáng sinh vào gia đình ông Phạm Huyền Viên tại thôn Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Thái An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Bà tại thế từ năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình nguyên niên (năm 1434) cho tới năm Quý Tỵ niên hiệu Hồng Đức thứ 4 (năm 1473). Ở đời này Bà là người con hiếu thảo, luôn thờ phụng cha mẹ cho đến khi trở về thượng giới.
Lần thứ hai: Bà giáng sinh làm con gái của ông Lê Đức Chinh, ở xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng, được cha mẹ đặt tên là Lê Thị Giáng Tiên, tự Liễu Hạnh. Tới tuổi trưởng thành Bà được gả cho Trần Đào Lang ở thôn An Thái, sau sinh được một trai tên là Nhâm. Ở kiếp này, Bà giáng hạ vào đời Lê Trung Tông (năm 1555) và quy tiên vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch (năm 1577, đời Lê Thế Tông).
Lần thứ ba: Bà giáng sinh tại xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, lấy chồng họ Mai, sinh được một trai tên là Cổn. Nhưng chỉ hơn một năm sau đó Bà rời cõi trần trở lại Thượng giới.
Mỗi lần giáng sinh bà đều dạy dân hành thiện, sống đời đạo đức. Từ lần thứ ba trở đi, bà hóa thân đi chu du khắp nước, không chỉ nhiều lần thi triển thần thông mà còn để lại biết bao thần tích và giai thoại. Các triều đại từ thời Lê trở về sau đều có ghi sự tích của bà.
Thời gian trôi qua, dân gian ngày càng tín ngưỡng Công Chúa Liễu Hạnh, tục gọi là Bà Chúa Liễu. Họ đã lập đền thờ khá trọng thể ở Phủ Giầy, Nam Định, cũng như ở Phố Cát và Đền Sòng tại Thanh Hoá.
Những vần thơ Tiên lấp lánh chốn nhân gian
Khi hiện thân ở nước ta, Liễu Hạnh tiên chúa mang hình tượng của một nữ thi sĩ uyên bác để lại nhiều bài xướng họa. Ngoài ra, Bà còn giáng bút bằng thơ hay câu đối ở nhiều nơi. Những truyền thuyết này đã được ghi thành thần tích ở mỗi thời đại như:
– “Truyền kỳ tân phả” của Đoàn Thị Điểm, thế kỷ 18.– “Liễu Hạnh công chúa diễn ngâm” của Nguyễn Công Trứ, thế kỷ 19.– “Vân Cát Thần Nữ Cổ Lục diễm ngâm” của tác giả khuyết danh.
Theo “Nam Hải Dị Nhân” của Phan Kế Bính thì người được Thánh mẫu đối đáp thơ văn nhiều nhất là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.
Sơn nữ ngồi trên ghế, phải chăng Tiên giáng trần?
Khi nhà Lê khôi phục Thăng Long, Phùng Khắc Khoan được cử sang sứ triều Minh. Trên đường trở về từ chuyến đi sứ, Trạng Bùng đi qua chùa Thiên Minh (Lạng Sơn), thấy trước sân có ba cây thông và một cô gái xinh đẹp đang ngồi vừa đàn vừa hát. Phùng Khắc Khoan lên tiếng ghẹo:
“Tam mộc sâm đình, tọa trước hảo hề nữ tử”
(Ba cây che sân, cô gái đẹp thay ngồi đó)
Không ngờ cô gái đối ngay:
“Trùng sơn xuất lộ, tẩu lai sứ giả lại nhân”(Núi non mở đường, thư lại sứ giả chạy sang)
Trạng Bùng vừa ngạc nhiên vừa khâm phục, không chỉ vì câu đối quá tài tình mà còn bởi cô gái ấy tuổi đời còn rất trẻ. Nàng không cần nhìn đã nói ra hết lai lịch của ông chỉ bằng một câu đối. Bởi vế ra đối tuy lời lẽ đơn giản, nhưng cách chơi chữ cũng khá cầu kỳ: Ba chữ “Mộc” (木) ghép lại thành chữ “Sâm” (森), còn chữ “Hảo” (好) là do chữ “Nữ” (女) và chữ “Tử” (子) ghép thành.
Cô gái cũng dùng lối ghép chữ đối lại: Hai chữ “Sơn” (山) ghép lại thành chữ “Xuất” (出), còn chữ “Sứ” (使) là do chữ “Lại” (吏) và chữ “Nhân” (人) ghép thành.
Ông hứng khởi đọc luôn câu khác:
“Sơn nhân bằng nhất kỷ, mạc phi tiên nữ lâm phàm” (Cô gái miền núi ngồi trên ghế, phải chăng là nàng tiên giáng trần?)
Chữ “Sơn” (山) ghép với chữ “Nhân” (人) thành chữ “Tiên” (仙). Chữ “Bằng” (凴) có chữ “Kỉ” (几), chữ Kỉ này lại ghép với chữ “Nhất” (一) tạo thành chữ “Phàm” (凡).
Cô gái cũng đáp lại một cách tài tình:
“Văn tử đới trường cân, tất thị học sinh thị trướng”(Chàng văn nhân chít khăn dài, chính là cậu học sinh nhìn vào màn đấy chăng?)
Ở đây chữ “Văn” (文) và chữ “Tử” (子) tạo thành chữ “Học” (學). Chữ “Đới” (帶) có chữ “Cân” (巾), ghép với chữ “Trường” (長) tạo thành chữ “Trướng” (帳).
Phùng Khắc Khoan thấy lạ, chưa kịp hỏi rõ lai lịch thì cô gái đã biến đâu mất rồi, chỉ thấy các thanh gỗ nằm ngổn ngang tạo hình bốn chữ: “Mão khẩu công chúa”, bên cạnh là cây gỗ dựng viết bốn chữ “Băng mã dĩ tẩu”.
Những người cùng đi với Trạng tỏ vẻ không hiểu, Phùng Khắc Khoan bèn giảng giải:
– “Mộc” (木) là cây gỗ, khi ghép với chữ “Mão” (卯) thì thành chữ “Liễu” [柳], còn ghép với chữ “Khẩu” (口) thì lại thành chữ “Hạnh” (杏). Người thiếu nữ vừa rồi chính là công chúa Liễu Hạnh. Còn chữ “Băng” (冫) ghép với chữ “Mã” (馬) chính là họ Phùng (馮) của ta, chữ “Dĩ” (已) nằm cạnh chữ “Tẩu” (走) chính là chữ “Khởi” (起). Chắc công chúa muốn ta khởi công xây dựng ngôi chùa để thờ Ngài.
Sau đó, Phùng Khắc Khoan nhanh chóng khởi công trùng tu lại ngôi chùa này.
Tĩnh Thủy
(Còn tiếp)