Sử Việt và những trận chiến mãn nhãn tựa Hollywood – Phần 3
Thoát Hoan và các tướng lĩnh lên boong chỉ huy nhìn ra mặt sông và đều ngây người ra với cảnh tượng trước mặt: Hàng nghìn chiến thuyền Đại Việt to nhỏ đủ cỡ xếp thành đội ngũ chỉnh tề đang vây bọc hết mặt sông. Các soái hạm long thuyền khổng lồ với lá đại kỳ màu vàng thêu chữ “Trần” ngạo nghễ đứng ở trung tâm đoàn thuyền, xung quanh là các thuyền chiến xung kích tốc độ cao Mông Đồng bọc thép với hàng trăm tay chèo lực lưỡng sẵn sàng xung trận…
The Tide of blood: Cơn thủy triều máu
Năm 2008 bộ phim Xích Bích của điện ảnh Hoa Lục đã nhận nhiều lời khen cho các trường đoạn công phu quay lại cảnh đại chiến Xích Bích vô cùng hoành tráng của trăm vạn quân Tào và liên quân Ngô Lưu. Thế nhưng Xích Bích dù hoành tráng nhưng cũng không phải là lựa chọn duy nhất của khán giả. Bởi lẽ những “thước phim” về các chiến binh Đại Việt và trận chiến huy hoàng trên dòng sông Bạch Đằng hứa hẹn sẽ làm bùng nổ màn ảnh nhỏ. Chúng tôi tự nghĩ ra tên cho bộ phim này là “The Tide of Blood” (Thủy triều máu) vốn là miêu tả chân thực nhất về nguyên nhân thất bại và kết cục thảm khốc của đội quân Nguyên Mông xấu số kia.
Bối cảnh cuộc chiến:
Vào năm 1287, nhà Nguyên mở đầu cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba, nhưng chỉ chiếm được kinh thành Thăng Long không một bóng người, và thủy quân Đại Việt do Phó tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư chỉ huy đã đánh tan nát đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ trong trận Vân Đồn. Trước tình hình bất lợi, quân Nguyên định tổ chức rút về nước theo nhiều hướng khác nhau.
Trận Bạch Đằng diễn ra ngày 8 tháng 3 năm mậu tý (9 – 4 – 1288) nhằm niên hiệu Trùng Hưng thứ 4 đời vua Trần Nhân Tông bên Đại việt. Khởi đầu từ giờ Mão (5 giờ sáng), chấm dứt vào giờ Thân (17 giờ). Sau một ngày chiến đấu kịch liệt, toàn bộ thủy sư Nguyên Mông gồm 510 chiến thuyền, 15 vạn quân vừa thủy, vừa bộ bị bắt, bị giết cùng các tướng lãnh cao cấp như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp bị bắt sống. Đây là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử vệ quốc của nước ta.
Phối cảnh trước trận chiến, thực lực các bên:
Trên một dòng sông rộng mênh mông như biển, hai bên là rừng rậm nguyên sinh âm u bạt ngàn. Đoàn thuyền chiến khổng lồ hơn 500 đại hạm đang chở 15 vạn quân viễn chinh Nguyên Mông tìm đường ra biển để về mẫu quốc. Bầu trời gần sáng xám xịt u ám như tinh thần của đoàn bại binh lúc này. Sóng vỗ mạn thuyền tung bọt trắng xóa, nước bắn tung lên mạn thuyền như đùa cợt với những binh sĩ đang trực trên boong, nhưng vẫn không thể xua tan nỗi căng thẳng của họ. Một số binh sĩ trong vô thức tay nắm chặt hơn thanh trường mâu lúc này đang đầm đìa nước. Trời đang dần sáng, làn sương xám phủ trên mặt sông từ từ tản đi nhưng vẫn không có thêm chút ánh nắng nào đủ xua tan bầu trời ảm đạm suốt mấy ngày qua.
Đoàn tàu vẫn lắc lư rẽ sóng tiến lên. Nhưng trên mặt sông phía xa nơi chân trời dần hiện rõ những khối màu đen to lớn nhiều vô số, xếp hàng dài dằng dặc, lô nhô cao thấp ken đặc mặt nước phía trước. Từ phía chân trời, một lực lượng đáng sợ tỏa ra khắp nơi, khí thế âm trầm nhưng vô cùng mạnh mẽ như muốn quật nhào cả đoàn thuyền.
“Là đại quân của An Nam” binh sĩ hoa tiêu trực ban kinh hãi hét lớn, kéo chuông báo động cho toàn hạm đội…
Thoát Hoan và các tướng lĩnh lên boong chỉ huy nhìn ra mặt sông và đều ngây người ra với cảnh tượng trước mặt. Hàng nghìn chiến thuyền Đại Việt to nhỏ đủ cỡ xếp thành đội ngũ chỉnh tề đang vây bọc hết mặt sông. Các soái hạm long thuyền khổng lồ với lá đại kỳ màu vàng thêu chữ “Trần” ngạo nghễ đứng ở trung tâm đoàn thuyền, xung quanh là các thuyền chiến xung kích tốc độ cao Mông Đồng bọc thép với hàng trăm tay chèo lực lưỡng sẵn sàng xung trận. Trên sàn tàu là hàng nghìn hàng vạn binh lính khôi giáp nghiêm trang, trường mâu đao kiếm tuốt sẵn sáng lóa. Tiếng trống trận, tiếng chiêng thúc quân cùng tiếng tù và vang rền trời đất. Những âm thanh “Sát Thát” từ hàng chục vạn binh sĩ phát ra quả thật có cái thế trời long đất lở. Thật đúng như Trương Hán Siêu đã miêu tả:
“Đương khi ấy
Thuyền bè muôn đội
Tinh kỳ phấp phới
Tì hổ ba quân
Giáo gươm sáng chói
Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ
Bầu trời đất chừ sắp đổi
Thế trận thư hùng chửa phân
Chiến lũy Bắc Nam chống đối”…
(Trích “Bạch Đằng Giang phú”-Trương Hán Siêu).
Đại cảnh chiến đấu chính:
Bấy giờ đã cuối giờ mùi, nước sông rút xuống thấp. Thình lình một loạt chiến thuyền Nguyên vấp phải cọc. Cái bị thủng, cái bị vỡ, cái bị lật nghiêng. Trong khi quân Nguyên kinh hoảng la hét, nhảy khỏi chiến thuyền thì Nghĩa dũng quân Đại Việt trên ngư thuyền tung chài, tung lưới bắt…
Ô Mã Nhi nhìn dọc sông, chiến thuyền cái thì nghiêng ngả, cái thì bị lật úp, cái thì bị chìm. Quân sĩ chiến đấu tuyệt vọng. Trong khi đó bên phía quân Việt, Nghĩa dũng binh reo hò ào ào như sóng biển. Y thở dài, nghĩ lại mình từng làm nguyên soái đánh Nhật Bản, đánh Chiêm. Từng chỉ huy những đội kỵ binh mạnh nghiêng trời lệch đất. Mà bây giờ, một đoàn trên 520 chiến thuyền, 15 vạn binh, tan tác trên sông. Đội quân vô địch đang bị Nghĩa dũng binh, Ngưu binh toàn là bọn dân quê, bọn lão già, bọn đàn bà đâm chém, đuổi như đuổi vịt. Uất khí, y rùng mình.
(Trích tiểu thuyết “Gươm Thiêng Hàm Tử” – Trần Đại Sĩ).
Phân cảnh chiến đấu tuyệt kỹ giữa Ô Mã Nhi và Trần Quốc Toản:
Thấy tuyệt vọng, Ô Mã Nhi cùng 5 chiến thuyền chưa bị trúng cọc, hô quân chèo thật gấp bỏ chạy về phía bờ biển, mong thoát thân như lần trước. Nhưng phía trước 40 chiến thuyền Việt dàn ngang, chặn mất đường đi. Trên một soái hạm Việt, dưới ngọn cờ thêu 6 chữ vàng: “Phá cường địch báo hoàng ân”, Có một viên tướng trẻ, cực kỳ uy vũ, mặt đẹp như ngọc đang cầm cờ chỉ huy, mà xung quanh không võ sĩ hộ vệ; chỉ có một thiếu nữ trang phục công chúa Tống, sắc nước hương trời đứng cạnh, với con vượn trắng tay cầm cây gậy sắt khổng lồ. Y hỏi tùy tùng:
–Tướng đó là ai vậy?
–Thưa là Hoài Văn vương Trần Quốc Toản. Y là một trong 4 đại tướng vô địch của An nam. Y lại có tài dùng binh như thần. Thiếu nữ đứng cạnh y là công chúa Ngọc Hoa di thần Tống. Nếu đô đốc muốn phá trận địa của Man Việt, chạy ra biển thì phải giết cho được tên Quốc Toản.
Ô Mã Nhi cầm tù và rúc lên, Nguyễn Chiến Thắng dẫn 20 võ vệ từ chiến hạm của y phóng sang soái hạm Việt…
Binh tướng hai bên reo hò.
Ô Mã Nhi đang đấu đến hồi quyết liệt. Cạnh đó công chúa Thủy Tiên, Ngọc Hoa, Vương Chân Phương và một số tướng Việt đang lược trận. Cả Ô Mã Nhi lẫn Quốc Toản đều phát hết công lực, cứ mỗi lần hai chiêu chạm nhau lại phát ra tiếng bộp lớn. Hai người đã lui tới thành chiến hạm. Thình lình Ô Mã Nhi xỉa hai tay vào ngực Quốc Toản, định đánh bay Hầu xuống sông. Quốc Toản dùng một chiêu trong Thuần chính thập nhị thủ của công chúa Thủy Tiên. Vương chụp lấy 2 cùi chỏ y, rồi uốn cong người lên không, hai chân thúc vào huyệt á môn, phong phủ, phế du, tâm du của y. Y bay tung xuống sông. Còn vương thì đáp xuống sàn chiến hạm. Bọn Võ vệ Nguyên quẳng đao đầu hàng. Ô Mã Nhi rơi xuống sông. Vì trên người y mang giáp trụ, nên y chỉ bơi lóp ngóp được vài cái rồi chìm nghỉm. Đội nữ Nghĩa dũng dùng chài, lưới chụp y, kéo lên ngư thuyền. Nội minh tự Đỗ Hành, tổng chỉ huy Nghĩa dũng, điểm huyệt, gỡ y ra khỏi chài, trói lại, nộp cho Thượng hoàng…
Bấy giờ đã sang giờ Thân, nước sông Bạch Đằng rút xuống thấp. Trên một dải dài 50 dặm, gần 5 trăm chiến thuyền Nguyên mắc cạn, vướng cọc, bị vỡ, bị nghiêng, bị lật. Xác chết nằm nghẹt lòng sông, nằm trên chiến thuyền, nằm trên bờ. Nước sông Hồng vốn đã hồng, bây giờ thêm máu của gần 15 vạn quân Nguyên, nên càng đỏ hơn.
Thượng hoàng, hoàng đế, Hưng Đạo vương cưỡi voi đi quan sát chiến trường dọc bờ sông. Tướng sĩ Việt cùng hô:
– Vạn tuế! Vạn tuế…
(Trích tiểu thuyết “Gươm Thiêng Hàm Tử”-Trần Đại Sĩ).
Hết.