Bạch Liêu – Vị Trạng nguyên quân sư và tổ khai khoa xứ Nghệ
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”
(Ca dao)
Xứ Thanh Nghệ hay còn gọi là Hoan Diễn, là một vùng đất vô cùng xinh đẹp và quan trọng trong quá trình lập quốc và phát triển quốc gia của nước ta. Có thể nói, đây là tiền đồn để bảo vệ phía Bắc và lấn xuống phía Nam. nếu không có xứ này thì sẽ không thể có nghìn năm thịnh vượng và tiền đề để phát triển thành một đất nước rộng lớn đến mũi Cà Mau như ngày nay. Không những xinh đẹp trù phú, mà đây còn là vùng đất đại vượng đem đến cho nước ta vô số anh tài giúp dân giúp nước, cả về quân sự dẫn văn học. Vì thế mà ở đây ngay vào đời Trần đã xuất hiện một vị Trạng nguyên tài năng xuất chúng, sống rất thọ và mất đi được phong làm Thành hoàng một vùng, quả là xưa nay hiếm vậy.
Thần đồng nổi tiếng với trí nhớ siêu phàm
Bạch Liêu (chữ Hán: 白遼 (1236-1315) quê ở làng Yên Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu (nay thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Tương truyền ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo. Cha làm nghề dạy học, bốc thuốc, là người “tích phúc truyền gia”, lấy nhân nghĩa làm gốc. Thủa nhỏ Bạch Liêu nổi tiếng thần đồng: 6 tuổi biết đọc, 7 tuổi biết làm thơ, 8 tuổi làm được văn bài, 15 tuổi tiếng tăm vang lừng khắp quận huyện. Người ta nói rằng ông có trí nhớ dai chẳng ai bằng, có cặp mắt lóng lánh, nhãn quan thần lực đọc sách 10 dòng trong nháy mắt.
Vị trạng nguyên khai khoa xứ Nghệ dâng biến pháp tam chương
Bạch Liêu là một thần đồng nổi tiếng đất Nghệ An và có nhiều tài năng trong việc kinh bang tế thế. Vị tướng trấn thủ Nghệ An thời đó là Trần Quang Khải mến tài trọng đức Bạch Liêu, thường gặp gỡ xướng họa thơ văn, đàm đạo việc quân việc nước. Do đó tuy năm 30 tuổi ông thi đỗ Trại Trạng Nguyên nhưng không ra làm quan mà chỉ làm tân khách trợ giúp cho Trần Quang Khải trị nhậm đất Nghệ An..Ông chính là vị Trạng nguyên khai khoa cho xứ Nghệ.
“Bính Dần,[Thiệu Long]năm thứ 9 [1266],(Tống Hàm Thuần năm thứ 2, Nguyên Chí
Nguyên năm thứ 3). Tháng 3, mở khoa thi chọn học trò, Ban đỗ kinh trạng nguyên Trần Cố, trại trạng nguyên Bạch Liêu; bảng nhãn (khuyết tên họ); thám hoa lang Hạ Nghi; thái học sinh 47 người, xuất thân theo thứ bậc khác nhau.
Liêu người Nghệ An, tính thông minh nhớ lâu, đọc sách ngàn dòng một mạch. Bấy giờ, thượng tướng Quang Khải coi Nghệ An, Liêu làm môn khách mà không làm quan”.
(Đại Việt sử ký toàn thư)Với vai trò là một quân sư, ông đã giúp Trần Quang Khải thảo ra kế hoạch về tuyển quân và dự trữ lương thực, củng cố biên giới phía Nam với Chiêm Thành, góp phần quan trọng trong việc đánh thắng quân Nguyên Mông. Kế sách của ông dâng lên có những điểm quan trọng, được người sau gọi là Biến pháp tam chương:
- Củng cố quân đội thường trực, tinh nhuệ và sẵn sàng: Kiểm tra dân số, lấy một vạn trai tráng sung quân, quyên góp để rèn vũ khí. Chỉ tập trung một số quân thường trực, còn lại ở tại địa phương, thường xuyên luyện tập, khi động dụng sẽ điều đi.
- Tích lũy lương thực, khuyến nông làm căn bản: Khuyến khích các Vương hầu lập thêm điền trang, đưa dân thiếu ruộng từ Bắc vào khẩn hoang, làm tăng lương thực và của cải cho dân no ấm và đầy kho Nhà nước. Lập các kho thóc, tiền, binh khí, cứ hai mươi dặm một kho, từ Thanh Hóa vào đến Hoành Sơn.
- Di dân lập ấp, bảo vệ biên giới phía Nam, đề phòng tập kích từ sau lưng: Lập các đồn điền giáp biên giới phía Nam, đưa nông dân đến khai hoang, lập làng để làm tai mắt theo dõi ngoại xâm.
Có thể thấy những kế sách của ông thể hiện một nhãn quan chiến lược quân và dân sự xa rộng và xuất sắc. Ông đã nhìn ra căn cơ quan trọng nhất dùng để bảo vệ quốc gia khi bị xâm lăng chính là vùng đất Thanh Nghệ, nếu làm tốt công tác quản trị nơi này thì vào thời chiến loạn có thể từ đây mà bình định thiên hạ, chiến thắng ngoại xâm. Vùng đất này đất rộng dân đông, địa hình hiểm yếu dễ thủ khó công, nằm ngay yết hầu Nam Bắc, chính là vùng đất mà binh gia phải tranh đoạt, ai có nó chính là người có thể chiếm cả thiên hạ nước Nam. Vì thế mà Bạch Liêu đã đề ra chiến lược củng cố quân sự và xây dựng làng mạc để có thể khống chế Nghệ An trong lòng bàn tay, tập trung nhân lực vật lực chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất trong chiến tranh.
Mười vạn quân Hoan Diễn, đại thắng bến Chương Dương
Trong cuộc xâm lăng năm 1285 của quân Nguyên Mông, có những ngày mà vận mệnh quốc gia như chỉ mành treo chuông, chiến lược này nói không ngoa chính là đã cứu cho nhà Trần một bàn thua trông thấy. Khi đó, vua Trần và Hưng Đạo Vương các tướng thua trận liên tục trước sức ép của quân Nguyên Mông, phải lên thuyền vượt biển vào Thanh Hóa. Thời điểm này Toa Đô đã đánh chiếm Chiêm Thành từ phía Nam và tiến quân đánh lên Nghệ An với ý đồ chiến lược là hội quân với Thoát Hoan để hình thành gọng kìm bóp nát chủ lực quân nhà Trần. May mắn thay, trước đó ông trời đã sinh ra Bạch Liêu để giúp cho Trần Quang Khải trấn nhậm vùng đất này trở nên thành đồng vách sắt từ rất lâu khi Toa Đô đến. Do đó Khi Chiêu Minh Vương quay lại vùng này, mọi thứ đều sẵn sàng vì quốc gia mà xuất lực, đánh chặn quân xâm lăng. Lúc đó, Bạch Liêu viết tờ tấu nói rõ tình hình Hoan Diễn, nói Hoan Diễn đã sẵn sàng mười vạn quân dưới cờ. Tương truyền vua xem xong rất hài lòng và phê ngay vào dưới bản tâu hai câu:
Cối Kê cựu sự quân tu ký
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.
(Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớHoan Diễn ta còn mười vạn quân)
Ngày Quang Khải vào đến Nghệ An, ông bèn chia quân phòng giữ mặt biển và giữ các nơi hiểm yếu khiến cho quân của Toa Đô đánh mãi không được, cạn lương, bèn cùng với Ô Mã Nhi dẫn quân xuống thuyền trở ra Bắc. Trần Quang Khải tung thám báo ra và nắm được hành tung đó, bèn cho người về Thanh Hóa cấp báo. Vua Nhân Tông liền mệnh cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cùng Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân ra đón đánh Toa Đô tại Hàm Tử Quan thuộc huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên và đại thắng trận này.
Sau khi thua trận Hàm Tử, đại binh của Thoát Hoan đóng tại Thăng Long, còn chiến thuyền thì đóng ở bến Chương Dương, thuộc địa phận huyện Thượng Phúc. Vua Trần Nhân Tông quyết định đại cử Bắc phạt để chiếm lại Thăng Long, Trần Quang Khải được lệnh vua cùng Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão đem quân từ Thanh Hóa đi thuyền vòng đường biển ra đến bến Chương Dương chia làm 2 cánh vừa tấn công chiến thuyền của quân Nguyên vừa mai phục bên ngoài Thăng Long. Khi quân Nguyên thua to phải bỏ thuyền lên bờ chạy, Trần Quang Khải đem quân truy kích về đến chân thành Thăng Long, hai mặt giáp công đánh tan hoàn toàn quân Nguyên, khiến chúng phải rút khỏi Thăng Long.
Một đời vì dân vì nước, Đương Cảnh Thành Hoàng Đại Vương
Là người có công lớn góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc nên Bạch Liêu có tên trong danh sách được triều đình định công ban thưởng nhưng ông từ chối mọi tước vị, vật phẩm. Biết tài của ông, lại thấy nhà Nguyên vẫn chưa chịu từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước ta, năm Đinh Hợi (1287), vua Trần sai Bạch Liêu đi sứ để thăm dò. Sau khi về nước ông trở lại quê hương dạy học , bốc thuốc chữa bệnh cho dân chúng. Một thời gian sau đó ông di cư ra Bắc, tới sống ở làng Nghĩa Lư, huyện Thanh Tâm, xứ Hải Đông (nay là Hải Dương) cho đến khi mất lúc 79 tuổi.
Khi Bạch Liêu mất, ở Nghĩa Lư cũng như tại quê hương, dân làng đều xây đền thờ phụng; triều đình phong ông làm Phúc thần, hiệu là Dương cảnh thành hoàng đại vương. Hiện nay tại đền thờ ông ở làng Nguyễn Xá, huyện Yên Thành, Nghệ An vẫn còn lưu giữ đôi câu đối:
Sinh tiền bất dĩ Đông A đế,
Một vị năng vi Nguyễn Xá thần.
(Sống không nhận quan tước của vua Trần,
Chết làm phúc thần của làng Nguyễn Xá.)
Lời bàn:Nho giáo chủ trương người quân tử chỉ trọng đạo nghĩa, chứ không vụ lợi cho bản thân. Chỉ có một tâm hồn cao thượng bất vụ lợi mới đem lại được những điều tốt đẹp nhất cho đời và cho mọi người. Trạng nguyên Bạch Liêu và cuộc đời thanh bạch của ông là một tấm gương điển hình cho phong phạm của một Nho gia quân tử sáng mãi đến muôn đời. Vì sao ông không nhận bất kỳ phần thưởng hay tước vị nào của vua Trần, chỉ là ông muốn giữ cho thân tâm mình không vẩn đục bởi danh lợi tầm thường của thế nhân mà thôi. So với Hứa Do rửa tai và Sào Phủ không cho trâu uống nước đục thì cũng không thẹn là kém. Quả là đáng kính thay, bậc quân tử Trạng nguyên đầu tiên của xứ Nghệ.
Minh Bảo