Sử Việt và những trận chiến tựa Hollywood – Phần 1
Những người lính Thánh Dực không nhằm bọn giặc mà họ quét câu liêm là từ mặt đất nhằm đánh vào vó ngựa. Ngựa ngã quay lông lốc, giặc cũng lăn quay lông lốc. Chúng lăn vào cả những lá khiên mở ngửa lởm chởm chông nhọn hoắt… Đợt thứ hai của giặc chưa vọt được qua vách khiên mây…
Phim lịch sử chiến tranh cổ trang là một trong những chủ đề vô cùng “hot” với những khán giả mê điện ảnh. Những khung cảnh chiến tranh đại cảnh khốc liệt, hoành tráng luôn làm phấn khích mọi thế hệ người xem. Các nhà làm phim Hollywood cũng như điện ảnh Hoa Lục nhiều năm qua đã đem đến cho khán giả rất nhiều siêu phẩm mô tả về chiến tranh, những cảnh quay kinh điển như thế, cho đến nay vẫn còn chưa hết hấp dẫn…
Tuy nhiên người viết cho rằng những bộ phim đó vẫn còn chưa đủ cấp độ, nhất là khi họ thiếu những trận chiến tuyệt vời nhất thế giới diễn ra ngay tại Việt Nam, vùng đất đã từng khuất phục biết bao danh tướng xâm lược và các vương triều lừng danh thế giới. Lịch sử nước ta với mấy nghìn năm chống lại các thế lực xâm lược binh hùng tướng mạnh, nếu vận dụng tốt ”đại phim trường” này, bảo đảm cũng có thể cho ra lò những trận đại chiến vô cùng kinh điển. Vậy nếu những trận chiến Đại Việt được chọn làm phim trong các siêu phẩm bom tấn thì sẽ ra sao nhỉ? Chúng ta hãy cùng nhau thả sức tưởng tượng các trận chiến lừng danh sử Việt sẽ như thế nào khi thay thế cho các siêu phẩm bom tấn của Mỹ và Trung Quốc…
600 – The Army of Shadows: 600 – Đội quân bóng tối
Trong siêu phẩm 300 phần 1, những chiến binh Spartans huyền thoại dưới sự lãnh đạo của vua Leonidas 1 đã chiến đấu oanh liệt đến hơi thở cuối cùng với một triệu quân của Xerxes Đại đế ở Trận Thermopylae lừng danh. Sự quả cảm của người Spartans cùng những màn võ thuật cận chiến kinh hồn đã đem đến cho nhà sản xuất doanh thu 70 triệu USD và là phim có doanh thu cao nhất năm 2007.
Tuy vậy có lẽ khán giả sẽ càng thêm phần phấn khích khi được tận mục sở thị một trận chiến còn bi tráng hơn thế vào thế kỷ 13 tại Đại Việt với tình tiết kịch tính hơn. Đặc biệt ở chỗ, đây không phải là trận chiến của các siêu sao chiến binh Spartans lừng danh. Mà thay vào đó là trận thư hùng của một đạo quân hoàn toàn vô danh chống lại một đối thủ còn mạnh hơn cả binh lính Ba Tư của Xerxes – binh đoàn kỵ binh Mông Cổ huyền thoại từng san bằng cả châu Âu. Đó chính là 600 – The army of shadows – người viết tự nghĩ ra tên cho bộ phim tưởng tượng này, trận chiến giữa quân Nguyên Mông và Thánh Dực Dũng Nghĩa binh.
Bối cảnh và cốt truyện:
Năm 1285, quân Nguyên Mông lại sang xâm lấn nước ta để rửa nỗi nhục thất bại của 27 năm trước.
Lần này đoàn quân xâm lược đã trở nên đông hơn chục lần với đầy đủ bộ binh kỵ chiến lẫn thủy quân đoạt từ Nam Tống.
Đích thân vương tử thứ 9, Trấn Nam Vương Thoát Hoan (Toghan), được giao nhiệm vụ quan trọng này. Đoàn quân Nguyên Mông đông đảo với nhiều danh tướng đương thời như Lý Hằng, A Lý Hải Nha (Arigaya), Toa Đô (Sogetu), Ô Mã Nhi (Omar Batu) cuồn cuộn tràn xuống Đại Việt, dễ dàng đánh bại quân ta ngay từ cửa ải Khả Ly, Nội Bàng và cả tại căn cứ lớn nhất là Vạn Kiếp. Hai vua nhà Trần và Hưng Đạo Vương quyết định tạm lui binh để bảo toàn quân lực. Vì thế Trần Bình Trọng và đoàn quân tinh nhuệ Thánh Dực do ông chỉ huy phải nhận nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm là chặn đứng truy binh của thiết kỵ Mông Cổ cho bộ chỉ huy và chủ lực quân của ta có đủ thời gian để rút lui an toàn.
Tiêu điểm của phim – Bí ẩn về Thánh Dực Dũng Nghĩa Binh, họ là ai?
Vì sao Trần Bình Trọng lại là nhân vật được chọn cho nhiệm vụ quan trọng này? Vì sao đạo quân chỉ 600 người của ông lại dám đảm nhận trách nhiệm quyết tử mà không hề băn khoăn? Vì họ không phải Cấm vệ quân Thánh Dực thông thường, họ là Thánh Dực Dũng Nghĩa binh, đạo quân tinh nhuệ nhưng lại “hoàn toàn vô danh” của triều đình.
Nếu như Thánh Dực Nghĩa Dũng quân là Cấm vệ quân Hoàng gia xuất thân cao quý thì Thánh Dực Dũng Nghĩa lại hoàn toàn ngược lại. Họ thực ra là những người từng là dân vong mệnh (cô nhi, trọng phạm, tử tội, bất hảo, những phần tử bần cùng tận đáy xã hội) được chiêu mộ và cấp cho cơ hội phục vụ triều đình. Thay vì phải chết trong ngục hay vất vưởng bên lề xã hội thì họ được Hoàng gia ban cho cuộc đời mới, lương bổng và huấn luyện ngang Cấm Vệ quân. Vì thế họ rất cuồng tín và tuyệt đối trung thành với triều đình. Cả đoàn quân đều là những người mạnh mẽ, giỏi chiến đấu, sẵn sàng quyết tử. Triều đình dùng họ cho những chiến dịch nguy hiểm nhất và cần những cảm tử quân không biết sợ chết. Đây chính là trận chiến cuối cùng của họ, đem xác thân này cản đường vó ngựa Nguyên Mông để rồi có thể bị lãng quên trong lịch sử.
Đại cảnh chiến đấu chính:
Nơi Thánh Dực Dũng Nghĩa quyết chiến với giặc là bãi lầy Màn Trò bên dòng sông Thiên Mạc. 600 quân Thánh Dực đa số là bộ binh trang bị nhẹ – một ít trong trang phục bộ binh và một ít kỵ binh phải chặn đứng đoàn thiết kỵ truy binh mấy nghìn người của quân Nguyên Mông. Đoàn quân kỵ này do danh tướng Lý Hằng và Khoan Triệt (Koncak) chỉ huy. Đây là một trận tử chiến không có đường lui giữa một nhúm quân của một tiểu quốc nhỏ bé và đạo quân thiện chiến tung hoành khắp thế giới. Một trận đánh quy ước lấy ít địch nhiều khốc liệt hàng đầu trong lịch sử chiến tranh của loài người.
Trận chiến diễn ra vô cùng khốc liệt với hàng loạt đợt tấn công kinh hoàng từ quân kỵ Mông Cổ.
“Trần Bình Trọng gọi đội câu liêm và đội thiết lĩnh. Ông dặn dò những người lính của ông kỹ lưỡng, và quân Thánh Dực ào đi thi hành mệnh lệnh của Trần Bình Trọng. Những hướng đánh từ các phía của quân Nguyên tràn tới, trong đó có cả những tên lính của Khoan Triệt tả tơi giáp, mũ. Nhưng trái với những lần đánh trước, quân Thánh Dực không cho chúng lại gần. Họ bắn những mũi tên rất trúng, và ngay khi lũ giặc còn cách nửa tầm tên bắn thì chúng đã tối tăm mặt mũi và hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Trong khi đó, bọn lính của Lý Hằng hộ vệ chủ tướng của mình vẫn xông đến ào ào. Chúng thúc ngựa nhảy vọt qua cả vách thành ken khiên. Khi hàng quân thứ nhất của địch vọt qua rồi, đội câu liêm mới từ hai bên vọt ra. Những người lính Thánh Dực không nhằm bọn giặc mà họ quét câu liêm là từ mặt đất nhằm đánh vào vó ngựa. Ngựa ngã quay lông lốc, giặc cũng lăn quay lông lốc. Chúng lăn vào cả những lá khiên mở ngửa lởm chởm chông nhọn hoắt… Đợt thứ hai của giặc chưa vọt được qua vách khiên mây…
Từ sau hàng khiên, đội thiết lĩnh của quân Thánh dực đánh vòng ra. Những cây thiết lĩnh lợi hại gồm một thanh mẹ và bảy thanh con nối liền nhau bằng những đốt xích sắt. Đòn thiết lĩnh đánh cong vút lên cao, đánh vòng qua hàng khiên Thánh dực, đánh vòng qua hàng quân thứ hai của giặc, đánh thẳng vào một tốp quân Nguyên đang xúm xít hộ vệ Lý Hằng. Thật là những đòn bất ngờ. Lý Hằng bị một trận phủ đầu thất kinh hồn vía. Chung quanh y, bọn lính hộ vệ bị chết, bị thương rất nhiều. Riêng y thì hút chết, con ngựa y cưỡi cũng bị một nhát thiết lĩnh đánh vút qua cổ, cứa đứt tung dây cương bên mép và quật lìa cả chiếc bàn đạp bên phải. Con ngựa đau mép, lồng vọt lên. Lý Hằng lộn phốc xuống, chân chỉ còn móc vào chiếc bàn đạp bên trái. Bọn quân Nguyên chạy vung ra bốn phía. Chúng hoảng hốt nhìn tên tướng đang bị ngựa kéo quệt lê trên mặt cát… Viên quan cầm cờ vội cho lính chạy đón đầu giữ ngựa để cứu Lý Hằng. Khoan Triệt cũng vội chạy lại. Hai tên tướng Nguyên nhìn nhau, không tên nào còn tâm trí nghĩ đến tranh công và chế giễu nhau nữa. Lý Hằng cởi tấm áo lông cừu rách tả tơi vứt đi.
– May mà có cái áo này chứ không thì cũng tan thây đấy! – Lý Hằng hú vía nói với viên quan cầm cờ.
Khoan Triệt và Lý Hằng thu hết quân, sửa soạn kỹ lưỡng cách bày trận:
Lần này Lý Hằng tung đội cần bật đá và dùng cả đội quân cưỡi ngựa có đeo giáp sắt. Trần Bình Trọng điềm tĩnh chỉ huy quân phá liền mấy đợt tấn công nữa của giặc. Ông bị nhiều vết thương. Nhưng chỉ đến đợt thứ mười một của trận đánh bên bờ Thiên Mạc, Trần Bình Trọng và ông già Màn Trò mới bị sa vào tay giặc, trong tay chỉ còn hai mẩu cán giáo gãy.
Về phía địch, Khoan Triệt bị thương rất nặng. Một nhát mã tấu xả vai trái y, một mũi lao xuyên qua đùi, nhưng vết thương nguy hiểm nhất đối với tính mạng y lại chỉ là một mũi chông độc nhỏ bé hình củ ấu găm vào ngón chân út. Máu đọng phù bắp chân Khoan Triệt, y nửa tỉnh, nửa mê. Lý Hằng cũng chẳng hơn gì. Tên Tả thừa sau đòn thiết lĩnh hút chết, không dám liều mạng xông lên trong những hàng quân đi đầu, và y đã phải thay một con ngựa trúng tên. Y không bị qua một vết thương, nhưng sự thua thiệt nặng nề làm cho y lo sợ bị quan trên trừng trị. Khoan Triệt đã kề bên cái chết. Khi đánh xong trận bãi sa bồi, bọn lính Nguyên cho viên Hữu thừa lên võng để khiêng về thuyền. Lúc chiếc võng đưa qua trước mặt Lý Hằng, tên Tả thừa đang ngơ ngác nghĩ đến dâng thư lên cấp trên thưa trình sao cho thoát tội, y buột miệng nói một câu:
– Đúng là thua chứ không phải thắng! Mà thua to!”
(Trích truyện Bên bờ Thiên Mạc – Hà Ân).