Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.29): Cứu tinh của Trung Cộng
Vị cứu tinh quân đội Hoàng gia
Năm 1964, khi Mao Trạch Đông tiếp phái đoàn Đảng Xã hội Nhật Bản thăm Trung Quốc, trưởng đoàn Nhật Bản là Kōzō Sasaki và Kuroda Hisao đã xin lỗi nhân dân Trung Quốc về cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản.
Mao Trạch Đông nói: “Tôi từng nói chuyện với những người bạn Nhật Bản. Họ nói, rất xin lỗi, quân đội Hoàng gia Nhật Bản đã xâm lược Trung Quốc. Tôi nói: Không! Nếu quân đội Hoàng gia của các ông không xâm lược hơn một nửa Trung Quốc, thì nhân dân Trung Quốc sẽ không thể đoàn kết chống lại Tưởng Giới Thạch, Trung Quốc sẽ không thể giành được chính quyền. Vì vậy, quân đội Hoàng gia Nhật Bản là người thầy tốt của người dân Trung Quốc chúng tôi, cũng có thể nói là một đại ân nhân, một vị cứu tinh vĩ đại.”
Sasaki bày tỏ sự áy náy: “Hôm nay được nghe những lời rất khoan dung độ lượng của Mao chủ tịch. Trước đây, chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, đã gây tổn hại rất lớn cho các bạn, chúng tôi cảm thấy rất áy náy.”
Mao lập tức đáp lại: “Không có gì phải áy náy. Chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đã mang lại lợi ích to lớn cho Trung Quốc, giúp nhân dân Trung Quốc giành chính quyền. Không có quân đội Hoàng gia các ông, chúng tôi không thể giành được chính quyền. Về điểm này, tôi và các ông có ý kiến khác nhau, giữa hai chúng ta là có mâu thuẫn.” (mọi người cười, hội trường sôi động hẳn lên) (Trích từ cuốn “Tư tưởng Mao Trạch Đông muôn năm,” trang 533 ~ 534).
Ngày 18/11/1938, sau khi đọc cuốn “Xây dựng đảng” của Trung Cộng, Tưởng Giới Thạch đã cảm thán ghi trong nhật ký: “Do Quốc tế Cộng sản hoạt động bí mật cả trăm năm nên Đảng Cộng sản có kỷ luật nghiêm ngặt nhất, thủ đoạn tinh vi nhất, tổ chức bí mật nhất, không đảng phái nào có thể theo kịp. Bởi vì thủ đoạn của nó là độc ác nhất, tình nghĩa và đạo đức đã bị quét sạch hoàn toàn. Giả sử muốn hướng đến con đường quốc gia dân tộc thì hỏi được mấy người đây.”
Đầu năm 1941, Chính phủ Quốc dân quyết loại bỏ phản quân, bắt giữ tư lệnh quân đội Diệp Đình (Ye Ting). Lịch sử gọi đây là “Biến cố Nam An Huy.”
Tưởng Giới Thạch nói: “Lần này chúng ta xử trí sự kiện Tân Tứ quân, vô luận nhân sĩ trong ngoài nước, mọi người đều biết, đây hoàn toàn là vấn đề chỉnh đốn kỷ luật quân đội của chúng ta … Phàm là quân nhân trái lệnh làm loạn kỷ cương, tất phải trừng phạt tại chỗ. Còn về phần dấy binh làm phản, tập kích đội bạn, xâm chiếm khu vực phòng thủ, gây phương hại đến quân đội kháng chiến, tất nhiên càng cần phải giải tán.”
Ông còn nói: “Giáo lý của Cơ Đốc khuyến khích người bình thường tha thứ cho kẻ có tội bảy mươi lần bảy, mà bây giờ sai lầm của Tân Tứ quân đã vượt quá bảy mươi lần bảy rồi. Chúng ta hãy ghi nhớ tấm lòng quảng đại của Chúa Jesu, và chúng ta không được dung túng hay tha thứ cho loại quân hành ác không chịu hối cải, chấp mê bất ngộ này; cũng quyết không thể lại ẩn nhẫn, tiếp tục tha thứ. Nếu không, chính là chúng ta đang phạm tội. (Trích từ cuốn “Chỉnh đốn kỷ luật quân đội và tăng cường kháng chiến”, 1941)
Trong mắt Tưởng Giới Thạch, cả Trung Cộng và Uông Ngụy (Uông Tinh Vệ) đều là Hán gian, mỗi bên đều phục vụ cho chủ nhân của mình. Ngày 08/09/1943, ông viết trong nhật ký: “Trung Cộng làm con tốt cho Nga, Uông Ngụy làm tay sai cho Nhật Bản, tình thế loạn trong giặc ngoài chưa hề suy yếu.”
ĐCSTQ được Liên Xô hậu thuẫn, đồng thời trắng trợn ca ngợi dân chủ kiểu Mỹ, đạt được sự đồng tình của dư luận quốc tế.
Tưởng Giới Thạch viết trong nhật ký ngày 26/02/1944: “Trung Cộng tuyên truyền tại Hoa Kỳ rằng quân ta đã không đánh giặc Nhật, mà tập trung lực lượng để tấn công Trung Cộng. Điều này không khác gì thủ đoạn tuyên truyền chính phủ ta đầu hàng quân Nhật hồi năm ngoái. Điều lo lắng là, chính phủ và người dân Mỹ quốc đã bị nó tuyên truyền mê hoặc, tin rằng đó là sự thật!”
Năm 1944, kháng chiến thắng lợi trong tầm mắt, nhưng Tưởng Giới Thạch lại không lạc quan. Ông viết trong nhật ký ngày 12/07/1944: “Tương lai quốc gia còn nhiều khó khăn, đặc biệt vấn đề nước Nga và Trung Cộng là lớn nhất, nhưng đây là điều then chốt liên quan đến sự tồn vong của quốc gia.”
“Ngày 30/4/1945. Chuyện xảy ra như thế này: Tháng Tư năm đó, quân Nhật phát động tấn công từ địa khu Khai Phong, đến cuối năm đã khiến Trung Quốc rơi vào bờ vực sụp đổ về mặt quân sự. Do đó, chiến lược ngụy trang quan sát dưới chiêu bài chiến thuật du kích, được xây dựng trên cơ sở học thuyết chính của Mao Trạch Đông, đã chấm dứt vào năm 1944. Lúc này, sức mạnh của chính phủ trung ương đã bị suy yếu rất nhiều trước sức tấn công ác liệt của quân Nhật.
Mao Trạch Đông nhận thấy cơ hội đã đến. Nhân cơ hội này, ông từ chối tham gia các hoạt động tích cực chống Nhật, khiến mặt trận thống nhất dân tộc không thể thực hiện được. Bấy giờ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCSTQ cho rằng đã đến lúc phải hành động. Viễn cảnh về một cuộc tranh giành quyền lực thắng lợi hiện ra trước mắt ông một cách rõ ràng và thực tế.
Quân đội của Tưởng Giới Thạch bị kéo đổ, bộ máy chính phủ lỏng lẻo. Đồng minh chính trị trong mặt trận thống nhất này đã trong tình trạng kiệt sức. Trong trường hợp xảy ra nội chiến, cơ hội thành công của cả hai bên gần như là ngang nhau.” (Trích từ “Nhật ký Diên An” của Peter Vladimirov).
Ngày 13/08/1945, trước thềm kháng chiến thắng lợi, Tưởng Giới Thạch đã viết trong nhật ký: “Tương lai khó khăn rất lớn, gấp mười lần so với kháng chiến.” Đối với Tưởng Công, mối nguy thực sự vừa mới bắt đầu.
(Còn tiếp)
Tổ nghiên cứu nhân vật Thiên cổ anh hùng của Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5,000 năm.
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ