Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.26): Thanh lọc Đảng cứu đất nước
“412”(Sự kiện ngày 12/4/1927) – Thanh lọc Đảng
Ngày 02/04/1927, Ủy ban Giám sát Trung ương của Quốc Dân Đảng Trung Quốc họp toàn thể đề ra “Nguyên tắc trong sạch Đảng” và thành lập “Ủy ban trong sạch Đảng” để chuẩn bị cho công cuộc thanh lọc chống Đảng Cộng sản.
Ngày 05/04/1927, Stalin đã có bài phát biểu trước ba nghìn cán bộ đảng viên ở Điện Kremlin, trong đó ông ta nói: “Tưởng Giới Thạch vẫn phục tùng mệnh lệnh. Quốc Dân Đảng là một thể liên hợp, tương tự như một Nghị viện Cách mạng, bao gồm cả cánh hữu, cánh tả và những người của Đảng Cộng sản. Tại sao lại áp dụng biện pháp tấn công bất ngờ? Tại sao lại đánh đuổi phái hữu khi chúng ta vẫn còn đa số và những người cực hữu còn nghe chúng ta? Một người nông dân sẽ không bỏ đi một con ngựa già mệt mỏi miễn là nó vẫn còn sử dụng được. Anh ta sẽ không đuổi nó đi. Chúng ta cũng sẽ như vậy. Khi phe cánh hữu không còn tác dụng nữa thì chúng ta sẽ loại bỏ nó đi. Hiện nay, chúng ta cần phe cánh hữu. Trong phe cánh hữu vẫn còn người có thể dùng được, bọn họ đang chỉ huy Quân đội, dẫn dắt Quân đội đối phó với Chủ nghĩa Đế quốc. Tưởng Giới thạch có lẽ không đồng tình với Cách mạng, nhưng ông ta đang lãnh đạo Quân đội, hơn nữa ông ta sẽ không làm gì khác ngoài việc lãnh đạo đội quân này chống lại Chủ nghĩa Đế quốc. Ngoài ra, những nhân sĩ phe cánh hữu có nhiều mối quan hệ khác nhau với các tướng lĩnh của Trương Tác Lâm, biết rất rõ cách để vực dậy tinh thần của họ, không cần sử dụng các biện pháp quyết liệt vẫn có thể buộc họ phải hoàn toàn đứng về phía cách mạng. Những người cánh hữu này cũng có mối quan hệ với các doanh nhân giàu có, từ đó họ có thể gây quỹ. Vì vậy, khi những người hữu khuynh này bị lợi dụng xong, họ bị chúng ta vắt giống như vắt chanh và sau đó vứt bỏ. ([Mỹ] Peter Rand, “Đi tới Trung Quốc”).
Sau này, Trotsky đã lấy việc này để đả kích Stalin rằng, “vài ngày sau bị một quả chanh đã vắt giành mất quyền lực và kiểm soát Quân đội”, ông nói đến “Sự kiện ngày 12 tháng 4.”
Làm trong sạch Đảng là yêu cầu của người Trung Quốc. Vào ngày 28/03/1927, Thái Nguyên Bồi, Ngô Trĩ Huy, Trương Tĩnh Giang, Lý Thạch Tằng và những người khác đề xuất rằng âm mưu của Trung Cộng nên được loại bỏ và thực hiện một “Chiến dịch bảo vệ Đảng và cứu quốc.” Thái Nguyên Bồi đề xuất thanh trừng những người Cộng sản khỏi Quốc Dân Đảng.
Ngày 02/04/1927, Ủy ban Giám sát Trung ương của Quốc Dân Đảng Trung Quốc đã họp toàn thể đưa ra “Nguyên tắc trong sạch Đảng” và thành lập “Ủy ban trong sạch Đảng” để chuẩn bị cho việc xóa bỏ Đảng Cộng sản.
Để bảo đảm sự thành công của cuộc Bắc chinh, những người Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu đã quyết định loại bỏ những người Cộng sản trong Quốc Dân Đảng, và đoạn tuyệt với Trung Cộng. Vào ngày 12/04/1927, Quốc Dân Đảng bất ngờ đột kích vào Đội trật tự của công nhân do Trung Cộng lãnh đạo ở Thượng Hải và bắt giữ các đảng viên Trung Cộng.
Ngày hôm sau, Tưởng Giới Thạch ra tuyên bố: “Trung Chính tin tưởng chắc chắn rằng Dân tộc Trung Quốc nên có quyền định đoạt vận mệnh của chính mình và không nên bị thao túng bởi bất kỳ quốc gia ngoại quốc nào trong hệ thống; và cũng tin rằng lần này nếu Đảng ta không tách khỏi Đảng Cộng sản thì cách mạng dân tộc khó thành công.” (“Thư gửi các đồng chí Quốc dân Đảng”, 1927).
Ngày 17/04/1927, Hội nghị Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Quốc Dân Đảng đã ban hành một bức điện làm trong sạch Đảng, truy nã 197 quan chức Đảng Cộng sản: Đầu tiên là Borodin, Trần Độc Tú, sau đó là Lâm Bá Cừ, Cù Thu Bạch, Mao Trạch Đông, Uẩn Đại Anh, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Trương Quốc Đào, Bành Phái, Đặng Dĩnh Siêu, Thái Hòa Sâm, Phương Trí Mẫn…
Ngày 18/04/1927, Tưởng Giới Thạch lãnh đạo Chính phủ Quốc Dân Đảng đặt kinh đô ở Nam Kinh, ra chiếu thư kêu gọi nhân dân vùng lên thanh tẩy đảng phái. Tưởng Giới Thạch tuyên bố trước dân chúng: “Bây giờ dân tộc Trung Hoa chỉ có ba con đường để đi: Một là vẫn nằm dưới sự cai trị của các Quân Phiệt, cho phép họ cấu kết với Đế quốc, không có phương tiện hay mục đích, vì tranh giành quyền lợi cá nhân mà chiến tranh liên miên; Một là đi theo Đảng Cộng sản, dưới sự chỉ huy của các nhóm đặc biệt ở ngoại quốc, thực hiện chế độ độc tài khủng bố đỏ; Một là Đại đạo chân chính của Chủ nghĩa Tam dân của Quốc dân Đảng,… sử dụng sức mạnh của chính chúng ta, tìm kiếm lợi ích của chúng ta, và tìm kiếm sự giải cứu cho chính chúng ta.” (“Thư gửi đồng bào cả nước ở thủ đô Nam Kinh”, 1927).
Vào ngày 21/04/1927, Tưởng Giới Thạch đã liệt kê những tội ác cấu kết giữa Uông Tinh Vệ và Đảng Cộng sản trong “Thư gửi toàn thể tướng sĩ”: “Khi Quân đội Cách mạng Quốc gia của chúng ta đánh những trận huyết chiến đẫm máu ở Giang Tây, đó là lúc Đảng Cộng sản dàn xếp một cuộc nổi loạn ở Hồ Nam và Hồ Bắc; Khi tướng sĩ chúng ta trong cuộc chiến ở Chiết Giang và Giang Tô đang chiến đấu ở mức khốc liệt nhất, Vũ Hán vẫn cố tình gây khó dễ, không trả một xu hay giúp chúng ta một viên đạn nào.”
“Gần đây, họ còn có một kế hoạch ly gián thâm độc để chia rẽ các Tướng sĩ của Quân đội Cách mạng Quốc gia của chúng ta, đó là tung tin đồn rằng chúng ta sẽ trở thành một chế độ độc tài và là một Quân Phiệt mới.” “Tại sao họ lại tung tin đồn thất thiệt như vậy? Nói một cách đơn giản là, Tổng Tư lệnh muốn bảo vệ Đảng của mình, Thực hiện Chủ nghĩa Tam Dân, không cho phép Đảng Cộng sản gây rối,… vì vậy nếu Đảng Cộng sản muốn tiêu diệt Trung Quốc, trước hết phải phá hoại Cách mạng Quốc dân, và lật đổ Tổng Tư lệnh của Quân đội Cách mạng Quốc gia mới được.”
Dưới sự chỉ huy của Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Cộng đã phát động “Cuộc nổi dậy Nam Xương” vào ngày 01/08/1927. Sau khi thất bại, những người còn sót lại bỏ chạy đến Quảng Châu, vào tháng 12/1927 một lần nữa lại tổ chức bạo động ở Quảng Châu nhưng bị dập tắt nhanh chóng. Trong cuộc bạo loạn, Quân đội Quốc gia đã bắt giữ phó lãnh sự Liên Xô và những người khác, đồng thời thu giữ các tài liệu bí mật của Đảng Cộng sản Liên Xô kích động bạo loạn ở Trung Quốc tại lãnh sự quán. Ngày 14/12/1927, chính phủ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên Xô.
Tưởng Giới Thạch nói: “Đảng Cộng sản thực sự là kẻ thù duy nhất của Quốc Dân Đảng chúng ta. Chúng phá hoại Cách mạng dân tộc và cản trở việc thực hiện Chủ nghĩa Tam Dân; nếu muốn Cách mạng dân tộc thành công, chúng ta không thể cùng tồn tại với Đảng Cộng sản.” (“Nhận biết kẻ thù duy nhất của chúng ta”, 05/07/1927)
Uông Tinh Vệ công khai phản đối cuộc thanh trừng Đảng “ngày 12 tháng 4”, tuyên bố khai trừ Tưởng Giới Thạch ra khỏi Đảng và đưa ra một lệnh truy nã dẫn đến việc chia tách Ninh – Hán, Nam Kinh và Vũ Hán mỗi bên có một Ủy ban Trung ương Quốc Dân Đảng. Nhưng ngay sau đó, Uông nhìn thấy mật lệnh của Stalin gửi đến Quốc tế Cộng sản, cái gọi là “Chỉ thị tháng 5”. “Có một số điểm cần lưu ý trong nghị quyết đó: Điểm thứ nhất là về cải cách ruộng đất, chủ trương rằng Chính phủ Quốc gia không nên ban hành mệnh lệnh, mà nên bắt đầu từ bên dưới, và thực hiện việc tịch thu ruộng đất. Đây thực sự là nguyên nhân gây ra biến cố ở Hồ Nam, nguyên nhân của phong trào nông dân ly khai Quốc Dân Đảng. Điểm thứ hai là không nên tịch thu ruộng đất của sĩ quan và binh lính để tránh sự phản đối của họ. Điểm thứ ba là cải tổ Ủy ban Trung ương của Quốc Dân Đảng Trung Quốc, bổ sung các lãnh đạo nông dân và công nhân vào ban chấp hành. Kỳ thực, ông ta muốn gia tăng số lượng người của Đảng Cộng sản, chỉ là không nói toạc ra mà thôi, và công khai nói rằng cấu trúc hiện tại của Quốc Dân Đảng phải được thay đổi. Điểm thứ tư là vũ trang cho 20,000 Đảng viên CP, chọn ra 50,000 phần tử nông dân và công nhân và vũ trang cho họ. Các phần tử nông dân-công nhân mà ông ta đang nói đến thực ra là chỉ các phần tử Cộng sản. Điểm thứ năm là yêu cầu các nhà lãnh đạo Quốc Dân Đảng tổ chức Tòa án cách mạng để xét xử các sĩ quan chống Cộng. Đây là yêu cầu các nhà lãnh đạo của Quốc Dân Đảng làm đao phủ cho Đảng Cộng sản và tự tàn sát lẫn nhau. (Uông Tinh Vệ, “Lịch sử Đảng Cộng sản ở Vũ Hán” – Bài phát biểu tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu vào ngày 05/11 năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 16).
Uông như vừa tỉnh mộng, ông ta nhận thức được rằng mình cũng đang gặp nguy hiểm, vì vậy đã từ bỏ lập trường thân Cộng của mình. Vào tháng 7/1927, chính quyền Vũ Hán bắt đầu thanh trừ Đảng Cộng sản một cách ôn hòa, yêu cầu các Đảng viên Đảng Cộng sản trong chính phủ và Quân đội quốc gia phải thoái xuất khỏi Đảng hoặc bị sa thải. Nhưng Uông Tinh Vệ vẫn coi Tưởng Giới Thạch là “Kẻ thù duy nhất của đảng-nhà nước.” Vì lấy đại cục làm trọng, Tưởng Giới Thạch đã từ chức vào tháng 8/1927.
Beso Lominadze, người được Stalin phái đến, đã tổ chức hội nghị vào ngày 07/08/1927 tại Hán Khẩu và quyết định rằng Cù Thu Bạch sẽ chủ trì sự lãnh đạo của Ủy ban Trung ương Trung Cộng. Chính sách chung được đề ra tại cuộc họp này là cách mạng nông nghiệp và vũ trang chống lại Quốc Dân Đảng Trung Quốc. (“Bách khoa toàn thư lịch sử Đảng”, Hội nghị số 87). Vào thời điểm đó, Trung Cộng đã phát động hơn 100 cuộc bạo động vũ trang ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc, bao gồm hơn 140 thành phố ở 14 tỉnh.
Chính phủ Quốc Dân Đảng Vũ Hán cũng từ bỏ việc chia rẽ Đảng Cộng sản một cách ôn hòa. Vào ngày 08/08/1927, Uông Tinh Vệ đã triệu tập một cuộc họp mở rộng khẩn cấp của Ủy ban Trung ương Quốc Dân Đảng và thông qua một nghị quyết về “chia rẽ Đảng Cộng sản bằng vũ lực,” và bắt đầu bắt và hành quyết những người Cộng sản trong khu vực do Chính phủ Quốc gia Vũ Hán kiểm soát. Tại cuộc họp này, Uông Tinh Vệ nói, “Thà giết nhầm một nghìn người còn hơn bỏ sót một người.” Sau khi Đảng bị thanh trừng toàn diện, một số lượng lớn Đảng viên Trung Cộng đăng báo thoái xuất khỏi Đảng, số lượng đảng viên giảm mạnh từ 60,000 xuống còn 10,000. Các cuộc bạo loạn ở đô thị của Trung Cộng đã thất bại thảm hại, họ chạy về các vùng nông thôn và miền núi, và trở thành lực lượng ly khai có vũ trang.
Mãi đến khi xảy ra bạo loạn ở Quảng Châu vào cuối năm 1927, Uông mới tỉnh ngộ, nhưng tiếc là đã quá muộn, vì vậy Uông cũng phải từ chức. “Tình huống trên là như thế này, trong mắt anh em lúc đó đều cho rằng đồng chí Tưởng và những người khác đã sai. Bởi vì lúc đó đồng chí Tưởng và những người khác thấy anh em không chịu nghe lời can ngăn, nhất định phải đi Vũ Hán, nên không chỉ thất vọng với các đồng chí ở Vũ Hán, mà cũng thất vọng với anh em. Vì vậy, không cần chờ đợi kết quả của chuyến đi Vũ Hán của anh em thế nào, tôi ngay lập tức bắt đầu làm việc ở Nam Kinh. Mà kết quả anh em đến Vũ Hán đều không nằm ngoài dự liệu của đồng chí Tưởng, uổng công, hơn nữa càng làm tăng thế lực chống lại đồng chí Tưởng. Vì vậy, anh em đã nhìn nhận lại sau việc này, không nói đồng chí Tưởng sai mà nói anh em không đúng, đây là sự thật, chứ không phải là nói gì trái với lương tâm”. (Uông Tinh Vệ, “Lịch sử Đảng Cộng sản ở Vũ Hán” – Bài phát biểu tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu vào ngày 05/11 năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 16).
Lúc này, toàn bộ các phe phái của Quốc Dân Đảng mới phát hiện ra rằng chỉ có Tưởng Giới Thạch, người đã bị buộc phải từ chức, là có tầm nhìn xa và quyết đoán, thế là rất nhiều người đồng tình mời ông phục chức.
Thanh lọc Đảng là phát súng đầu tiên của Tưởng Giới Thạch chống lại Đảng Cộng sản để cứu nước, và tầm quan trọng của nó còn vượt qua cả cuộc Bắc phạt. Cuộc viễn chinh phương Bắc đã kết thúc kỷ nguyên của các quân phiệt ly khai; Thanh lọc Đảng mở màn cho cuộc chiến chống Chủ nghĩa Cộng sản trong thế kỷ XX.
Trung Cộng nói rằng việc Tưởng Giới Thạch thanh lọc Đảng là một “Cuộc tàn sát đẫm máu đối với công nhân, nông dân và trí thức giai tầng thấp”, và rằng “Cuộc đảo chính phản cách mạng ngày 12/04 đã đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quan hệ giai cấp và tình hình cách mạng ở Trung Quốc. Những kẻ phản động Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu đã hoàn toàn chuyển từ cánh hữu của giai cấp tư sản dân tộc sang đại diện cho đại địa chủ và đại tư sản.” “Trong thời kỳ này, Tưởng Giới Thạch đã tổ chức một loạt cuộc hội đàm bí mật với bọn đế quốc, bọn lừa đảo ở Giang Tô và Chiết Giang, và các thế lực lưu manh. Các thế lực đế quốc công khai xúi giục Tưởng Giới Thạch ‘hành động nhanh chóng và dứt khoát’”, để “khu vực phía nam sông Trường Giang khỏi rơi vào tay Đảng Cộng sản.”
Sự thật đương nhiên không phải như vậy
Phong trào công nhân của Trung Cộng đã thực hiện không kiêng dè gì. Otto Bauer, đại diện của Quốc tế Cộng sản, đã mô tả tình hình của “Lễ hội hóa trang Rome” ở Vũ Hán vào thời điểm đó: “Hàng nghìn hàng vạn công nhân làm thuê trong các hầm mỏ, nhà máy và nhà máy chế biến đã ngừng làm việc, dưới sự lãnh đạo của những kẻ cấp tiến, họ xuống đường cả ngày lẫn đêm để diễn thuyết, tuyên truyền và biểu tình.” Trụ sở Đảng bộ tỉnh Hồ Bắc do Trung Cộng kiểm soát đã tổ chức một cuộc họp tại Hán Khẩu. Các thành viên của Liên đoàn Công đoàn tỉnh tham dự cuộc họp đã hô vang khẩu hiệu “Đả đảo Tưởng Giới Thạch,” điều này làm dấy lên sự phẫn nộ của các sinh viên Học viện quân sự tham dự cuộc họp, dẫn đến xô xát. Dưới sự thao túng của nước Nga Xô Viết, hoạt động chống Tưởng đã được công khai.
Bauer tiếp tục mô tả rằng do các phong trào đình công diễn ra thường xuyên, “các ngành công nghiệp ở khu vực Vũ Hán buộc phải đóng cửa,”, và Vũ Hán, thành phố thịnh vượng nhất ở miền trung Trung Quốc, bị suy thoái và trì trệ kinh tế.
La Diệc Nùng đã nói trong “Báo cáo về chính trị và đường lối làm việc của Đảng”: “Trong khu vực công nhân, kể từ khi huyện ủy quyết định tổ chức khủng bố đỏ, đã thu được nhiều kết quả. Nhiều người bị giết, và khí thế công nhân lên rất cao, hiện giờ muốn mở rộng phạm vi của loại khủng bố đỏ này, tất cả những phần tử phản cách mạng, chẳng hạn như các nhà lãnh đạo cực hữu, các doanh nhân tư sản, các tay sai sinh viên, v.v., phải bị tấn công càng nhiều càng tốt. Bởi vì bây giờ là cao trào của cách mạng, người dân đều có nhu cầu này. Rất cần tổ chức Khủng bố đỏ để làm bảo đảm cho cách mạng. Đồng thời phải dùng lời đe dọa để nhiều kẻ phản cách mạng không dám ở lại Thượng Hải, gọi là khủng bố tinh thần đỏ.”
Sau khi lực lượng Bắc Dương rút khỏi Thượng Hải, Ủy ban Quận ủy Thượng Hải của Đảng Cộng sản Trung Quốc do La Diệc Nùng và Triệu Sĩ Viêm chủ trì đã nói trong đề cương tuyên truyền của mình: “Đã đến thời điểm cho cuộc cách mạng Thượng Hải.” Tuy nhiên, cuộc tổng đình công lần trước chỉ là một cuộc biểu tình, bây giờ thời cơ đã đến, chúng ta phải nhanh chóng chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, giành lấy vũ trang tự vệ, diệt bọn phản động, báo thù cho những người đã chết, đấu tranh giành tự do cho công nhân.” (“Ba cuộc khởi nghĩa vũ trang của công nhân Thượng Hải”). Hai cuộc nổi dậy đầu tiên chỉ là bãi công và biểu tình, nhưng cuộc nổi dậy thứ ba là một cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Sách giáo khoa của Trung Cộng nói với các thế hệ tương lai: “Khi đoàn diễn hành đến đường Bảo Sơn, Tưởng Giới Thạch đã ra lệnh cho Quân đội phản động dùng súng máy bắn những người lao động tay không tấc sắt”. Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn ngược lại: Tưởng Giới Thạch không ra lệnh, cũng không phải tất cả trong cuộc diễn hành đều là công nhân, càng không phải là tất cả mọi người đều không có vũ khí, và đội trật tự công nhân đi đầu trong đoàn công nhân “còn có vũ trang”! Đội trật tự công nhân do Trung Cộng kiểm soát đã được tổ chức lại thành 14 đại đội với tổng số 2,700 người, được trang bị hơn 20 súng máy và hơn 4,000 súng trường. Quân đội khai hỏa, không phải theo mệnh lệnh của Tưởng Giới Thạch ngồi tại Nam Kinh, mà là phòng thủ tự vệ trong tình huống cấp bách.
Tham mưu trưởng Phòng 2 Chúc Triệu Châu nhớ lại tình hình lúc đó: “Đảng thổ phỉ tổ chức mít tinh trên đường Thanh Vân, dù có hơn 10,000 người nhưng súng trường đã bị thu giữ, và nguy cơ không nghiêm trọng”. Vì vậy, khi bọn thổ phỉ cầm đầu đi qua đường Bảo Sơn xông thẳng đến trụ sở, có thể sẽ bị bảo vệ của trụ sở chặn lại, nhưng người của họ rất hung hăng, có ý đồ gây loạn, hầu hết bọn họ đều cầm gậy sắt loạn đả, ở giữa còn có rất nhiều súng lục. Một vệ binh của ta bị giết và một người bị thương, trong tình huống bất đắc dĩ, vệ binh đã xả súng để tự vệ, hơn 100 tên bị thương và tử vong tại chỗ, số còn lại chạy tan tác như chim muông. Sau khi cử một đội đến bao vây, hơn 700 người đã bị bắt, tất cả đều mang phù hiệu của Trực Lỗ Quân trên người, tra xét phần còn sót lại của các Quân Phiệt thì biết do Đảng thổ phỉ dùng tiền mua chuộc và giả danh cố tình gây rối ở địa phương và gây nguy hại cho Đảng, đất nước và nhân dân, làm gì có công nhân chân chính nào ở đây chứ?
Cuộc thanh trừng đảng của Tưởng Giới Thạch đã mang lại sự ổn định cho trật tự xã hội của Trung Quốc, và Trung Quốc đã có thể thoát khỏi việc trở thành vật hy sinh cho nước Nga Xô Viết lúc bấy giờ.
Nếu không có sự bình định dẹp loạn ở Quảng Châu vào ngày 20 tháng 3 năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 15, và cuộc thanh trừng toàn diện Đảng vào ngày 12 tháng 4 năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 16, khiến sự thống nhất và độc lập của Trung Quốc đã được hoàn thành dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Quốc Dân Đảng của chúng ta, thì Trung Hoa Dân Quốc ngay từ thời kỳ đó đã trở thành nơi thử nghiệm cho những người Bolshevik và trở thành một nước chư hầu của Liên Xô. Không cần đợi mười năm sau Đệ nhị Thế chiến, Moscow đã kiểm soát được 12 triệu km vuông và 450 triệu dân này, với căn cứ và nguồn lực vô tận và không thể cạn kiệt cho Chiến tranh cách mạng thế giới, thách thức hòa bình và an ninh của châu Á và toàn thế giới.” (“Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”)
(Còn tiếp)
Tổ nghiên cứu nhân vật Thiên cổ anh hùng của Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5,000 năm.
Tâm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ