Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.4): Tiếp bước theo con đường Quốc phụ
Kỳ 1: Chống lại Satan, khôi phục Hoa Hạ
Kỳ 2: Tiếp bước Quốc phụ thống nhất Trung Nguyên
Kỳ 3: Vì đại nghĩa diệt phản loạn
Năm 1912, Tưởng Giới Thạch qua Nhật lánh họa và sáng lập nên tạp chí “Quân Thanh”. Ông viết sáu bài luận, đưa ra những kiến giải độc đáo về các vấn đề quân sự, chính trị, kinh tế, lãnh thổ và ngoại giao ở Trung Quốc và thế giới.
Ông dự đoán: “Sau thế kỷ XX, bờ biển Thái Bình Dương sẽ trở thành lĩnh vực mà tất cả các quốc gia cùng cạnh tranh”, “Tiêu điểm của cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia là vùng đất Trung Hoa chúng ta”. Ông cũng chỉ ra rằng, triều đình Mãn Thanh vô năng nên “các nơi quan ải hiểm yếu đều bị người ta chiếm giữ, việc nghị đàm cắt đất, bồi thường tiền để cầu hòa đã trở thành chuyện thường tình… Tướng soái thì vô năng, anh hùng thì nhụt chí. Từ thời Hoàng Đế đến nay, con cháu hậu duệ của nền văn minh hơn 4000 năm đều đã biến thành nô lệ cho bè lũ tóc vàng mắt xanh. Thật đau xót làm sao!” — (Trích trong tập san Quân Thanh, 1912).
Ông còn phân tích sự nguy hại của việc đô đốc các tỉnh ở Trung Quốc mỗi người nắm quyền quân sự và chính trị mỗi nơi, đồng thời chủ trương trung ương tập quyền và thống lĩnh quân đội: “Nếu đại tổng thống chính thức có tinh thần cách mạng cùng tư tưởng dân chủ, thì tôi nghĩ rằng người ấy sẽ lấy hoài bão của Washington và phương cách của Napoleon để kiến tạo mô hình nền cộng hòa Quốc dân”, “…mấu chốt của việc tập trung quyền lực, vấn đề thống nhất quân đội và chính phủ là cấp thiết. Nếu không, các vấn đề quân sự và chính trị sẽ hỗn loạn và không thể ngăn cản được, rồi việc tệ hại khó kiểm soát như tài chính, dân số, vật tư sẽ đi đến mức nào nữa.” — (Trích ”Vấn đề thống nhất quân sự và chính trị”, 1912).
Tầm nhìn của Tưởng Giới Thạch không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Trong bài “Chiến cuộc tại Balkan ảnh hưởng đến ngoại giao của Trung Quốc với các nước”, ông đã phân tích chi tiết về tình hình phức tạp ở Bán đảo Balkan là khu vực giao thoa giữa Âu và Á, đồng thời liên tưởng về tham vọng của Sa hoàng Nga đối với Mông Cổ để cảnh báo người Trung Quốc. Trong bài “Giải pháp căn bản cho vấn đề Mông Cổ và Tây Tạng”, ông đã đưa ra các biện pháp đối phó chi tiết chống lại mưu đồ của ba nước Nga, Anh và Nhật nhằm tách Mông Cổ, Tây Tạng và Mãn Châu, dốc sức đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ. Những bài văn này cho thấy kiến thức uyên thâm, sự vĩ đại và tầm nhìn rộng lớn của Tưởng Giới Thạch. Và điều khiến người ta khó có thể tưởng tượng được là những tư duy đó lại đến từ một quân nhân 24 tuổi.
Mùa đông năm 1912, Tưởng Giới Thạch trở về Trung Quốc. Lúc này, chiếc ghế đại tổng thống lâm thời đã rơi vào tay Viên Thế Khải, chính phủ Dân Quốc cũng chuyển từ Nam Kinh đến Bắc Kinh. Vào tháng 3/1913, nhà lãnh đạo của Quốc Dân đảng là Tống Giáo Nhân bị ám sát, Tôn Trung Sơn đã phát động cuộc cách mạng lần thứ hai và vũ trang chống lại Viên Thế Khải. Tưởng Giới Thạch hưởng ứng theo Tôn Trung Sơn và tấn công Cục Chế tạo Giang Nam ở Thượng Hải nhưng thất bại, sau đó ông đến Nhật Bản. Vào tháng 1 năm sau, họ Viên đã giải tán Quốc hội và bãi bỏ “Hiến pháp lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc”. Tháng 6/1914, Tưởng Giới Thạch gia nhập Trung Hoa cách mạng đảng do Tôn Trung Sơn thành lập tại Nhật Bản, ông nhiều lần đi đi về về giữa Trung Quốc và Nhật Bản để lên sách lược phản công lại Viên Thế Khải. Từ năm 1914 đến năm 1915, Tưởng Giới Thạch đã đến Nhật Bản ba lần và thường xuyên gặp gỡ Tôn Trung Sơn.
Năm 1916 Viên Thế Khải không khôi phục được chế độ quân chủ mà đã qua đời, Lê Nguyên Hồng lên kế vị làm tổng thống, lúc đó “Hiến pháp lâm thời” và Quốc hội được khôi phục trong thời một gian ngắn. Năm 1917 sau nỗ lực khôi phục thêm bị thất bại, Đoàn Kỳ Thụy lên nắm quyền lại cho giải tán quốc hội và lại phế bỏ “Hiến pháp lâm thời” và liên hợp cùng Phùng Quốc Chương, Trương Tác Lâm khôi phục lại chế độ chuyên chế.
Năm 1917, Tôn Trung Sơn bảo vệ và duy hộ đối với “Hiến pháp lâm thời” rồi thành lập chính phủ quân sự ở Quảng Đông để bảo vệ Hiến pháp. Tôn Trung Sơn làm đại nguyên soái, vạch kế hoạch tác chiến để bảo vệ Hiến pháp, xây dựng quân đội lớn mạnh để bắc phạt. Đội quân bảo vệ Hiến pháp do quân đội Đường Kế Nghiêu (Vân Nam), Lục Vinh Đình (Quế Lâm) và Trần Quýnh Minh (Quảng Đông) thống lĩnh. Lúc đó Tưởng Giới Thạch đệ trình thư “Kế hoạch tác chiến với quân đội phương bắc” cho Tôn Trung Sơn, trong đó phân tích chi tiết về thực lực của quân đội phương bắc: “Quân đội dưới quyền quản lý của chính quyền phương Bắc khoảng 300.000 quân trở lên, nhưng trên thực tế người có khả năng điều động quân của chính phủ là do thế lực của hai phe Phùng và Đoàn, nhưng tổng số các bên gộp lại cũng không quá 60.000 quân”, “Quân miền Bắc tuy đông, nhưng không dám liều mình vì nhà họ Đoàn”. Ông đề ra kế hoạch tác chiến: “Quân đội chúng ta sẽ lấy đôi bờ sông Trường Giang làm địa điểm tác chiến chính. Trước tiên chiếm Vũ Xương, sau đó bình định Nam Kinh, dồn lực đánh bại quân địch dọc theo sông Trường Giang, và sau đó mới tiến thẳng đến Bắc Kinh”. Kế hoạch của Tưởng Giới Thạch được Tôn Trung Sơn chấp thuận.
Tưởng Giới Thạch từng giữ nhiều chức vụ trong quân Quảng Đông, ông đã bộc lộ tài năng quân sự kiệt xuất. Trần Quýnh Minh là người vô cùng quan trọng đối với Tưởng Giới Thạch, từng viết thư cho Tưởng Giới Thạch ca ngợi rằng: “Quân Quảng Đông có thể thua cả trăm trận nhưng quân ta không thể thiếu được huynh”. Người xưa thường nói: “Cây ở trong rừng mọc quá cao thì dễ bị gió quật gãy”. Tưởng Giới Thạch tài cao bát đẩu nên không tránh khỏi sự ghen tỵ của các cựu quân nhân Quảng Đông. Nhưng Tưởng Giới Thạch chưa bao giờ lưu luyến chức vị của mình, trong 6 năm ông đã từ chức hơn 12 lần, nhưng lần nào cũng nhanh chóng được gọi trở lại vị trí mới. Tưởng Giới Thạch dần trở thành trợ lý quân sự thân tín nhất của Tôn Trung Sơn. Năm 1920, trợ lý của Tôn Trung Sơn là Chu Chấp Tín tử vong trong chiến tranh, Tôn Trung Sơn gọi điện cho Tưởng Giới Thạch nói rằng: “Cái chết đột ngột của Chấp Tín khiến tôi như mất đi hai cánh tay. Theo tôi thấy, biết rõ việc quân trong đảng chúng ta và can đảm hơn người thì hiện nay không mấy ai, duy chỉ một mình vị huynh đài đây là có thể so sánh được với Chấp Tín, hơn nữa liệu sự việc quân có khi còn vượt trội hơn ông ta”. Có thể thấy, Tôn Trung Sơn rất coi trọng tài năng quân sự của Tưởng Giới Thạch.
Vào năm 1921, mẹ của Tưởng Giới Thạch qua đời khiến bậc hiếu tử như ông đau buồn thống thiết. Khi đó Tôn Trung Sơn đã vì Tưởng mà đích thân viết bài văn tế lễ: “Tôn Văn cháu đây đã quen biết với Giới Thạch lệnh lang, cùng nhau trải qua hiểm nguy, vào sinh ra tử, tình như thủ túc, thân thiết như huynh đệ ruột thịt, sớm tối cùng nhau như không thể xa rời”, “Nguyện đem cả cuộc đời vì đại sự, tuy hiểm nguy khó lòng lường trước, thành hay bại cũng không biết được, nhưng có thể gìn giữ văn hóa tổ tiên bất biến thì cũng giống như sự thích ứng của sông nước, sự vững chãi của núi non”, “Quen gặp Giới Thạch cháu đã hiểu biết thêm sự thâm sâu, căn cơ của cậu ấy, biết rõ hơn về gốc rễ và tinh thần của sự tu dưỡng, quả thật xưa nay hiếm thấy”. Tôn Trung Sơn đã để tang mẹ Tưởng và ca ngợi Tưởng Giới Thạch bằng những lời chân tình, nêu bật sự tin cậy của ông đối với vị tướng tâm phúc yêu quý này.
Ngày 16/6/1922, Trần Quýnh Minh, tư lệnh quân Quảng Đông của Đại tổng thống Tôn Trung Sơn đã phản bội, phát động binh biến và tấn công phủ Đại tổng thống. Tôn Trung Sơn buộc phải lên tàu Vĩnh Phong để tránh tai họa. Ngày 18, Tôn Trung Sơn gọi điện cho Tưởng Giới Thạch: “Việc gấp, tôi hy vọng cậu sẽ đến sớm”. Ngày 29, Tưởng Giới Thạch vội vã từ Chiết Giang trở về Quảng Châu và lên tàu Vĩnh Phong. Tôn Trung Sơn vui mừng khôn xiết: “Chỉ cần một mình Tưởng quân ở đây thì còn hơn cả hai vạn viện binh”. Khi hay tin Tưởng Giới Thạch lên tàu Vĩnh Phong, Trần Quýnh Minh rất lo lắng, nói rằng Tưởng Giới Thạch ở bên cạnh ông Tôn, chắc sẽ nảy ra nhiều cao kế. Không quan tâm đến an nguy của cá nhân mình, Tưởng Giới Thạch đã ở bên nhà lãnh tụ 42 ngày, đảm bảo an toàn cho Tôn Trung Sơn và xoay chuyển cục diện nguy hiểm. Sau sự kiện đó, Tưởng Giới Thạch đã viết “Ký sự về Tôn đại tổng thống gặp nạn ở Quảng Châu”. Lời tựa của Tôn Trung Sơn: “Trước sự biến của nghịch tặc Trần Quýnh Minh, Giới Thạch trong nguy nan vội vã đến Quảng Đông, lên tàu Vĩnh Phong hộ vệ đêm ngày, đốc thúc các kế hoạch rất nhiều, vui buồn cùng các sĩ quan hải quân sống chết có nhau”. Sau những tháng ngày sát cánh cùng nhau, Tôn Trung Sơn đánh giá cao về phẩm hạnh con người Tưởng Giới Thạch.
Năm 1921, đại biểu của Liên Xô là Marie Sneevliet hỏi Tôn Trung Sơn ở Quế Lâm: Cơ sở tư tưởng cách mạng của ông là gì? Tôn trả lời: “Trung Quốc có một con đường chính thống, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Vũ, Chu Công, và Khổng Tử đã tiếp nối nhau không dứt. Nền tảng tư tưởng của tôi chính là con đường chính thống này. Cuộc cách mạng của tôi là kế thừa tư tưởng chính thống này và phát dương quang đại hơn nữa”. Theo hồi ức Tưởng Giới Thạch có mặt lúc đó, Marie Sneevliet hỏi lại lần nữa, Tôn Trung Sơn vẫn trả lời y nguyên vậy. Tưởng Giới Thạch nói: “Thực ra, ý của Thủ tướng lúc đó là: Chủ nghĩa Tam dân lấy tư tưởng chính trị và tư tưởng lý luận (thiên hạ vi công) vốn có của đất nước chúng tôi làm nền tảng” — (Trích “Bản chất và cơ sở triết học của chủ nghĩa Tam dân”).
Thân mang trọng trách, gánh vác sứ mệnh làm nhân vật anh hùng do Sáng Thế Chủ an bài, Tưởng Giới Thạch đã tiếp nối sự nghiệp còn dang dở của Tôn Trung Sơn. Mục tiêu đấu tranh suốt đời của ông là kế thừa con đường chính thống của Trung Hoa và thực hiện chủ nghĩa Tam dân. Trong mắt Tôn Trung Sơn, nhà cầm quân trẻ tuổi Tưởng Giới Thạch là người “dũng cảm, chân thành, hiểu biết”, đã hun đúc nên toàn bộ tố chất của một vị lãnh tụ dân tộc.
Tổ nghiên cứu về các nhân vật thiên cổ anh hùng của văn hóa Thần truyền 5000 năm
Mạnh Hải biên dịch