Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.19): Bích huyết thanh thiên
Trước hết luận về sự bền bỉ
Sau “Trận chiến sông Ngô Tùng Thượng Hải”, trọng điểm chiến lược của quân đội Nhật Bản di chuyển xuống phía Nam và tập trung ở miền Trung, Trung Quốc. Sức mạnh của thiết bị quân sự Nhật Bản tại thủy hương trạch quốc (vùng địa hình đồng bằng sông nước mưa nhiều) đã bị suy giảm đáng kể. Quân Nhật tiến xuống phía Nam và rơi vào thế bố trí chiến lược của Tưởng Công. Tưởng Giới Thạch nói: “Các lãnh chúa Nhật Bản tự cho rằng họ có đầy thủ đoạn, nhưng thực ra họ rất cố chấp.” “Họ làm bất cứ điều gì họ muốn, một cách liều lĩnh. Tuy nhiên, chính sách và chiến lược quốc gia của họ luôn nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi kể từ khi bắt đầu chiến tranh.” (“Vận mệnh của Trung Quốc”)
Thượng Hải thất thủ, Nam Kinh bị đe dọa. Ngày 20/11/1937, Tưởng Giới Thạch ra tuyên bố dời đô: “Chúng tôi luôn tin rằng bạo lực không thể đánh bại chúng tôi. Sẽ có một ngày, một đất nước hoàn toàn mới sẽ xuất hiện từ đống đổ nát do kẻ thù tạo ra. Chỉ cần Trái đất còn tồn tại, đất nước này sẽ tiếp tục tồn tại.”
Ngày 13/12/1937, Nam Kinh thất thủ, Quân đội Nhật tàn sát thành phố điên cuồng trong hai tháng, giết hại bừa bãi 300,000 binh lính và dân thường Trung Quốc, lịch sử gọi đây là “Thảm sát Nam Kinh”. Việc chính phủ Quốc Dân Đảng dời về phía Tây khiến kế hoạch buộc Tưởng đầu hàng của Nhật Bản bị thất bại. Đối diện với sức mạnh như lang sói của Nhật Bản, các lãnh đạo cao cấp của Quốc Dân Đảng có ý kiến khác nhau. Đa phần có tư tưởng bi quan, và cho rằng sẽ thua trận. Phe do Uông Tinh Vệ cầm đầu đã sẵn sàng đầu hàng. Ngay cả trong các thủ hạ thân tín của Tưởng Giới Thạch cũng mang tâm trạng bi quan. Khổng Tường Hi, Vu Hữu Nhậm, Hồ Thích, Thái Nguyên Bồi, Trần Bố Lôi và các nhân vật khác đều chủ trương nghị hòa, cho rằng trận chiến sẽ thất bại, Trung Quốc sẽ bị diệt vong. Khi đó, mỗi cuộc họp do hành pháp tổ chức sẽ kết thúc bằng những lời lẽ phẫn nộ như “Trung Quốc sẽ không diệt vong”, “Thật vô lý khi Trung Quốc bị diệt vong”, v.v. (Nhật ký Trần Khắc Văn). Đồng sự và những người dân ủng hộ Tưởng Công kháng chiến bị chế giễu là “hót như khướu”, là “tâm thần bất ổn”.
Tưởng giới Thạch ghi lại trong nhật ký rằng: “Phái cổ hủ và nhân sĩ dao động, chủ trương cầu hòa, nhưng họ không biết rằng cầu hòa lúc này là đầu hàng chứ không phải nghị hòa”; “Tất cả các tướng sĩ đều mất tinh thần chiến đấu và vô cùng đau buồn… Quân địch thực sự không còn quyết tâm tấn công thủ đô, nhưng quân ta quá yếu, kẻ địch dù muốn cũng không thể dừng lại được.” “Các bậc sĩ phu bảo thủ chủ trương nghị hòa trước những thất bại của quân đội, các tướng lĩnh cao cấp thì khao khát hòa bình, những kẻ cơ hội lại càng tệ hơn, một thế hệ nhu nhược không có tinh thần cách mạng.”
Tưởng Giới Thạch lãnh đạo đồng bào cả nước đồng lòng kéo dài kháng chiến. Ngày 16/12/1937, vào đêm trước khi Nam Kinh thất thủ, ông tuyên bố với toàn thể nhân dân: “Cuộc kháng chiến kéo dài của Trung Quốc, trung tâm quyết thắng cuối cùng, chẳng những không phải ở Nam Kinh, cũng không phải ở các thành phố lớn, mà là ở bản làng cả nước và lòng dân bền chặt; hỡi đồng bào cả nước…. cha dặn dò con, anh động viên em, người người chống địch, từng bước phòng bị, … tạo nên một thành lũy kiên cường hữu hình và vô hình, coi chống giặc là sứ mệnh” (“Quân ta rút khỏi Nam Kinh bố cáo toàn quốc quốc dân thư”, 1937).
Ngày 18/12/1937, năm ngày sau khi Nam Kinh thất thủ, nhật ký của Tưởng Giới Thạch viết: “Gần đây, nhân sĩ các nơi và các đồng chí trọng yếu đều cho rằng quân đội sẽ thất bại, không thể không nhanh chóng cầu hòa, hầu như mọi người đều nhất trí như vậy. Lúc này nếu nhu nhược cầu hòa thì chẳng khác gì diệt vong, không chỉ xấu hổ nhục nhã với bên ngoài, mà nội bộ bên trong còn bất ổn hơn. Thế hệ kia chỉ nhìn thấy nguy hiểm của mình, mà không biết rằng nguy cơ đối phương còn lớn hơn mình, cũng không có chủ kiến gì để chống đỡ khó khăn này! ” (“Tìm kiếm chân thực của Tưởng Giới Thạch”).
Tưởng Giới Thạch cho rằng, “Phải để quân địch tiến sâu thêm vào trận chiến, khiến chúng rơi vào khó khăn hơn, những biến hóa trên trường quốc tế có thể không đoán trước được, và điểm yếu của cướp biển Nhật Bản sẽ càng bộc lộ nhiều hơn, lực lượng của kẻ địch sẽ không thể triển khai được, không chỉ lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan mà còn bị kiệt quệ, như vậy các nước sẽ lợi dụng sự kiệt quệ này để vươn lên. Nếu ngoại chiến dừng lại thì nội chiến nhất định sẽ bắt đầu, thà thua trong Kháng Nhật còn hơn hỗn loạn trong nước.”
Phía Nhật Bản đang tiến công quân sự, nhưng trong tư tưởng họ đã chủ động dụ hòa, áp dụng cả biện pháp cứng rắn và mềm mỏng. Tưởng Công tương kế tựu kế và cử đại diện nhiều lần đến đàm phán bí mật với phía Nhật Bản. Vào tháng 10/1938, Tiêu Chấn Doanh đại diện của Tưởng Công đã có một cuộc nói chuyện bí mật với Tướng Takaji Wachi là đại diện quân sự Nhật Bản. Và Tưởng Công đã nói thêm trong tuyên bố của Trung Quốc, “Chính sách của chính phủ tôi về hòa bình và chiến tranh với các giới hạn của nó, trước đã nhiều lần tuyên bố rằng tiêu chuẩn của hòa bình và chiến tranh là liệu nó có thể khôi phục lại tình trạng ban đầu trước ngày 7/7 hay không.” (“Tìm kiếm chân thực của Tưởng Giới Thạch”, Dương Thiên Thạch).
Ngày 02/11/1938, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hirota chính thức đề xuất các điều khoản cho cuộc đàm phán hòa bình của phía Nhật Bản. Nhận sự ủy thác của Nhật Bản, ngày 05/11/1938, Đại sứ Đức Trautmann đã gặp Tưởng Giới Thạch và truyền đạt các điều khoản cho cuộc đàm phán hòa bình của phía Nhật Bản. Nhật Bản lần này đưa ra các điều khoản như sau: Nội Mông tự trị, Hoa Bắc tự trị, từ quốc gia bù nhìn Mãn Châu đến sông Vĩnh Định trở thành khu vực trung lập, mở rộng khu vực trung lập sẽ được phân định bởi Hiệp định đình chiến Tùng Thủy Thượng Hải, dùng cảnh sát quốc tế duy trì an ninh, hợp tác kinh tế Trung-Nhật, giảm thuế quan với hàng hóa Nhật Bản, cấm giáo dục bài Nhật và kháng Nhật, cùng nhau ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản….
Ngày 28/12/1938, Tưởng Công nói thẳng với phe chủ hòa quyết liệt nhất là Uông Tinh Vệ, Khổng Tường Hi rằng: “Tinh thần cách mạng của Quốc Dân Đảng gắn liền với chủ nghĩa Tam Dân, chỉ có thể tìm kiếm tự do và bình đẳng cho Trung Quốc chứ không thể đầu hàng kẻ thù và áp đặt những điều kiện không thể chịu đựng được để gia tăng sự trói buộc vĩnh viễn với đất nước và dân tộc của chúng ta. Nếu kết quả đáng tiếc là tất cả đều thất bại, thì cách mạng thất bại cũng không có gì phải xấu hổ, chỉ cần Chính phủ Quốc gia ta không rơi vào tay giặc thì kẻ thù sẽ không có gì để dựa vào, và đất nước chúng ta có thể có cơ hội khôi phục lại chủ quyền của mình bất cứ lúc nào.” Sau khi Tưởng, Uông, Khổng thảo luận, đã đưa ra quyết định cuối cùng là tiếp tục kiên trì kháng chiến, không chấp nhận các điều kiện hòa bình mà quân địch đưa ra.
Nhật Bản cuối cùng không thể chấp nhận giới hạn mà Tưởng Công đưa ra, nếu chấp nhận thì cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ “thành quả” có được sau sự kiện 7/7 đổ sông đổ biển. Nhật Bản nhận thấy Tưởng Giới Thạch sẽ không khuất phục trước áp lực, vì vậy tháng 01/1938 quyết định “không coi Chính phủ Quốc Dân là đối tượng đàm phán”, đặt hy vọng vào việc ủng hộ chính quyền bù nhìn. Năm 1940, sau khi thành lập chính quyền bù nhìn Uông Tinh Vệ, Nhật Bản mới thiết lập được mạng lưới của mình.
Tưởng Giới Thạch tin chắc rằng cuộc kháng chiến sẽ thắng lợi, nhưng không thể trong thời gian ngắn được. Ngay từ ngày 25/02/1932, khi ra lệnh cho Hà Ứng Khâm chuẩn bị kế hoạch chiến tranh, ông đã nói: “Chỉ có kéo dài cuộc chiến với người Nhật thì mới có thể giết chết tham vọng ngạo mạn của họ.” (“Bản thảo các sự kiện trọng đại trong cuộc đời Tổng thống Tưởng Giới Thạch”); Tháng 01/1938, Tưởng giới Thạch nói: “Chúng ta phải lấy thời gian lâu dài để cố thủ không gian rộng lớn, phải lấy không gian rộng lớn để kéo dài thời gian kháng chiến, để tiêu hao thực lực của kẻ địch, để giành lấy thắng lợi cuối cùng” (“Điều kiện và yếu tố quyết định thắng lợi cho kháng chiến”, 1938)
Bích huyết thanh thiên
Ngày 13/3/1938, Tưởng Giới Thạch viết trong nhật ký: “Kháng chiến chống Nhật quyết không phải chuyện thắng thua, được mất trong chốc lát, mà sẽ liên quan đến họa phúc ngàn đời của Đông Á. Vì vậy, bất kể phải hy sinh đến đâu, trừ khi đạt được mục tiêu này, chiến tranh sẽ không có hồi kết.”
Giữa tháng 3, tháng 4 năm 1938, theo sự bố trí của Tưởng Giới Thạch, quân đội quốc gia dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Chiến khu 5 Lý Tông Nhân, đã tiến công và gây thiệt hại nặng cho quân đội Nhật Bản ở Thái Nhĩ Trang tại ngã ba Sơn Đông và Giang Tô, giết chết hơn 10,000 quân địch. Mặc dù Quân đội Quốc gia vẫn đang rút lui chiến lược, nhưng chiến thắng ở Thái Nhĩ Trang đã phá vỡ luận điệu ngông cuồng của Nhật Bản rằng “Quân đội Đế quốc là bất khả chiến bại”. Cách đó không lâu, Chủ tịch tỉnh Sơn Đông kiêm Phó Tư lệnh Chiến khu 5 Hàn Phúc Củ do trốn chạy khỏi trận chiến ở Từ Châu và từ bỏ các tuyến phòng thủ Tế Nam và Hoàng Hà nên đã bị Tưởng Giới Thạch xử bắn. Sự việc này đã trở thành thông tin chấn động một thời và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần chiến đấu của các tướng sĩ ở tiền tuyến.
Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1938, hơn một triệu Quân đội Cách mạng Quốc gia do Tưởng Giới Thạch chỉ huy bảo vệ thủ đô Vũ Hán thời chiến. Khi chiến tranh sắp xảy ra, Tưởng Giới Thạch lên đài phát thanh phát biểu với toàn quốc, ông nói: “Nhân dân và chính phủ Trung Quốc đã bị quân xâm lược Nhật ức hiếp và đàn áp đến giới hạn cuối cùng. Vì sự tồn vong của dân tộc, quân đội Trung Quốc quyết tâm đánh một trận tử chiến với quân Nhật ở khu vực Vũ Hán.” “Trong trận chiến này, quân ta sẽ không tập trung vào việc giành giật từng thành trì từng tấc đất, mà sẽ tự động lựa chọn những địa bàn tác chiến thuận lợi để thực hiện được mục tiêu tiêu diệt sinh lực địch.”
Nhật Bản khao khát nhanh chóng chiếm lấy Vũ Hán nên đã bỏ hết trứng vào một giỏ. Trận chiến này kéo dài bốn tháng rưỡi, quân đội Quốc gia đã sử dụng toàn bộ lực lượng hải quân không quân còn lại chiến đấu sống chết với quân Nhật, khiến hơn 200,000 quân Nhật thương vong. Quân Nhật tức giận nên đã không ngần ngại vi phạm luật pháp quốc tế, sử dụng khí độc khiến hơn 400,000 quân quốc gia thương vong, lực lượng hải quân đã bị xóa sổ, không quân chỉ còn lại vài chiếc phi cơ. “Bích huyết tráng chí thư trung liệt, Thanh thiên bạch nhật tế anh linh” (Máu đào đổ xuống viết lên chí khí trung liệt, trời xanh truy điệu linh hồn các anh hùng đã ngã xuống).
Ngày 21/10/1938, Quảng Châu thất thủ, quân Nhật cắt đứt đường sắt Quảng Đông-Hán Khẩu, Vũ Hán bị địch tấn công. Ngày hôm sau, Tưởng Giới Thạch quyết định rời bỏ Vũ Hán. Vào thời điểm đó, việc rút lui về mặt chính trị, quân sự và công nghiệp của Vũ Hán đã được hoàn tất theo kế hoạch và chuyển đến hậu phương lớn Tây Nam. Vào nửa đêm ngày 24/10/1938, Tưởng Giới Thạch và phu nhân Tống Mỹ Linh bay khỏi Vũ Xương. Ngày hôm sau, quân Nhật xâm chiếm Vũ Hán. Các nhà sử học cho rằng trận Vũ Hán là một bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống Nhật, hai bên từ đó lâm vào thế giằng co. Nhật Bản tuy thắng trận nhưng đã thua về mặt chiến lược và bị sa lầy vào cuộc kháng chiến toàn diện của Trung Quốc.
Triển khai theo kế hoạch của Tưởng Công, chính phủ di chuyển về phía Tây đến Trùng Khánh, và lợi dụng địa hình hiểm trở tự nhiên của Tứ Xuyên để chống sự tấn công xâm lược của quân đội Nhật Bản. Trong mắt người dân Trung Quốc, Trùng Khánh là “thành phố hy vọng” cho sự phục hưng của Trung Quốc. Lúc này quân đội Nhật Bản buộc phải mở mặt trận phía Tây, đồng thời bắt đầu ném bom bừa bãi ở Trùng Khánh trong suốt sáu năm nhằm cố gắng phá hủy Trung tâm Chỉ huy kháng chiến của Tưởng Giới Thạch và làm lung lay quyết tâm chiến đấu chống Nhật của Trung Quốc. Dù xét từ góc độ quân sự, kinh tế chính trị hay tâm lý người dân Trung Quốc, thì tình hình chiến tranh chống Nhật lúc bấy giờ không rõ ràng, và vận mệnh của dân tộc Trung Hoa chỉ là ngàn cân treo sợi tóc.
Người Nhật nhận thức rõ tầm quan trọng của Tưởng Giới Thạch đối với Trung Quốc. Vào tháng 6/1938, Vụ trưởng Vụ Đông Á của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Ishii Itaro cho biết trong một báo cáo rằng: “Nếu Quốc Dân Đảng được ví như một cái quạt thì Tưởng Trung Chính thực sự là trục của chiếc quạt đó. Đối với đa số trí thức Trung Quốc có ý thức dân tộc, Tưởng Trung Chính là sự sinh tồn của quốc gia này, là hảo hán phục hưng dân tộc, cũng là anh hùng dân tộc của nhân dân Trung Quốc. Để lật đổ thần tượng của dân tộc Trung Hoa, sẽ khác với cuộc chinh phạt Trương Học Lương ở Mãn Châu và các lãnh chúa những nơi khác.”
(Còn tiếp)
Tổ nghiên cứu nhân vật Thiên cổ anh hùng trong Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5,000 năm.
Tâm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ