Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.17): Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng
Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng
Hôm xảy ra chính biến, Trương Học Lương đến gặp Tưởng Giới Thạch trước. Tưởng Giới Thạch chất vấn ông ta về thái độ đối với binh biến, Trương nói dối là không biết trước sự việc. Tưởng Giới Thạch nói: “Anh đã không biết rõ tình hình, nên lập tức đưa tôi hồi kinh hoặc đến Lạc Dương, thì sự việc còn có thể cứu vãn.”
Trương lại muốn Tưởng Giới Thạch đáp ứng điều kiện của ông ta, mới có thể thả người. Tưởng Giới Thạch lập tức dùng ngôn từ chính nghĩa khiển trách hành vi phản bội của Trương, muốn ông ta “Lập tức đem ta ra xử bắn, ngoài ra không còn gì để nói”. Trương lại đem việc “Đưa ra nhân dân xét xử” để uy hiếp. Tưởng Giới Thạch phẫn nộ cực điểm: “Ta thân có thể chết, đầu có thể chém, tứ chi có thể tàn phế, nhưng nhân cách và chính khí của dân tộc Trung Hoa không thể không giữ gìn.” Tưởng Giới Thạch muốn Trương Học Lương phải lựa chọn: Lập tức phóng thích hoặc bắn chết ngay tại chỗ. Trương Học Lương nhất thời không biết giải quyết như thế nào.
“Cho đến ngày thứ ba, hắn (Trương Học Lương) mới úp úp mở mở, nửa khuyên nửa cầu nói ra tám điều kiện mà bọn hắn đã cùng nhau đưa ra nghị quyết, cũng nói chỉ cần ta đồng ý ký một chữ, hắn liền lập tức đích thân đưa ta về Nam Kinh. Ta bèn nói với hắn, vô luận ngươi nói ra lời cầu xin êm tai như thế nào, với việc bắt cóc uy hiếp của ngươi tại Tây An, tuyệt không còn chỗ để thương thảo. Nhưng ta cũng biết, dù cho bọn Trương có ý tỉnh ngộ, mà bọn phỉ Trung Cộng là kẻ chủ mưu, tất cho rằng đây là cơ hội nghìn năm có một, cũng chính là vấn đề sống chết trước mắt của đảng này, không bức bách ta tiếp nhận điều kiện của hắn, chính là tất yếu phải tạo ra cái chết của ta. Ta vào lúc này, chỉ có hạ quyết tâm hy sinh vì nghĩa, trước sau đều cự tuyệt cùng bọn phản nghịch trao đổi bất cứ điều kiện chính trị gì.”
Tình cảnh Tưởng Giới Thạch lúc đó như rơi vào hang hùm miệng sói, cửu tử nhất sinh. Ông biết mình cơ hội còn sống rất nhỏ. Ngày 20/12/1936, ngày thứ 8 sau khi phản loạn phát sinh, Tống Tử Văn đến Tây An nhìn thấy Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch viết di chúc riêng rẽ cho toàn thể quốc dân, vợ cùng hai người con trai. Ông hy vọng Mỹ Linh coi Kinh Quốc và Vĩ Quốc như con đẻ, cũng muốn các con nghe lời hiếu thuận với mẹ kế; cũng muốn Tử Văn truyền lời tới Mỹ Linh, nhất thiết đừng đến Tây An. Ông nói với Tống Tử Văn: “Lúc này không cấp tốc tiến binh, không thể cứu quốc gia thoát khỏi nguy hiểm.” Hơn nữa, ông còn bày ra kế sách tiến binh với Tống Văn, để ông ta nói lại với trung ương. Tưởng Giới Thạch nói: “Chúng ta làm việc, nên hoàn toàn vì việc công, không thể làm việc thiên tư, nếu như nhanh chóng bao vây được Tây An, thì ta mặc dù có nguy cũng thành an, cho dù có hy sinh cũng có thể nhắm mắt được.” (“Nhật ký nửa tháng ở Tây An”)
Trong di chúc đối với Quốc dân, Tưởng Giới Thạch nói: “Trung Chính không thể vì quốc gia mà tự coi trọng bản thân, ăn ở đơn giản, cho nên phái phản động lợi dụng kẽ hở mê hoặc thuộc cấp mưu hại sinh biến. Nay sự việc đã đến mức này, trên không có lỗi đối với Quốc Dân Đảng, dưới không có lỗi với nhân dân, duy chỉ có cái chết để báo đáp đảng báo đáp nhân dân, kỳ vọng không hổ thẹn là đảng viên cách mạng mà thôi. Sau khi tôi chết, chính khí Trung Hoa mới được bất tử, thì dân tộc Trung Hoa cuối cùng cũng có ngày lại được tiếp tục phục hưng.”
Đối mặt việc Tưởng Công coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, Trung Cộng hết biện pháp, Trương Dương ở vào thế cưỡi hổ khó xuống, việc quốc quân thảo phạt, như tên đã lắp vào dây cung. Ngày thứ 16, Trương Học Lương hốt hoảng báo cáo Tưởng Giới Thạch, không quân trung ương đã bắt đầu ném bom các cứ điểm như Vị Nam, Hoa Châu. Tưởng Giới Thạch có cảm giác được an ủi, trong nhật ký viết: “Biết trung ương dẹp loạn bình định chính biến, có người chủ trì, giống như ở phòng khách nghe ngóng tin tốt lành về bình an của gia đình.”
Tống Mỹ Linh không đồng ý dùng quân sự giải quyết biến cố Tây An, ngày thứ hai sau chính biến, bà đã ủy thác cho cố vấn riêng là William Henry Donald người Australia rồi bay đến Tây An gặp mặt Trương Học Lương, tìm kiếm biện pháp giải quyết thích đáng. Vì muốn thực hiện phương án hòa bình, Mỹ Linh và một bộ phận quan chức cao cấp Quốc Dân Đảng có ý kiến trái chiều nhau, nên rất khó ngăn trở hành động quân sự. Thậm chí có người chỉ trích bà là ý kiến đàn bà, chỉ sốt ruột cứu chồng. Mỹ Linh không hề nao núng, vì để giành được hòa bình, cứu cuộc kháng chiến mà Tưởng Giới Thạch lãnh đạo, bà quyết ý tự mình đi Tây An, cùng sống chết với phu quân.
Vô luận là đồng minh hay kẻ thù chính trị của Tưởng Công, mọi người đều biết, không có Tưởng Giới Thạch, Trung Quốc sẽ rơi vào cục diện rối loạn như rắn mất đầu, nội chiến sẽ nổi dậy như ong, kẻ khoanh tay đắc lợi đương nhiên là Nhật Bản. Trung Cộng lúc ấy còn lâu mới làm nên trò trống, Nhật Bản sẽ xâm lược toàn diện, nếu như không có Tưởng Giới Thạch lãnh đạo, Trung Cộng cũng chỉ có thể lựa chọn làm Hán gian hoặc làm nô lệ mất nước, tuyệt không có năng lực kháng Nhật. Tống Mỹ Linh tin tưởng vững chắc Tưởng Giới Thạch có thể vượt qua cái nạn này.
Tưởng Giới Thạch được sự bảo hộ của Thần linh, vượt qua quan sinh tử: “Phu quân tôi đã nói: ‘Anh đã nhiều lần nói em đừng bao giờ đến Tây An, nhưng anh cảm giác rõ ràng là không cách nào ngăn cản được. Sáng nay anh đọc Kinh Thánh, vừa hay đọc đến câu: ‘Jehovah nay sẽ có hành động mới, sẽ lệnh cho người phụ nữ bảo vệ người đàn ông’, nay em quả thật đã tới đây.’ Phu quân đã thuật lại quá trình bị uy hiếp, cũng nói trong khi bị uy hiếp, quyết không chấp nhận bất cứ điều gì, do vậy yêu cầu tôi đừng lấy việc ký tá điều gì để khuyên nhủ. Tôi nói rằng: Tôi vốn coi trọng lợi ích quốc gia hơn sự an toàn của chồng mình, đừng lo lắng tôi có hành động cố khuyên chồng khuất phục.’” (“Tống Mỹ Linh tự thuật: Hồi ký biến cố Tây An”)
Tưởng Giới Thạch dù chết cũng không thỏa hiệp, “Ngày thứ 22, Tưởng phu nhân đột nhiên tới Tây An, câu đầu tiên tôi nói với cô ấy khi gặp mặt là: ‘10 ngày qua, bọn phản bội mỗi ngày đều dùng các loại thủ đoạn, chỉ yêu cầu anh ký tên vào các điều kiện đó, liền có thể đưa anh về Nam Kinh, em đến cùng chung hoạn nạn, là vì việc công không phải việc tư, nhất thiết phải lấy Quốc gia làm trọng. Nếu như bọn phản bội với bất kỳ điều kiện nào nhờ vả khuyên can, tất phải nghiêm khắc cự tuyệt. Chúng ta thà chết, cũng không thể đáp ứng.’ Tưởng phu nhân lần này hạ quyết tâm. Cô ấy trả lời rằng, cô ấy coi trọng nhân cách của tôi hơn mạng sống của tôi, và cô ấy sẽ không bao giờ thuyết phục tôi hành động đi ngược lại chí hướng vốn có của mình. Cô ấy chỉ nguyện được sống chết cùng tôi. ” (“Liên Xô ở Trung Quốc”)
Sau khi Tống Mỹ Linh đến Tây An, bà khuyên Tưởng Giới Thạch “Thà kháng Nhật chứ đừng chết trong tay giặc”. Anh em họ Tống đại diện cho Tưởng Giới Thạch đưa ra nhượng bộ với Trương Học Lương và Trung Cộng, đình chỉ tiễu cộng, thay đổi tên gọi Phỉ đỏ, thu nhận cả quân cách mạng vào Quốc dân, dưới sự thống soái của Tưởng ủy viên trưởng, chuẩn bị kháng Nhật.
Sau sự kiện Tây An, Trương Học Lương tự mình mang roi chịu tội, trên đường bay từ Tây An đến Nam Kinh đã viết thư vĩnh biệt, trong thư biểu thị rằng thà tự sát để sự việc của người khác thành công.
Một phần của văn kiện đại ý như sau: “Ta thành ý cứu nước, đến bây giờ lại thành hại nước. Bình sinh tự coi là có tín nghĩa, không ngờ có ngày hôm nay. Ta là người đau lòng nhất, vì bọn tiểu quỷ Nhật Bản khoái trá. Ta không muốn nhìn thấy cảnh mất nước, nguyện tự mình kết thúc, mà khiến sự việc tốt lên, cũng mong rằng những người đàn ông có lương tâm trong cả nước càng thêm thức tỉnh. Về Tưởng Công, tôi đã nhiều lần trần tình rồi. Tôi nghĩ Tưởng Công thông tuệ hơn người, xin xét đến lời Lương nói, Lương xin khấu đầu ba cái.”
Phần Trương Học Lương dặn dò người thân tóm lược lại như sau: “Anh (cha) bản tính là người ngay thẳng thô lỗ, có lòng cứu nước, làm việc là có suy nghĩ. Khởi đầu từ tây bắc, không phải như những gì tôi đã dự định. Tôi đã đơn độc đến Nam Kinh, mong ước đã được rồi, để cứu nước nhà, gia đình và bản thân. Không được để chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản đắc ý, không ngờ tôi lại có ngày hôm nay, tôi không muốn giữ lại cái thân này mà khiến sự việc thay đổi, lại càng làm cho mọi chuyện phức tạp hơn. Tuy rằng tôi không làm chuyện đó, nhưng chuyện đó xảy ra, thì tôi cũng phải chịu trách nhiệm, cầu mong cho con cháu họ Trương vì thù nước thù nhà, không bao giờ đội trời chung với Nhật Bản, nguyện đời đời sẽ không bao giờ quên, và truyền lại cho tất cả các anh chị em, con con cháu chắt trai gái của tôi.” (“Tài liệu lưu trữ tư nhân quan trọng về Sự biến Tây An do phi công Hyland Lyon thu thập”)
Vào ngày lễ Giáng sinh 25/12/1936, vợ chồng Tưởng Giới Thạch cùng với Trương Học Lương lên máy bay rời khỏi Tây An. Về đến Nam Kinh vào ngày hôm sau. Vị Ủy viên trưởng anh hùng khải hoàn, dân chúng cả nước trên dưới đều vui mừng.
Trong cuốn “Trương Học Lương và Trung Quốc”, nhà sử học Nhật Bản Kazuo Matsumoto có viết: “Trong sự kiện Tây An người được lợi nhiều nhất là Đảng cộng sản Trung Quốc,… Nhờ sự kiện Tây An ban thưởng, phỉ đỏ mới có thể hồi sinh, phát triển mà lấy được thiên hạ.” Đây là sự thật. Xét từ một phương diện khác, Tưởng Giới Thạch gặp dữ hóa lành, cũng là đại hạnh trong bất hạnh của Trung Quốc. Thần Phật đã bảo hộ ông vượt qua quan sinh tử. Khi Nhật Bản xâm chiếm toàn diện Trung Quốc, với khí phách quyết tử, tầm nhìn xa hơn người, ông đã lãnh đạo Trung Quốc đánh thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc.
Trương Học Lương bắt cóc lãnh tụ, làm binh biến ép thoái vị, đúng là tội chết. Nhưng ông ta đã cầm roi chịu tội, tự thú quy án, đối với thế cục đã không còn đáng ngại. Tại Đông Bắc ông ta đã có công lao trở cờ với chính phủ Bắc Dương và trong cuộc chiến ở Trung Nguyên, khiến cho Tưởng Giới Thạch động lòng trắc ẩn, tha cho tội chết. Tưởng Giới Thạch hậu đãi Trương Học Lương, cũng dặn dò Trương Học Lương đọc nhiều sách.
Trương Học Lương sau này đã viết vào sổ tưởng niệm Tưởng Công rằng, hai người “Quan tâm săn sóc, tình như cốt nhục; tranh luận về chủ trương chính trị, thì giống như kẻ thù” .
Trong một buổi lễ ở nhà thờ năm 1937, Tưởng Giới Thạch đã nói: “Biến cố đã dẹp yên, người cầm đầu phiến quân đã tự biết vì hành động phá hoại lỗ mãng, để lại di họa cho quốc gia, rất là sợ hãi. Nhưng ta tuân theo lời răn của Chúa Jesus tha thứ cho người anh em bảy mươi lần bảy, giúp cho ông ta có cơ hội làm lại cuộc đời.” (“Jesus cho ta lời giáo huấn khi gặp nạn”, 1937)
Trung Cộng gian trá
Theo tường thuật của cuốn sách “Tưởng Giới Thạch và Trung Quốc hiện đại” của Jay Taylor, một quan chức ngoại giao của Hoa Kỳ, (do Lâm Thiêm Quý dich): “Khi Chu Ân Lai hồi báo về Diên An, Mao Trạch Đông quả thật là không dám tin, cho rằng Tưởng chỉ là buột miệng nói sẽ đảm bảo đình chỉ nội chiến. Ông ta lo lắng kẻ thù lớn này dường như mấy hôm trước rơi vào tay mình, bây giờ đã không bị khống chế sẽ tiến hành báo thù nhanh chóng, tàn khốc trên quy mô lớn. Chu Ân Lai nói, Tưởng ‘khả năng sẽ không nuốt lời’. Ông ta nói với giọng châm biếm: Tưởng tự coi mình là nhân vật anh hùng, sẽ nói lời giữ lời, tuy nhiên Chu cho rằng loại phẩm cách này là tâm hư vinh. Mao Trạch Đông nghĩ đến bản thân trước đây cũng chế giễu sự ngây thơ của Tưởng. Mao cho rằng Tưởng giống như nhân vật AQ, ôm mộng tưởng hão huyền đối với mỹ đức và sự chân thành của bản thân và cả truyền thống của Trung Quốc. Trung Cộng chính là có thể lợi dụng triệt để sự ngây thơ của ông ta. Đảng cộng sản bề mặt thì nhất mực cung kính, nhưng nội tâm là đang lặng lẽ chờ thời.”
Jay Taylor trái lại cho rằng: “Tưởng Giới Thạch đích xác là không công khai thừa nhận bất kỳ điều kiện nào, khả năng lớn là có thể nhanh chóng điều động tập hợp đại quân bao vây Diên An. Ba cánh quân của Trung Cộng ở Thiểm Bắc chỉ có khoảng trên dưới 50,000 hồng quân; trong đó chỉ có 29,650 người có súng, hơn nữa bọn họ không có không quân. Tưởng thống lĩnh đại quân 2,029,000, trong đó 300,000 người đã được huấn luyện kiểu Đức, hơn 80,000 người đã được trang bị vũ khí do Đức chế tạo. Ngoài ra, ông còn có 314 phi cơ, hơn 600 phi công lái chiến đấu cơ. Thậm chí, Snow (nhà báo người Mỹ) nói: ‘Sau khi ông ta an toàn thoát hiểm, thanh thế toàn dân ủng hộ rất lớn, chứng thực địa vị của ông trong lòng người dân cả nước như mặt trời giữa trưa, vượt xa bất kỳ lãnh tụ nào trong lịch sử hiện đại Trung Quốc. Lấy dân ý mà nói, đây chính là thời điểm tốt nhất để phát động tấn công.”
“Nhưng, Tưởng Giới Thạch quả như Chu Ân Lai dự kiến, ông hết lòng giữ cam kết, đình chỉ “tiễu cộng”. Thậm chí, còn bắt đầu mỗi tháng phát 200,000 đến 300,000 nhân dân tệ cho quân đội Trung Cộng.”
“Ủy ban trung ương Quốc Dân Đảng từ chối tán thành Mặt trận Thống nhất, nhiều lần nhắc lại rằng phải chống Cộng đến cùng. Không ít Ủy viên Trung ương vẫn tin rằng hợp tác với Nhật Bản, chứ không phải hợp tác với Đảng cộng sản, mới là con đường duy nhất khôi phục chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng Tưởng Giới Thạch khăng khăng muốn làm, ra lệnh mở cửa giao dịch với căn cứ địa hồng quân ở Tây bắc, và khôi phục một phần các dịch vụ bưu điện.”
Tưởng Giới Thạch bởi vì tin tưởng đảng viên Trung cộng cũng là người Trung Quốc, cũng sẽ yêu nước, đã đem thành ý đối đãi với Trung Cộng.
“Khi đó quả thực tôi tin tưởng Đảng cộng sản có có thành ý ăn năn hối cải, cùng nhau chống ngoại xâm. Hơn nữa tôn chỉ thảo phạt bọn phỉ của ta, luôn cho rằng bọn người của Đảng cộng sản Trung Quốc là người Trung Quốc, tất sẽ yêu Trung Quốc. Chỉ cần chính phủ gia tăng chế tài thích đáng, không khó để bọn họ nghe theo mệnh lệnh; chỉ cần họ từ bỏ bạo động vũ trang, tự có thể cùng các chính đảng khác chung sức hợp tác. Cho nên từ năm 1919 bắt đầu tiễu phỉ, cho đến 1925 thì dừng, phương châm của tôi đối với đảng cộng sản trước sau là vừa tiễu vừa giúp. Tôi nhận thấy tuyên bố của đảng cộng sản cùng nhau cứu quốc lần này, chính là hiệu quả thực tế sự chân thành của chính phủ chúng ta chiêu cảm được. Khi đó đa số những nhân sĩ trí thức yêu nước, đều tin tưởng đây là chính sách thành công của chính phủ, cũng chính là điềm báo cho thắng lợi của cuộc kháng chiến dân tộc.
“Không ngờ được hành động sau đó của Trung Cộng, hoàn toàn đi ngược lại cam kết. Đây cố nhiên là do tôi đã tin tưởng quá mức, cuối cùng dẫn đến thất bại trọng đại, điều này cũng chứng minh bọn đảng cộng sản rốt cục vẫn là đảng cộng sản. Bọn họ quyết không có cái gọi là yêu tổ quốc và tình cảm dân tộc. Đảng cộng sản không chỉ là không yêu nước, mà còn rắp tâm bán nước, thậm chí vì đất nước Liên Xô cộng sản chủ nghĩa của họ, cho dù mất nước diệt chủng cũng không tiếc. Đây là một bài giáo huấn thực tế nghiêm trọng, tuy đối với cá nhân tôi là một sự sỉ nhục vô cùng, mà đối với cuộc đấu tranh chống lại cộng sản của thế giới tự do ngày nay, lại không phải là không có giá trị đóng góp.” (Liên Xô tại Trung Quốc)
“Trung Cộng công bố thông cáo mật đến toàn thể đảng viên, tuyên bố làm mặt trận thống nhất chỉ là sách lược, khiến cho đảng vừa có thể kháng Nhật lại có thể khuếch trương thế lực “gấp trăm ngàn lần”. Tưởng cũng xem được tờ thông cáo này, liền viết: Đây thể hiện ‘sự gian trá của đảng cộng sản’, nhưng ông cũng chưa công khai bộc lộ quan điểm này, vẫn tiếp tục đối đãi với Trung Cộng như một người em trung thành. Ông cũng vứt bỏ nỗ lực làm suy yếu bọn quân phiệt, hiện tại dốc toàn bộ tinh thần để chuẩn bị kháng Nhật. Ông cần sự đoàn kết của cả nước và sự viện trợ quân sự của Liên Xô.” (“Tưởng Giới Thạch và Trung Quốc hiện đại” của Jay Taylor người Mỹ, do Lâm Thiêm Quý dịch)
Trung Cộng để biểu thị “giữ chữ tín”, đình chỉ cách làm tịch thu đất đai mới, nhưng đất đai đã bị tịch thu trước đó thì không được trả lại; đình chỉ tuyên truyền chống lại Quốc Dân Đảng; ủng hộ Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn. Nhà báo Edgar Snow quan sát được, những thay đổi này “Hoàn toàn không ảnh hưởng đến lý luận cơ bản, phương án hoặc địa vị tự chủ của Trung Cộng”. Trong lòng Tưởng Giới Thạch hiểu rất rõ những điều này.
(Còn tiếp)
Tổ nghiên cứu nhân vật Thiên cổ anh hùng của Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5,000 năm.
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ