Thành Cát Tư Hãn (P.1): Giáng sinh nơi thảo nguyên, trưởng thành trong tuyệt cảnh
Vào thế kỷ 13, khi triều đại Nam Tống đang yên phận ở Giang Nam, cùng với hai nước Tây Hạ và Kim tạo thành thế chân vạc, thì trên thảo nguyên bao la bát ngát phía Bắc, một chú hùng ưng đang giương cánh vút bay, từng bước thống nhất thảo nguyên Mạc Bắc. Một đế quốc thảo nguyên “Đại Mông Cổ Quốc” được thành lập và người anh hùng Mông Cổ có tên Thiết Mộc Chân được người đời tôn xưng là “Thành Cát Tư Hãn”. Ông cùng con cháu của mình đã ba lần dẫn đầu đội thiết kỵ của Mông Cổ viễn chinh về phía Tây, trải dài khắp lục địa Á-Âu, thậm chí còn đánh tới cả dải lãnh thổ gồm Liên bang Nga, Ba Lan, Hungary ngày nay, khiến cả Âu Châu chấn động.
Cùng với các cuộc viễn chinh của người Mông Cổ, các phương diện như khoa học kỹ thuật, chiến tranh, vải da, buôn bán, ẩm thực, nghệ thuật, văn học và âm nhạc của người Âu Châu đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và người Mông Cổ, đồng thời, văn nghệ thời kỳ Phục Hưng cũng có sự thay đổi. Chính bởi sự ảnh hưởng vô cùng to lớn của văn hóa Trung Hoa và người Mông Cổ với Âu Châu, nhà văn trứ danh người Anh Geoffrey Chaucer đã không tiếc lời tán dương ca tụng Thành Cát Tư Hãn và những thành tựu mà ông đạt được trong tác phẩm Canterbury Tales của mình, ông ca ngợi: “Vị quân vương cao quý này tên gọi là Thành Cát Tư Hãn, vào thời đại của mình, ông uy danh lừng lẫy bốn phương, không một địa phương nào, không một khu vực nào xuất hiện một vị Chủ của vạn vật kiệt xuất như ông.”
Lời tiên tri của tổ tiên
Tổ tiên của dân tộc Mông Cổ là một chi của tộc người thiểu số Đột Quyết, một phần của một dân tộc cổ xưa ở miền bắc Trung Quốc. Ban đầu, tộc người này sinh sống du mục ở thượng du của Hắc Long Giang, về sau dần dần tỏa ra khắp vùng đất rộng lớn của cao nguyên Mông Cổ. Nơi đó địa hình cao và giá rét, nên mỗi năm thời gian kết băng kéo dài từ 4 đến 5 tháng, và tại thời điểm lạnh nhất nhiệt độ hạ xuống khoảng âm 25 độ C. Vào thời Ngũ Đại, Liêu, Tống, Kim: từ “Mông Cổ” được dịch thành Mạt Kiếp Tử, Mai Cổ Tất, Mô Cát Thất, Mao Cát Thạch, Mao Yết Thất, Manh Cổ Tử, Mông Quốc Tư, Mông Cổ Tư, Mông Cổ Lý, Manh Cốt Tử, Mông Cốt. Vào thời nhà Nguyên, nó được dịch thành Mông Cổ. Thuật ngữ “Mông Cổ” trong “Tuyển tập lịch sử” của Rashid-al-Din Hamadani có nghĩa là “yếu đuối và thuần phác”, hàm nghĩa của từ này phù hợp với tình trạng yếu ớt và thuần phác của bộ lạc Mông Cổ nguyên thủy ở vùng rừng núi xa xôi trong núi sâu rừng thẳm thủa ban sơ.
Vào thời Nam Tống, các bộ tộc Mông Cổ mọc lên như nấm, năm bè bảy mối, giống như một mâm cát. Trên danh nghĩa các bộ tộc này đều thuộc về nước Kim, nhưng lúc thì nổi dậy lúc lại đầu hàng. Bởi nơi này địa thế cao mà giá rét, nên nước Kim coi đây là một vùng không thể ở, chủ yếu để thực hiện các biện pháp phòng ngự, chẳng hạn như xây dựng trường thành, tập trung lực đối phó với sự tấn công của Nam Tống, do đó cũng mang đến không gian phát triển cho các bộ lạc Mông Cổ.
Lúc đó, các bộ lạc Mông Cổ chủ yếu có hơn 20 bộ tộc như: Khất Nhan, TaTar Miệt Nhi Khất Dịch, Khắc Liệt Diệc Dịch và Nãi Man… Dân tộc du mục Mông Cổ sống tách biệt bên ngoài thế giới, việc săn bắn và trao đổi, chăn thả gia súc và chiến tranh là cuộc sống chủ yếu của họ. Vì để giành được của cải, giữa các bộ tộc Mông Cổ thường xuyên xảy ra những cuộc giao tranh tàn khốc, và mỗi người đàn ông Mông Cổ đều tự biến mình trở thành thợ săn và chiến binh. Các tổ tiên của Thành Cát Tư Hãn cũng vậy.
Mẫu thân của Bột Đoan Sát Nhi, tổ tiên mười đời của Thành Cát Tư Hãn là A Lan Quả Hỏa, sau khi được gả cho Liễu Thoát Bôn Mị Lý Kiền, bà sinh hạ hai người con trai. Sau đó chồng bà qua đời. Một đêm góa phụ A Lan mộng thấy ánh sáng trắng từ trên trời chiếu thẳng qua cửa sổ vào trướng ngủ và hóa thành một Thần nhân màu vàng kim. Sau đó A Lan có thai, hạ sinh một người con trai, tức là Bột Đoan Sát Nhi. Bột Đoan Sát Nhi diện mạo kỳ dị, trầm mặc ít nói, người nhà đều nói ông là một kẻ đần độn, chỉ có A Lan nói: “Đứa trẻ này chắc chắc không hề ngu đần, con cháu đời sau tất có người đại phú quý”.
Về sau, A Lan tạ thế, hai huynh trưởng của Bột Đoan Sát Nhi phân chia gia sản, nhưng không chia cho ông bầy ngựa, đồ ăn, hay bất kỳ thứ gì. Bột Đoan Sát Nhi cũng không để tâm, mà ngược lại, ông cho rằng giàu sang hay nghèo khổ đều là định mệnh. Rời xa hai huynh trưởng, Bột Đoan Sát Nhi một thân một mình cưỡi ngựa màu xanh trắng, đến vùng đất Bát Lý Truân A Lại của một bán đảo. Ông dựa vào cách thả chim ưng săn dã thú để sống, cuộc sống săn bắt của ông rất thuận lợi, tựa như lúc nào cũng được ông Trời giúp đỡ.
Vài tháng trôi qua, có mấy chục gia đình từ Đô Diệc Liên Sơn di cư đến, trở thành hàng xóm của Bột Đoan Sát Nhi, nhưng hai bên cũng không thân thiết với nhau. Một hôm, người anh thứ hai đột nhiên nhớ đến ông, không rõ ông sống thế nào, liền tự mình đến tìm ông, còn mời ông trở về nhà. Trên đường đi, Bột Đoan Sát Nhi nói với anh hai: “Tất cả đám người Cấp Lý Hốt Lỗ ở bên suối là một đám dân tản mác, không có lớn nhỏ, không có tôn ti trật tự, hơn nữa không có thủ lĩnh, nếu như phát binh, có thể hàng phục bọn họ”. Anh hai rất tán thành, về nhà lựa chọn một số tráng sĩ, để Bột Đoan Sát Nhi dẫn đầu quay về đột kích, quả nhiên là thu phục được những người đó.
Dị tượng khi Thiết Mộc Chân ra đời
Bộ lạc Khất Nhan là bộ lạc nguyên thủy nhất của dân tộc Mông Cổ, sau này sản sinh ra “gia tộc hoàng kim” Bột Nhi Chích Cân Thị. Trong lịch sử, Khất Nhan Bộ có rất nhiều nhánh gia tộc, nhưng thật sự thuộc về “gia tộc hoàng kim” thì chỉ có mấy dòng họ, là Chủ Nhi Cần, Thái Diệc Xích Ô, Bột Nhi Chích Cân. Khi Bột Đoan Sát Nhi đơn lẻ hình thành nên thị tộc, ban đầu gọi là Bột Nhi Chích Cân, cũng chính là nói, tên gọi này của họ được cải biến ra từ tôn hiệu “Bột Đoan Sát Nhi”. Trong “Mông Cổ Bí Sử” có ghi: “Bột Đoan Sát Nhi đã trở thành họ Bột Nhi Chích Cân”.
Bột Đoan Sát Nhi là thủy tổ của họ Bột Nhi Chích Cân. Sau khi Bột Đoan Sát Nhi qua đời, thế lực bộ tộc Khất Nhan được khuếch trương vào thời kỳ cháu nội Nạp Chân và chắt nội Hải Đô, ngày càng nhiều người quy thuận. Vào thời kỳ tổ tiên thứ tư Hợp Bố Lặc Hãn của Thiết Mộc Chân, từ “Khất Nhan” lại được đặt trước “Bột Nhi Chích Cân”, gọi là là “Khất Nhan – Bột nhi Chích Cân”. Đến thời đại của Thành Cát Tư Hãn, Thiết Mộc Chân sau này, mới sử dụng Bột Nhi Chích Cân làm họ riêng độc lập để biểu thị sự tôn quý.
Trong chớp mắt đã đến thời kỳ cha của Thành Cát Tư Hãn là Dã Tốc Cai. Ông trở thành thủ lĩnh của tộc Bột Nhi Chích Cân của bộ tộc Khất Nhan và trưởng liên minh của bộ tộc Mông Cổ. Dã Tốc Cai, một vị dũng sĩ của dân tộc Mông Cổ, cương nghị nhưng cũng rất tình cảm. Một hôm, khi ông ở bên sông Oát Nan thả chim ưng săn mồi, nhìn thấy Dã Khách Xích Liệt Đô của bộ tộc Miệt Nhi Khất Dịch lấy vợ từ bộ tộc Oát Lặc Hốt Nột Ngột Dịch, đối diện với dung mạo xinh đẹp vô cùng của Hạ Ngạch Luân nên ông vừa thấy đã yêu ngay, bèn cùng với ba người anh em đuổi theo xe ngựa, chọn cách thức cưới vợ thứ hai trên thảo nguyên là: cướp dâu. Dã Khách Xích Liệt Đô nghĩ đủ cách để giải thoát khỏi bọn họ, nhưng chẳng được kết quả gì, cuối cùng Hạ Ngạch Luân trở thành vợ hai của Dã Tốc Cai, tức “Hạ Ngạch Luân Ngột Chân”. Ngột Chân có nghĩa là “phu nhân” trong Hán ngữ. Người vợ thứ nhất của ông tên là Sách Tế Cách Lặc, có một con trai gọi là Biệt Khắc Thiếp Nhi.
Một năm sau, Hạ Ngạch Luân trẻ tuổi sinh hạ một đứa bé, mới sinh ra “tay đã cầm cục máu đông như đá đỏ”. Mà khi đó, Dã Tốc Cai lại phát động một cuộc chiến tranh với người TaTar. Vốn ông chú Yêm Ba Hài từng bị người TaTar bắt làm tù binh, và bị đưa đến nước Kim, người Kim đem danh tướng phản nghịch đóng đinh trên lưng con lừa gỗ cho đến chết. Các bộ lạc Mông Cổ vì thế đã nhiều lần giao đấu với người TaTar và người Kim, lấy máu báo thù. Vào năm 1155, Dã Tốc Cai phát động một trận chiến như thế, giết chết một thủ lĩnh tên là Thiết Mộc Chân Ngột Cách. Khi ông về đến bộ lạc, Dã Tốc Cai bèn lấy tên “Thiết Mộc Chân” đặt tên cho con trai, để kỷ niệm chiến công của mình. Về sau, Hạ Ngạch Luân còn sinh thêm ba người con trai là Hợp Tát Nhi, Hợp Xích Ôn, Thiếp Mộc Cách và một người con gái Thiếp Mộc Luân.
Dị tượng khi Thiết Mộc Chân ra đời cũng dẫn đến sự chú ý của một người. Một người thợ sắt là Trát Nhi Xích Ngột Đãi của bộ lạc Ngột Lương Hợp đích thân đến xem hài nhi, tặng cho nó một cái tã làm bằng lông chồn chuột để làm quà gặp mặt, đồng thời nói bản thân cũng mới sinh một con trai, gọi là Lặc Miệt, đợi đến khi nó trưởng thành, sẽ cho làm người hầu của Thiết Mộc Chân. Đương nhiên, Trát Nhi Xích Ngột Đãi có con mắt độc đáo, có tầm nhìn xa trông rộng, biết được cuộc đời của Thiết Mộc Chân sẽ không phải bình thường.
Những bài giáo huấn đầu tiên và mệnh đế vương
Thiết Mộc Chân hồi nhỏ rất thích nghe kể chuyện, nên thường ngồi cùng với những người giỏi kể chuyện như những người hầu thân cận của Dã Tốc Cai như Sát Lạt Hợp, Ba Lân Bộ Nhân Ngột Tôn của bộ tộc Hoảng Khoát Đàn Thị và Cổ Ôn Khoát A của bộ tộc Trát Thích Nhi (cha của Mộc Hoa Lê). Bọn họ bàn nhiều câu chuyện về hưng vong của quốc gia, mưu kế chiến tranh, dao thớt thịt cá… giúp cho ông phân biệt được thiện ác, thị phi đúng sai, đây có lẽ là một phần quan trọng trong những bước đầu giáo dục của Thiết Mộc Chân.
Sát Lạt Hợp vì yêu quý Thiết Mộc Chân, liền cho con trai là Mông Lực Khắc đến chăm sóc ông. Mông Lực Khắc biết thầy tướng số nổi tiếng Khoát Nhi Xích của bộ lạc Mông cổ khi đó, liền mời đến xem tướng cho Thiết Mộc Chân. Khoát Nhi Xích vừa nhìn thấy Thiết Mộc Chân, nói rằng ông có mệnh đế vương, nên thường đến dạy bảo Thiết Mộc Chân. Thiết Mộc Chân học tiếng Đột Quyết, tiếng Mông Cổ và tiếng Đông Hồ, và nghe được càng nhiều câu chuyện hơn. Tất cả những chuyện này đều là sự sắp đặt của ông Trời cho người được thừa thiên mệnh Thiết Mộc Chân.
Một lần, khi di chuyển doanh trại, người cha Dã Tốc Cai vô ý để cậu bé nhỏ tuổi Thiết Mộc Chân đi lạc, bộ lạc Thái Diệc Xích Ô phát hiện ra ông, thủ lĩnh của họ là Táp Nhi Hốt Đài đem ông về nhà của mình, đồng thời giữ lại một thời gian. Sau đó, Thiết Mộc Chân được đưa về bộ lạc của mình, Dã Tốc Cai và bộ lạc Thái Diệc Xích Ô bắt đầu giao hảo, có điều, sau lại vì cạnh tranh chức trưởng liên minh mà nảy sinh hiềm khích.
Duyên định mệnh gặp Hoàng hậu
Đến năm chín tuổi, theo tập tục của Mông Cổ, Thiết Mộc Chân được cha dắt đến nhà gia tộc của mẹ Hạ Ngạch Luân tìm vợ tương lai. Trên đường đi, bọn họ gặp Đức Tiết Thiền (ý nghĩa là “người đại hiền”) là người của bộ lạc Ông Cát Lạt Dịch. Đức Tiết Thiền sau khi nhìn thấy Thiết Mộc Chân, vừa nhìn là biết người này nhân phẩm phi phàm, nói cậu ta “trong mắt có lửa, trên mặt có hào quang”, đây là thành ngữ người Mông cổ dành ca ngợi người trẻ tuổi hoạt bát nhanh nhẹn. Ông còn trực tiếp gọi Dã Tốc Cai là “thông gia”, nói hôm qua mình có một giấc mộng, mà giấc mộng này là Thần thủ hộ của bộ tộc Khất Nhan đến gửi gắm. Trong mộng, ông thấy một con Hải Đông Thanh (một loại chim ưng) màu trắng, cắp nhật nguyệt bay tới, rơi vào tay của mình, đây là điềm tốt, mà đây ứng với việc Dã Tốc Cai, Thiết Mộc Chân đến, báo trước cuộc sống phi thường của Thiết Mộc Chân trong tương lai.
Vì giấc mộng này, Đức Tiết Thiền mời hai cha con Thiết Mộc Chân về nhà mình, đến gặp con gái ông Bột Nhi Thiếp, cô vẻn vẹn hơn cậu đúng một tuổi. Cô gái Bột Nhi Thiếp xinh đẹp thông minh này, chính là hoàng hậu và vợ hiền tương lai của Thành Cát Tư Hãn. Năm 1178, khi cô 18 tuổi đã kết hôn với Thiết Mộc Chân, sau sinh ra bốn cậu con trai và năm cô con gái. Bốn con trai là Truật Xích, Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài, Đà Lôi đều là những người nổi tiếng. Không chỉ có vậy, bà còn là người tham mưu nhìn xa trông rộng của Thiết Mộc Chân và chiếm vị trí rất cao trong lòng Thiết Mộc Chân.
Khi đó Thiết Mộc Chân vừa nhìn thấy Bột Nhi Thiếp cũng giống như là “trên mặt có hào quang, trong mắt có lửa”, thấy là ưng ý ngay, bèn lập tức cầu hôn. Đức Tiết Thiền đồng ý, Dã Tốc Cai nhận thấy Đức Tiết Thiền hiểu biết sâu rộng, có thể là người thầy, cũng vui vẻ tán đồng, hai bên tiến hành lễ đính hôn. Theo quy định của người Mông Cổ, Thiết Mộc Chân phải ở lại sinh sống và làm việc ở nhà Đức Tiết Thiền, Dã Tốc Cai sau khi để lại sính lễ, ông quay về một mình.
Phụ thân gặp nạn
Dã Tốc Cai trên đường trở về, vì đói nên muốn kiếm chút gì để ăn, vừa lúc nhìn thấy một nhóm người TaTar đang cử hành yến tiệc trên thảo nguyên. Tuy ông biết bản thân mình cách đây tám năm trước đã giết chết người đồng tộc của họ, cần phải che giấu thân phận, nhưng ông vẫn xuống ngựa tiến về chỗ bọn họ, theo quy định của nơi đó mà tham dự yến tiệc.
Rất nhanh, có người TaTar nhận ra Dã Tốc Cai, bèn lén cho thuốc độc vào phần ăn của ông. Tuy Dã Tốc Cai trúng độc rất nặng, nhưng ông vẫn nghĩ cách trốn thoát, và ba ngày sau về đến chỗ ở của gia tộc mình. Cho người khẩn cấp gọi Thiết Mộc Chân từ nhà Đức Tiết Thiền về, dặn dò người hầu Mông Lực Khắc chăm sóc vợ góa con côi xong, Dã Tốc Cai qua đời.
Đợi đến khi Thiết Mộc Chân vội vàng về đến nhà, chỉ nhìn thấy di thể của phụ thân, mà phụ thân để lại hai người vợ và bảy người con chưa đến mười tuổi, trong đó có hai người là cùng cha khác mẹ với Thiết Mộc Chân: Biệt Khắc Thiếp Nhi và Biệt Khắc Cổ Đài. Do họ Bột Nhi Chích Cân mất đi thủ lĩnh, lòng người tan rã. Bộ lạc Thái Diệc Xích Ô vốn dựa vào Dã Tốc Cai nay thấy hai bà góa và bảy đứa trẻ không có chỗ nào dùng được, không muốn cung cấp lương thực cho bọn họ, nên trong khi bộ lạc di chuyển, bèn bỏ rơi bọn họ, và còn mang đi rất nhiều người và gia súc của Dã Tốc Cai. Khi đó, chỉ có Sát Lạt Hợp đứng ra kháng nghị hành vi bắt nạt kẻ yếu thế, nhưng bị đâm một nhát. Thiết Mộc Chân tận mắt chứng kiến lại không làm gì được.
Còn có có một người hầu tên là Thoát Đoan Hỏa Nhi Chân, rất vô tình mà chọn lựa rời xa gia đình Thiết Mộc Chân. Thiết Mộc Chân khóc lóc níu giữ, nhưng ông ta lại nói: “Ao sâu đã cạn, hòn đá cứng đã vỡ, giữ lại thì có tác dụng gì chứ?” rồi dẫn một đám người ngựa rời đi. Hạ Ngạch Luân kiên nghị đã dốc nỗ lực cuối cùng, bà nhảy lên ngựa, vung cờ của người chồng quá cố, đuổi theo những người vứt bỏ họ. Một nửa số người cảm thấy xấu hổ tạm thời quay về doanh trại, nhưng khi màn đêm buông xuống, bọn họ đã từng người một lẻn đi, chỉ còn lại gia đình Thiết Mộc Chân. Cả gia đình quả thật rơi vào hoàn cảnh vô cùng khốn khó.
Trong nghịch cảnh tôi luyện ý chí kiên cường
Tuy vậy, dưới sự nỗ lực đảm đang của Hạ Ngạch Luân, cả gia tộc đã ngoan cường tiếp tục cuộc sống. Vì để nuôi dưỡng những đứa trẻ, dạy dỗ chúng trở thành những nam tử hán kiệt xuất sau này, Hạ Ngạch Luân ngày đêm lặn lội trên dưới bờ sông Oát Nan, tìm kiếm những đồ ăn như đỗ, lê, quả dại, hẹ núi, hẹ dại …trên đất thì đào rễ cây du, cỏ lưỡi chó … Thiết Mộc Chân hiểu chuyện cùng với những người em của mình uốn kim thành lưỡi câu câu cá, kết lưới bắt cá, đi vớt những con cá nhỏ, cá lớn, chế những cái tên bằng gỗ dùng bắt các loại chuột để giảm bớt gánh nặng cho mẫu thân. May mắn là người hầu Mông Lực Khắc mà Dã Tốc Cai ủy thác trước khi qua đời và cha của ông ta Sát Lạt Hợp đã tận lực giúp đỡ cho họ. Sự trung thành và thiện lương của Mông Lực Khắc cũng ảnh hưởng đến Thiết Mộc Chân. Gia đình Thiết Mộc Chân trong hoàn cảnh khốn khó cũng đã có một chút ấm áp. Sau này Mông Lực Khắc trở thành cha kế của Thiết Mộc Chân, cũng là một công thần khai quốc của đế quốc Mông Cổ, Thiết Mộc Chân luôn nhất mực tôn kính ông.
Qua một giai đoạn thời gian, thủ lĩnh Tháp Nhi Hốt Đài của bộ lạc Thái Diệc Xích Ô lo sợ sau khi Thiết Mộc Chân trưởng thành sẽ trả thù bọn họ, liền đem người đến bắt Thiết Mộc Chân, muốn trừ cỏ tận gốc. Thiết Mộc Chân cưỡi ngựa chạy trốn vào trong rừng rậm, người Thái Diệc Xích Ô liền bao vây chặt khu rừng.
Sau khi trốn ở trong rừng ba ngày, Thiết Mộc Chân định đi ra, nhưng yên ngựa của ông bị rơi mất, kỳ quặc là tấm che ngực vẫn còn nguyên ở đó, đai bụng vẫn còn buộc ở đó, ông cảm thấy điều này có lẽ là ông trời muốn cản trở mình ra ngoài, thế là ông lại quay vào trong rừng, lại đợi ba ngày nữa. Khi lại muốn ra ngoài, ông nhìn thấy cửa ra của khu rừng có một tảng đá to chắn lối, ông tự nói với mình: “Không phải là ông trời ngăn cản ta ra ngoài sao?” Ông bèn quay vào trong rừng ở thêm ba đêm.
Chín ngày trôi qua, Thiết Mộc Chân đã không ăn không uống rồi, cuối cùng ông nghĩ “như thế này im hơi lặng tiếng mà chết đi, chi bằng đi ra ngoài thôi”. Và như vậy ông đi ra ngoài. Ông vừa ra khỏi khu rừng, liền bị người Thái Diệc Xích Ô bắt, bọn họ dùng cùm bằng gỗ khóa ông lại, khiến cho hai tay ông không thể cử động, không có cách nào có thể tự ăn tự uống được, mỗi ngày đều có gia đình khác nhau đến để đảm nhận việc canh chừng ông. Người Thái Diệc Xích Ô còn đưa ông đi khắp nơi thị chúng, hy vọng có thể bẻ gãy ý chí của ông, đồng thời cắt đứt cái tư tưởng nghĩ Thiết Mộc Chân trở thành đế vương của dân chúng.
Nhưng trong những ngày bị giam giữ, Thiết Mộc Chân tuổi còn nhỏ nhưng không chịu khuất phục, mà là chọn cách chịu nhục chịu khổ. Về những ngày bị giam giữ này là bao lâu, tư liệu lịch sử còn chưa rõ ràng, có lẽ thời gian phải đến mấy năm. Sau đó, trong một lần khi người Thái Diệc Xích Ô tổ chức yến tiệc, Thiết Mộc Chân đánh ngất xỉu người canh giữ trẻ tuổi, trốn đi. Vì để tránh người Thái Diệc Xích Ô truy bắt, ông nhanh trí nằm ngửa trốn dưới nước, mặc cho cùm gỗ trôi theo dòng nước, chỉ ló mặt ra ngoài. Sau đó dưới sự giúp đỡ của một người nô bộc tốt bụng đã từng canh gác ông, Thiết Mộc Chân trốn thoát ra ngoài.
Một mặt để có thể khiến cho người của bộ lạc thù địch khiếp sợ, đồng thời nghĩ trăm phương ngàn kế phá vỡ ý chí của họ, mặt khác cũng có thể khiến người của bộ lạc đối địch giúp đỡ, thậm chí cung cấp ngựa, lương thực, Thiết Mộc Chân nhất định phải có điểm gì đặc biệt xuất chúng, ví như sự kiên cường, mà những điểm hơn người của ông sẽ dần dần hiển lộ trong những ngày tháng sắp tới.
Sau khi trốn thoát, Thiết Mộc Chân đã tìm thấy mẹ và các em của mình, cả gia đình cùng đoàn tụ. Cả nhà trốn trong núi Bất Nhi Hãn, dựa vào bắt chuột chũi, chuột đồng để duy trì cuộc sống. Trong thời gian này, Thiết Mộc Chân nhiều lần bị người anh cùng cha khác mẹ Biệt Khắc Thiếp Nhi gây sự, con người trẻ tuổi như ông đã không kìm được tức giận mà giết người anh. Hành động này bị người mẹ Hạ Ngạch Luân vô cùng tức giận, nhưng Biệt Khắc Thiếp Nhi trước khi chết cũng không hề trách ông. Thay vào đó, người anh này hy vọng rằng ông sẽ đối xử tốt với người anh em cùng cha khác mẹ Biệt Lặc Cổ Đài. Thiết Mộc Chân hoàn toàn tỉnh ngộ và từ đó anh em đồng tâm, cùng nhau mưu đồ đại sự. Biệt Lặc Cổ Đài cũng trở thành một khai quốc công thần của Mông Cổ.
Không nghi ngờ gì, cuộc sống khó khăn gian khổ và những ma nạn đã tôi luyện ý chí kiên cường của anh em Thiết Mộc Chân và giúp họ trưởng thành nhanh chóng. Ý chí ấy cũng là một trong những nhân tố quan trọng đã giúp Thiết Mộc Chân quật khởi trên thảo nguyên sau khi trưởng thành.
Tài liệu tham khảo:
Do Zhang Xianyi thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ