Thành Cát Tư Hãn (P.2): Nhân duyên đã định, anh hùng tụ nghĩa – Thiết Mộc Chân quật khởi
Trải qua những năm tháng gian khổ sau khi mất cha, ngoài việc tôi luyện ý chí kiên cường của mình khiến Thiết Mộc Chân có được tính cách kiên trì, thể chất và ý chí mạnh mẽ, sự nhẫn nại hơn người, ông còn đem đến ảnh hưởng như thế nào, có lẽ còn có thể từ câu chuyện nhỏ sau sẽ nhìn ra được.
Xem lại Phần 1: Thành Cát Tư Hãn (P.1): Giáng sinh nơi thảo nguyên, trưởng thành trong tuyệt cảnh
Một ngày khi mới 13 tuổi, Thiết Mộc Chân phát hiện tám con ngựa thiến màu xám bạc ở trước cửa bị người ta lấy mất, liền tức tốc cưỡi một con ngựa kém hơn, lần theo dấu tích đuổi theo. Đuổi ba ngày ba đêm, Thiết Mộc Chân khi ấy vẫn chưa nhìn thấy bóng dáng của ngựa đâu. Buổi sáng ngày thứ tư, Thiết Mộc Chân gặp được một thiếu niên trên lưng ngựa mẹ đang chen chúc trong bầy ngựa, bèn hỏi cậu ta có nhìn thấy đám ngựa màu xám bạc chạy qua không?
Cậu thiếu niên nhìn thấy người này tuy dáng vẻ rất mệt mỏi, nhưng ý chí kiên cường, liền nhiệt tình cho cậu đồ ăn và đổi cho Thiết Mộc Chân một con ngựa tốt, và cùng với cậu đi tìm tám con ngựa kia. Cậu thiếu niên nói với Thiết Mộc Chân mình tên là Bác Nhĩ Thuật. Hai ngày sau, hai người tìm được bầy ngựa, cùng nhau dắt về, hóa ra bị người Thái Diệc Xích Ô lấy cắp. Đối mặt với việc người Thái Diệc Xích Ô truy đuổi, Thiết Mộc Chân không muốn ảnh hưởng đến Bác Nhĩ Thuật, bèn để anh ta đi trước, bản thân mình quay người bắn tên, nghênh chiến. Lúc đó trời đã gần tối, nên đám người đuổi theo đành bỏ cuộc.
Thiết Mộc Chân và Bác Nhĩ Thuật đi ba ngày ba đêm, đến nhà Bác Nhĩ Thuật. Để cảm ơn Bác Nhĩ Thuật, Thiết Mộc Chân biểu thị muốn dành một phần ngựa trong số ngựa tìm được cho cậu ta, nhưng Bác Nhĩ Thuật cũng rất nghĩa khí, nói bản thân mình không cần, anh ta chỉ muốn giúp đỡ bạn tốt của mình. Từ đó Thiết Mộc Chân và Bác Nhĩ Thuật trở thành bằng hữu tốt của nhau, sau này Bác Nhĩ Thuật và Mộc Hoa Lê đều trở thành trợ thủ đắc lực của Thành Cát Tư Hãn, đồng thời cùng với Mộc Hoa Lê, Bác Nhĩ Hốt, Xích Lão Ôn hợp thành “Tứ kiệt Mông Cổ”. Họ cùng nhau lập được nhiều chiến công hiển hách trong các trận chiến chinh phục của Thành Cát Tư Hãn.
Từ câu chuyện nhỏ trên có thể nhìn thấy, Thiết Mộc Chân quả thật có sức hấp dẫn phi thường, có thể khiến một người trong một thời gian rất ngắn tín nhiệm ông và đi theo, điều đó tự nhiên bao gồm sự quả cảm, khí phách hơn người và sự quyết đoán mà ông đã thể hiện.
Dựa vào Vương Hãn liên kết đồng minh đầu tiên.
Năm 1178, Thiết Mộc Chân, 17 tuổi, đến nhà vị hôn thê Bột Nhi Thiếp và cùng với cô kết hôn, sau đó hai người quay về nơi ở của gia đình Thiết Mộc Chân. Theo phong tục trên thảo nguyên, tân nương phải tặng cha mẹ chồng một bộ y phục làm lễ vật. Bột Nhi Thiếp mang tặng là một chiếc áo khoác lông điêu màu đen rất trân quý trên thảo nguyên. Thiết Mộc Chân quyết định dùng chiếc áo quý giá này để khôi phục lại một phần tình hữu nghị của cha trước đây. Ông tìm đến người có thể giúp gia đình mình khôi phục sự hưng thịnh, người đó chính là Vương Hãn của bộ tộc Khắc Liệt Diệc Dịch là Thoát Oát Lân Lặc. Ông ta từng giết chết hai người em và cháu trai của mình để đoạt ngôi vị Hãn, sau nhờ cống nạp cho nước Kim, nên ông được phong là “Vương” gọi là Vương Hãn.
Vương Hãn hồi trẻ cùng với Dã Tốc Cai từng cùng nhau kết làm an đáp, tức kết nghĩa huynh đệ. Dã Tốc Cai giúp đỡ Vương Hãn giành ngôi Hãn, hai người từng kết làm đồng minh, cùng nhau đối phó với các bộ lạc khác. Sau khi Thiết Mộc Chân dẫn hai huynh đệ là Hợp Tát Nhi và Biệt Lặc Cổ Đài đem lễ vật kết hôn của mình dâng lên, ông ta vui vẻ nhận lấy, đồng thời đồng ý giúp đỡ Thiết Mộc Chân xây dựng lại bộ tộc Bột Nhi Chích Cân. Ông nói: “Ta sẽ vì ngươi mang những người thất tán khắp nơi tập hợp lại, để đáp lại việc ngươi đem áo khoác lông điêu đen tặng ta”. Điều đó có nghĩa là Vương Hãn không chỉ đồng ý nhận Thiết Mộc Chân là con nuôi của mình, mà còn sẽ bảo hộ và trợ giúp anh ta. Thiết Mộc Chân kiến lập được đồng minh đầu tiên và cũng là lần đầu tiên sử dụng thành công sách lược của mình.
Sau khi Thiết Mộc Chân được Vương Hãn Khắc Liệt Diệc Dịch chấp nhận, ông đã từ chối đề nghị làm một chức thủ lĩnh nhỏ của ông ta mà quay về gia tộc của mình. Không lâu sau, một người thợ sắt tên là Trát Nhi Xích Ngột Đãi mang con trai Giả Lặc Miệt đến tặng cho Thiết Mộc Chân. Từ khi mới sinh đứa con này, ông đã nói tương lai muốn đem cậu bé tặng làm người hầu cho Thiết Mộc Chân. Cậu bé là thân binh sớm nhất của Thiết Mộc Chân, sau được bổ nhiệm là thị vệ trưởng, luôn sát cánh cùng Thiết Mộc Chân chinh chiến khắp nơi, vô cùng dũng mãnh, cùng với Hốt Tất Lai, Tốc Bất Đài, Triết Biệt hợp xưng “Mông Cổ tứ mãnh”. Trát Nhi Xích Ngột Đãi có thể bồi dưỡng Giả Lặc Miệt được xuất sắc như thế, tặng cho Thiết Mộc Chân, có thể ông đã thấy thân thủ bất phàm của Thiết Mộc Chân. Bác Nhĩ Thuật và Giả Lặc Miệt trở thành hai người trung thành bên cạnh Thiết Mộc Chân sớm nhất.
Lần đầu tham dự tập kích
Thời khắc khảo nghiệm Thiết Mộc Chân đến rất nhanh. Nghe nói Thiết Mộc Chân đã thành hôn, hơn 300 người Miệt Nhi Khất Dịch dưới sự đứng đầu của thủ lĩnh Thoát Hắc Thoát A, xuất phát từ tâm lý muốn báo thù, vào lúc tờ mờ sáng, đột kích vào chỗ ở của gia tộc Thiết Mộc Chân, cướp đi thê tử của Thiết Mộc Chân là Bột Nhi Thiếp. Trong tình trạng bất ngờ không kịp chuẩn bị, Thiết Mộc Chân chỉ còn biết chạy thoát thân, sau đó mưu tính kế hoạch làm thế nào để cứu thê tử. Sau khi nghiên cứu kỹ hình thế thảo nguyên, ông quyết định đem huynh đệ đi tìm Vương Hãn Khắc Liệt Diệc Dịch cầu xin sự giúp đỡ.
Vương Hãn vốn có mối thù truyền kiếp với người Miệt Nhi Khất Dịch đã giữ chữ tín, ông không chỉ đồng ý cung cấp người, ngựa mà còn kiến nghị Thiết Mộc Chân đến nhờ sự giúp đỡ của Trát Mộc Hợp của bộ lạc Trát Chích Lạt Dịch, đề nghị ông ta cùng xuất binh. Gia tộc Trát Mộc Hợp cũng có thù địch với người Miệt Nhi Khất Dịch, vì họ cũng từng bị cướp đoạt người và của cải, mà Trát Mộc Hợp cũng là kết bái tuyên thệ làm huynh kết nghĩa với Thiết Mộc Chân, cũng là dũng sĩ có thực lực tương đối lớn trên thảo nguyên, đang lúc cường thịnh, nghe nói thê tử của Thiết Mộc Chân bị bắt, lại phần nhiều vì lo sợ Vương Hãn lập được công lớn, nên liền đồng ý xuất binh.
Nhóm người của Thiết Mộc Chân cùng Trát Mộc Hợp sau khi dẫn hai vạn người cộng thêm hai vạn người ngựa của Khắc Liệt Diệc Dịch tập hợp xong, đi trước đánh người Miệt Nhi Khất Dịch. Trong trận đột kích lần này, Trát Mộc Hợp có thực lực hùng mạnh đảm nhận làm tổng chỉ huy. Ông đã quy định rõ ràng thời gian, địa điểm tập hợp các cánh quân và đường lối tiến quân của đại quân, phương pháp công chiến, đồng thời đưa ra kỷ luật rõ ràng. Đây cũng là trận tập kích đầu tiên Thiết Mộc Chân tham dự, ông đi theo Trát Mộc Hợp bắt đầu trận chiến đầu tiên trong đời.
Người Miệt Nhi Khất Dịch căn bản không nghĩ đến Vương Hãn của Khắc Liệt Diệc Dịch và Trát Mộc Hợp sẽ xuất binh vì Thiết Mộc Chân, vì thế không có bất kỳ chuẩn bị nào. Cuộc đột kích khiến bọn họ quân lính tan rã, đồng thời trong lúc hoảng loạn chạy trốn khắp nơi. Thiết Mộc Chân cùng với Vương Hãn và Trát Mộc Hợp dẫn đại quân truy đuổi phía sau, cướp hết dê, bò, xe ngựa v.v. Trong đám người chạy tán loạn, ông lớn tiếng kêu to tên của Bột Nhi Thiếp. Bột Nhi Thiếp nghe thấy tiếng của Thiết Mộc Chân, từ trên chiếc xe lớn đang chạy trốn nhảy xuống, hướng về tiếng gọi và tìm được Thiết Mộc Chân.
Lần đột kích vào người Miệt Nhi Khất Dịch này đã giành được thắng lợi trọn vẹn, Thiết Mộc Chân tìm được thê của mình, mà nam nhân của bộ tộc Miệt Nhi Khất Dịch hoặc bị giết chết, hoặc bị làm tù binh, chỉ còn lại phụ nữ người già và trẻ em. Thiết Mộc Chân vì thế bày tỏ lòng cảm ơn đối với Vương Hãn của bộ lạc Khắc Liệt Diệc Dịch và Trát Mộc Hợp. Hai người, Vương Hãn và Trát Mộc Hợp thì thắng lớn trở về.
Nảy sinh mâu thuẫn với Trát Mộc Hợp
Sau khi cứu được Bột Nhi Thiếp, Thiết Mộc Chân dẫn các thành viên gia tộc của mình đi theo Trát Mộc Hợp về phía đông. Ông hy vọng nhờ vào lực lượng của Trát Mộc Hợp, thu nạp về các thuộc hạ cũ của Dã Tốc Cai cha mình, để chấn chỉnh lại bộ tộc. Trên đường đi, Bột Nhi Thiếp sinh hạ con trai đầu lòng của họ Truật Xích.
Trong lúc nói chuyện, Thiết Mộc Chân và Trát Mộc Hợp nhắc đến chuyện cũ trước đây hai người kết an đáp (kết nghĩa huynh đệ). Lần đầu tiên là lúc Thiết Mộc Chân 11 tuổi, hai người kết an đáp, khi đó Trát Mộc Hợp tặng cho Thiết Mộc Chân bễ đá hươu bào, Thiết Mộc Chân tặng lại Trát Mộc Hợp một cái bễ đá đúc đồng. Mùa xuân năm thứ hai, hai người cùng nhau chơi cung gỗ bắn tên, Trát Mộc Hợp lấy cái tù và được làm từ hai sừng của con trâu hai tuổi dính lại tặng cho Thiết Mộc Chân, Thiết Mộc Chân tặng lại cho Trát Mộc Hợp cái đầu đỉnh gỗ bách, hai người họ lại lần nữa kết giao an đáp.
Giờ đây bọn họ đều đã trưởng thành lần thứ ba kết an đáp. Bọn họ công khai nói: “Nghe những người già thời xưa nói: ‘Phàm là kết an đáp rồi, thì chính là cùng một sinh mệnh, không được rời xa nhau, phải sống dựa vào nhau, cùng giúp đỡ nhau’. Đạo lý giữa bạn bè thân thiết là phải như vậy. Bây giờ [hai người họ] làm lại nghi thức an đáp, hai người chúng ta cần phải thân thiết yêu thương lẫn nhau.” Vì thế bọn họ đổi y phục cho nhau, chia sẻ sở thích của nhau, trao đổi đai lưng, tặng cho nhau tuấn mã, đồng thời cùng đắp chung chăn, để biểu thị sự thân thiết của họ là không thể chia cắt.
Trong thời gian một năm rưỡi, Thiết Mộc Chân chấp nhận sự lãnh đạo của Trát Mộc Hợp. Trong các bộ lạc gồm mấy chục nghìn người do Trát Mộc Hợp thống soái, cũng có một số thuộc hạ cũ của Dã Tốc Cai. Đối với người đã có ảnh hưởng lớn trên thảo nguyên như Trát Mộc Hợp mà nói, tuyệt đối sẽ không vì tình nghĩa huynh đệ mà chủ động đưa các thuộc hạ cũ của Dã Tốc Cai trả về cho Thiết Mộc Chân. Khi Thiết Mộc Chân ý thức được điểm này, ông đành phải dựa vào nỗ lực của bản thân, đi kết giao với các nhân sĩ hào kiệt, đồng thời cùng với bọn họ đàm luận về hình thế hiện tại và tiền đồ của người Mông Cổ. Trong khi nói chuyện, ông thể hiện ra chí lớn muốn cứu nước cứu dân, tức là lập nên một đế quốc Mông Cổ lớn mạnh có tiền đồ tươi sáng, khiến cho các bộ lạc của Mông Cổ có thể tự do du mục. Những hành động của Thiết Mộc Chân tự nhiên khiến Trát Mộc Hợp cảnh giác, nhưng Trát Mộc Hợp lại không có tài hiểu được người khác và thiện dụng họ.
Dần dần, Trát Mộc Hợp không coi Thiết Mộc Chân là người đã kết an đáp nữa, mà coi địa vị của ông thấp như những người tùy tùng của mình. Biểu hiện rõ nhất là trung tuần tháng 5 năm 1181, khi di chuyển doanh trại, Trát Mộc Hợp dùng phương thức tỉ dụ (người chăn ngựa và người chăn dê mỗi người có một môi trường thích hợp riêng, nên phân ra thì thuận tiện hơn), uyển chuyển ám thị với Thiết Mộc Chân rằng hai người nên phân ra để có tiền đồ riêng, như vậy tiện cho cả hai bên. Mới đầu Thiết Mộc Chân hoàn toàn không hiểu ý tứ của Trát Mộc Hợp, nhưng sau khi được Bột Nhi Thiếp thông minh giải thích cho, thì ông cũng bắt đầu hiểu ra.
Thiết Mộc Chân liền dẫn theo một số người đi theo lên đường suốt đêm, rời khỏi Trát Mộc Hợp, tiến về phía đông của núi Bất Hãn Nhi, là nơi sinh ra ông để lập nghiệp. Trong số những người đi theo, có rất nhiều người là thuộc hạ cũ của Dã Tốc Cai. Trát Mộc Hợp hoàn toàn không cho người đuổi theo, có lẽ cũng là do không để tâm, suy cho cùng thì thế lực của bản thân ông quá mạnh. Sự rạn nứt trong quan hệ của hai người phát triển trở thành cuộc chiến tranh trường kỳ giữa hai bên. Khi rời khỏi Trát Mộc Hợp, Thiết Mộc Chân mới có 19 tuổi, nhưng từ đó ông bắt đầu thu hút được rất nhiều người đi theo, và xây dựng cơ sở quyền lực của mình.
Thần thị hiện rằng Thiết Mộc Chân trở thành quốc chủ.
Danh tiếng của Thiết Mộc Chân đã được rất nhiều người trong các bộ lạc Mông Cổ khắp thảo nguyên biết đến. Không chỉ các thuộc hạ cũ của Dã Tốc Cai lần lượt về quy thuận, người của các bộ lạc khác cũng được Thần trên trời thị hiện cho, nên đều đến để nương nhờ.
Ví như Khoát Nhi Xích, người có cùng tổ tiên với Trát Mộc Hợp, đã từng dự ngôn về Thiết Mộc Chân có thiên mệnh, nói: “Chúng ta lẽ ra không nên rời xa Trát Mộc Hợp. Nhưng Thần đã giáng lâm nói cho ta, khiến cho ta tận mắt nhìn thấy. Có một con bò mẹ màu trắng vàng đi quanh Trát Mộc Hợp, húc vào nhà xe, húc xô vào Trát Mộc Hợp, húc gãy một cái sừng, chạy làm tung bụi đất, hướng về phía Trát Mộc Hợp gào thét liên hồi: ‘Trả sừng lại cho ta!’ Lại có một con bò đực màu trắng vàng không có sừng kéo cái cột của phòng trướng, từ phía sau Thiết Mộc Chân đi theo đường xe ngựa đến, gào lớn: ‘Trời đất đã bàn bạc xong rồi, để Thiết Mộc Chân làm quốc chủ, ta mang quốc gia đến đây rồi!’ Đây là Thần chỉ thị cho ta, khiến cho ta tận mắt nhìn thấy.”
Thần đã khải thị và tuyên bố Thiết Mộc Chân mang theo thiên mệnh mà đến như vậy. Những hào kiệt trên thảo nguyên tin tưởng câu chuyện đó, nghe nói Thiết Mộc Chân hiểu biết sâu rộng, trí huệ và tính toán sâu xa, có khí phách lớn, có thể thành tựu sự nghiệp lẫy lừng, họ đều mang theo tài sản cùng với thủ hạ tụ tập dưới trướng của Thiết Mộc Chân. Thiết Mộc Chân cũng chân tình đối đãi, kết giao và trọng dụng những chí sĩ này. Để thành đại nghiệp cần nhất là nhân tài, Thiết Mộc Chân đang đặt định cơ sở cho sự nghiệp của mình.
Được ủng hộ trở thành Khả Hãn
Trong những năm tháng tiếp theo, với hoài bão lớn lao, Thiết Mộc Chân dần dần quy tụ được những người thân thích và các thuộc hạ trước kia bị thất tán của bộ tộc, đồng thời thu hút nhiều hào kiệt hơn về đầu quân và làm lớn mạnh lực lượng của mình. Do huynh đệ của Thiết Mộc Chân đều tài giỏi chinh chiến, vì thế liên tục giành được thắng lợi trong các cuộc chiến với các bộ lạc nhỏ khác. Dưới trướng của ông đã có sáu, bảy bộ lạc Mông Cổ, thuộc hạ có đến hàng vạn. Đồng thời vào lúc đó, Trát Mộc Hợp cũng ra sức mở rộng thế lực trên thảo nguyên.
Sau khi rời khỏi Trát Mộc Hợp được tám năm, tức mùa hè năm 1189, Thiết Mộc Chân và những người theo ông ở trên thảo nguyên gần chân núi “Hình Tim” bên cạnh hồ nước xanh, mở hội nghị Hốt Lý Lặc Đài. Hốt Lý Lặc Đài là hội nghị sự giữa các bộ tộc của Mông Cổ cổ đại, tộc Đột Quyết và liên minh các bộ tộc, dùng cho việc đại sự như đề cử thủ lĩnh, quyết định việc chinh chiến, phân bố pháp lệnh, v.v. Có học giả gọi đây là “Quốc hội” của Mông Cổ. Nó đã có vai trò đảm nhận vai diễn quan trọng trong những năm tháng tương lai.
Trong hội nghị lần này, tài năng mới xuất hiện, có chút thành tích Thiết Mộc Chân chính thức được các quý tộc họ Khất Nhan trong hội nghị ủng hộ làm “Khả Hãn” của toàn Mông Cổ. Năm đó Thiết Mộc Chân mới có 27 tuổi.
Sau khi Thiết Mộc Chân trở thành Khả Hãn, bắt đầu bổ nhiệm quan viên, bố trí cơ cấu. Đại trướng có tính tổng hợp của Khả Hãn, được coi là trung tâm thống trị của bộ lạc, tức là bộ thống soái hợp nhất cả quân sự và chính trị, gọi là “Oát Nhĩ Đóa”. Thiết Mộc Chân còn giao cho “Oát Nhĩ Đóa” nhiệm vụ phân chia chức vụ cho những người đi theo mà ông tín nhiệm, phân thành đội mang cung tên, đội mang đao, đội đánh xe, đội lo việc ăn uống, đội chăn dê, chăn ngựa, đội sửa chữa xe cộ và đội hộ vệ cung trướng, tổng cộng 10 chức vụ. Người phụ trách quản lý chung gọi là quan Đại Đoạn Sự, người phụ trách văn thư gọi là Tất Đô Xích, người phụ trách hậu cần gọi là Bảo Ngột Nhi Xích… Trước kia phần lớn các thành viên của Oát Nhĩ Đóa trong các bộ lạc trên thảo nguyên là do người thân và quý tộc của Khả Hãn đảm nhận, nhưng Thiết Mộc Chân lại cải biến cơ cấu của tổ chức này, tức là căn cứ vào năng lực và mức độ trung thành của từng cá nhân mà không cần cùng huyết thống để đề bạt thành viên.
Ông còn xây dựng một đội hộ vệ tinh anh gồm 150 người, hộ vệ khu vực xung quanh cung trướng của ông, giữ an toàn cho ông. Chức trách của đội hộ vệ giao cho những người em vừa khôi ngô vừa cường tráng Hợp Tát Nhi, Bác Nhĩ Thuật và Giả Lặc Miệt là thị vệ trưởng. Trông coi súc vật là người em cùng cha khác mẹ Biệt Lặc Cổ Đài. Không còn nghi ngờ, dưới sự quản lý của Thiết Mộc Chân, cơ cấu hành chính của các bộ lạc Mông Cổ khi đó đã thể hiện những trạng thái manh nha.
Khi được đề cử làm Khả Hãn, Thiết Mộc Chân ý thức được rõ ràng năng lực của bản thân còn hạn chế. Để thể hiện cử động lần này của mình hoàn toàn không phải khiêu chiến Vương Hãn của Khắc Liệt Diệc Dịch, ông sai sứ giả đến chỗ Vương Hãn giải thích, đồng thời biểu thị bản thân vẫn sẽ trung thành với ông ta. Vương Hãn tuy không muốn nhìn thấy người Mông Cổ thống nhất, nhưng nhận thấy tình thế vẫn còn nằm trong khả năng không chế của mình, bèn chấp nhận lời giải thích của Thiết Mộc Chân. Tuy nhiên, Trát Mộc Hợp kiên quyết cự tuyệt việc chấp nhận Thiết Mộc Chân là Khả Hãn của toàn thể dân tộc Mông Cổ, ngược lại còn quyết định dạy cho ông một bài học. Từ đó Khả Hãn Thiết Mộc Chân bước vào những năm tháng giành quyền tối cao trên thảo nguyên.
Zhang Xianyi biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ