Nữ hoàng thảo nguyên – Giám quốc công chúa của Thành Cát Tư Hãn
Sinh ra là một công chúa, đặc biệt lại là con gái của gia tộc hoàng kim Thành Cát Tư Hãn, cuộc đời của A Lạt Hải được định trước là không tầm thường. Khi bà đội lên đầu chiếc mũ Cổ cổ quan (mũ chóp cao và dài dành cho phụ nữ quý tộc Mông Cổ), khoác lên mình áo cưới ngũ sắc, bước chân vào vùng đất Uông Cổ bộ thì truyền kỳ về cuộc đời của A Lạt Hải mới bắt đầu.
Viên Minh châu trên lưng ngựa
Bột Nhi Chỉ Cân A Lạt Hải Biệt Cát là tên đầy đủ của bà. Bột Nhi Chỉ Cân là họ của gia tộc, Biệt Cát là phong hiệu, ý nghĩa tương đương với công chúa hoặc vương phi. A Lạt Hải là con gái thứ ba của Thành Cát Tư Hãn và Hoàng hậu Bột Nhi Thiếp, mang trong mình huyết thống cao quý của một gia tộc hoàng kim, theo lẽ tất nhiên bà sẽ là người con gái may mắn, quý như vàng ngọc và được yêu thương muôn vàn nhất trên đời này.
Tuổi thơ của người con gái này phần lớn trải qua trong thời chiến loạn. Lúc đó phụ Hãn của cô là Thiết Mộc Chân, chưa có tôn hiệu, ông vì để thống nhất các bộ lạc của Mông Cổ mà chiến đấu quanh năm suốt tháng. Mông Cổ là một dân tộc trên lưng ngựa, do vậy công chúa Mông Cổ là viên minh châu sáng chói trên lưng ngựa. A Lạt Hải chính là người con gái quý tộc trưởng thành trên lưng ngựa.
Tam công chúa cũng giống như tất cả những người Mông Cổ khác, từ nhỏ đã được học những kỹ năng cưỡi ngựa bắn tên, được tôi luyện dưới thời tiết khắc nghiệt. Hơn hết, với thân phận là một công chúa, A Lạt Hải càng cần phải nắm vững những năng lực lãnh đạo cơ bản về xử lý quân sự chính trị, quản lý binh sĩ v.v… Vài năm sau, A Lạt Hải đã trở thành một thiếu nữ duyên dáng yêu kiều. Thiết Mộc Chân đã ban cho cô một ý chí kiên cường hơn cả sắt thép, Bột Nhi Thiếp ban cho cô một phẩm chất thông tuệ sáng suốt, đằng sau dung nhan xinh đẹp kiều diễm của tam công chúa ẩn chứa một tâm hồn nghị lực quả cảm không thua kém các bậc đại trượng phu.
Truyền kỳ của cô thật sự bắt đầu vào khoảng thời điểm giao mùa xuân hạ của năm 1204. Trận chiến cuối cùng với Thái Dương Hãn của bộ Nãi Man và đại nghiệp thống nhất Mông Cổ của phụ Hãn Thiết Mộc Chân đã đi đến bước cuối. Lúc này, trên thảo nguyên có ba bộ lạc lớn hình thành thế chân vạc, phía đông là các bộ Mông Cổ của Thiết Mộc Chân, phía Tây là Nãi Man bộ của Thái Dương Hãn, phía Nam là Uông Cổ bộ do A Lạt Ngột Tư thống trị.
Uông Cổ bộ là hậu duệ của Đột Quyết, quanh năm thần phục nhà Kim. Họ đời đời sinh sống ở nơi giao giới giữa trung nguyên và phía bắc thảo nguyên, chiếm cứ pháo đài Âm Sơn, canh giữ giới hào cho người Kim và chống lại sự tấn công của các bộ tộc phương bắc như Mông Cổ, Nãi Man v.v. Cùng với sự thay đổi về thực lực của Mông Cổ và nhà Kim, Uông Cổ bộ dần dần tách khỏi nhà Kim, trở thành mục tiêu lôi kéo của các lực lượng phe cánh trên thảo nguyên.
Thái Dương Hãn là người đầu tiên có hành động. Ông phái sứ giả đến Uông Cổ bộ du thuyết với A Lạt Ngột Tư: “người Mông Cổ ở phía đông quá ngạo mạn, xin ngài phối hợp với tôi cùng xuất binh tiến đánh bọn họ. Ngài làm cánh hữu, tôi làm cánh tả, từ nơi này xuất binh, hai bộ lạc chúng ta cùng bao vây Mông Cổ, cướp hết cung tiễn của bọn họ”.
A Lạt Ngột Tư cũng không phải là người tầm thường, ông ngay lập tức cự tuyệt lời thỉnh cầu của Nãi Man và đuổi sử giả ra về. Đồng thời nhanh chóng phái người báo tin cho Thiết Mộc Chân, dặn dò ông ta rằng: “Tuyệt đối đừng để kẻ địch cướp đi cung tiễn của ngài”. Thiết Mộc Chân lúc đó đang đi săn cùng với các dũng sĩ dưới trướng của mình, sau khi nghe tin thì lập tức triệu tập bộ tướng và thân tín. Mọi người cùng ngồi xuống đất ngay tại trường săn bắt cùng nhau thương lượng đối sách.
Thiết Mộc Chân mở lời: “Mọi người nói xem phải làm thế nào đây?”. Số đông đều không muốn xuất binh với lý do là chiến mã quá gầy yếu. Em trai của Thiết Mộc Chân lại thuộc phái chủ chiến, chủ trương làm tốt công tác phòng ngự bên Nãi Man bộ trước, sau đó phát động tập kích bất ngờ, nhất định có thể thuận lợi chiến thắng. Ông còn khích lệ mọi người rằng: “Tay cầm cung tên, đầu gối ống tên, không màn sống chết thì mới là nam nhi chân chính!”
Thiết Mộc Chân hết sức tán thưởng, lập tức chỉnh đốn binh mã, điều binh khiển tướng. Trước khi xuất chinh, ông đích thân đến Uông Cổ bộ cùng với Thủ lĩnh A Lạt Ngột Tư kết thành “An Đạt – Hốt Đạt”, hai bộ lạc lớn thuận lợi kết thành liên minh lớn mạnh, chuẩn bị cho Nãi Man một đòn chí mạng.
An Đạt, trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là huynh đệ; Hốt Đạt nghĩa là thông gia. A Lạt Ngột Tư có cặp mắt tinh đời, sớm đã quyết tâm theo Thiết Mộc Chân chiến đấu; về phần Thiết Mộc Chân cũng rất xem trọng người đồng minh thân thiết như huynh đệ này, cùng với việc có được vị trí chiến lược được trời ưu ái của Uông Cổ bộ, vì vậy mà chuẩn bị kết thông gia với Uông Cổ bộ, củng cố quan hệ của hai bộ lạc lớn.
Trong 5 người con gái thuộc dòng trưởng của Thiết Mộc Chân, ông lựa chọn A Lạt Hải, là công chúa đang trong độ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất và cũng là người tài năng nhất.
Khảo nghiệm sinh tử của công chúa mới kết hôn
Trước ánh mắt hiền từ yêu thương nhưng cũng không nỡ của phụ Hãn, A Lạt Hải không ngại ngùng cũng không do dự, giống như cái cách mà thường ngày hai cha con vẫn thường nghị luận về các việc chính sự của bộ lạc, cô bình tĩnh gật đầu chấp nhận hôn sự này. A Lạt Hải biết rất rõ rằng cuộc hôn nhân lần này có liên quan đến sinh tử tồn vong của Mông Cổ. Chỉ khi có được sự ủng hộ và trung thành của Uông Cổ bộ thì đại nghiệp thống nhất Mông Cổ mới ở trong tầm tay; hơn nữa một khi Uông Cổ bộ quay ra đầu hàng Nãi Man bộ thì đó sẽ là đại nạn của Mông Cổ.
A Lạt Hải ấy không phải là người con gái bình thường. Sinh ra là công chúa, đặc biệt lại còn là con gái của hoàng kim gia tộc Thành Cát Tư Hãn, cuộc đời này của cô được định sẵn là không tầm thường. Từ nhỏ được tiếp nhận sự cung dưỡng và kính yêu của muôn dân, vì vậy A Lạt Hải cũng phải có trách nhiệm bảo vệ che chở cho họ.
Người được chọn làm phò mã là Bất Nhan Tích Ban, là người thừa kế thủ lĩnh và cũng là trưởng tử của A Lạt Ngột Tư, đó là một thiếu niên kiệt xuất cả về tuổi tác, tướng mạo và phẩm chất đạo đức đều rất xứng đôi với A Lạt Hải. Ngoại trừ việc phải thành lập liên minh, thì đây có lẽ cũng là lựa chọn tốt nhất mà Thiết Mộc Chân có thể làm cho công chúa.
Là một công chúa thuộc hoàng kim gia tộc thì bất luận thành hôn với ai thì đều là “ Hạ giá”. Vì tình yêu thương dành cho A Lạt Hải và cũng vì cống hiến của cô đối với Mông Cổ, Thiết Mộc Chân đã tổ chức cho cô một hôn lễ long trọng. Chiếc mũ Cổ cổ quan được nạm khảm san hô, ngọc lam và những bảo thạch quý báu khác, rũ xuống chuỗi ngọc trân châu dài; các sợi dây sắc màu đan xen nhau, thêu đầy những hoa văn cát tường như mây trôi, hạnh hoa, thạch lựu v.v…, Chiếc váy dài rộng buông xõa xuống mặt đất. Dưới sự vây quanh của các thị nữ, A Lạt Hải lộng lẫy bước ra khỏi cung điện nơi cô sống từ nhỏ đến lớn.
Người dân bộc tộc Mông Cổ ca hát nhảy múa tưng bừng để chúc mừng hôn lễ này, A Lạt Hải càng cảm nhận rõ hơn về trách nhiệm nặng nề trên vai mình. Cô nhìn về phía trước, bước đi từng bước thật kiên định và không hề quay đầu nhìn lại. Mẫu thân Bột Nhĩ Thiếp phu nhân của cô dùng thìa gỗ “sát sát nhĩ” múc sữa ngựa trắng tinh khiết rồi hất tung lên bầu trời. Đây là nghi thức cầu phúc của người mẹ Mông Cổ tổ chức cho con gái khi xuất giá, hi vọng cô giữ vững tâm hồn thuần khiết, tránh xa bóng tối và tội lỗi.
A Lạt Hải công chúa xinh đẹp oai hùng đặt chân lên lãnh địa của Uông Cổ bộ. Đôi vợ chồng trẻ, tân hôn yến nhĩ, A Lạt Hải cùng chồng là Bất Nhan Tích Ban ở lại trông giữ bản doanh, thủ lĩnh A Lạt Ngột Tư dẫn quân xuất phát, cùng Thiết Mộc Chân chinh phạt Nãi Man. Chiến sự tiến hành rất thuận lợi, A Lạt Hải nhanh chóng nhận được tin thắng trận của hai bộ lạc lớn.
Tai nạn và nguy hiểm lại ập đến vào đúng thời khắc mà mọi người đáng ra nên phải vui mừng. Người Uông Cổ đối với việc quy thuận Mông Cô từ lâu đã xảy ra bất đồng, những quý tộc phản đối việc liên minh đã nhân cơ hội A Lạt Ngột Tư xuất chinh mà phát động chính biến, bọn họ trước tiên ám sát Bất Nhan Tích Ban, sau đó lại tập kích A Lạt Ngột Tư vốn đang nóng lòng quay về và không hề có sự phòng bị. Họ còn muốn đuổi cùng giết tận, trắng trợn truy bắt gia quyến và thân tín của A Lạt Ngột Tư.
Và tất nhiên cũng bao gồm tân nương tử đến từ Mông Cổ – A Lạt Hải, có lẽ họ càng căm thù cô công chúa Mông Cổ này hơn, vì suy cho cùng thì sự xuất hiện của cô đã thúc đẩy liên minh mạnh mẽ giữa hai bộ lạc. Chỉ trong một đêm, cuộc đời của A Lạt Hải rơi xuống đáy vực, cô liên tiếp mất đi hai người thân nhất, bản thân cũng lâm vào cảnh nguy hiểm trùng trùng, bất cứ lúc nào cũng có thể gặp họa sát thân.
Cô không còn thời gian để khóc nữa, ở trong lều trại của A Lạt Ngột Tư còn có người vợ A Lí Hắc, đứa con trai nhỏ Bột Yếu Hợp và người cháu Trấn Quốc đang trong hoảng loạn sợ hãi. Bọn họ cũng chính là những người thân còn lại của A Lạt Hải tại Uông Cổ bộ, A Lạt Hải tuy cũng chỉ là một đứa trẻ mới lớn, nhưng thời khắc này cô bắt buộc phải trở nên mạnh mẽ thì mới có thể trở thành chiếc ô bảo hộ họ họ, tìm cơ hội sống cho tất cả mọi người.
Cô gái trẻ chưa đến 20 tuổi ấy đã thật sự thành công đưa những con người yếu đuối đó thoát khỏi sự truy sát. Trong truyền thuyết của người Ấn Độ, A Lạt Hải dẫn theo 3 người thân bên nhà chồng, đầu tiên họ gặp được một người gác cổng thành tốt bụng, ông bất chấp nguy hiểm bản thân, dùng dây thừng cột họ lại rồi đưa ra khỏi thành, sau đó họ đi qua mật đạo trong núi rồi thuận lợi thoát ra ngoài.
Mặc dù chúng ta không cách nào biết được tình hình chi tiết về cuộc chạy trốn của A Lạt Hải, nhưng có thể chắc chắn một điều rằng A Lạt Hải đã đối diện với khảo nghiệm gay gắt đầu tiên trong đời, nhờ vào sự mưu trí và dũng cảm hơn người cô đã bảo vệ được những người thân của mình, đưa họ bình an vượt qua một đêm kinh hoàng. Rời khỏi Uông Cổ bộ, A Lạt Hải cũng không đến vùng thảo nguyên phía bắc của đại mạc là nơi của phụ thân Thiết Mộc Chân để nhờ cậy, mà cát bụi dặm trường tiến về phương Nam chạy đến châu Vân Nam.
Nữ hoàng thảo nguyên
Thiết Mộc Chân sau khi hay tin đã phái binh dẹp tan nội loạn ở Uông Cổ bộ, đưa con gái yêu quay trở về Uông Cổ bộ. Lúc này tình hình chung trong bộ lạc đã yên ổn, A Lạt Hải sau khi chiến thắng trở về thì càng trở nên mạnh mẽ và quả đoán hơn, cô còn có thêm một thân phận khác nữa đó là người chưởng quản thật sự của Uông Cổ bộ.
Do vị trí địa lý đặc thù, Uông Cổ bộ trở thành đường thông lớn liên kết trung nguyên với vùng thảo nguyên phía bắc của sa mạc, những vật phẩm mà dân tộc phương bắc cần như tơ lụa, lá trà, lương thực v.v… đều được vận chuyển ngang qua Uông Cổ bộ để đến đại mạc, tộc Mông Cổ dần dần hướng đến thời kì hưng thịnh, Uông Cổ bộ cũng theo đó mà trở nên phồn vinh. Đằng sau tất cả những điều này không thể tách rời sự quản lý và trấn giữ của A Lạt Hải.
Tuy nhiên ý nghĩa của A Lạt Hải đối với Mông Cổ và toàn bộ vùng thảo nguyên không chỉ dừng lại ở đó. Trong “ Nguyên sử” có một đoạn ngắn được ghi chép lại miêu tả một cách ít ỏi về A Lạt Hải: “ minh duệ hữu trí lược. Xa giá chinh phạt tứ xuất, thường sử lưu thủ. Quân quốc đại chính, tư bẩm nhi hậu hành, sư xuất vô nội cố chi ưu, công chủ chi lực cư đa”.
Ý nghĩa là, A Lạt Hải thông minh trí tuệ, trong lúc Thành Cát Tư Hãn chinh chiến tứ xứ thì A Lạt Hải ở lại trông coi thảo nguyên, nắm giữ đại quyền về quân sự và chính trị của hậu phương Mông Cổ. Tất cả sự việc đều bắt buộc bẩm cáo và trưng cầu chỉ ý của công chúa, rồi mới được phép thực thi. Thành Cát Tư Hãn chinh chiến nơi xa mà không cần phải lo lắng về sau, công lao của công chúa rất to lớn.
Khi A Lạt Hải quay trở lại Uông Cổ bộ, Thiết Mộc Chân được bầu chọn làm Đại Hãn “Thành Cát Tư Hãn” của toàn bộ Mông Cổ, Uông Cổ bộ trở thành một trong những thuộc địa của Mông Cổ. Để báo đáp lòng trung thành của A Lạt Ngột Tư, Thành Cát Tư Hãn truy phong cho ông là Cao Đường Vương, vợ của ông là Cao Đường Vương Phi, người cháu Trấn Quốc là “Bắc Bình Vương”, đồng thời ban thưởng nhiều tài vật phong phú. Con trai nhỏ Bột Yếu Hợp của ông vì tuổi còn nhỏ, vẫn chưa có chiến công gì, nên Thành Cát Tư Hãn khi xuất chinh đều đặc biệt dẫn cậu theo bên mình, để cậu có thể nhanh chóng lập công xưng vương.
Thành Cát tư Hãn cử hành hôn lễ long trọng thứ 2 cho A Lạt Hải để cô cải giá thành hôn với Tân Vương Chấn Quốc. Sau khi xử lý các công việc lớn nhỏ ở Uông Cổ và toàn bộ Mông Cổ xong, Thành Cát Tư Hãn lên kế hoạch tiếp tục sự nghiệp to lớn mở mang bờ cõi. Do đó, một trong bốn nhân vật kiệt xuất nhất là Mộc Hoa Lê trở thành đại nguyên soái đánh Kim, tiến đánh nhà Kim ở phía Nam, Thành Cát Tư Hãn thì tiến quân về hướng Tây tiến đánh Khwarezmia. Ông ban cho Mộc Hoa Lê quyền lực hành chính tương đương với một vị hoàng đế, tuy nhiên trong đế quốc Mông Cổ, Mộc Hoa Lê “quốc vương” vẫn phải tuân theo mệnh lệnh của một người quyền cao chức trọng khác, đó chính là tam công chúa A Lạt Hải Biệt Cát.
Trước khi xuất chinh về phía Tây, Thành Cát Tư Hãn đặc biệt phong A Lạt Hải làm “ Giám quốc công chúa”, đồng thời ban đại ấn đồng thau cho cô. Ấn đồng này được khai quật vào năm 1958, dài 108 milimet, rộng 107 milimet, cao 63 milimet, nặng 1400 gam, ấn văn được khắc nổi bằng thể chữ triện, ở trên viết: “ Giám quốc công chúa hành tuyên sai Hà Bắc đô tổng quản chi ấn”, vỏn vẹn 14 chữ Hán, nói lên một cách ngắn gọn nhưng rõ ràng về thời khắc sáng chói nhất trong cuộc đời của A Lạt Hải.
Chức vụ “Giám quốc” thường là chỉ việc thái tử sẽ ở lại trông coi quốc đô và nắm giữ đại quyền triều chính khi quân chủ vắng mặt. Chữ “hành” trên ấn văn ý nghĩa là kiêm nhiệm, “Hà Bắc” ý chỉ phía Bắc sông Hoàng Hà, tương đương với Sơn Tây và Hà Bắc thuộc khu vực phía Bắc Hoa Bắc ngày nay, dưới thời kỳ của A Lạt Hải, vùng Hà Bắc ở trong thời điểm diễn ra cuộc giao chiến giữa Mông Cổ và nước Kim. Nội dung của ấn văn cho thấy rõ rằng A Lạt Hải không những nắm giữ đại quyền giám quốc, mà còn là tổng thống lĩnh của của các đội quân Mông Cổ từ các hướng về khu vực Hoa Bắc.
Hãy thử nghĩ, phụ thân vĩ đại cùng với đại tướng đang chiến đấu trên tiền tuyến, công chúa thông minh sắc sảo ở lại trông coi bản doanh, tựa như một vị nữ hoàng quản lý đế quốc và bảo vệ người dân trong bộ tộc của mình vậy, điều này cần phải có một ý chí mạnh mẽ và một sự quyết đoán nhạy bén nhường nào, cùng với một năng lực chấp chính phi phàm thì mới có thể cai quản một cách có trật tự một đế quốc kiểu mới có tốc độ khuếch trương nhanh chóng như vậy.
Điều đáng tiếc là, trong các sử liệu có rất ít ghi chép về quá trình giám quốc huy hoàng này của A Lạt Hải. Chỉ có một ít lẻ tẻ các ghi chép có thể cho chúng ta những hiểu biết sơ lược về phong thái của giám quốc công chúa. Trong “ Lý Thuyên Truyền” của “Sơn tây Thông Chí” ghi rằng: CN 1219, A Lạt Hải với tư cách là “Giám quốc công chúa” đã điều động Hành tỉnh Bất Hoa thu phục Hà Đông, bổ nhiệm Lý Thuyên làm tả giám quân Phần Châu
Trong “Phồn Trì Vương thị thế đức bi” có đề cập đến Vương Triệu và Lưu Hội sau khi quy thuận thống binh chủ soái, được phong quân chức, sau cùng vẫn cần đến A Lạt Hải chính thức bãi chức quan cũ và thăng lên một cấp bậc mới.
“Nguyên Sử” ghi chép lại rằng, Mộc Hoa Lê đóng quân ở Thanh Trủng, A Lạt Hải phái sứ giả đến khao thưởng tướng sĩ; Vương Tiếp từng phụng mệnh của giám quốc công chúa nhậm chức trung đô tỉnh.
A Lạt Hải không chỉ chưởng quản chính sự của Uông Cổ bộ, mà còn có thể hạ ý chỉ cho các quan viên địa phương, bảo đảm sự cấp dưỡng hậu phương cho đại quân đánh nhà Kim, có thể thấy rằng quyền lực của công chúa tại Mông Cổ rất lớn, khởi tác dụng rất quan trọng đối với sự phát triển của Uông Cổ bộ và đế quốc Mông Cổ.
Phẩm chất tốt đẹp của cái nắp khiến “lão thần tiên” thán phục
Khâu Xứ Cơ- một trong “Toàn Chân thất tử” từng nhiều lần trải qua muôn vàn gian khổ để đến Mông Cổ bái kiến Thành Cát Tư Hãn, đem văn hóa đạo gia tu hành trường sinh truyền đến vùng thảo nguyên Tây Bắc xa xôi. Khâu Xứ Cơ vì vậy rất được Thành Cát Tư Hãn xem trọng, được tôn là “Thần tiên”. Trong một bức tấu thư mà ông viết cho Thành Cát Tư Hãn có đề cập đến một câu chuyện kỳ lạ có liên quan đến A Lạt Hải.
Có một lần, Khâu Xứ Cơ tham gia một buổi yến tiệc mừng chiến thắng, nhìn thấy các tướng sĩ Mông Cổ dùng đầu lâu làm ly rượu, lấy roi đánh các tù binh để tiêu khiển mua vui, vì muốn cảnh cáo mọi người, ông bèn lấy ra một cái ấm đem theo bên mình. Ông hỏi mọi người rằng: “Các vị tướng lĩnh cho rằng bộ phận nào của cái ấm này là quan trọng nhất? , có người đáp rằng là thân ấm, nó chứa đựng tài nguyên, là thực dụng nhất; có người thì nói là vòi, vì nó dẫn dòng nước, muốn rót tới đâu thì rót tới đó; có người thì nói là cái tay cầm, nó điều khiển việc chế nước, hợp với lòng người nhất.
A Lạt Hải lúc này đang ngồi ở giữa yến tiệc đột nhiên lên tiếng: “ Cái nắp là quan trọng nhất. Nó lúc nào cũng cần cù siêng năng, ấm rỗng thì phải mở nắp, ấm đầy thì đậy lại. Nếu ấm trà có thể chứa cả càn khôn thì đầu tiên cần phải mở nắp trước”, công chúa nhân đây nói đến chính sách trị quốc của Mông Cổ. “Mông Cổ chúng ta tuy có tấm lòng của thân ấm, có tâm hồn của vòi ấm, có sức mạnh của tay cầm ấm, nhưng vấn đỉnh trung nguyên, kiến lập đế quốc thì nhất định phải học tập phẩm chất tốt đẹp của nắp ấm, đây mới là việc khẩn cấp trước mắt”
Khâu Xứ Cơ nghe xong, quả là khiến người ta chấn động, có thể xem như là “ lời răn dạy tu thân trị quốc bình thiên hạ”. Ông cảm thấy vui mừng thay cho Thành Cát Tư Hãn vì có một cô con gái hiểu sâu đại nghĩa như vậy, đặc biệt tấu thỉnh gia phong cho A Lạt Hải Biệt Cát là “Hồ Cái (Nắp ấm) công chúa”, để biểu dương phẩm chất tốt đẹp mà công chúa đề xuất.
Còn trong cuộc sống, A Lạt Hải cũng yêu cần chính bản thân mình như vậy. Sau khi người chồng thứ hai qua đời, A Lạt Hải vì tiền đồ của Uông Cổ bộ, đã cải giá thành hôn với Bột Yếu Hợp, một người nhỏ hơn cô rất nhiều tuổi. Giữa hai người không có con chung, A Lạt Hải tuyển chọn thê thiếp trẻ tuổi cho chồng, đồng thời yêu thương con của những thê thiếp đó như con của mình.
Bất luận là tề gia hay là trị quốc thì trong lòng của A Lạt Hải nghĩ đến trước nay không phải là vinh nhục được mất của bản thân, mà chính là dùng một tấm lòng rộng lớn để đối mặt và bao dung với hết thảy mọi thứ, cống hiến cả đời mình cho nhà chồng và cho cả toàn bộ Mông Cổ. A Lạt Hải Biệt Cát, một hình ảnh đẹp mà mơ hồ trong lịch sử, nhưng chỉ dựa vào những câu chuyện của mình đã tỏa ra ánh sáng rực rỡ về thân phận nữ hoàng thảo nguyên của mình.
Tư liệu tham khảo: “Mông Cổ bí sử”, “Nguyên sử”, “Tân Nguyên sử”, “Mông Thát Bị Lục”, “Thượng Hãn thư”
Do Lan Âm thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ EpochTimes Hoa ngữ