Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.2): Tiếp bước Quốc phụ thống nhất Trung Nguyên
Tưởng Giới Thạch sinh ra tại thị trấn Khê Khẩu, huyện Phụng Hóa, miền đông tỉnh Chiết Giang, vào ngày 31 tháng 10 năm 1887, tên thời thơ ấu của ông là “Thụy Nguyên”, còn được gọi tên khác là Chu Thái, Chí Thanh và Trung Chính, tên chữ là Giới Thạch.
Thiên chất thông minh
‘Tả Truyện’ ghi rằng: “Phàm là họ Tưởng, Hình, Mao, Tế thì đều là hậu duệ của Chu Công”. Giới Thạch lúc 5 tuổi vào trường tư thục, đọc Tam tự kinh, Bách gia tính và các sách vỡ lòng khác. Năm 7 tuổi, ông bắt đầu học các trước tác kinh điển và sách lịch sử như Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Hiếu kinh, Xuân Thu, Tả Truyện, Kinh Thi, Cổ văn từ v.v. Thời trẻ Tưởng Giới Thạch rất hiếu học và thông minh. Thầy Tưởng Cẩn Phiên của Trường tư thục đã từng nói với mẹ của ông là Vương Thái Ngọc rằng con trai bà thiên chất thông minh tài giỏi, sau này sẽ thành người vĩ đại.
Tưởng Giới Thạch vào lúc mười ba tuổi đã đọc Kinh Dịch – quyển sách có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ông. Sau khi trưởng thành, ông đổi tên thành Trung Chính với tên tự là Giới Thạch. Các tên đều được lấy từ hào từ “62” của “Chu dịch – Dự quái”: “Giới ư Thạch, bất chung nhật, trinh cát.” Nghĩa là: Giữ tiết tháo như đá, không đợi hết ngày, kiên trì chính Đạo thì có được đại cát đại lợi. Trong “Thoán” nói: “Bất chung nhật trinh cát dĩ Trung Chính dã”. Đại ý là giữ vững tâm chí, vững chắc như bàn thạch ,không bao giờ ngừng nghỉ, quả là tốt đẹp, có thể đứng ở giữa “cư trung” thì sẽ đạt được chính “đắc chính”.
Tưởng Giới Thạch lúc tám tuổi thì mất ông nội và năm chín tuổi thì mất cha. Mẹ ông Tưởng trung trinh thủ tiết, chịu thương chịu khó nuôi nấng và dạy dỗ con cái không biết mệt mỏi. Tưởng Giới Thạch trong một bài văn “Lời cảm ơn sinh nhật lần thứ 50 vì phụng sự quốc gia và nhớ về người thân”, hồi tưởng về mẫu thân của mình rằng: “Bà ấy yêu thương Trung Chính rất đậm sâu, như cưng nựng một em bé, khi dạy dỗ thì rất nghiêm khắc, như một người thầy nghiêm cẩn vậy. Khi ra vào nhà thì kiểm tra những thứ con mang theo, đi chơi ở đâu đều phải báo cáo rõ ràng, khi đọc sách thì tổng kết bài học thu được từ trong sách, ngoài ra còn dạy các phép tắc lễ nghi trong đối đáp, dạy quét dọn,cho đến dạy các đạo lý về chịu thương chịu khó tự lực cánh sinh, giám sát, đôn đốc, vỗ về người làm việc, giúp đỡ không biết mệt mỏi các hoàn cảnh cơ nhỡ trẻ mồ côi nơi sở tại”.
Mẹ ông luôn khuyến khích con học tập, dạy Tưởng Giới Thạch các lễ tiết ứng xử với người khác và yêu cầu cậu chia sẻ việc nhà với người hầu và nuôi dưỡng chí hướng tự chủ chính mình. Những lời nói và việc làm của mẹ ông đã đặt nền móng vững chắc cho cuộc đời và sự nghiệp sau này của Tưởng Giới Thạch.
Vào mùa hè năm 1907, Tưởng Giới Thạch được nhận vào Học viện Lục quân cấp tốc toàn quốc của trường Bảo Định. Có lần một giảng viên sĩ quan người Nhật lấy một cục đất trong lớp học vệ sinh ra và nói: “Cục bùn này có thể chứa được 400 triệu vi sinh vật, giống như Trung Quốc các bạn có 400 triệu người đang ký sinh ở đây”.
Tưởng Giới Thạch tức giận không nhịn được, bèn bước lên bục giảng và bẻ một cục đất hỏi ngược lại vị giáo viên kia: “Nhật Bản có dân số là 50 triệu người. phải chăng cũng giống như vi sinh vật ký sinh ở trong cục đất này như ông nói ?” Viên sĩ quan giảng viên cực kỳ tức giận và lắp bắp hỏi rằng liệu Tưởng có phải là một thành viên của đảng cách mạng hay không? Ban giám hiệu trường đã bảo vệ Tưởng Giới Thạch khỏi sự trả thù vô lý từ người giáo viên kia. Chàng trai trẻ Tưởng Giới Thạch đã nhìn thấy sự khinh thường Trung Quốc bởi một số người dân tộc Đại Hòa (Nhật Bản), và tính cách dám nói dám làm của ông dần được biểu lộ. Không lâu sau đó, Tưởng Giới được chọn đi học trường sĩ quan dự bị tại Nhật Bản.
Tuổi trẻ anh hùng, đảm lược hơn người
Tưởng Giới Thạch – một người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, bụng đầy Thi, Thư, tính cách kiên nhẫn, can đảm hơn người và tràn đầy hùng tâm tráng chí. Trong thời gian ở Nhật Bản, ông đã viết nên một bài thơ có tựa “Thuật chí”:
“Đằng đằng sát khí mãn toàn cầu
Lực bất như nhân vạn sự hưu
Quang ngã thần châu hoàn ngã trách
Đông lai chí khởi tại phong hầu.”
Tạm dịch:
Đằng đằng sát khí khắp toàn cầu
Sức không bằng người chẳng thành đâu
Khôi phục Thần Châu là chức trách
Chí lớn chẳng mong được phong hầu
Ngay từ năm 1905, Tưởng Giới Thạch nghe ông Cố Thanh Liêm ở Học viện Tiễn Kim Ninh Ba kể về sự tích Tôn Trung Sơn gặp nguy khốn tại Luân Đôn, đột nhiên cảm phục Tôn Trung Sơn và thấy căm ghét kẻ thù. Năm 1908, Tưởng Giới Thạch đang du học ở Nhật Bản, được Trần Kỳ Mỹ giới thiệu và gia nhập Đồng Minh hội. Năm sau đó Tưởng Giới Thạch Lần đầu tiên gặp Tôn Trung Sơn. Chàng sinh viên học viện quân sự trẻ tuổi này đã để lại ấn tượng rất tốt với Tôn Trung Sơn. Tôn Trung Sơn nói với Trần Kỳ Mỹ rằng người này sẽ trở thành trung kiên của cuộc cách mạng và phong trào cách mạng của chúng ta cần một người như vậy.
Ngày 10 tháng 10 năm 1911, cuộc khởi nghĩa Vũ Xương nổ ra, đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong Cách mạng Tân Hợi. Ngày 23 tháng 10, Tưởng Giới Thạch thôi học, sau đó ông trở về Thượng Hải làm chỉ huy “Đội cảm tử tiên phong”, dưới sự chỉ huy của 5 đội cảm tử, đến Hàng Châu tấn công phủ Thống đốc Chiết Giang. Đây là lần đầu tiên Tưởng Giới Thạch chiến đấu với quân chính phủ nhà Thanh bằng kiếm và súng thật, sống chết khó đoán trước, cho nên ông đã viết “Quyết biệt thư” từ biệt gia đình của mình, biểu thị rằng: “nguyện hy sinh cho cách mạng”. Người nhà thấy vậy hoảng hốt. Nhưng mẹ của ông Tưởng hiểu được đại nghĩa của con mình, nghiêm mặt nói: “Nam nhi báo quốc, tử tắc tử nhĩ, hà túc vi lự”. Ý rằng: Thân nam nhi vì báo đáp quốc gia, sống chết có sá gì, hà tất phải lo lắng.
Đêm ngày 4 tháng 11, nghĩa quân chiếm được nha môn tuần phủ và bắt sống Tuần phủ Chiết Giang Tăng Tích. Vào ngày mùng 5, tất cả quân nổi dậy bao vây trại quân địch và buộc tướng Đức Tế ở Hàng Châu phải đầu hàng. Toàn bộ thành phố Hàng Châu được khôi phục trong vòng một ngày.
Bốn ngày sau, “Nhật báo Dân Lập” Thượng Hải đăng một bài báo “hình ảnh hùng tráng lẫm liệt của các đội cảm tử ở Chiết Giang”, trong đó ghi lại quá trình chiến đấu: “Việc thành lập quân cách mạng Chiết Giang dựa trên các đội cảm tử, sau đó dựa trên các đội quân đó mà gọi thêm các tên mới, biên chế của đội quân cảm tử tổng phân thành 5 đội do Tưởng Giới Thạch làm chỉ huy; đội thứ nhất và thứ hai do đội trưởng Trương Bá Kỳ chỉ huy, đội thứ ba do đội trưởng Đổng Mộng Giao chỉ huy, một tiểu đội gồm 15 người, mỗi đội có 10 người sử dụng súng ngắn và 5 người sử dụng lựu đạn. Đội thứ 4 do đội trưởng Vương Kim Phát chỉ huy tấn công vào cục quân trang, đội thứ 5 được phân bố đến dưới cổng Kỳ thành, mỗi cổng đều có 5 người quản, họ ra vào trong mưa đạn, không chút sợ hãi. Các tướng tá trực tiếp dưới quyền ông, ai nấy đều vô cùng cảm phục”.
Sau khi trận chiến kết thúc nhanh chóng, Tưởng Giới Thạch trở về Thượng Hải và được Trần Kỳ Mỹ bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Sư đoàn 1 Thượng Hải kiêm chỉ huy trung đoàn đầu tiên chuẩn bị cho cuộc Bắc phạt. Chàng trai hai mươi bốn tuổi Tưởng Giới Thạch không ngờ rằng mình sớm đã tham gia vào một sự kiện kinh tâm động phách như thế này và ông ấy phải đưa ra một lựa chọn quyết định để hoàn thành một cuộc mạo hiểm lịch sử.
Tổ nghiên cứu các nhân vật thiên cổ anh hùng của văn hóa thần truyền huy hoàng 5000 năm.Mạnh Hải biên dịch