Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.24): Con tò vò của Đảng Cộng sản Liên Xô
Mao Trạch Đông từng nói: “Người Trung Quốc tìm ra chủ nghĩa Marx thông qua sự giới thiệu của người Nga. Trước Cách mạng Tháng Mười, người Trung Quốc không những không biết về Lenin và Stalin, mà còn không biết về Marx và Engels. Tiếng súng Cách mạng Tháng Mười vừa vang lên đã mang đến Chủ nghĩa Marx-Lenin cho chúng ta.”
Vào thời điểm đó, Chủ nghĩa cộng sản đã xuất hiện trên toàn thế giới, và sự xuất hiện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng là sản phẩm của sự biến dị ngoại lai này, hoàn toàn đối lập với văn hóa truyền thống 5,000 năm của Trung Quốc.
Lý Đại Chiêu, người được mệnh danh là “Cha đẻ của chủ nghĩa Marx ở Trung Quốc”, đã đến Nhật Bản du học từ rất sớm. Sau khi vào Khoa Chính trị của Đại học Waseda, ông bắt đầu tiếp xúc với hệ tư tưởng cộng sản. Khi Lý Đại Chiêu giới thiệu về chủ nghĩa Marx, ông đã từng kể lại lời của một người Đức: “Một người dưới 50 tuổi nói rằng mình có thể hiểu các học thuyết của Marx thì nhất định là lừa dối. Bởi vì sách của Marx rất nhiều và sâu sắc về lý thuyết.” “Nếu nói phong trào Chủ nghĩa cộng sản là một phong trào không biên giới, thì phong trào Chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc từ khi bắt đầu chấp nhận các học thuyết Xã hội Chủ nghĩa cho đến khi có được thông tin về Cách mạng Nga và động thái của các nhà lãnh đạo của nó, đến việc tìm hiểu hình thái của phong trào Chủ nghĩa cộng sản, đều liên quan mật thiết và thể không tách rời trào lưu tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa thế giới và phong trào Chủ nghĩa cộng sản thế giới.”
Tưởng Giới Thạch đã chỉ rõ trong cuốn “Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc” rằng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là sản phẩm của Trung Quốc, mà là con Tò vò của Đế quốc cộng sản Xô-Nga. Chủ nghĩa cộng sản của nước Nga Xô viết không phù hợp với sự sinh tồn của nhân loại, cũng không phù hợp với hoàn cảnh của Trung Quốc.” “Tò vò” thường dùng để chỉ những người con nuôi không có quan hệ huyết thống. Tưởng Công đã so sánh Đảng Cộng sản Trung Quốc với con Tò vò (sống ký sinh) của Xô-Nga, điều này thật sinh động.
Tưởng Giới Thạch nhớ lại lịch sử thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Đảng Cộng sản Nga tin rằng đây là cánh đồng lớn màu mỡ đầu tiên để chúng gieo mầm mống của Chủ nghĩa cộng sản ở phương Đông nhằm tạo ra đấu tranh giai cấp. Báo cáo của Chicherin (Ngoại trưởng Liên Xô) vào năm 1918 tức năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 7 và Tuyên bố Karakhan vào năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 8, tuyên bố rằng Liên Xô đã sẵn sàng từ bỏ các đặc quyền của mình ở Trung Quốc. Điều này ngay lập tức làm dấy lên sự hy vọng của người dân Trung Quốc và đã giành được thiện cảm chưa từng có của họ. Thế là Liên Xô một mặt cử các đặc phái viên ngoại giao bắt đầu đàm phán với Chính phủ Bắc Kinh; mặt khác, họ phái các Đảng viên Quốc tế Cộng sản của mình liên lạc với Quốc phụ – Tôn Tiên sinh của chúng ta. Nhưng điều cần lưu ý ở đây là nước Nga Xô Viết đồng thời tại một mặt khác là tiến hành tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành một chi bộ của Quốc tế Cộng sản, cung cấp tài chính cũng như đưa ra chỉ đạo và thao túng chính trị.” (“Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”)
“Vào mùa xuân năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 9 (năm 1920), Grigori Voltinsky, Bộ trưởng Phương Đông của Quốc tế Cộng sản đến Trung Quốc, cùng với Lý Đại Chiêu và Trần Độc Tú cùng những người khác chuẩn bị cho Kỳ họp Đại hội Đại biểu Toàn quốc đầu tiên của Đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra vào năm Dân quốc thứ 10 (năm 1921), Moscow lại cử Maring người Hà Lan (tên thật là Sneevlietet) tới tham gia hướng dẫn. Đây là khởi nguồn của Đảng thổ phỉ Cộng sản Trung Quốc, công cụ xâm lược Trung Quốc của Đế quốc Xô-Nga ngày nay. Vào thời điểm đó, chỉ là tập hợp của một số phần tử trí thức, chấp nhận giáo điều của Marx, có sự cảm tình và thân Nga, phát triển tổ chức của mình theo hướng phong trào công nhân. Nhưng Moscow không để cho Đảng cộng sản Trung Quốc phát triển tự nhiên, tiếp tục nhào nặn biến nó thành một đoàn thể gián điệp âm mưu bạo loạn.” (“Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”)
Đại hội Đại biểu Toàn quốc đầu tiên của Đảng cộng sản Trung Quốc được triệu tập dưới sự giám sát của Maring, đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Thượng Hải. Thời điểm đó, Lý Đạt, người thay Trần Độc Tú lãnh đạo Đảng cộng sản ở Thượng Hải đã từng nói như thế này: “Vào tháng Sáu, Đệ tam Quốc tế đã cử Maring và Nikorsky (Vladimir Neyman) đến Thượng Hải. Sau khi thảo luận với chúng tôi, họ đã biết tình hình Đảng của chúng tôi và yêu cầu tôi triệu tập ngay Đại hội đại biểu Đảng, thông báo về việc chính thức thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc. Có bảy chi bộ địa phương trong tổ chức Đảng lúc bấy giờ. Tôi đã gửi bảy bức thư, yêu cầu các Đảng bộ của tất cả các khu vực chọn đại diện về tham dự ở Thượng Hải.” (“Tự truyện của Lý Đạt”, trong” Tài liệu nghiên cứu lịch sử Đảng”). Các đại diện trên toàn quốc, ngoài thông báo về cuộc họp, mỗi người nhận được 100 nhân dân tệ làm chi phí đi lại.”
Bao Huệ Tăng, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và là Giám đốc Khoa Chính trị của Học viện Quân sự Hoàng Phố nhớ lại, Quốc tế cộng sản cử người tới hướng dẫn việc thành lập Đảng cộng sản, không liên quan gì đến giai cấp công nhân Trung Quốc. “Một ngày nọ, Trần Độc Tú mời chúng tôi đến gặp Nikolsky tại nhà Đàm Thực Đường, nói rằng ông ta đã nhận được một bức thư từ Lý Hán Tuấn ở Thượng Hải, trong đó nói rằng Đệ tam Quốc tế và Công nhân Đỏ Quốc tế đã cử hai đại diện đến Thượng Hải để tổ chức cuộc họp ra mắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, yêu cầu Trần Độc Tú trở lại Thượng Hải, và mời hai người từ Quảng Châu tham dự; Còn gửi đến 200 nhân dân tệ làm lộ phí.” (“Hồi ức của Bao Huệ Tăng”)
Vào thời điểm đó, 100 nhân dân tệ đủ cho một gia đình sống trong một năm. “Vào đầu những năm 1920, một gia đình lao động gồm bốn hoặc năm người, cha mẹ và hai hoặc ba trẻ em, hoặc già trẻ ba thế hệ, thì chi phí cho thực phẩm mỗi năm là 132.4 nhân dân tệ.” (“Khảo sát tình hình xã hội Bắc Kinh từ năm 1918 đến năm 1980”) Vào tháng 6 năm 1922, khoảng một năm sau khi Đại hội đại biểu đầu tiên được tổ chức, trong số hơn 17,000 nhân dân tệ quỹ hoạt động của ĐCSTQ, thì trong đó có hơn 16,000 nhân dân tệ là do Quốc tế Cộng sản hỗ trợ, trong khi riêng ĐCSTQ chỉ huy động được 1,000 nhân dân tệ.
Tư tưởng của Chủ nghĩa cộng sản đã lan truyền nhanh chóng ở Trung Quốc. Năm 1933, Hồ Thích nói trong một bài báo đăng trên “Tạp chí Độc lập” rằng trong thời kỳ cải cách, người Trung Quốc không có “nghi ngờ gì lớn” đối với sự hiểu biết của họ về nền văn minh phương Tây, “Nền văn minh phương Tây trong lý tưởng của giới trí thức Trung Quốc lúc bấy giờ chỉ là nền văn minh Tây Âu của cái gọi là thời đại Victoria: tinh thần là chủ nghĩa cá nhân yêu tự do, phương thức sản xuất là Chủ nghĩa Tư bản tư nhân, và tổ chức chính trị là nền chính trị đại diện cho di sản của Anh”. Tuy nhiên, “Sau Chiến tranh Âu Châu, cuộc Cách mạng của Đảng Cộng sản ở nước Nga Xô Viết đã làm chấn động khán thính giả trên toàn thế giới; những thành tựu xây dựng nước Nga Xô Viết trong mười năm qua đã thu hút sự chú ý của người dân trên toàn thế giới. Thế là những tư tưởng của phái Marx-Lênin đã trở thành trào lưu tư tưởng mới mẻ và thú vị nhất trên thế giới, và kết quả này khiến cho ‘Tất cả các giá trị phải đánh giá lại’: Sự rực rỡ của chủ nghĩa cá nhân kém hấp dẫn hơn nhiều so với sự chói sáng của Chủ nghĩa xã hội; lý luận về sự thần thánh của tài sản cá nhân giờ kém thời thượng hơn nhiều so với Chủ nghĩa cộng sản và nền kinh tế kế hoạch; chính trị nghị viện Anh, vốn bị cả thế giới ghen tị, giờ cũng bị phỉ báng như một hệ thống sản phẩm phụ của Chủ nghĩa Tư bản. Những gì thuộc nền văn minh Tây Âu được ca ngợi nhất trong thời đại Victoria đều trở thành tội phạm và nhuốm máu trong ước tính mới này.” Ngay cả những nhà tư tưởng chống lại ĐCSTQ cũng thừa nhận rằng “Chủ nghĩa Marx ngày càng trở thành một xu hướng lớn.” (“Sơ lược lịch sử tư tưởng Trung Quốc trong 130 năm qua”)
Châu Phật Hải, một đại biểu tham gia “Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ nhất” của ĐCSTQ năm 1941 nhớ lại: “Bây giờ nhìn lại, nó giống như một giấc mơ. Lúc đó, chúng tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng chỉ một số sinh viên trẻ chúng tôi đã tạo ra mớ hỗn loạn lớn như thế. Trong 20 năm qua, bao nhiêu xương máu đã đổ, bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu xóm làng bị đốt cháy, bao nhiêu nguyên khí bị tổn thất, tất cả đều từ những mầm họa do những sinh viên trẻ chúng tôi gieo xuống. Giờ nghĩ lại, tôi thực sự thấy có lỗi với đất nước và nhân dân. Chúng ta không thể chỉ trách các Quân phiệt và Quan lại làm cho đất nước rơi vào tình trạng nguy hiểm và tồi tệ như hiện nay, những thanh niên trẻ trên thuyền đỏ ở Nam Hồ, Gia Hưng lúc bấy giờ cũng phải gánh rất nhiều trách nhiệm.” (“Sự khởi đầu của ĐCSTQ”, Diệp Vĩnh Liệt)
Trong những năm cuối đời, Trần Độc Tú, người thành lập Đảng Cộng sản và giữ chức Tổng Bí thư 5 nhiệm kỳ, đã viết trong “Những ý kiến cơ bản của tôi”: “Cái gọi là chuyên chính của giai cấp vô sản hoàn toàn không có, đó là sự độc tài của Đảng, và kết quả chỉ có thể là sự độc tài của người lãnh đạo. Bất cứ một chế độ độc tài nào cũng đều không thể tách rời với bộ máy Chính trị quan liêu, tàn bạo, lừa lọc, dối trá, tham ô, hủ bại!” Trần Độc Tú chỉ ra rằng “Đảng Cộng sản chính là mẹ đẻ của Chủ nghĩa Phát xít!”.
(Còn tiếp)
Tổ nghiên cứu nhân vật Thiên cổ anh hùng của Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5,000 năm.
Xem thêm Loạt bài “Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch”.
Tâm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ