Hành trình tìm Đạo trong luân hồi: Các kiếp chuyển sinh của Tô Đông Pha
Những câu chuyện về cuộc đời của danh sĩ Bắc Tống Tô Đông Pha là muôn màu muôn vẻ, câu chuyện về luân hồi chuyển thế của ông cũng vô cùng đặc sắc. Tô Đông Pha là một vị quan triều đình yêu dân như chính mình, một văn hào khoáng đạt, sau khi chuyển sinh diện mạo sẽ như thế nào? Nếu như có thể lựa chọn kiếp sau, ông sẽ muốn tiếp tục làm văn hào, chính trị gia, hay là tăng nhân? Câu chuyện nguyên thần của ông luân hồi chuyển sinh đã mở ra cho chúng ta cánh cửa chân lý về sự giác ngộ của sinh mệnh.
Hành trình tìm Đạo trong luân hồi
Vào năm Nguyên Phù thứ ba của triều đại Bắc Tống (năm 1100 ), Tô Đông Pha đã để lại một bài thơ Thất ngôn tuyệt cú trên bức tường của chùa Bảo Đà ở núi Linh Phong tại Hồ Châu:
Linh Phong sơn thượng Bảo Đà tự
Bạch phát Đông Pha hựu đáo lai
Tiền thế Đức Vân kim ngã thị
Y hi do ký Diệu Cao đài
Tạm dịch nghĩa:
Chùa Bảo Đà trên núi Linh Phong
Đông Pha tóc trắng đã quay về
Tiền thế Đức Vân nay là lão
Mang máng vẫn nhớ đài Diệu Cao.
Hồi tưởng lại khi đó, cuộc đời của ông đã đến điểm giới hạn. Tô Đông Pha một đời nổi tiếng về văn chương, tình yêu và hôn nhân đều song toàn, cùng với người mình yêu thương kết nên duyên vợ chồng, một đời quan vận trầm bổng nhưng cũng là lấy sự chân thành yêu dân làm nên sự nghiệp. Thế nhưng trong cuộc đời, điều mà ông quan tâm nhất là gì?
Đó là một năm trước khi Tô Đông Pha qua đời. Từ bài thơ trên vách tường, có thể nghe được âm thanh cung đàn trong bản nhạc cuộc đời của ông. “Tiền thế Đức Vân kim ngã thị, Y hi do ký Diệu Cao đài”, đài Diệu Cao ở Kim Sơn Tự (1) đã dẫn dắt nguyên thần của ông trở về những ký ức xa xưa.
Quay trở lại 15 năm về trước, Tô Đông Pha có một bài thơ “Kim Sơn Diệu Cao đài” (Đài Diệu Cao ở núi Kim Sơn), thơ rằng:
Ngã dục thừa phi xa, đông phóng Xích Tùng Tử,
Bồng lai bất khả đáo, nhược thủy tam vạn lý,
Bất như Kim Sơn khứ, thanh phong bán phàm nhĩ,
Trung hữu Diệu Cao đài, tuyết phong tự cô khởi
……
Hà tu tầm Đức Vân, tức thử bỉ khâu thị.
Trường sinh vị hạ học, thỉnh học trường bất tử.
Tạm dịch nghĩa:
Ta muốn cưỡi xe bay, đông thăm Xích Tùng Tử
Bồng Lai không thể đến, Nhược Thủy ba vạn dặm
Chi bằng đến Kim Sơn, gió nhẹ nửa cánh buồm
Trong có đài Diệu Cao, Tuyết Phong tự vươn lên.
……
Không cần tìm Đức Vân, chính là tỳ khưu này
Trường sinh chưa rảnh học, mời học trường bất tử.
Bài thơ này thể hiện rõ ràng một tấm lòng son sắt cầu Đạo của ông. Hai bài thơ cách nhau 15 năm đều thể hiện rõ nhân duyên thâm hậu của ông với Kim Sơn tự và đài Diệu Cao. Phật Ấn là tăng nhân trụ trì Kim Sơn tự, Tô Đông Pha và Phật Ấn là bạn thân cùng chí hướng trên con đường cầu Đạo, những lời đối đáp sắc bén và xúc động giữa hai người là sự khích lệ lẫn nhau, đề cao ngộ tính riêng của cả hai.
Tâm cầu Đạo học Phật triển hiện ra tại Kim Sơn tự không mất đi theo sự tịch diệt nhục thân của Tô Đông Pha, mà đi theo các kiếp chuyển sinh và khắc ghi tận sâu ký ức nơi nguyên thần của ông, đợi đến một thời khắc nào đó của kiếp sau sẽ từ nơi ký ức sâu thẳm bừng tỉnh lại!
Tô Đông Pha là một vị quan triều đình yêu dân như chính mình, một văn hào khoáng đạt, sau khi chuyển sinh diện mạo sẽ như thế nào? Nếu như có thể lựa chọn kiếp sau, ông sẽ muốn tiếp tục làm văn hào, chính trị gia, hay là tăng nhân?
Chuyển sinh sau hơn 400 năm
Vào năm Gia Tĩnh thứ 25 thời Minh Thế Tông (năm 1545), nhà Thái Ngạn Cao ở huyện Toàn Tiêu, Nam Kinh sinh được một bé trai, đứa bé này rất đặc biệt, Phật duyên rất sâu. Trước khi đứa trẻ sinh ra, thê tử của Thái Ngạn Cao là Hồng Thị trong mộng nhìn thấy Quan Âm Đại Sĩ dắt theo một đồng tử đến nhà mình. Hồng Thị rất vui mừng, đón nhận đứa bé ôm vào lòng, không lâu sau đó thì mang thai. Lúc bé trai sinh ra được bọc trong mấy lớp vải trắng, khi tắm rửa cho bé thì có mùi thơm thoang thoảng.
Khi cậu bé một tuổi thì mắc chứng phong (chứng tê liệt), suýt mất mạng. Hồng Thị thành tâm hướng tới Quan Âm Đại Sĩ cầu nguyện rằng, nếu như nhi tử có thể khỏi bệnh, tương lai sẽ để cậu bé nhập Phật môn. Về sau đứa trẻ thật sự đã khỏi bệnh, người nhà liền đặt cho bé nhũ danh là “Hòa Thượng”, đồng thời đưa bé gửi vào chùa Trường Thọ ở trong thành.
“Hòa Thượng” từ nhỏ đã thích sự yên tĩnh. Trong con mắt của tổ phụ, người cháu trai 3 tuổi này không thích chơi đùa, thường thích ngồi một mình, quả là giống như cọc gỗ mọc rễ. Mẫu thân Hồng Thị tín phụng Quan Âm Đại Sĩ, mỗi khi bà thắp hương lễ bái, “Hòa thượng” nhất định sẽ đi theo bên cạnh. “Hòa thượng” lúc chín tuổi đã học thuộc Kinh của Quan Âm Đại Sĩ, tụng cho mẫu thân nghe, thanh âm tựa như phát ra từ một lão hòa thượng vậy.
Lúc “Hòa Thượng” 12 tuổi, phụ thân muốn đính hôn cho cậu, nhưng cậu lập tức phản đối hôn sự. Lúc ấy, cậu nghe nói ở chùa Báo Ân tại Ứng Thiên (Nam Kinh) có vị Tây Lâm hòa thượng có đại đức, liền nhất tâm muốn đến đó theo học Phật. Mặc dù phụ thân không cho phép, nhưng với sự tán thành của mẫu thân, “Hòa Thượng” đã được toại nguyện, trở thành cư sĩ của chùa Báo Ân.
Tây Lâm hòa thượng thấy đứa bé trước mặt này cốt khí phi phàm, nếu như chỉ làm một tục tăng thì thật đáng tiếc. Lúc ấy trùng hợp có Lễ bộ Thượng thư Triệu Đại Châu ở đó, ông ấy vui vẻ nói đứa trẻ này chính là Thiên sư. Triệu Đại Châu xoa đầu cậu bé và hỏi: “Ngươi thích làm quan hay là làm Phật?”. “Hòa thượng” lập tức đáp, “Làm Phật!”
Tây Lâm hòa thượng đã rất dụng tâm bồi dưỡng cậu bé, tìm một hòa thượng có học vấn uyên bác trong chùa truyền thụ cho cậu kinh Phật, cậu rất nhanh chóng học thuộc các loại kinh văn lưu hành lúc ấy. Thế là Tây Lâm hòa thượng lại mời danh sư dạy cậu. Khi cậu 17 tuổi thì bắt đầu mời thầy dạy cậu về khoa cử, có Tứ thư Ngũ kinh, có học thuyết Bách gia chư tử, Tả truyện, Sử ký, và thi từ cổ văn v.v. Thành tích học tập của cậu rất tốt, làm phú làm thơ rất hay, nhưng khi đó lại thường hay sinh bệnh. Cậu bèn muốn bỏ học những thứ liên quan đến thi cử làm quan.
Vào ngày cuối cùng năm “Hòa thượng” 18 tuổi, Tây Lâm hòa thượng nói bản thân không sống được bao lâu, muốn đem chức trụ trì giao phó cho một người vị thành niên như cậu, đồng thời căn dặn các đệ tử: “Hòa Thượng tuy nhỏ tuổi, nhưng có suy nghĩ chín chắn. Sau khi ta rời đi, mọi chuyện lớn nhỏ, đều phải nghe theo cậu ấy quyết định, chớ thấy nhỏ mà khi dễ.”
Khi “Hòa thượng” 19 tuổi, có một số sĩ tử trong chùa tham gia khoa cử đã trúng cử, có người cổ vũ cậu nên đi con đường làm quan. Vân Cốc đại sư sau khi biết chuyện, vì không muốn người có tuệ căn như “Hòa Thượng” lầm đường lạc lối, liền kể cho cậu câu chuyện về các cao tăng truyền Pháp, cũng hướng cậu đọc sách. “Hòa Thượng” tìm được một bản “Trung Phong quảng lục” từ trong Tàng thư các, thế là chăm chú đọc. Còn chưa đọc xong, cậu liền mừng rỡ kêu lên: “Cái này thật có thể khiến cho ta vui sướng trong lòng!” Thế là cậu lập chí kiên quyết tu hành thành Phật. Cậu cung thỉnh Tây Lâm hòa thượng quy y cho mình, chính thức thành đệ tử xuất gia; đồng thời thiêu hủy những kinh thư, tác phẩm văn học mà trước đây mình đã học, nhất tâm nhập Phật đạo tu hành.
“Hòa Thượng” chính là một trong bốn đại cao tăng cuối triều Minh — Hám Sơn đại sư (1546 ─ 1623), tự là Trừng Ấn, hiệu Hám Sơn, pháp hiệu Đức Thanh, tọa hóa năm 78 tuổi, thụy là Hoằng Giác thiền sư, ông đã lưu lại tượng Phật nhục thân.
Kiếp trước của Hám Sơn – Kiếp này của Đông Pha
Trong tác phẩm “Mộng du tập”, Hám Sơn đại sư nói rằng có một lần du ngoạn Hải Môn, ông đã leo lên Diệu Cao phong (Diệu Cao đài) ở Kim Sơn tự. Trong ghi chép về quá trình thay đổi Kim Sơn tự ở Trấn Giang có ghi lại: Thời Nguyên Phù đời Tống, tăng nhân Phật Ấn đã tạc phẳng đỉnh Diệu Cao thành đài Diệu Cao, mới đầu gọi là Đài phơi Kinh. Đài cao hơn mười trượng, ở phía sau chùa, trên đài có xây dựng Phật các.
Tại Lăng già thất, Hám Sơn đại sư tiến vào cảnh giới nhập tĩnh cao độ, vạn vật giai không, trong tâm trí xuất hiện những cảnh tượng như thế này:
Tô Đông Pha tuổi lão niên chính là thay Trương Phương Bình [2] tự viết Lăng Già Kinh… Đông Pha và Phật Ấn thiền sư lưu lại làm thiền sư ở Kim Sơn tự.
Lúc này Hám Sơn cảm thấy khắp lỗ chân lông toàn thân vô cùng thoải mái, tràn ngập sức sống, giống như cỏ cây tươi tốt vào mùa xuân, bản thân cũng không biết do nguyên cớ gì. Về sau ông ấn chứng được từ trong Phật Pháp, hóa ra đây là những thứ mình vốn tích lũy từ kiếp trước mang đến cảm giác đặc thù như vậy.
Từ đó Hám Sơn cảm giác mình vân du bốn phương ở một vùng giữa mây nước, biển rộng trời cao, một vùng sáng mênh mông rất rõ ràng, lúc nào cũng như một tấm gương tròn lớn, treo tại giữa lông mày và lông mi của ông. Một ngày thu năm Mậu Tuất, ông đến thăm Đông Pha Đường, đọc và ngộ được thơ của tiền thân (Đông Pha), lại giật mình tiến nhập vào cảnh giới mà tiền nhân đã du ngoạn qua.
Kiếp trước kiếp này – chân lý của sinh mệnh
Ai là ta? Ta là ai? Hám Sơn đại sư, hay là cư sĩ Tô Đông Pha, trong trăn trở luân hồi kiếp trước kiếp này mà ngộ được: “Thiên địa nhất huyễn cụ, vạn pháp nhất huyễn tùng, xuất một nhất huyễn tích, tử sinh nhất huyễn tràng, giang sơn nhất huyễn cảnh, lân giáp vũ mao nhất huyễn vật, thánh phàm nhất huyễn chúng, nhĩ ngã nhất huyễn ngộ nhĩ.”
Nghĩa là:
“Thiên địa một cỗ ảo, vạn pháp một chùm ảo, ẩn hiện một tích ảo, tử sinh một trường ảo, giang sơn một cảnh ảo, lân giáp lông vũ một vật ảo, thánh phàm một nhóm ảo, anh tôi nhất ngộ ảo mà thôi.”
Không chỉ thực tế hiện tại của cuộc sống này như một giấc mộng, luân hồi một đời một kiếp của sinh mệnh, đến rồi đi đều là lướt qua, mà thiên địa, vạn pháp, quốc gia, vạn vật, phàm Thánh chúng sinh đang sống trong khoảnh khắc cùng với anh và tôi đều không phải là vĩnh viễn. Đến cả đời này cũng chỉ là tao ngộ trong nháy mắt mà thôi. Hãy nhìn thời không tồn tại trong vũ trụ mà xem, sinh mệnh con người chẳng qua là trong một cái chớp mắt sinh ra, một cái chớp mắt là rời đi! Vậy thì Thượng Thiên cho con người sinh mệnh mà sống chết chỉ trong nháy mắt, là vì mục đích gì?
Luân hồi chuyển sinh, tiếp tục Pháp duyên kiếp trước
Mẫu thân của Tô Đông Pha là Trình Thị lúc mới mang thai có một giấc mộng, mộng thấy một tăng nhân đến nhà bà yêu cầu được tá túc, vị tăng nhân này tướng mạo anh tuấn, nhưng lại có một con mắt bị mù. Bản thân Tô Đông Pha cũng nói thường mộng thấy mình là một tăng nhân, vãng lai tại khu vực Thiểm Hữu (nay là Thiểm Tây).
Em trai của Đông Pha là Tử Do (Tô Triệt) và bạn thân cũng đều có một giấc mơ kỳ lạ giống nhau, mộng giải kiếp trước của Đông Pha.
Vào dịp Tết Đoan Ngọ năm Tô Đông Pha 49 tuổi, ông đến Quân Châu tìm em trai Tử Do. Trước Tết Đoan Ngọ, Tử Do và Vân Am hòa thượng cùng Thông thiền sư kê giường ngủ chung, ba người đều mộng thấy cùng đi nghênh đón Sư Giới thiền sư. Và Tết Đoan Ngọ hôm đó ba người họ đã cùng tiếp đón Đông Pha. Sư Giới thiền sư tu hành tại Ngũ Tổ sơn ở Thiểm Hữu, lúc cuối đời chuyển đến Quân Châu. Tô Đông Pha được sinh ra sau khi ông viên tịch.
Đông Pha từng tự thuật “định tự hương sơn lão cư sĩ, thế duyên chung thiển đạo căn thâm”, nói đạo căn của mình tương tự như Bạch Cư Dị, rễ sâu của sinh mệnh cắm vào mảnh đất tu hành. Đông Pha đề thơ trên vách đá rằng “tiền thế đức vân kim ngã thị” (Kiếp trước Đức Vân nay là lão). Đức Vân là ai? “Hoa Nghiêm kinh – Nhập pháp giới phẩm” nói, “Thiện tài đồng tử hỏi Pháp với tỳ khưu Đức Vân”. “Đức Vân” là tăng nhân tu hành tại Diệu Cao đài, điểm ngộ cho Thiện tài đồng tử tu hành. Thơ “Kim Sơn Diệu Cao Đài” của Đông Pha còn nói: “Hà tu tầm Đức Vân, tức thử bỉ khâu thị” (Không cần tìm Đức Vân, chính là tỳ khưu này). Lý giải rộng ra, “Đức Vân” mà Đông Pha nói có thể là tiền thân một đời nào đó trong trí nhớ mơ hồ của ông, là một hòa thượng đức cao vọng trọng.
Từ Sư Giới thiền sư đến đời này của Đông Pha, lại đến Hám Sơn đại sư, luân hồi mấy trăm năm! Hơn nữa còn mơ hồ nhớ rằng trước đó còn có một đời kia của Đức Vân hòa thượng, nguyên thần của ông cứ luôn mãi truy tìm con đường cầu Đạo phản bổn quy chân. Trong hành trình của sinh mệnh đã trải qua vô số những thay đổi, xuất thân gia đình, phụ mẫu huynh đệ, bằng hữu vợ con, quốc gia giang sơn…, điều duy nhất không thay đổi là một trái tim kiên định cầu Đạo, lập chí đắc Đạo trở về nơi sinh mệnh được sinh ra – thế giới Thiên quốc.
Hám Sơn đại sư có một bài kệ rằng: “Tĩnh cực quang thông đạt, tịch chiếu hàm hư không, dục lai quan thế gian, do như mộng trung sự.” Ý nói nhân sinh hết thảy giống như một giấc chiêm bao, nhưng nằm mộng không phải là mục đích của sinh mệnh chúng ta, mà chúng ta là cần tới thế gian để ngộ, nhìn thấu sự vô thường của mộng, tìm thấy sự vĩnh hằng của chân cảnh thiện cảnh, đó là quê hương chân chính của sinh mệnh. Luân hồi đời này qua đời khác, rất nhiều người đã rơi vào sa đọa, sự trong sáng chân thành đã bị che mờ… Phật Pháp vẫn luôn nhắc nhở con người nhìn thấu giấc mộng ảo của nhân sinh, đừng quên sinh mệnh vì sao tới đây để tìm kiếm.
Lời kết
Nhục thân của Hám Sơn đại sư tọa hóa ngồi ngay ngắn ba ngày, sắc mặt trắng nõn, môi đỏ, tay chân mềm mại, trạng thái giống như nhập thiền định, bảo trì được thân Kim Cương bất hoại. Ba trăm năm sau, đã có một người tới trước bức tượng nhục thân của Hám Sơn đại sư và nhận rằng đây là tiền thân của mình.
Đó là vào thời kỳ Dân quốc, năm 1934, có một vị hòa thượng đức cao trọng vọng sửa sang lại Nam Hoa tự ở Tào Khê. Ông thắp hương trước tượng nhục thân của Hám Sơn đại sư, lưu lại một bài kệ: “Kim đức thanh, cổ đức thanh, kim cổ tương phùng hoán liễu hình. Phật pháp hưng suy thính thì tiết, nhập lâm nhập thảo bất tằng đình”(Nay Đức Thanh, xưa Đức Thanh, kim cổ tương phùng đã thay đổi hình dạng. Phật pháp hưng suy nghe thời tiết, nhập rừng nhập cỏ chưa từng ngừng). Pháp hiệu của vị tăng nhân này giống pháp hiệu của Hám Sơn đại sư, đều là Đức Thanh, chính là ý tứ mà ông nói đến “Kim Đức Thanh, Cổ Đức Thanh”. Vị tăng nhân này chính là Hư Vân hòa thượng, sống vào thời đầu Dân Quốc cuối thời nhà Thanh.
Trong luân hồi, vừa qua một đời đã thay đổi hình dáng, nhưng nguyên thần không đổi vẫn ôm ấp một niệm tu hành chân thành tha thiết, kiên định tuyệt đối không lay chuyển. Sự luân hồi của họ là để chúng ta nhận thức được rằng việc tu hành trở về với Phật quốc là khó khăn như thế nào! Ngày nay, tiên giới kỳ hoa ba ngàn năm mới nở một lần mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tới – Ưu Đàm Bà La hoa đã nở rộ ở nhân gian, báo hiệu Chuyển Luân Thánh Vương với lòng từ bi và Pháp lực vô biên đã xoay chuyển Pháp Luân ở nhân gian. Trong “Tây Du Ký” nói: “Nhân thân nan đắc, trung thổ nan sinh, chính pháp nan ngộ: Toàn thử tam giả, hạnh mạc đại yên.” Nghĩa là “Thân người khó được, Trung Thổ khó sinh, chính pháp khó gặp: Người có đầy đủ ba điều này, còn hạnh phúc nào lớn hơn.” Đây chính là cơ duyên vạn cổ mà người đời đời tu hành trong kiếp kiếp luân hồi luôn chờ đợi!
Chú thích
[1]: Kim Sơn tự: Trên núi Kim Sơn thuộc Trấn Giang tỉnh Giang Tô, ngày 15/2 năm Thiên Giám thứ 4 đời Lương Vũ Đế, bắt đầu tại chùa làm lễ Thiết Thủy Lục Hội, đến đời Tống đổi hiệu là Long Du tự, bởi vì Phật Ấn thiền sư là người đầu tiên, từng trú ở đây cùng với Tô Thức vấn đáp mà nổi danh.
[2]: Trương Phương Bình là đại thần Bắc Tống, hiệu Lạc Toàn cư sĩ, thụy là Văn Định. Phương Bình có kỳ tích chuyển thế, kiếp này phát hiện kiếp trước sao chép một nửa “Lăng Già Kinh”, vì vậy tiếp tục chí nguyện chưa hoàn thành, ký thác cho bạn thân là Đông Pha, mời ông trợ giúp khắc bản in trên gỗ truyền cho hậu thế.
Tư liệu tham khảo: “Hám Sơn lão nhân mộng du tập”; “Hám Sơn lão nhân niên phổ tự thuật thực lục”; “Tống sử – Liệt truyện, tập thứ 97, Tô Thức”; “Tô Đông Pha toàn tập”; “Đại Tạng Kinh – Cư sĩ truyện”; “Đại Tạng Kinh – Nhân Thiên bảo giám”.
Xem thêm:
Kiếp trước của hòa thượng Hư Vân
Lý Mai biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ