Tô Đông Pha trực ngôn thẳng thắn, dám cất tiếng nói vì người dân
Tô Đông Pha là một trong ‘Đường Tống bát đại gia’ (tám danh sĩ thời Đường và thời Tống, gồm Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Củng, Vương An Thạch), chiếm vị trí không thể thiếu trong lịch sử văn học. Văn chương ông viết tiêu sái như mây trôi nước chảy. Ông lại có tấm lòng son trong sáng và lòng trắc ẩn thương người, không sợ cường quyền, dũng cảm cất lên tiếng nói vì người dân.
Khi ấy, Vương An Thạch phát động phong trào “Biến pháp” khắp cả nước. Tô Đông Pha nhận thấy Biến pháp sẽ gây khủng hoảng và rối loạn cho người dân trong nước nên đã lên tiếng phản đối. Không ngờ, ông lại bị phái Biến pháp hãm hại, nên phải tự mình xin rời Bắc Kinh để đảm nhiệm chức vụ ở bên ngoài.
Tại địa phương, nhìn thấy nỗi khổ của người dân, bất chấp sự an nguy của bản thân, ông đã viết “Thư dâng Hoàng đế” dài chín ngàn chữ, chỉ ra những tệ đoan của chính sách kinh tế mới, đồng thời thuyết phục Hoàng đế thay đổi quyết định, bãi bỏ chính sách mới, an lòng dân. Ông cũng chuẩn bị chấp nhận số phận bị miễn chức. Trong bức thư hùng hồn, có thể thấy tấm lòng chân thành, son sắt của Tô Đông Pha đối với người dân và đất nước, lẫn sự lo lắng của ông đối với thế cục.
Thật bất ngờ, Tô Đông Pha lại được cải nhiệm làm Thông phán Hàng Châu. Tô Đông Pha vẫn luôn luôn nói sự thật, bị lưu đày hết lần này đến lần khác. Thế nhưng, ông trước sau vẫn “như thực trung hữu dăng, thổ chi nãi dĩ” (như ruồi trong thức ăn, phải nhổ ra thôi, ý là cái dơ bẩn thì phải bỏ đi, không vì đói mà ăn cả ruồi). Ông nói với bằng hữu thân thiết của mình rằng ông không hối hận. Nếu phải nhổ ruồi trong thức ăn lần nữa, ông vẫn sẽ tiếp tục làm. Đây chính là Đông Pha dũng khí dám nói ra sự thật!
Tuy nhiên, “cây cao gió cả,” vào tháng Sáu năm Nguyên Phong thứ hai thời Hoàng đế Tống Thần Tông, quan viên Ngự sử đài trích lấy bốn câu trong “Hồ Châu tạ thượng biểu” của Tô Đông Pha, cáo buộc ông tội châm biếm chính quyền, lỗ mãng vô lễ, bất trung với hoàng thượng. Đây chính là “Ô Đài thi án” nổi tiếng trong lịch sử.
Bốn câu đó như sau:
“Tri kỳ ngu bất thích thời, nan dĩ truy bồi tân tiến, sát kỳ lão bất sinh sự, hoặc năng mục dưỡng tiểu dân” (Tạm dịch: Biết sự ngu dốt của mình không hợp thời, khó theo hầu cuộc tân tiến, xét kỹ tuổi đã già rồi không sinh sự, chỉ có thể chăn dắt dưỡng nuôi những người dân nhỏ bé).
Vì vậy, Tô Đông Pha bị áp giải về Kinh. Trên đường đi, bách tính đều ra đưa tiễn, ai nấy nước mắt đầm đìa. Về Kinh, ông bị nhốt vào ngục. Lính canh biết thân phận của ông, mỗi ngày đều lấy nước ấm cho ông rửa chân. Thời gian thẩm vấn kéo dài, Tào Thái Hoàng Thái Hậu mắc bệnh hiểm nghèo, trước khi qua đời đã nói với Hoàng đế: “Tô Đông Pha vì làm thơ mà bị hạch tội, hay là bị kẻ thù hãm hại? Dẫu làm thơ có lỗi, thì tội của ông ta cũng chẳng đáng kể gì … Bệ hạ không thể hàm oan người vô tội, hãy thẩm xét kỹ càng.” Không lâu sau, Tô Đông Pha được xá tội và phái đến Hoàng Châu.
Ở Hoàng Châu, ông học làm nông phu và ngư phu, mặc sức tận hưởng mọi lạc thú của thiên nhiên thuần tịnh. Cuộc đời ông đã chịu biết bao khổ cực, nhưng cái khổ chỉ càng làm gia tăng sự thuần mỹ, chỉ càng làm phong phú thêm, hỷ lạc thêm, đầy đủ thêm cho cuộc đời ông mà thôi.
Các giám quan thấy ông vẫn còn có thể vui mừng đắc ý, bèn đày ông ra đảo Hải Nam. Năm Tô Đông Pha 66 tuổi, triều đình hạ chiếu cho ông trở về phương Bắc. Ông từ phương Nam xa xôi trở về Kinh đô, khi đến Thường Châu tỉnh Giang Tô, thì ông qua đời vì bạo bệnh. Trước khi mất, ông gọi ba người con trai lại và nói: “Cuộc đời ta chưa từng làm điều xấu, sẽ không đọa xuống địa ngục.” Ông tin rằng, một khi mọi quy tắc làm người được giữ trọn, thì cho dù kết cục ra sao, cũng đều có được một cuộc đời thản đãng.
Trong bài “Vong huynh Tử Chiêm đoan minh mộ chí minh” (Văn bia mộ người huynh quá cố chính trực anh minh Tử Chiêm), Tô Triết đã viết: “Mười ngày cuối đời, một mình với các con trai hầu bên cạnh, ông nói: ‘Ta sinh vô ác, tử tất bất truỵ’.” Có nghĩa là, mười ngày trước khi Tô Đông Pha lâm chung, ông đã nói với ba người con trai đang canh giữ bên giường rằng: “Ta bình sinh chưa bao giờ làm điều ác, tin chắc sẽ không đọa nhập địa ngục.”
Dù là một văn nhân danh tiếng lẫy lừng, nhưng ông đã dũng cảm “quảng khai ngôn lộ” (mở rộng đường ngôn luận), dám cất lên tiếng nói cho người dân, xả thân cho quyền tự do ngôn luận và kiện toàn quyền này. Ông can đảm chống lại tệ tham nhũng và vô năng của chính quyền, yêu cầu cải cách hệ thống quan lại địa phương, cũng bảo vệ các quyền cơ bản của người dân, ra sức thực hiện đức chính xóa nợ cho người nghèo … Ông luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Nếu bấy giờ là thế kỷ 21 xem trọng sự tôn nghiêm và phẩm giá của con người, thì Tô Đông Pha hẳn phải là một nhà bảo vệ nhân quyền lỗi lạc.
Cuộc đời Tô Đông Pha chính là một chữ “Mỹ” (tốt đẹp), có thiên phú về thi từ tuyệt mỹ, tính cách trực ngôn thẳng thắn lại càng mỹ. Ông luôn có thể tạo ra sức sống ở những nơi tựa như không còn cơ hội sống. Một con người như vậy, thật sự đáng trân trọng!
Tài liệu tham khảo: “Tống sử”, “Khúc Vị cựu văn”, “Đàm Uyển”, “Tống nhân dật sự vựng biên, quyển 12”, “Vong huynh Tử Chiêm Đoan Minh mộ chí minh”, “Lãnh lư y thoại”, “Đông Pha toàn tập.”