‘Tứ quân tử’ và những dòng thơ tha thiết
Mai, lan, cúc, trúc truyền cảm hứng cho các họa sĩ và nhà thơ Trung Quốc cổ đại.
Thiên nhiên như một nàng thơ nghệ thuật tuyệt vời nhất của chúng ta. Thiên nhiên khơi dậy tình cảm và cảm xúc trong lòng mỗi chúng ta, và là nguồn cảm hứng bất tận cho các họa sĩ Trung Quốc cổ đại. Đặc biệt là bốn loài thực vật là hoa mai, lan, trúc và cúc vốn được mệnh danh là “tứ quân tử” của Trung Hoa cổ xưa.
Không chỉ đơn thuần là khắc họa vẻ đẹp của thế giới tự nhiên, các họa sĩ Trung Quốc cổ đại đã mô tả những loài thực vật này để gợi lại những tư tưởng trí tuệ và các giá trị tinh thần cao quý. Vào thời Trung Hoa cổ xưa, mỗi loại cây này là đại diện cho những cốt cách chuẩn mực của một người quân tử. Các họa sư còn đề lên những bức họa đồ của họ cả thư pháp và thi ca, được ca ngợi là “Ba vẻ đẹp hoàn mỹ”
Hoa Mai
Sự vươn lên mạnh mẽ để nở rộ trong mùa đông băng giá của hoa mai đã luôn được người xưa Trung Hoa ca tụng. Trong khi hầu hết các loài thực vật khác ngủ yên vào mùa thu, thì hoa mai lại chuẩn bị vươn mình khai nở trước những loài hoa khác, và được xem là dấu hiệu của mùa xuân. Mặc dù loài hoa này không đặc biệt bắt mắt, nhưng hoa mai được ví von là biểu tượng của vẻ đẹp nội tại và sự kiên cường khi đối mặt với nghịch cảnh.
Họa sư Vương Miện (1279–1368) sống tại thời nhà Nguyên, được biết đến nhiều nhất với những bức tranh vẽ hoa mai. Các bức họa của ông được đề thêm một dòng chữ thư pháp trên nhánh hoa mai khai nở. Ông viết bài thơ “Mặc mai” như sau:
Ngã gia tẩy nghiễn trì biên thụ,
Đóa đóa hoa khai đạm mặc ngân.
Bất yếu nhân khoa nhan sắc hảo,
Chỉ lưu thanh khí mãn càn khôn.
Tạm dịch:
Cây hoa bên ao rửa nghiên nhà
Đóa đóa khai hoa nhạt mực ngân
Đâu cần người khen nhan sắc đẹp
Chỉ lưu thanh khí khắp trời xuân.
Ở đây, Vương Miện đã ngợi ca đức hạnh của hoa mai. Hoa mai không làm bừng lên màu sắc tươi sáng để nhận được những lời tôn vinh hoặc làm hài lòng mọi người, hoa chỉ ước muốn lưu lại một mùi hương thanh khiết vương khắp đất trời. Cánh mai điểm xuyết bằng những chấm mực nhạt màu như truyền tải sự tinh khiết toả ra từ bên trong. Mặc dù hoa mai có bề ngoài không quá nổi bật nhưng lại biểu đạt một vẻ đẹp bên trong tráng lệ và cao quý.
Loài cây này phẩm cách giống như người nghệ sĩ. Vương Miện vốn xuất thân trong một gia cảnh nghèo khó, nhưng ông đã học hành chăm chỉ để gây tiếng vang trong làng thi ca và hội hoạ. Ông đã không thể thi đỗ cuộc thi tuyển quan lại trong triều đình để có thu nhập ổn định trang trải cuộc sống, sau đó ông cũng từ chối nhiều chức vụ khác trong triều đình. Vương Miện lui về rừng núi và kiếm sống bằng nghề vẽ tranh. Ông đã dựng lên một nơi trú ngụ tràn ngập sắc hoa mai, đã trồng 1,000 cây mai xung quanh nhà. Ông tự ví mình như loài hoa mai, là người vượt qua nghịch cảnh mà không truy cầu danh vọng.
Hoa Lan
Hoa phong lan mảnh khảnh và mong manh. Vào mùa xuân, những cánh hoa nở rộ một cách duyên dáng và yêu kiều, chúng thanh tú mà không bao giờ ngạo nghễ. Hoa lan thường mọc ở những nơi vắng vẻ và hoang sơ, tỏa hương thơm thoang thoảng và thanh khiết. Với những phẩm chất này, phong lan tượng trưng cho sự giản dị, lẻ loi, khiêm cung và cao quý.
Trong tác phẩm “Mặc Lan đồ,” họa sư Trịnh Tư Tiếu vẽ một đóa lan đơn độc bay lơ lửng trên phông nền trống trải. Những chiếc lá phong lan được thể hiện bằng nét chấm phá đơn giản, mảnh mai. Các nét mực tạo nên sự đối xứng, chia bức tranh thành bố cục cân đối. Bên cạnh hoa phong lan, ông còn viết một bài thơ:
Hướng lai phủ thủ vấn Hy Hoàng
Nhữ thị hà nhân đáo thử hương
Vị hữu họa tiền khai tị khổng
Mãn thiên phù động cổ hinh hương.
Tạm dịch:
Hướng về thủ phủ hỏi Hy Hoàng
Lữ khách là ai đến thử hương
Chưa xong tranh vẽ đã thông mũi
Khắp trời phù động cổ hinh hương.
Tác phẩm này là một phản ứng đối với việc triều đình Nam Tống bị quân đội Mông Cổ chinh phục. Trung thành với nhà Tống, ông đã phản đối sự cai trị của quân Mông Cổ bằng cách đề tên vào bức tranh là “ông lão mặt Nam,” người chưa bao giờ chấp nhận triều đình phương Bắc Mông Cổ.
Phong lan tượng trưng cho một người có phẩm chất cao thượng, giống như vị vua huyền thoại và là tổ tiên của nền văn mình Hoa Hạ thời thượng cổ, vua Phục Hy. Hoa lan được miêu tả là không có rễ và dường như bị trồi lên khỏi mặt đất. Khi được hỏi vì sao lại như vậy, Trịnh Tư Tiếu cảm thán, “Ngài là ai? Lẽ nào ngài không biết rằng đất đai đã bị quân man rợ dày xéo sao?”.”Hương xưa cổ” gợi lên một nỗi niềm nhớ nhung da diết về cố quốc.
Người nghệ sĩ đã tự ví mình là một cây hoa lan không rễ, tượng trưng cho tình trạng vô gia cư của mình sau khi triều đình nhà Tống sụp đổ. Dẫu vậy, ông vẫn là một người yêu nước với tấm lòng trung trinh, cao quý, không cảm thấy oán giận hay thù hận. Lời vấn mà ông đặt ra trong bài thơ càng làm tăng đậm thêm nỗi buồn của ông, bởi vì ông cảm thấy mình lạc lõng.
Cây trúc
Từ bao đời nay, người Trung Hoa cổ xưa đã luôn trân trọng cây trúc. Thân cây đứng thẳng, vươn cao tượng trưng cho sự ngay thẳng, thanh bạch. Bên trong thân cây rỗng, biểu thị sự bền bỉ và dung nhẫn. Dù mọc thẳng, trúc vẫn mềm mại uốn mình và lắc lư trong làn gió. Với tính mạnh mẽ và linh hoạt, loài cây này đã trở thành biểu tượng cho sự phục hồi, hồi sinh nhanh chóng sau những biến cố.
Tuyển tập tranh thời nhà Nguyên “Mặc trúc phổ” của Ngô Trấn (1280–1354) bao gồm các bức tranh tả trúc ở nhiều tư thế và độ tuổi khác nhau, từ cả chồi non đến thân cây già, một số thẳng đứng và mạnh mẽ, còn một số khác thì cúi xuống và dẻo dai. Tính linh hoạt thích nghi của trúc còn được khắc hoạ khi đối mặt với phong ba, bão táp và tuyết rơi. Mỗi bức tranh đều có kèm theo một dòng chữ ca ngợi những phẩm chất được tượng trưng bởi trúc, hơn là những những đặc điểm vật lý của chúng.
Trong bài thơ, Ngô Trấn đã viết:
Phủ ngưỡng nguyên vô tâm,
khúc trực tri hữu tiết.
Không sơn mộc lạc thì,
Bất cải sương tuyết diệp.
Thử huyền nhai trúc như thử
Huyền ý khả dã
Tạm dịch:
Cử động vốn vô tâm,
Cong thẳng theo lễ tiết.
Núi không cây rụng thời,
Sương tuyết lá vẫn xanh.
Trúc như thế trên vực,
Sâu xa khó ai biết.
Ở đây, ông nhân cách hóa cây trúc như một người quân tử, luôn giữ vững các cốt cách đạo đức của mình khi đối mặt với khó khăn. Ngô Trấn bày tỏ sự ngưỡng mộ khả năng tự phục hồi và tính khiêm nhường của cây trúc. Dẫu cho đối mặt với những áp lực từ bên ngoài, loài cây này vẫn giữ được bản chất thật sự của mình.
Ở bài thơ khác, ông viết:
Dã trúc dã trúc tuyệt khả ái,
Chi diệp phù sơ hữu chân thái.
Sinh bình tố thủ viễn kinh trăn,
Tẩu bích huyền nhai xuyên thạch đại..
Hư tâm bão tiết sơn chi hà,
Thanh phong bạch nguyệt liêu bà sa.
Tạm dịch:
Trúc hoang, trúc hoang, tuyệt khả ái,
Cành lá sum suê có chân thái.
Bình sinh cố thủ nơi hiểm trở
Len qua vách đá xuyên đại thạch
Khiêm tốn ôm lễ hướng sông núi
Gió mát trăng tròn chuyện trò quanh.
Với bài thơ này, Ngô trấn muốn nói đến việc tự tu dưỡng bản thân. Cây trúc thích mọc trên núi cao, lánh xa nơi trần tục, thanh bần và vô tư sống một cuộc đời ẩn dật, không màng đến chuyện thế gian. Chúng không cần ai chú ý và cũng chẳng mảy may ham muốn danh lợi. Người ta sẽ bình an với chính mình bằng cách từ bỏ những dục vọng như vậy.
Hoa cúc
Hoa cúc là loài hoa yêu thích của người Trung Hoa xưa. Nó được ca ngợi vì vẻ đẹp tinh tế. Trong khi những loài hoa khác bắt đầu úa tàn nhanh chóng trong không khí se lạnh của mùa thu, thì hoa cúc vẫn cứ nở rực rỡ. Chúng được tạo hoá ban cho một sự ân sủng vượt thời gian. Vòng đời kéo dài của hoa cúc là minh chứng cho sự sống căng tràn và nảy nở.
Thi nhân Đào Uyên Minh (365–427 SCN), người nổi tiếng trong suốt thời kỳ Lục triều, có một tình cảm đặc biệt với hoa cúc. Mặc dù ông yêu thích vẻ đẹp mùa thu của hoa cúc, nhưng ông lại quan tâm tới đặc tính chữa bệnh của chúng nhiều hơn, ông ấy pha trộn những cánh hoa cúc với rượu để tạo ra một loại thuốc trường sinh. Trong bài thơ kỳ năm, “Ẩm tửu,” ông viết:
Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên.
Vấn quân hà năng nhĩ,
Tâm viễn địa tự thiên.
Thái cúc đông ly hạ,
Du nhiên kiến Nam sơn.
Sơn khí nhật tịch giai,
Phi điểu tương dữ hoàn.
Thử trung hữu chân ý,
Dục biện dĩ vong ngôn.
Tạm dịch:
Nhà cỏ giữa nhân cảnh,
Không thấy ồn ngựa xe.
Hỏi ông sao được vậy
Lòng xa, đất tự xa.
Hái cúc dưới giậu đông,
Thơ thới nhìn núi Nam.
Khí núi ánh chiều đẹp,
Chim bay về từng đàn.
Trong cảnh có thâm vị,
Muốn tả đã quên lời.
(bản dịch trong “Đại cương Văn học sử Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê)
Bài thơ này nói lên sự hài lòng của nhà thơ khi sống nơi thôn dã. Khi còn trẻ, ông làm quan để phụng dưỡng cha mẹ. Sau khi phát hiện tham ô hủ bại của triều đình, ông rời bỏ chốn quan trường và lui về lối sống đời thanh bạch giữa chốn đồng quê, được bao quanh giữa cảnh thiên nhiên non nước hữu tình.
“Chân ý” mà ông đề cập đến trong bài thơ là bản chất thoáng qua của cuộc sống. Danh vọng và sự giàu có không đi cùng khi người ta mất đi. Ông muốn giãi bày rằng cuộc sống là phù du và tuổi già khiến ta hoang tàn. Thi nhân đã biểu đạt chân ý của một cuộc sống thanh bần không vướng bụi trần, trong khi thong dong hái hoa cúc cạnh triền núi.
Thậm chí ở giữa chốn đông người đầy huyên náo, ông ấy cũng cảm thấy lạc lõng bởi trái tim không ràng buộc với thế giới này. Bài thơ là sự hài hòa giữa cảm xúc và lý trí, truyền tải một tâm ý tĩnh tại của ông khi hòa hợp cùng thiên nhiên, nhưng ông “không thể tìm thấy từ ngữ nào” để diễn đạt thâm vị đó.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times