Thưởng thức và phân tích Tống từ: Thủy Điệu Ca Đầu
Thuỷ điệu ca đầu – Tô Thức
Phiên âm Hán Việt:
Minh nguyệt kỷ thời hữu,
Bả tửu vấn thanh thiên?
Bất tri thiên thượng cung khuyết,
Kim tịch thị hà niên.
Ngã dục thừa phong quy khứ,
Duy khủng quỳnh lâu ngọc vũ,
Cao xứ bất thắng hàn.
Khởi vũ lộng thanh ảnh,
Hà tự tại nhân gian.
Chuyển chu các,
Đê ỷ hộ, chiếu vô miên.
Bất ưng hữu hận,
Hà sự trường hướng biệt thời viên.
Nhân hữu bi, hoan, ly, hợp,
Nguyệt hữu âm, tình, viên, khuyết,
Thử sự cổ nan toàn.
Đãn nguyện nhân trường cửu,
Thiên lý cộng thiền quyên.
Dịch nghĩa:
Vầng trăng sáng có từ bao giờ,
Nâng chén rượu lên hỏi trời xanh.
Không biết là cung điện ở trên trời,
Đêm nay đã là năm nào?
Ta muốn cưỡi gió đi,
Lại sợ trên lầu quỳnh điện ngọc,
Nơi cao rét không chịu nổi.
Đứng lên múa, bóng trăng theo người,
Gì vui hơn ở dưới cõi đời.
Soi khắp gác tía,
Ta tà xuống cửa che màn gấm,
Soi cả đến người có bầu tâm sự không ngủ.
Trăng giận gì người,
Tại sao cứ tròn trong những giờ ly biệt.
Người có lúc buồn, vui, tan, hợp,
Trăng có đêm tối, sáng, tròn, khuyết,
Việc này xưa nay khó bề trọn vẹn.
Những mong người lâu dài,
Ngàn dặm cùng chung vẻ đẹp của trăng.
Dịch thơ:
Vầng trăng sáng có từ bao giờ?
Nâng chén rượu lên hỏi trời cao
Chẳng biết cung điện trên chốn ấy
Đêm nay đã là đêm năm nào?
Rắp định cưỡi mây lên đến
Chỉ sợ lầu quỳnh điện ngọc
Cao ngất lạnh lùng sao?
Đứng múa vời thanh ảnh
Trần thế khác chi đâu.
Xoay gác đỏ
Luồn song lụa
Rọi tìm nhau
Chẳng nên cừu hận
Sao lại nhằm tỏ lúc xa nhau
Người có buồn, vui, ly, hợp
Trăng có tỏ, mờ, tròn, khuyết
Tự cổ vẹn toàn đâu
Chỉ nguyện người trường cửu
Ngàn dặm dưới trăng thâu.
Giải thích:
- Bả tửu: nâng ly rượu lên
- Quỳnh lâu ngọc vũ: Hình dung về nơi ở của thần tiên trên trời
- Thanh Ảnh: bóng người ở dưới ánh trăng
- Chu các: lầu các màu đỏ thắm, đỏ tía
- Ỷ hộ: cửa sổ được trang trí tinh mỹ, đẹp đẽ
- Âm tình viên khuyết: chỉ về việc trăng tròn và trăng khuyết
- Thiền quyên: ánh trăng mỹ lệ
Tống từ kiểu bạch thoại:
Ta nâng ly rượu lên hỏi trời xanh rằng: Mặt trăng trên trời là từ khi nào mà có?
Chốn ở của thần tiên trên trời, đêm nay như thế nào rồi?
Ngước nhìn bầu trời xa xăm đầy mỹ lệ, ta thật mong muốn có thể cưỡi gió ma bay lên, nhưng lại e sợ chốn ở của các thần tiên cao quá, khiến cho cho người ta lạnh đến khó mà cảm thụ được. Vì vậy ta bất đắc dĩ phải chơi cùng cái bóng của ta, dưới ánh trăng đêm phiêu đãng nhảy múa. Niềm vui ấy, cũng tựa hồ như là đã đang ngao du trên thiên thượng vậy.
Đêm thâu tịch lặng, ta trở về căn phòng ngủ, tĩnh lặng và xa xăm đưa ánh mắt nhìn theo ánh trắng từ từ chuyển qua màu gác tía, nhè nhẹ lướt qua khung cửa sổ nhỏ bé, cũng đồng thời đang chiếu rọi lên toàn thân con người đang chưa muốn đi ngủ này.
Mặt trăng à ! Mặt trăng ! Nhà ngươi vốn không nên có lòng hận ghét gì đối với con người, vì sao ngươi cứ hay xuất hiện với bộ dạng viên mãn tròn đầy vào những thời khắc con người ta đang buồn tiếc thương vì sự ly biệt, để khiến cho người ta khi ở trong khoảnh khắc ấy mà nhìn thấy ngươi trong lòng cảm thấy càng khó kìm lòng?
Ô hô ! mà thôi ta không nên suy nghĩ quá nhiều phải không? Con người có bi hoan, có ly hợp, cũng tựa như mặt trăng có khi tròn, khi khuyết, Từ xưa đến nay đâu hề có cái đẹp nào thập toàn thập mỹ phải không?
Chỉ cần chúng ta đều có một thân thể mạnh khỏe, sống lâu, sống thọ, Dẫu khoảng cách địa lý cách nhau xa, nhưng vẫn lại có thể cùng nhau thưởng thức trăng sáng trên bầu trời sâu thẳm kia phải không? Vì thế cũng là không có gì mà phải tiếc nuối.
Câu chuyện của bài Từ này:
Tô Thức và phụ thân Tô Tuân cùng đệ đệ Tô Triệt đều là những người có thể viết văn cực hay, thời ấy người đời đem ba người họ gọi là “Tam Tô”.
Tô Thức cùng đệ đệ Tô Triệt tình cảm anh em thân như thủ túc, vừa là hảo huynh đệ, lại là hảo bằng hữu. Bài Tống Từ “Thủy Điệu Ca Đầu” này Chính là Tô Thức hoài niệm đệ đệ ở phương xa mà viết ra. Hai huynh đệ mặc dù bởi vì làm quan nên kinh qua nhiều năm không gặp mặt, thế nhưng hai huynh đệ vẫn thường hay viết thư gửi qua lại rất nhiều. Vào thời đó giao thông và mọi điều kiện chưa được thuận lợi, nếu gửi thư cho nhau thì ít nhất mỗi một tháng mới nhận được một lá thư mà thôi, Có điều được như 2 huynh đệ Tô Thức như vậy quả là không giản đơn rồi.
Về sau này vì Tô Thức bất đồng chính kiến với Tể tướng Vương An Thạch, nên ông bị giáng chức quan, và còn bị bắt nhốt vào lao ngục. Đệ đệ Tô Triệt đã viết thư tấu trình lên cho Hoàng Thượng rất nhiều, hy vọng nếu được phép Ông sẵn sàng dùng chức quan đương nhiệm mà đổi lấy tội trạng của anh trai mình. Nhưng đến cuối cùng không được Hoàng Thượng phê chuẩn. Dù sao câu chuyện này cũng đã trở thành “ thiên cổ giai thoại” đi vào thơ ca thời Tống đến nay.
Trích từ “Hoa nhất thư cục Nhi đồng khởi mông văn học”
Học Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: