Một ký giả chân chính: Ghi lại những câu chuyện đời thường và tôn vinh vẻ đẹp của con người
Chúng tôi giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách của nhà văn du lịch Ralph Grizzle, xuất bản năm 2000, gợi nhắc chúng ta về một ký giả bình dị được vô số người Mỹ yêu mến.
Trong Từ điển Tiếng Anh Mỹ năm 1828, tác giả Noah Webster đưa định nghĩa chữ “nhật ký” (journal) — nghĩa là “một ghi chép về các diễn biến và sự kiện hàng ngày” — lên trước định nghĩa chữ “ký giả” (journalist). Đó không chỉ vì thứ tự của bảng chữ cái, mà vì sự thật rằng tin tức thì quan trọng hơn người quan sát và ghi chép lại những diễn biến và sự kiện hàng ngày ấy. Có thể nói, những ký giả ở thế kỷ 21 thường viết ra những gì họ nghĩ hoặc muốn người khác nghĩ hơn là ghi chép lại những gì họ chứng kiến.
Ký giả Charles Kuralt (1934–97) lại hoàn toàn khác. Ông khởi đầu sự nghiệp bằng việc ghi lại những câu chuyện tin tức chính xác, chân thực về con người và nơi chốn cho một tờ báo, và khép lại sự nghiệp của mình bằng việc kể lại và đưa ra những câu chuyện tin tức chính xác, chân thực về con người và nơi chốn cho loạt chương trình truyền hình “On the Road” của đài CBS.
Thư tình gửi nước Mỹ
Một vài năm sau khi ký giả Kuralt qua đời, nhà văn du lịch Ralph Grizzle quyết định phỏng vấn 100 bạn bè, thành viên gia đình và đồng nghiệp của ký giả này để biên soạn [một cuốn sách] tôn vinh cuộc đời của ký giả Kuralt. Ông Grizzle thực hiện dự án này xuất phát từ lòng ngưỡng mộ dành cho nhân vật mà ông từng phỏng vấn và kính trọng này.
“Tôi bị cuốn hút bởi người đàn ông phi thường này,” ông Grizzle chia sẻ với độc giả trong lời tựa của cuốn sách “Tưởng Nhớ Ký Giả Charles Kuralt” (Remembering Charles Kuralt) xuất bản vào năm 2000:
“Tinh thần của cuốn sách ‘Tưởng Nhớ Ký Giả Charles Kuralt’ được tóm gọn rõ nhất qua câu nói của nhà viết kịch người Anh J.M. Barrie [tác giả của Peter Pan], vào năm 1922: ‘Thượng đế ban tặng ký ức để chúng ta có thể sở hữu những đóa hồng giữa tháng Mười Hai.’ Ký giả Kuralt đã mang đến cho chúng ta những câu chuyện và nhân vật tuyệt vời – ví như những đóa hồng, giúp chúng ta lưu giữ trong tâm.”
Ông Grizzle và ký giả Kuralt cùng xuất thân từ vùng nông thôn North Carolina. Ông bắt đầu cuốn sách của mình bằng cách khám phá cách thức và lý do tại sao việc lớn lên giữa những người nông dân và công nhân cổ cồn xanh cần mẫn đã góp phần hình thành nên phong cách kể chuyện giàu tình cảm, đậm chất thơ của ký giả Kuralt.
Ký giả Kuralt không phải suy nghĩ về việc theo đuổi nghề nghiệp nào. Ở tuổi lên 10, vì quá khát khao kể cho người khác nghe về những gì đang diễn ra xung quanh mình, cậu đã sáng lập tờ báo riêng mang tên The Garden Gazette. Cậu bé Kuralt được một giáo viên tiếng Anh kiêm báo chí lớp tám dìu dắt. Người thầy này nhanh chóng nhận ra một tố chất đặc biệt ở cậu: “Cậu ấy [biết] quan sát.”
Ngay từ cuối thời trung học, chàng trai Kuralt đã bắt đầu viết về con người theo phong cách mà sau này ông sử dụng cho loạt phóng sự “On the Road” nổi tiếng của mình. Ông từng viết về hai nhân viên của trường: “Vào tháng Chín, một loạt học sinh mới sẽ tập trung trong hội trường, có chút nghi ngờ và sợ hãi. Và đón tiếp họ sẽ là cô Rosa và ‘Cô Gertrude’ – hai cô lao công với lòng yêu nghề, những câu chuyện thú vị, và hai cây chổi cũ kỹ.”
Những bài viết của ông, dù trên báo chí, đài phát thanh, hay truyền hình, đều chiếm được cảm tình của biết bao độc giả và khán giả. Ông nổi tiếng với những câu chuyện hoài niệm về tất cả mọi người, từ những người đóng tàu đến những người thợ xây. Với ký giả Kuralt, không một con người hay một địa danh nào là nhỏ bé [tầm thường].
Bà Jane T. Tolbert, người đồng hành cùng ký giả Kuralt trong một số chuyến ghi hình cho chương trình “On the Road” năm 1974, đã chia sẻ trong cuốn sách “Tưởng Nhớ Ký Giả Charles Kuralt”: “Với tôi, cũng như nhiều ký giả khác, ông Kuralt là một anh hùng. Ông sở hữu sự kết hợp độc đáo giữa các kỹ năng — một phong cách hùng hồn và óc tò mò vô tận cùng kiến thức sâu rộng về văn học, lịch sử. Quan trọng hơn, ông chân thành quan tâm đến con người và muốn cho độc giả thấy điều mà ông mô tả là ‘chủ nghĩa cá nhân trong thời đại của nhựa và sự đồng nhất này.’ Giống như một nghệ sỹ tài hoa chỉ cần vài nét vẽ để khắc họa một khung cảnh, ký giả Kuralt chọn lọc từ ngữ và trích dẫn để thể hiện những màu sắc rất riêng về cuộc đời một con người.”
Cuốn sách “Tưởng Nhớ Ký Giả Charles Kuralt” nhắc nhở chúng ta rằng báo chí có thể là một biểu hiện đẹp đẽ cho thiện tính con người. Báo chí không cần phải thúc đẩy một ý thức hệ; không cần phải giật gân. Thay vào đó, như ông Grizzle chia sẻ ở cuối cuốn sách của mình và chính ký giả Kuralt cũng bày tỏ: “Đất nước mà tôi tìm thấy [khi đưa tin] chẳng giống là mấy với đất nước mà chúng ta đọc trên trang nhất hoặc nghe trên bản tin tối. Đất nước mà tôi tìm thấy mang đến những tách cà phê và những lát bánh táo, và cả những con người luôn muốn bạn ở lại lâu hơn thời gian bạn có.”
‘Tưởng Nhớ Ký Giả Charles Kuralt’
Tác giả: Ralph Grizzle
Nhà xuất bản Kenilworth Media Inc., ngày 04/07/2000