Tại sao chúng ta không thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ như xưa?
Nghệ thuật được sáng tạo thời nay không thể khắc họa toàn bộ bức tranh về hiện thực: cả chiều sâu lẫn chiều rộng, hoặc đạt đến đỉnh cao.
Vào tháng 04/1917, điêu khắc gia thực nghiệm người Pháp Marcel Duchamp đã gửi một chiếc bồn tiểu tiện bằng sứ tới một cuộc triển lãm nghệ thuật, ký tên là “R. Mutt, 1917,” và gọi đó là nghệ thuật. Đây chính là lời tuyên chiến chống lại các lý tưởng truyền thống về điêu khắc, tạo hình, và cái đẹp. Ông Duchamp chỉ đơn giản muốn chiếc bồn tiểu trở thành một tác phẩm nghệ thuật, mặc dù rõ ràng nó không phải vậy. Ông tuyên bố rằng ngay cả những đồ vật tầm thường cũng có thể trở thành nghệ thuật, nếu chúng “được nâng lên địa vị cao quý của một tác phẩm nghệ thuật thông qua hành động lựa chọn của người nghệ sỹ.” Ông khẳng định rằng, nghệ thuật là hoàn toàn chủ quan.
Cũng chính người đàn ông này đã bôi nhọ một bản in của bức tranh Nàng Mona Lisa bằng việc vẽ bộ ria mép và bộ râu hoạt hình lên khuôn mặt bí ẩn của nàng, và đặt tiêu đề cho bức tranh bằng lối chơi chữ tục tĩu.
Đây không phải là nghệ thuật. Đây là sự nhạo báng thành tựu nghệ thuật.
Phản nghệ thuật
Ông Duchamp là thành viên của phong trào văn hóa phản lý tính, phản nghệ thuật, phản chân lý ở thành phố New York. Chiêu trò dùng bồn tiểu tiện để thu hút sự chú ý của ông đã khởi xướng một nhánh của trường phái nghệ thuật “Dada” ở New York — tiền thân của chủ nghĩa siêu thực. Dada và các phong trào nghệ thuật tiên phong có liên quan muốn định nghĩa lại bản chất của nghệ thuật, vì những người theo chủ nghĩa Dada xem các quan niệm truyền thống về tính hợp lý, vẻ đẹp, tỷ lệ, và ý nghĩa — là những cấu trúc thuộc giai cấp tư sản (bourgeois construct). Họ thể hiện quan điểm chính trị cực tả cấp tiến và cảm tình chống tư sản bằng cách chế ra các tác phẩm xấu xí, vô nghĩa, hỗn loạn, ngớ ngẩn, và phi lý.
Theo lời của nhà triết học theo chủ nghĩa Marxist người Pháp Michael Löwy, thì “sự bất kính, chế nhạo, trào phúng đen tối, và xuẩn ngốc là những vũ khí được các nghệ sỹ trẻ này vận dụng để bộc lộ cơn thịnh nộ và sự khinh miệt tột cùng của họ đối với các giá trị quy chuẩn được thiết lập trong xã hội. Mọi quy ước, truyền thống, và sự kỳ vọng của giai cấp tư sản phải được xóa sạch khỏi nền tảng xã hội.” Một tuyên bố năm 1919 của Hội đồng Trung ương Dada Berlin vì Cách mạng Thế giới (Berlin Central Council of Dada for the World Revolution) đã công khai tuyên bố việc phong trào này tuân theo chủ nghĩa cộng sản cực đoan. Phong trào nghệ thuật mang ý thức chính trị đã kết nối vẻ đẹp và nghệ thuật cổ điển với các hệ thống “áp bức” của chủ nghĩa tư bản.
Chủ nghĩa phi lý Dada xuất hiện, ít nhất phần nào, giống như một bóng ma nhợt nhạt, thoát ra từ tro bụi và sự tàn phá của Đệ nhất Thế chiến. Cuộc chiến này dường như cuối cùng đã đập tan những ước mơ và hứa hẹn về một kỷ nguyên hòa bình và hạnh phúc mới — được xây dựng dựa trên sự ngự trị của lý trí, đúng như các nhà triết học duy lý ở thế kỷ 18 và tinh thần cấp tiến đầu thế kỷ 20 từng thề thốt. Đám đông theo chủ nghĩa Dada nhìn vào sự phi lý và hỗn loạn của chiến tranh, bi kịch của nó trên quy mô lớn, và đáp trả bằng cả sự phản đối lẫn đầu hàng trước sự tàn sát và vô nghĩa của chiến tranh.
Giám tuyển Leah Dickerman viết trong danh mục của Phòng Trưng bày Quốc gia rằng, “Đối với nhiều nhân sỹ trí thức, Đệ nhất Thế chiến đã dẫn đến một sự sụp đổ niềm tin vào lời hùng biện — nếu không muốn nói là các nguyên tắc — của nền văn hóa lý tính vốn chiếm ưu thế ở châu Âu kể từ Thời kỳ Khai Sáng.”
Những người theo chủ nghĩa Dada không phải là những nghệ sỹ kích động duy nhất bộc lộ sự vỡ mộng với những gì liên quan đến chiến tranh. Kinh hoàng trước những báo cáo về nỗi đau khổ và hoang tàn do vụ đánh bom Guernica mà Đức gây ra trong Cuộc Nội chiến Tây Ban Nha vào tháng 04/1937, Pablo Picasso đã vẽ một bức tranh lớn, ghê rợn, kỳ quái về hậu quả khủng khiếp của vụ đánh bom này. Bức tranh chứa đầy những hình thù vặn vẹo, đường nét rối rắm khó hiểu, những cơ thể mất cân đối và bị chặt đứt tứ chi, cùng những khuôn mặt người thô kệch đang âm thầm gào thét trong đau đớn. Đó là một mớ hỗn độn của nỗi đau được khắc họa bằng thứ màu đơn sắc, ảm đạm. Nhiều người coi bức tranh “Guernica” là một kiệt tác phản chiến.
Sự xấu xí của bức tranh “Guernica” phản ánh sự xấu xí của chiến tranh. Và một số nhà phê bình nghệ thuật sử dụng điều này như một lời giải thích và biện minh cho thứ nghệ thuật hiện đại ghê tởm đang bủa vây chúng ta. Điều đó là đúng — như những người theo trường phái Dada và Picasso đã chứng minh — rằng nghệ thuật có xu hướng phản ánh bản chất của xã hội. Nghệ thuật không thể không bị ảnh hưởng bởi triết học, chính trị, lịch sử, và tôn giáo. Nếu nghệ thuật của chúng ta xấu xí, thì đó là triệu chứng của một căn bệnh văn hóa có gốc rễ sâu xa.
Các phong trào chính trị và nỗi lo phản chiến có thể là hai lý do khiến cho phần lớn nghệ thuật hiện đại trở nên xấu xí. Nhưng dưới bề mặt sôi sục của nền chính trị cực cấp tiến, các phong trào nghệ thuật như trường phái Dada chứa đựng những chiều sâu u ám hơn: Chúng đưa ra biểu hiện trực quan cho một triết lý hậu hiện đại về sự hư vô, không tồn tại, sự vô nghĩa của cuộc sống. Những hình nhân vỡ vụn của Picasso thể hiện sự sụp đổ về ý nghĩa và trật tự mà con người hiện đại đang trải qua kể từ khi chối bỏ các quan niệm truyền thống về chân lý.
Mặt khác, nghệ thuật cổ điển lại có trật tự, tươi sáng, dễ hiểu, đẹp đẽ, và hài hòa bởi vì đó từng là cách nhân loại nhìn nhận thế giới. Ngược lại, nghệ thuật hiện đại xuất phát từ trạng thái vỡ mộng và hoài nghi về thế giới. Nhà thơ Matthew Arnold đã diễn đạt ý tưởng này trong một bài thơ đánh dấu sự khởi đầu của thời hiện đại :
Thế giới, tưởng chừng nằm trải rộng trước chúng ta
như một vùng đất của những giấc mơ,
Biết bao điều ký thú, đẹp đẽ, mới mẻ,
Thế nhưng thực tế lại chẳng hề có niềm vui, tình yêu, ánh sáng,
Chẳng có chắc chắn, bình yên, hay phương thuốc cho nỗi đau
Và chúng ta ở đây như trên một đồng bằng tăm tối
Bị cuốn theo những hồi chuông báo hỗn loạn về cuộc chiến và trốn chạy
Nơi những đội quân ngu dốt đụng độ nhau trong đêm.
Giống như sự hài hòa, trật tự, ý nghĩa cũng dần tàn lụi và biến mất khỏi nghệ thuật thị giác trong thế kỷ 20, nhường chỗ cho những hình thù trừu tượng, không thể nhận dạng và sự bùng nổ về màu sắc, thơ ca cũng dần dần tự phá vỡ bản thân, câu cú trở nên vô nghĩa, rời rạc. Nhà thơ theo trường phái Dada Hugo Ball đã viết một bài thơ chỉ toàn là những âm điệu lộn xộn, vô nghĩa. Đây là hệ quả tất yếu của chủ nghĩa bi quan mà nhà thơ Matthew Arnold đã trình bày ở trên, loại chủ nghĩa bi quan của một thế giới đã đánh mất niềm tin vào ý nghĩa khách quan.
Nghệ thuật hiện đại đúng là phản ánh một nền văn hóa đã bác bỏ những quan niệm khách quan về vẻ đẹp và ý nghĩa, và theo góc độ đó, nó là chân thật. Ít nhất chúng ta có thể nói rằng nó là [sự phản ánh] chân thực [về xã hội] hoặc thậm chí có thể là chính đáng. Một nghệ sỹ nên nói lên sự thật về thời đại của mình. Tuy nhiên, liệu đó chính là mục đích duy nhất của nghệ thuật chăng?
Mục đích sâu sắc hơn của nghệ thuật
Liệu rằng nói lên sự thật của thời đại có phải là tất cả những gì mà một nghệ sỹ nên làm? Liệu có phải nghệ thuật chỉ đơn thuần là bình luận xã hội và phản ánh những thái độ, triết lý, và sự kiện lịch sử đang thịnh hành? Truyền thống Tây phương sẽ nêu ra phương diện khác. Những nhà tư tưởng kể từ thời triết gia Aristotle tin rằng nghệ thuật có thể và nên thể hiện điều gì đó vượt thời gian và siêu việt, không bị bó buộc bởi bất kỳ thời đại hay nền văn hóa cụ thể nào.
Trong Phần IV của tuyển tập “Poetics” (Thi Học), triết gia Aristotle dạy rằng nghệ thuật là sự mô phỏng hiện thực, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về thực tại. Bằng việc miêu tả điều gì đó cụ thể, [nghệ thuật giúp] chúng ta hiểu được những chân lý phổ quát, bất biến. Trong tác phẩm “Only the Lover Sings: Art and Contemplation” (Chỉ Người Yêu Mới Hát: Nghệ Thuật và Chiêm Nghiệm) triết gia Josef Pieper đã lên tiếng về góc nhìn nghệ thuật xa xưa này:
“Bất cứ ai cũng có thể suy ngẫm về những việc làm và những chuyện xảy ra của con người, từ đó nhìn vào chiều sâu thăm thẳm của vận mệnh và lịch sử; bất cứ ai cũng có thể say mê chiêm ngưỡng một bông hồng hoặc một khuôn mặt người và từ đó chạm tới bí ẩn của tạo hóa; vì thế, cũng tham gia vào hành trình tìm kiếm [ý nghĩa nhân sinh] đã thôi thúc tâm trí của các triết gia vĩ đại từ thuở sơ khai. Chúng ta còn thấy một hình thức khác của hoạt động này trong quá trình sáng tạo của nghệ sỹ, người không đặt mục tiêu hàng đầu vào việc tái hiện thực tại, mà thay vào đó là làm cho bản chất nguyên mẫu của vạn vật trở nên hữu hình và chân thật trong lời nói, âm thanh, màu sắc, và đá, vì anh ta được trao đặc ân để nhận biết chúng.”
Một số người có thể phản bác rằng tác phẩm “Guernica” mô tả một thực tế phổ quát: sự kinh hoàng của chiến tranh. Điều đó đúng ở một điểm nào đó. Nhưng chiến tranh có phải là khía cạnh bất biến, sâu sắc nhất của hiện thực không?
Hãy nhớ lại rằng thế giới luôn có chiến tranh (mặc dù không phải kiểu chiến tranh đặc biệt phi nhân tính thời hậu công nghiệp mà Picasso đã vẽ), nhưng các tác phẩm nghệ thuật cổ điển về chiến tranh không hề xấu xí theo kiểu bức tranh “Guernica” của Picasso. Có lẽ điều này là do trong quá khứ, các nghệ sỹ có thể nhìn thấy ý nghĩa và mục đích nhất định ngay cả trong những thảm họa và đau khổ tột cùng như chiến tranh. Hình ảnh anh hùng Aeneas chạy trốn khỏi thành Troy đang bốc cháy, mất đi người vợ, mất tất cả vì chiến tranh, trong tác phẩm “The Aeneid” tuy bi thảm nhưng không hề phi lý hay chỉ mang sự hỗn loạn thuần túy. Thi hào Virgil đã nhìn thấu qua vẻ ngoài tối tăm và xấu xí của khung cảnh này để hướng tới một chân lý bền vững, sâu sắc hơn.
Trong cuốn sách “Iris Exiled” (Iris Bị Lưu Đày), tác giả Dennis Quinn nói về góc nhìn của thi hào Virgil: “Tuy nhiên, đây không phải là góc nhìn bi thương; không có khái niệm về một số phận xấu ác, mà ngược lại, đó là ý tưởng về một vận mệnh tốt lành. … Có thể những điều tồi tệ nhất — mất đi những thứ đẹp đẽ nhất, mất đi tất cả — là để chuẩn bị cho điều tốt đẹp nhất. Nếu thành Troy không sụp đổ, La Mã đã không ra đời.” Thế giới quan cho rằng có thể tìm thấy điều ý nghĩa ngay cả trong khổ đau sẽ được phản ánh trong các tác phẩm nghệ thuật chứa đựng sự hài hòa, tỷ lệ, trật tự, cân đối — tức là cái đẹp — bất kể chủ đề tác phẩm là gì.
Vậy đâu là bức tranh chân thực hơn về thế giới? “Guernica” hay “The Aeneid”? Đó không phải là câu hỏi dễ trả lời. Có lẽ cả hai đều chứa đựng những yếu tố của sự thật. Nhưng thái độ cuối cùng của họ đối với hiện thực dường như hoàn toàn trái ngược nhau. Cuối cùng thế giới có phải là “đồng bằng tăm tối/ Bị cuốn theo những hồi chuông báo hỗn loạn về cuộc chiến và trốn chạy” hay là “vạn vật nằm trong một tập sách duy nhất được ràng buộc bởi Tình yêu/ trong đó vũ trụ là những trang giấy rải rác,” như nhà thơ thời Trung cổ Dante khẳng định? Quan điểm của Arnold cho rằng chúng ta đang sống trong một cơn ác mộng đen tối, chỉ có những luồng sáng hiếm hoi và nửa hư nửa ảo, giống như những ngôi sao băng. Quan điểm của Dante cho rằng trời và đất tràn ngập ánh sáng, và những bóng đen mà ta nhìn thấy chỉ là kết quả tự nhiên của ánh sáng đẹp đẽ của sinh mệnh.