Truyện ngắn của Stephen Vincent Benet: ‘Máu của những người tử vì đạo’
Câu chuyện về hành trình của một nhà khoa học hiền lành dám đứng lên bảo vệ sự thật.
Những người có quyền thế thường che giấu sự thật đằng sau lớp vỏ bọc của ý kiến và thông tin giả mạo. Họ sử dụng quyền lực của mình để đàn áp và triệt hạ những người nói lên sự thật, dám chống lại những lời dối trá.
Trong câu chuyện ngắn đầy cảm hứng “The Blood of the Martyrs” (Máu của những người tử vì đạo), tác giả Stephen Vincent Benet kể câu chuyện về một giáo sư hóa sinh trong Đệ nhị Thế chiến. Quân Đức quốc xã bắt giữ và tra tấn Giáo sư Malzius để khai thác thông tin; khi ông tiếp tục kháng cự, chúng đưa ra cho ông một thỏa thuận quá đỗi hấp dẫn đến nỗi khiến ông tuân theo ý muốn của nhà nước này. Tuy nhiên, sâu thẳm trong lòng, ông Malzius biết rằng sự thật không thể bị đàn áp hoặc chối bỏ.
Đi cải tạo
Giáo sư Malzius nằm dài trên sàn buồng giam, mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà. Ông bị Đức Quốc xã bắt giam vì có dính líu với những sinh viên âm mưu chống đối lại chính quyền. Chúng tra tấn và thẩm vấn ông để buộc ông khai ra danh tính của các sinh viên.
Giáo sư Malzius đã chịu đựng tra tấn mà không tiết lộ danh tính hay phản bội những người học trò mà ông rất nhung nhớ. Ông chỉ muốn được trở lại phòng thí nghiệm để có thể tiếp tục nghiên cứu về hóa sinh. Thế nhưng, ông tin rằng Đức Quốc xã sẽ không bao giờ thả ông ra.
Những ngày tháng giam cầm dài đằng đẵng. Nhưng rồi Giáo sư Malzius chợt nhận ra có một ngày nọ rất khác mọi ngày. Một tên lính đến buồng giam, ra lệnh ông đứng dậy, đeo kính vào và đi theo hắn. Tư lệnh trại giam đã cho gọi Giáo sư Malzius. Yếu ớt nhưng vẫn tuân lệnh, Giáo sư Malzius lê chân bước qua sân tù, tới văn phòng tên tư lệnh, trong khi [lòng thấp thỏm] chuẩn bị đối mặt với đội xử bắn.
Bước vào bên trong, Giáo sư Malzius nhận thấy có một người đàn ông khác trong phòng. Ông Malzius chào bằng câu “Tổ quốc muôn năm.” Tên tư lệnh trại giam quay sang người đàn ông kia và nói: “Ông thấy đấy, hắn được huấn luyện rất tốt.”
Bất ngờ, Giáo sư Malzius nhận ra người đàn ông mới đến chính là tên độc tài Hitler. Biết được điều đó, ông Malzius bắt đầu lên tiếng: “Tôi đã được đối xử rất tốt ở đây. […] Tôi là Giáo sư Gregor Malzius — giáo sư hóa sinh học. […] Các thí nghiệm của tôi về tế bào di cư vẫn chưa hoàn thành.” Ông trấn an họ rằng mình không hề phàn nàn, mà chỉ mong muốn được tiếp tục làm các thí nghiệm khoa học.
Hitler và tên tư lệnh trại giam thừa biết tài năng của Giáo sư Malzius; ông ấy phải đi cải tạo chỉ vì quan điểm chính trị của mình. Giờ đây, khi đã cải tạo xong, họ đề nghị ông đảm nhận chức Viện trưởng Viện Hàn lâm Quốc gia, trở thành một nhà lãnh đạo khoa học.
Sự thật bất diệt
Giáo sư Malzius cảm thấy tràn đầy hy vọng. Ông sẽ lấy lại được phòng thí nghiệm và có thể tiếp tục thực hiện các thí nghiệm của mình. Ông quan tâm gì đến chính trị chứ? Ông là một nhà khoa học, và các nhà khoa học chỉ tìm kiếm sự thật. Giáo sư chấp nhận vị trí này.
Tuy nhiên, khi Hitler bắt đầu nói về những nhiệm vụ mới của ông với tư cách là Viện trưởng Viện Hàn lâm Quốc gia, Giáo sư Malzius nhận ra có điều gì đó không ổn. Những gì Hitler mong muốn không thể chứng minh được [không dựa trên sự thật khách quan]. Ý muốn của hắn coi thường sự thật.
Câu chuyện của Benet thể hiện niềm tin vững chắc vào cách sống ngay thẳng. Giống như cố Tổng thống Abraham Lincoln từng nói: “Tôi không nhất thiết phải chiến thắng, nhưng tôi nhất định phải làm đúng. Tôi không nhất thiết phải thành công, nhưng tôi nhất định phải sống xứng đáng với những gì tôi tin là chân lý.” Khi mang theo sự thật, chúng ta có dũng khí để nói lên quan điểm của mình.
Qua câu chuyện đầy cảm hứng này, tác giả Benet truyền thông điệp về sức mạnh của sự thật. Sự thật mang lại ánh sáng, sự sáng suốt, và hy vọng. Sự thật mang lại dũng khí để đương đầu với những tình huống tưởng chừng như không thể. Khi bám trụ vào sự thật, những người nói lên sự thật sẽ bảo tồn quá khứ, cứu rỗi hiện tại, và mang đến hy vọng cho tương lai.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times