Tình cảnh không cha trong Sử thi ‘Odyssey’ của thi hào Homer
Sự hỗn loạn ngự trị ở Ithaca và trong thời hiện đại của chúng ta
Khi nghĩ về thiên sử thi “Odyssey” của thi hào Homer, được viết vào cuối thế kỷ thứ tám hoặc đầu thế kỷ thứ bảy Trước Công Nguyên, chúng ta nhớ tới những con quái vật. Chúng ta hình dung ra những tên khổng lồ một mắt Cyclops đang cuồng nộ ném đá vào thuyền của Odyssey, mỗi tảng đá khổng lồ bắn lên những tháp phun từ bề mặt lấp lánh của Địa Trung Hải. Hoặc chúng ta nghĩ về vùng nước xoáy xung quanh thủy quái Charybdis khi con quái vật này nuốt từng ngụm “biển đen như rượu,” trong khi Odysseus cố gắng tránh xa tầm với của con thú này. Chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi rằng một câu chuyện anh hùng cổ xưa như thế này có thể mang lại thông điệp hay bài học gì cho độc giả thời hiện đại.
Nhưng mối quan tâm chính của thi hào Homer trong bài thơ này không phải là những quái vật, phép thuật, hay cuộc phiêu lưu, mặc dù câu chuyện này kể khá nhiều về các chi tiết nói trên. Thay vào đó, ông tập trung vào những câu hỏi về nhà cửa, gia đình, và đặc biệt là tình phụ tử — những chủ đề chắc chắn khiến chúng ta quan tâm.
Cốt lõi của “Sử thi Odyssey” là một bài thơ về gia đình, chú trọng mô tả ý nghĩa của việc có một quốc gia, một gia đình, một người phối ngẫu, một đứa con.
“Không có món quà nào tuyệt vời hơn, tốt đẹp hơn trên thế giới này … khi người đàn ông và người phụ nữ sở hữu một mái nhà, hai khối óc, hai trái tim cùng hòa vào làm một. Sự kết hợp ấy khiến những kẻ thù thoái chí, mang niềm hân hoan đến cho những người bằng hữu,” Odysseus nói trong Quyển VI (bản dịch của ông Robert Fagles), và những lời này phản ánh khát khao được đoàn tụ với vợ và con trai của Odysseus. Khát vọng sâu sắc này đã thúc đẩy ông vượt qua mọi sự mệt mỏi và tai ương trong suốt 20 năm thử thách của mình, đầu tiên là trong Cuộc chiến thành Troy, tiếp đến là hành trình trở về nhà.
Thi hào Homer gọi ông là “Odysseus trường tồn.” Ông ấy nhẫn chịu vì mong muốn đoàn tụ với gia đình.
Biến cố ở quê nhà
Homer cũng cho chúng ta thấy sự yên bình trong gia đình có thể dễ dàng bị xáo trộn như thế nào. Trong “Sử thi Odyssey,” chúng ta thấy những điều sẽ xảy ra khi quốc gia thiếu vắng người dẫn đầu, khi vợ chồng xa cách nhau, và khi con cái lớn lên thiếu vắng hình bóng của người cha. Trong thời gian dài Odysseus vắng nhà vì cuộc chiến thành Troy, thì mọi sự vụ trên hòn đảo Ithaca, quê hương ông, đều diễn ra không mấy suôn sẻ. Nhiều năm trôi qua, người dân Ithaca tin rằng Odysseus, vị vua của họ, đã tử trận.
Kết quả là, một đám đông những người trẻ tuổi vây quanh để cầu hôn vợ của Odysseus, nàng Penelope, với hy vọng được kết hôn với nàng — và kèm theo đó là việc có được cả vương quốc. Những kẻ này đã xâm nhập vào điền sản của nàng và sống nhờ vào của cải của nàng và Odysseus. Họ lang thang quanh phòng tiệc của nàng Penelope, uống rượu và cười đùa, quấy rối các cô hầu gái, dường như không quan tâm đến sự xúc phạm mà họ gây ra đối với ký ức về Odysseus và phẩm giá của vị hiền thê của ông.
Những người đàn ông trẻ tuổi rót đầy rượu vào bát trộn.
Họ vươn tới những món ngon nằm trong tầm tay,
và khi họ gạt bỏ ham muốn ăn uống sang một bên
những kẻ cầu hôn đặt tâm trí của họ vào những thú vui khác,
bài hát và nhảy múa, [là] tất cả những gì tôn vinh một bữa tiệc. (Quyển I)
Những kẻ cầu hôn chỉ nghĩ đến việc mua vui cho bản thân. Họ là hình mẫu cực đoan của những vị khách đã vượt qua ranh giới mà họ được chào đón. Và việc lợi dụng lòng hiếu khách như vậy trong thế giới Hy Lạp cổ đại thậm chí còn được xem là đáng xấu hổ hơn so với ngày nay.
Người Hy Lạp tuân theo khái niệm “xenia,” luật hiếu khách hướng dẫn về mối quan hệ giữa khách và chủ nhà. Chủ nhà phải chào đón tất cả mọi người, bảo đảm để khách đến nhà có đồ ăn và thức uống trước cả khi hỏi tên họ. Đổi lại, khách phải tôn kính và quý trọng chủ nhà, tặng quà đền đáp, và không lợi dụng [lòng tốt của chủ nhà] quá lâu.
Những kẻ cầu hôn đã phớt lờ những phong tục thiêng liêng này của tổ tiên họ, nhưng không ai can thiệp để chấm dứt hành vi này. Thế nên, sự hỗn loạn đã ngự trị ở Ithaca.
Điều gì đã khiến những thanh niên này trở nên vô liêm sỉ, phóng túng và thiếu hiểu biết về các truyền thống thiêng liêng như vậy? Câu trả lời là họ thiếu sự nuôi dưỡng, dạy dỗ của những người cha.
Odysseus không phải là người đàn ông duy nhất của Ithaca đi thuyền đến thành Troy; cả một thế hệ những người cha đã rời hòn đảo này khi họ cầm vũ khí chống lại quân thành Troy. Và cả một thế hệ nam nhi lớn lên, thiếu vắng sự dạy dỗ của những người đàn ông Ithaca lớn tuổi và thông thái.
Có gì lạ khi những cậu bé này không thể trở thành những người đàn ông chân chính? Có gì lạ khi họ chưa bao giờ học cách tìm kiếm bất cứ điều gì khác ngoài những thú vui trẻ con? Có gì lạ khi họ đã quên những phong tục của tổ tiên họ, chẳng hạn như xenia?
Trở thành một người đàn ông chân chính
Hơn ai hết, người cha trao truyền cho các cậu bé vốn hiểu biết về các truyền thống của một xã hội và lý do vì sao cần phải chú trọng những điều đó. Người cha tốt cũng dạy con trai mình dùng bản lĩnh nam nhi để phụng sự và bảo vệ người khác, thay vì trục lợi từ họ.
Không có những người thầy này, thì các cậu bé không biết cách để trở thành những người đàn ông chân chính, và những đứa trẻ đó không thể tìm thấy những mối liên hệ với quá khứ mà các em cần gìn giữ hoặc, tệ hơn nữa, là các em xem thường những mối liên hệ đó. Nếu một cậu bé không thấy cha mình xem trọng các truyền thống văn hóa, thì cậu ta thường sẽ kết luận rằng những truyền thống đó không có gì quan trọng.
Sự thông tuệ của thi hào Homer vang vọng đến chúng ta qua các thời đại, và điều đúng đắn về tầm quan trọng của mối quan hệ cha con vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Tư tưởng này khiến chúng ta lo lắng, vì ở Hoa Kỳ có đến 18.4 triệu trẻ em, hay cứ 4 trẻ em thì có 1 trẻ, sinh trưởng trong một gia đình thiếu vắng người cha.
Có gì lạ khi những chàng trai trẻ ngày nay, giống như những người cầu hôn trong cung điện của Odysseus, đã đánh mất mối liên hệ với truyền thống văn hóa của chính họ? Và rằng, vì không có bất kỳ lý tưởng cao đẹp nào, nên thanh niên thời nay thường chuyển sang các trò chơi điện tử và những thứ có nội dung khiêu dâm; họ “để tâm vào những khoái lạc tầm thường khác”? Việc thiếu vắng người cha trong gia đình là điềm hung cho xã hội chúng ta. Và vấn nạn này cũng cho thấy dấu hiệu xuống cấp của trình độ văn hóa.
Xã hội của chúng ta đa phần đã loại bỏ Homer và những người cha khác của nền văn minh phương Tây, do vậy chúng ta không nên lấy làm lạ khi thấy những kho báu và trí tuệ từ nền văn hóa của chúng ta đang bị đe dọa.
Nhưng bất chấp bức tranh ảm đạm mà thi hào Homer vẽ ra về một xã hội hỗn loạn khi thiếu vắng sự giáo dưỡng của người cha, thì bài thơ kết thúc bằng một nốt nhạc đầy hy vọng. Khi Odysseus trở lại, ông lập tức chiến đấu với sự hỗn loạn ấy. Và đồng minh lớn nhất của ông là con trai ông, chàng Telemachus. Telemachus chỉ là một đứa trẻ khi Odysseus rời quê nhà đến thành Troy, nhưng giờ cậu ấy đã 20 tuổi và cố gắng hết sức để tránh những sai lầm của thế hệ mình.
Dưới sự ảnh hưởng của cha mình, Telemachus trở nên trưởng thành. Cậu trở nên đủ mạnh mẽ để đồng hành cùng cha khi Odysseus thách thức những kẻ đã đeo đuổi hay đe dọa vợ và những người hầu của ông.
Khi nhìn vào mắt nhau, hai cha con cảm thấy trào dâng tình yêu, sức mạnh, và niềm tin cần thiết để cùng nhau đối mặt với những kẻ cầu hôn, và rồi sự tổn thương từ tuổi thơ thiếu vắng cha của Telemachus gần như được chữa lành ngay tức khắc.
Trường An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times