Tiêu ngữ ‘In God We Trust’: Sự tôn vinh Chúa Toàn Năng trên đồng tiền quốc gia
Trong mục ‘Tuần này năm xưa,’ Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Salmon Chase đã chấp thuận một ý tưởng vào thời điểm đầu của Nội Chiến, điều này đã thay đổi lịch sử tiền tệ Mỹ quốc.
Cuộc Nội Chiến đã diễn ra ác liệt được bảy tháng, nhưng những trận chiến tàn khốc nhất vẫn chưa đến. Mục sư M.R. Watkinson, một giáo sỹ ở Pennsylvania, đã tiên liệu những khả năng tồi tệ nhất có thể xảy ra trong Nội Chiến này và bày tỏ lo ngại của mình trong một lá thư gửi Bộ trưởng Ngân khố Salmon Chase.
“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nền Cộng Hòa của chúng ta giờ đây bị tan vỡ đến mức không thể tái thiết?” Mục sư Watkinson đặt câu hỏi.
Mục sư Watkinson băn khoăn về việc các nhà khảo cổ học ở hàng thế kỷ sau trong tương lai, sẽ nghĩ gì về nền văn minh Mỹ quốc khi họ khai quật những tàn tích quá khứ của đất nước này. Đây không phải là một ý tưởng lạ; bởi lẽ thế kỷ 19 đã chứng kiến khảo cổ học trở nên thịnh hành. Thậm chí trước khi ông Watkinson cân nhắc việc viết bức thư này, và rất lâu trước khi cuộc Nội Chiến Mỹ nổ ra, nhiều phần của các nền văn minh Ai Cập, Assyria, và Babylon cổ đại đã được tái khám phá.
“Liệu những nhà khảo cổ của các thế kỷ sau có dựa trên quá khứ của chúng ta mà suy luận một cách hợp lý rằng chúng ta là một quốc gia ngoại giáo không?” ông hỏi, đề cập trực tiếp đến [bức tượng] “nữ thần tự do” vốn đã trở thành biểu tượng nổi tiếng của nước Mỹ và được đúc trên đồng xu Mỹ. “Có một sự thật liên quan đến tiền tệ của chúng ta đã bị bỏ qua một cách nghiêm trọng. Ý tôi là sự tôn vinh Chúa Toàn Năng bằng hình thức nào đó trên đồng tiền của chúng ta.”
Khi Quốc Hội nhiệm kỳ đầu tiên thông qua đạo luật về tiền đúc quốc gia vào năm 1792, đạo luật này đề xướng rằng các đồng tiền do Cục đúc tiền kim loại Hoa Kỳ mới thành lập đúc ra phải có các “hình trang trí và chữ khắc” nhất định. Các đồng xu sẽ có “hình ảnh tượng trưng cho tự do, với dòng chữ khắc Liberty, và năm đúc tiền.” Một con đại bàng với dòng chữ “United States of America” (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) sẽ được khắc ở mặt sau của các đồng xu vàng và bạc, trong khi các đồng xu bằng đồng chỉ có dòng chữ khắc biểu thị “mệnh giá của đồng tiền.”
Mục sư Watkinson đề xướng các thiết kế tiềm năng cho tiền xu tương lai, nhưng mối quan tâm hàng đầu của ông là “giải thoát chúng ta khỏi sự ô nhục của chủ nghĩa ngoại giáo … [và] công khai đặt chúng ta dưới sự bảo hộ của Thượng Đế, điều mà chúng ta đã đích thân thừa nhận. Trong thâm tâm, tôi cảm thấy có [một] nỗi xấu hổ của quốc gia bởi lẽ việc chối bỏ Thượng Đế là một trong những thảm họa hiện nay của đất nước.”
Tìm đến đúng người
Vị mục sư này biết rằng ông đang giãi bày với một người đồng đạo Cơ Đốc khi viết cho ông Chase. Không lâu sau khi nhận được thư của ông Watkinson, ông Chase đã viết thư cho giám đốc mới được bổ nhiệm của Cục đúc tiền kim loại Hoa Kỳ, ông James Pollock.
“Thưa Ngài: Không một quốc gia nào có thể hùng mạnh nếu không nhờ có sức mạnh từ Thượng Đế, hoặc an toàn mà thiếu đi sự che chở từ Ngài. Niềm tin của người dân chúng ta vào Thượng Đế nên được tuyên bố trên đồng tiền quốc gia,” ông viết. “Ngài nên nhanh chóng cho chuẩn bị một thiết kế, với một tiêu ngữ thể hiện những ngôn từ ngắn gọn nhất và súc tích nhất để biểu thị sự công nhận mang tính quốc gia này.”
Thống đốc Pollock đã bắt tay vào việc tạo ra một tiêu ngữ ngắn gọn kết nối Thượng Đế và Mỹ quốc. Ông đã nhận được các gợi ý về hướng đi: “Niềm tin,” “người dân của chúng ta,” và “Thượng Đế.” Trong lá thư đầu tiên gửi cho ông Chase, mục sư Watkinson đã đề xướng là “Thượng Đế, Tự do, Luật pháp.” Có lẽ Thống đốc Pollock đã cân nhắc dòng thơ trong khổ thơ thứ tư và cuối cùng của bài “Star-Spangled Banner” (Lá cờ lấp lánh ánh sao) của tác giả Francis Scott Key, nói rằng: “Và đây là tiêu ngữ của chúng ta ― “Chúng ta tin vào Thượng Đế.”
Vào tháng 12/1863, Thống đốc Pollock trình bày những ý tưởng của mình với ông Chase. Ông đưa ra hai ý tưởng “Quốc gia chúng ta; Thượng Đế chúng ta” và “Thượng Đế, Niềm tin của chúng ta.” Cả hai đều ngắn gọn, nhưng có vẻ hơi quá súc tích. Ông Chase đã chỉnh sửa cụm từ một chút.
“Tôi tán thành các tiêu ngữ của ông, chỉ đề nghị rằng trên mặt trước của đồng xu có hình Tổng thống Washington, tiêu ngữ nên bắt đầu bằng chữ CỦA CHÚNG TA (OUR), để đọc thành THƯỢNG ĐẾ CỦA CHÚNG TA VÀ ĐẤT NƯỚC CỦA CHÚNG TA (OUR GOD AND OUR COUNTRY),” ông Chase đề nghị. “Còn trên mặt [sau] có hình tấm khiên, câu này nên được thay đổi để đọc là: CHÚNG TA TIN VÀO THƯỢNG ĐẾ (IN GOD WE TRUST).”
Thuộc quyền quyết định của Bộ Ngân khố
Trong tuần này năm xưa, vào ngày 22/04/1864, Quốc hội nhiệm kỳ 38 thông qua Đạo luật Tiền đúc năm 1864, quy định rằng “hình dáng, tiêu ngữ, và hình trang trí của các đồng xu nói trên sẽ do giám đốc cục đúc tiền quyết định, với sự chấp thuận của Bộ trưởng Ngân khố.”
Với tiêu ngữ mới được ông Chase và Quốc hội chấp thuận, cụm từ này đã xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 1864 trên các đồng xu hai cent. Vào ngày 03/03/1865, Quốc hội đã chấp thuận để Cục đúc tiền kim loại Hoa Kỳ “đặt tiêu ngữ này lên tất cả các đồng vàng và bạc nào mà ‘có thể khắc chữ trên đó.’”
Tiêu ngữ quốc gia này đã được duy trì không đổi kể từ năm 1864, mặc dù nó từng gây tranh cãi và đôi khi được tái khẳng định. Đồng một cent (penny) bắt đầu mang tiêu ngữ này từ năm 1909 và đồng mười cent (dime) từ năm 1916. Kể từ năm 1908, tiêu ngữ đã xuất hiện trên tất cả các đồng vàng, đồng dollar bạc, nửa dollar, và đồng 25 cent.
Sự phản kháng bất ngờ
Vào năm 1907, việc đặt tiêu ngữ “Chúng ta tin vào Thượng Đế” lên tiền tệ đã gặp phải sự phản đối từ một nhân vật không thể ngờ. Tổng thống Theodore Roosevelt, người đã giao cho nghệ sỹ chế tác phù điêu Augustus Saint-Gaudens thiết kế các đồng xu mới có hình đại bàng và đôi đại bàng, đã quyết định loại bỏ tiêu ngữ này. Tuy nhiên, sự phản đối kịch liệt từ công chúng đủ mạnh để tiêu ngữ “Chúng ta tin vào Thượng Đế” tiếp tục xuất hiện trên tất cả các đồng tiền sau này và buộc Tổng thống Roosevelt phải giải thích lý do của ông.
“Không có luật nào quy định về dòng chữ này,” Tổng thống Roosevelt đã viết trong một lá thư công khai. Điều ông viết là đúng vì các luật được ban hành trước đó giao quyền quyết định “hình dạng, tiêu ngữ, và hình trang trí” cho Cục đúc tiền và Bộ Ngân khố. “Cảm nhận của riêng tôi về vấn đề này xuất phát từ niềm tin rất vững chắc rằng việc đặt một tiêu ngữ như vậy lên tiền xu … không những không đem lại ích lợi gì, mà còn có tác hại rõ ràng, và thực chất là bất kính, điều gần như phạm thượng. Một câu đẹp đẽ và trang trọng như câu đang được đề cập đây chỉ nên được đối xử và thốt ra với lòng tôn kính cao quý, hàm ý cần có một sự thanh cao nhất định về mặt tinh thần.”
“Đây là một tiêu ngữ mà, quả thật, nên được khắc lên các đài tưởng niệm Quốc gia vĩ đại của chúng ta, trong các đền thờ công lý, trong các hội trường lập pháp, và trong các tòa nhà như học viện West Point và Annapolis — nói tóm lại, bất cứ nơi nào tiêu ngữ này có xu hướng khơi dậy và truyền cảm hứng về một cảm xúc cao thượng cho những người nhìn thấy nó. Nhưng đối với tôi, thật thiếu khôn ngoan khi dùng tiêu ngữ này trên đồng xu bởi vì [làm vậy] chính là hạ thấp giá trị của nó.”
Khẳng định tiêu ngữ
Năm mươi năm sau sai lầm tương đối của Tổng thống Roosevelt, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã ký một dự luật bảo đảm “dòng chữ ‘Chúng ta tin vào Thượng Đế’ sẽ xuất hiện trên tất cả tiền tệ và đồng xu của Hoa Kỳ sau này” và xác nhận đây là tiêu ngữ quốc gia. Dân biểu Charles Bennett, người đề xướng dự luật lần đầu tiên, lập luận rằng “khi chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa cộng sản duy vật tìm cách tấn công và phá hủy tự do, thì chúng ta nên liên tục tìm cách củng cố nền móng tự do của chúng ta.” Lời này trực tiếp nhắm đến cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. “Trong khi niềm tin vào Thượng Đế là mang tính phổ quát và vĩnh cửu, thì bốn từ cụ thể “Chúng ta tin vào Thượng Đế” (In God We Trust) này lại khởi nguồn từ đất nước chúng ta.”
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times