Vụ mưu toan ám sát cựu TT Trump sẽ là một bước ngoặt hướng tới tinh thần đoàn kết
Vào ngày 16/06/1858, khi diễn thuyết trước các thành viên Đảng Cộng Hòa đã chọn ông ra tranh cử Thượng viện ngày hôm đó, cố tổng thống Abraham Lincoln đã có bài diễn văn nổi tiếng “House Divided” (Một ngôi nhà Tự chia rẽ). Khán giả của ông có lẽ đã nhận ra ngay nguồn gốc của câu chủ đề trong bài, “Một ngôi nhà tự chia rẽ thì không thể đứng vững được” vì câu này cũng xuất hiện trong cả ba Phúc Âm Nhất Lãm của Tân Ước. Cố tổng thống Lincoln ngay lập tức tiếp nối tuyên bố đó bằng quan điểm: “Tôi tin rằng chính phủ này không thể trường tồn trong tình trạng nửa nô lệ, nửa tự do.”
Lời nói của cố tổng thống Lincoln đã cho thấy sự tiên đoán. Chưa đầy ba năm sau, ngôi nhà Hoa Kỳ bị chia cắt này đã tan rã, và trong bốn năm, người Mỹ đã chiến đấu chống lại người Mỹ trong cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử của chúng ta. Các nhà sử học vẫn còn tranh luận về nguyên nhân của cuộc chiến đó, nhưng hiếm ai không đồng ý rằng những lời lẽ khoa trương hùng hồn và đôi khi là những hành động bạo lực ở cả hai miền Bắc và Nam đã châm ngòi và thúc đẩy tai họa khủng khiếp này.
Đến hôm nay, đất nước chúng ta cũng bị chia rẽ sâu sắc — không phải bởi chế độ nô lệ, không phải bởi chủ nghĩa khu vực, mà bởi các hệ tư tưởng. Bằng chứng rõ ràng nhất về sự chia rẽ độc hại đó đã nổi lên vào hôm 13/07, khi cựu Tổng thống Donald Trump thực sự bị một tay bắn tỉa ám sát suýt mất mạng.
Những viên đạn được bắn vào chiều thứ Bảy (theo giờ địa phương) đã khiến hai người thiệt mạng (bao gồm cả tay súng đó) và hai người khác trong đám đông bị thương nặng. Cuộc tấn công cũng gây ra một vết thương khác cho một quốc gia vốn đã có đổ máu vì thù hận và bất hòa.
Sau vụ nổ súng, bức ảnh chụp ông Trump bị thương đã được lan truyền rộng rãi, với một tay giơ lên thành nắm đấm kiên cường, với bốn nhân viên Mật Vụ vây quanh. Một lá cờ Mỹ bay phấp phới bên trên họ. Hãy tập trung vào lá cờ đó chỉ giây lát thôi.
Trong Lời thề Trung thành, từng là bài học cơ bản trong các lớp học của chúng ta, có dòng chữ “Tôi thề trung thành với lá cờ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và nền cộng hòa, mà lá cờ này đại diện, một quốc gia bên dưới Thượng Đế, không bị chia cắt, với quyền tự do và công lý cho tất cả mọi người.”
Một quốc gia. Không thể chia cắt. Hai nhóm từ đó nhắc nhở chúng ta rằng người Mỹ là một dân tộc, một đất nước.
Những phát súng nổ ra hôm 13/07 sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những người Mỹ có thiện chí rằng chúng ta đang tiến đến gần vực thẳm đen tối, và nếu chúng ta tiếp tục con đường hiện tại thì bờ vực đó sẽ nuốt chửng lối sống của chúng ta.
Đồng hồ đang tích tắc quay đều, và thời khắc này đã đến để tất cả chúng ta — bất kể là cánh tả, cánh hữu, hay trung lập — nhắc nhở bản thân rằng điều quan trọng nhất là chúng ta là con dân Mỹ quốc, rằng chúng ta đều thật sự trung thành với một lá cờ và nền cộng hòa mà lá cờ đó đại diện. Đó là một lá cờ vĩ đại, và dưới ngọn cờ đó có đủ chỗ cho mọi chủng tộc, mọi giai tầng, và mọi loại ý tưởng về cách xây dựng đất nước chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Chỉ những người ghét bỏ đồng hương, bị chi phối bởi hệ tư tưởng hèn mọn thay vì bởi lòng yêu nước, mới không có chỗ đứng dưới lá cờ gồm những ngôi sao và dòng kẻ sọc đó. Họ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có chỗ đứng.
Đối những người còn lại trong chúng ta, thời điểm để lắng nghe nhau, hiểu nhau hơn, và hòa giải chính là bây giờ. Chúng ta đã mất một thời gian dài để đi đến chỗ chia rẽ như hiện nay, vậy thì việc chữa lành vết thương đó cũng sẽ mất thời gian dài tương tự. Các chính trị gia của chúng ta có thể bắt đầu quá trình bình phục này bằng cách gạt bỏ các vấn đề đảng phái sang một bên, thay vào đó đặt câu hỏi: “Điều gì là tốt nhất cho người dân Mỹ?” Chúng ta cũng có thể làm như vậy, áp dụng sự khôn ngoan và lòng yêu nước thay vì những giáo điều cứng nhắc khi xem xét các vấn đề của quốc gia.
Hơn thế nữa, chúng ta có thể bắt đầu nhìn nhận những người mà chúng ta bất đồng về một số vấn đề là những người Mỹ đồng hương chứ không phải là những kẻ thù đầy oán giận. Chúng ta có thể nhìn nhận rằng họ sai lầm trong quan điểm và lập trường, thậm chí bị mê mờ, nhưng chúng ta phải cố gắng thay đổi suy nghĩ của họ bằng sự thuyết phục. Vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Trump nên được xem như một hồi kèn kêu gọi xây dựng cầu nối đoàn kết.
Trong bài Diễn văn Nhậm chức Đầu tiên của mình, cố tổng thống Lincoln đã nói: “Chúng ta không phải là kẻ thù, mà là những người bạn. Chúng ta không nên trở thành kẻ thù. Dù cho cảm xúc có làm chúng ta căng thẳng, nhưng không được phá vỡ những mối quan hệ gắn kết thiện ý giữa chúng ta. Những giai điệu ký ức xa xưa, trải dài từ mọi chiến trường và nấm mồ của những người yêu nước, đến mọi trái tim và mái ấm trên khắp vùng đất rộng lớn này, rồi sẽ hòa vào khúc hợp xướng của Liên bang, khi một lần nữa, và chắc chắn sẽ như thế, những phẩm chất thánh thiện tốt đẹp của chúng ta được chạm đến.”
Sau cuộc xung đột mới đây nhất giữa những người Mỹ, chúng ta hãy đánh thức những phẩm chất tốt đẹp của mình, đồng thời bắt tay vào khôi phục sự lành mạnh và tình đoàn kết của đất nước chúng ta.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times