‘Mưu cầu hạnh phúc’: Ý nghĩa đích thực đằng sau một tuyên ngôn bất hủ
“Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, Tạo hoá đã ban cho họ một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”
Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập do cựu Tổng thống Thomas Jefferson chấp bút, những lời tuyên bố cấp tiến này thoạt nghe có vẻ rất đơn giản và minh xác. Nhưng có lẽ điều làm chúng ta bối rối nhất chính là “mưu cầu hạnh phúc.”
Hàm nghĩa của hạnh phúc
Nhiều người Mỹ ngày nay hiểu việc “mưu cầu hạnh phúc” theo nghĩa đen, họ rượt đuổi nó suốt cả cuộc đời với một cây vợt bắt bướm phù phiếm. Họ trở thành phiên bản của nhân vật Jay Gatsby trong tiểu thuyết của Scott Fitzgerald: “Gatsby tin vào thứ ánh sáng màu xanh ấy, vào tương lai huy hoàng tột đỉnh mà hết năm này qua năm khác đang lùi xa trước mắt chúng ta. Khi ấy, nó tránh né chúng ta, nhưng mà có sao đâu — ngày mai chúng ta sẽ chạy nhanh hơn, vươn tay xa hơn… Và vào một sáng đẹp trời —”
Những người khác thì tin rằng hạnh phúc là thứ hữu hình, được thể hiện bằng mức thu nhập cao, nhà đẹp xe sang. Tuy nhiên, thông thường họ đạt được những thứ này chỉ để nhận ra rằng những khát vọng lấp lánh của họ đã trở thành hạt bụi trong gió.
Trong bài viết “The Meaning of ‘The Pursuit of Happiness’” (Hàm Nghĩa của Mưu Cầu Hạnh Phúc), giáo sư khoa học chính trị James Rogers nhanh chóng bác bỏ những diễn giải này. Đối với các nhà tư tưởng và chính khách thời Tổng thống Jefferson, hạnh phúc “có nghĩa là sự phồn thịnh hoặc, đúng hơn là, chất lượng cuộc sống theo nghĩa rộng. Hạnh phúc này bao gồm quyền được đáp ứng các nhu cầu vật chất, nhưng cũng bao gồm cả phương diện đạo đức và tôn giáo quan trọng.” Chẳng hạn như, ông Rogers lưu ý rằng Hiến pháp Massachusetts năm 1780 khẳng định rằng, “hạnh phúc của một dân tộc và trật tự tốt đẹp cùng sự bảo tồn của chính phủ dân sự về cơ bản phụ thuộc vào lòng mộ đạo, tôn giáo và đạo đức.” Cũng giống như tự do, trong mắt những Tổ phụ Lập quốc, hạnh phúc nảy sinh từ đức hạnh.
‘Mưu cầu’
Khi chúng ta nghĩ “theo đuổi” (pursuit) chỉ là việc chạy theo một người hoặc một vật nào đó — “Cảnh sát đuổi theo tên trộm vào con ngõ” — thì chúng ta đã hạn cuộc ý nghĩa của nó. Một định nghĩa khác của từ “pursuit” là “ngụ ý về một công việc kinh doanh, nghề nghiệp, hoặc sở thích mà ta theo đuổi bằng nhiệt huyết hoặc sự quan tâm kiên định.” Chẳng hạn như, nếu chúng ta nói rằng “Thú vui trong lúc nhàn rỗi của John là đóng đồ nội thất theo phong cách Shaker,” thì anh ấy đã có sở thích này rồi.
Trong bài tiểu luận của mình, ông Rogers viết, “Arthur Schlesinger Sr. đã nhận xét trong một chương sách ít người biết rằng ‘mưu cầu’ (pursuit) mang một hàm nghĩa đặc biệt vào thời điểm bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời. Mặc dù ngày nay ít được sử dụng, nhưng ý nghĩa phụ này vẫn được dùng khi đề cập đến việc theo đuổi việc học, hay theo đuổi nghề luật sư, v.v. Theo nghĩa này, ‘pursuit’ có nghĩa là ‘nghề nghiệp’ hoặc ‘sự hành nghề’. Chúng ta thậm chí có thể nghĩ về nó như một thiên chức [sứ mệnh].”
Để có được cuộc sống tốt đẹp, thì việc thực hành [lối sống] hạnh phúc cũng quan trọng không kém việc mưu cầu hạnh phúc.
Trong bảy năm qua, tôi đã phỏng vấn hơn 50 người đàn ông và phụ nữ để phục vụ cho việc xuất bản. Gần một nửa trong số họ là những bà mẹ Công Giáo dạy học tại nhà. Tôi thực hiện các cuộc phỏng vấn này khi đang làm việc cho Trường Seton Home Study. Số người được phỏng vấn còn lại bao gồm từ một tiểu thuyết gia nổi tiếng đến một triệu phú tự tay gây dựng cơ đồ đến cả những người Mỹ ít tiền bạc và danh tiếng hơn, nhưng họ đều có một câu chuyện để kể.
Điểm chung của tất cả những người này — và tôi dám khẳng định dứt khoát — là họ đều nhận thức ‘mưu cầu hạnh phúc’ theo lý tưởng của ngài Jefferson, mặc dù tôi đồ rằng hầu hết họ không hề biết mình sở hữu một tầm nhìn như vậy. Đúng vậy, tất cả họ đều có ước mơ và mục tiêu, những mục tiêu mà họ hy vọng sẽ đạt được, nhưng trong hành trình này, họ cũng đang thực hành những đức tính tạo nên hạnh phúc.
Ví dụ, Mitch Albom, tác giả của những cuốn sách như “Tuesdays with Morrie” (Thứ Ba cùng Morrie) và “The Five People You Meet in Heaven” (Năm Người Bạn Gặp ở Thiên Đường), đã tích cực tham gia vào việc giúp đỡ và mang lại hy vọng cho trẻ mồ côi Haiti. Như một số người đã chia sẻ với tôi, các bà mẹ bận rộn này đang giáo dục con tại nhà “để giúp chúng [được cứu rỗi và] lên thiên đường.” Những bậc cha mẹ Do Thái cùng con nhỏ của mình đào thoát khỏi các trại tử thần của Đức Quốc xã đã nuôi dạy con họ tình yêu nước Mỹ, dạy con theo đuổi ước mơ và nỗ lực hết mình để đạt được chúng, nhưng đồng thời cũng phải thực hành sống tử tế và đối đãi với người khác bằng tấm lòng hào phóng.
Họ là những người xa lạ với tôi. Tuy nhiên, xung quanh tôi, vẫn có những người thân và bạn bè, những người không có chút khái niệm gì về ‘mưu cầu hạnh phúc,’ đang sống một cuộc đời tốt đẹp và đức hạnh trong khi [theo đuổi] các tham vọng của mình. Thường thì họ là những người thầm lặng. Họ là những bậc cha mẹ cố gắng hết sức để nuôi dạy những đứa con ngoan. Họ là những người thức dậy mỗi sáng và đi làm để duy trì sự vận hành và phát triển của đất nước. Họ là những người đang thành lập ra các tổ chức giáo dục mới trên khắp toàn quốc, từ các học viện cổ điển đến các trường học siêu nhỏ và các trường đại học. Họ là những bậc ông bà, cha mẹ, những người cố vấn huấn luyện cho các đội thể thao, dạy khiêu vũ và âm nhạc, và dạy kèm cho học sinh.
Giống như tất cả những người kể trên, chắc hẳn trong số các bạn đọc cũng có người đang thực hành mưu cầu hạnh phúc theo nghĩa truyền thống của cụm từ này, một lần nữa là không hề hay biết. Và nếu nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy những người khác cũng đang làm như vậy. Trong sự ‘mưu cầu’ đó, có hy vọng cho đất nước chúng ta.