‘Lục đạo’ là gì? Lục đạo luân hồi đều do ‘tâm niệm’ mà khởi
“Lục đạo luân hồi” được đề cập trong Phật giáo, “lục đạo” cũng được gọi là “lục thú” (lục súc), nó cụ thể nói về tình huống nào? Sự thác sinh của con người sau khi chết tại sao lại có sự khác biệt trong “lục đạo”? Có thể siêu thoát được không? Trong Phật giáo có nói rằng, lục đạo luân hồi đều do tâm niệm mà khởi, thật có chuyện này sao?
Cách nói “lục đạo luân hồi”
Trong Phật giáo nói rằng chúng sinh do thiện nghiệp và ác nghiệp đã tạo trong đời quá khứ (chỉ các đời trước đời hiện tại) mà sinh ra sáu loại trạng thái sinh tồn khác nhau của sinh mệnh, đó là: Thiên nhân, người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh v.v., được gọi là “lục đạo”, sáu cõi này đều là con đường chuyển sinh luân hồi của chúng sinh trong tam giới. Phật gia cho rằng chúng sinh chưa thể tu luyện xuất khỏi tam giới, hoặc trước khi sinh mệnh chưa diệt tận, từ đầu đến cuối luân chuyển sinh tử trong lục đạo, đây chính là cách nói về “lục đạo luân hồi” .
“Lục đạo”, cũng gọi “lục thú” (lục súc), đều thuộc trong tam giới, đều đến đi trong “tình”, chúng sinh chiểu theo nhân quả nghiệp lực của tự thân mà thác sinh vào các đường khác nhau, cũng chính là nói chúng sinh trong “lục đạo” đều bị ngâm trong “tình”, với lợi ích được mất, khen chê danh lợi, hỷ lạc bi khổ kéo theo trong suy nghĩ, cùng với sinh lão bệnh tử, tất cả đều không thoát ly khỏi “tình”. Mà những chấp niệm cũng như những vấn vương về tình này sẽ khiến người ta hoặc hành thiện hoặc tạo ác, tạo ra nhân quả tương lai phải luân hồi trong lục đạo, hướng đi cũng như nơi đến sau khi sinh mệnh đời này kết thúc được quyết định bởi chính những nghiệp lực nhân quả đó. Nói cách khác, con người sau khi chết thác sinh vào đường nào trong “lục đạo” là do nghiệp lực nhân quả của tự thân mà quyết định, nói rõ hơn, bất luận là tốt hay xấu thì đều là tự làm tự chịu.
“Lục đạo” có biểu hiện đặc biệt gì?
Thiên nhân: Thiên nhân được sinh ra tại các cõi trời dục giới, sắc giới và vô sắc giới, họ tán thán Phật sự, diễn tấu nhạc trời, rải thiên hoa, xông thiên hương, bay lại trong hư không, đến đi tự tại, tự do như ý. Thiên nhân có thể tu hành trong khổ, nhưng những lúc vui vẻ lại cũng rất phóng túng. Trong Vô Lượng Thọ Kinh có cách nói rằng “Chư thiên thế nhân”, người có công đức đại thiện sau khi chết có thể chuyển sinh làm Thiên nhân. Ở tầng thứ này họ vẫn có ràng buộc vướng mắc và họa phúc vô cùng.
A tu la: A tu la còn được gọi là “Phi Thiên”, dung mạo xấu xí. A tu la lúc chính niệm, tư tưởng đơn thuần thì sẽ có năng lượng nhất định, có thể bay lượn. Người đại tu phước bố thí nhưng nếu ác tâm tranh đấu không trừ bỏ thì sẽ sinh ra ở trong đạo này; tuy nhiên nếu khởi tâm sân giận, ngạo mạn và nghi tâm, lại thêm phá giới, chỉ một chút sai phạm thì sẽ thành ác quỷ.
Người: Tại thế gian tích được thiện công đức thì có thể chuyển sinh vào gia đình giàu có, công tội ngang nhau thì làm thường dân, công ít hơn tội thì làm người bần cùng nghèo khó. Tuy nhiên, nếu phóng túng các loại ma tính trong tâm như lười biếng, vọng niệm, giận dữ, tham dục, tà dâm v.v, làm thương tổn người, hiếp đáp người, gieo trồng các loại ác nghiệp, thì sẽ bị đọa vào địa ngục. Người có nhân tính hướng thiện, hướng thượng, có thể có cơ hội tu luyện thì có thể thăng hoa sinh mệnh, đây là điều trân quý nhất khi được sinh làm người.
Chúng sinh địa ngục: Trong Kinh Phật có các cách nói như 18 tầng địa ngục, địa ngục vô gián, địa ngục bát hàn (8 cảnh địa ngục lạnh) v.v., cũng có thuyết nói về 136 địa ngục. Chúng sinh nếu tạo ác nghiệp thì sẽ chiêu cảm các nghiệp báo khác nhau, đọa vào địa ngục, hơn nữa còn phải chịu dày vò thống khổ không dứt trong các địa ngục để trả nợ, cho đến khi trả hết nợ rồi thì mới lại được chuyển sinh.
Ngạ quỷ: Người mà đời trước tạo ác nghiệp, nhiều tham dục, tâm ghen ghét, tham lam vô độ, sau khi chết sẽ chuyển làm ngạ quỷ, nhập vào ngạ quỷ đạo, thời gian lâu dài không được ăn uống, chịu khổ đói khát. Nếu thỉnh thoảng có được thức ăn, thì thức ăn khi vào miệng sẽ hóa thành lửa, không cách nào nuốt xuống; nếu được ăn thì cũng chỉ ăn máu, mủ v.v…
Súc sinh: Trong đời trước, nếu trong tâm sinh ra một niệm sai quấy, làm ra chuyện đáng xấu hổ, mắc nợ người thì gieo trồng nghiệp nhân, sau khi chết sẽ đọa vào súc sinh giới, chuyển sinh thành súc sinh để trả nợ.
Nhân quả luân hồi tự mình tạo tác
Con người chúng ta lúc sống thì bôn ba khắp nơi, trầm luân trong lục đạo, sinh tử đều bởi do tình, chính niệm lúc nào cũng mờ mịt vô định. Trong truy cầu khởi tâm tham dục và đố kỵ, làm ra những chuyện khuất tất, hoặc trong khi xung đột tranh chấp mà khởi ma tính, nói dối, tà dâm, sát sinh… đều sẽ tạo ác nghiệp. Thế sự vô thường, sinh mệnh vô thường, một khi vô thường đến thì sẽ chịu khổ trong lục đạo luân hồi.
Các sinh mệnh luân hồi trong lục đạo được quyết định bởi nghiệp quả của tự thân mỗi người, tầng thứ của lục đạo cũng bất đồng, nhưng bất luận là rơi rớt vào đạo nào hoặc thăng hoa lên đến tầng thứ nào, Phật gia nói rằng “tâm niệm” dẫn đầu tất cả. Trong Cao tăng truyện có câu chuyện về một vị tăng nhân hóa thành hổ, lại cũng bởi nhờ một niệm chính mà thoát khỏi đạo súc sinh, câu chuyện này đã cảnh tính và khiến người đời phải suy ngẫm.
Một niệm giữa tăng và hổ
Chuyện rằng tại vùng núi Viên Châu có một vị tăng ở thôn viện trong làng tình cờ có được một tấm da hổ, ông ta khoác nó lên mình để đùa giỡn, học điệu bộ lắc đầu nguẩy đuôi, không khác gì loài hổ. Có lúc ông ta đùa giỡn ngay bên đường, người trong làng trông thấy đều kinh hãi, có người vội vàng bỏ chạy đến mức không màng đến đồ mang theo bên mình. Vị tăng này nhặt được những đồ vật đó trong lòng rất sung sướng, liền nấp sẵn ở các con đường trọng yếu, đợi khi có người bán hàng rong đi ngang qua thì sẽ từ trong bãi cỏ nhảy vọt ra, người bán hàng rong hễ trông thấy thì giật mình hoảng hốt bỏ chạy thục mạng, ông ta liền đem đồ vật của người kia về nhà. Tăng nhân này đội tấm da hổ lên người, mỗi khi ra khỏi cửa thì đều có thu hoạch, nghĩ rằng kế sách này hay, được một lần lại muốn thêm nhiều lần nữa, cứ như vậy mà làm không biết chán, quên mất cả bản thân mình.
Đột nhiên có một ngày, vị tăng cảm thấy tấm da hổ kia dường như đã dính lên cơ thể của mình. Ngày hôm đó, ông ta mai phục trong bãi cỏ một hồi lâu, trong lúc thử tạm thời gỡ bỏ tấm da hổ ra nhưng dù cố gắng cách mấy cũng không cách nào cởi ra được. Ông ta nhìn thấy tay chân của mình đều là dáng hình của hổ, lập tức liền chạy đến bên sông soi mình dưới nước thì thấy đầu, tai, mắt, mày, mũi, miệng, đuôi, lông đều là dáng vẻ của hổ, ông ta đã là “phi nhân” rồi.
Tăng hổ vui vẻ trên bãi cỏ, bắt cáo và thỏ để ăn thịt, lúc này hành động chộp vồ và ăn thịt con mồi đều là động tác của hổ. Sau đó, tăng hổ sống lẫn vào bầy hổ, lại bị quỷ thần sai khiến, đêm đến vào trong núi, bất luận là mưa tuyết gió rét đều không được nghỉ ngơi, những ngày tháng này khiến ông ta khổ sở vô cùng. Hình hài của tuy là hổ, nhưng tâm tư rõ ràng là của người, chỉ là không thể nói chuyện.
Cứ như vậy hơn một năm trôi qua, một ngày nọ ông ta cảm thấy chán nản vì cầu mà không được, liền ẩn nấp bên đường. Đột nhiên có một người đi ngang qua trước mặt ông ta, ông ta vừa nhảy ra liền cắn người đó đến chết, sau đó xé xác người đó rồi ăn ngấu nghiến. Lúc này, ông ta nhìn kĩ mới phát hiện người bị mình cắn chết hóa ra là một tăng nhân.
Người tăng nhân bị chết đó khiến tăng hổ cảm thấy bản thân tội lỗi sâu dày, ông ta nghĩ: “Bản thân ta may mắn được làm tăng, cầu thoát khỏi luân hồi, nhưng lại không giữ giới cấm, phạm phải tội lớn, bị biến thành hổ, nghiệp lực to lớn, trước nay chưa từng có. Nay lại giết tăng nhân để ăn thịt, địa ngục có thể bỏ qua cho ta sao? Ta thà đói chết cũng không tiếp tục tạo thêm tội nghiệp nữa. Vừa nghĩ ông vừa ngẩng mặt lên trời, đột nhiên lớp da hổ trên người bị tuột ra như cởi một chiếc y phục vậy.
Sau đó, ông ta đi đến Sùng Thọ viện ở Lâm Xuyên, cung kính kể với Viên Siêu pháp sư về câu chuyện hóa thành hổ của mình, khẩn cầu sám hối nghiệp tội. Pháp sư nói: “Sinh tử họa phúc, đều do niệm tạo tác. Trong một sát na, tức thời có thể phân ra thiên đường địa ngục, há chỉ có ở kiếp trước kiếp này thôi đâu”. Đồng thời tán thành ông ta quay trở lại làm người lương thiện, khích lệ ông ta tiếp tục chí tu hành, hoàn nguyên phản bổn; trừ bỏ ác niệm, một chút ác niệm cũng không giữ, thì người không thành hổ, hổ cũng không thành người vậy. (Trích Cao tăng truyện)
Lục đạo luân hồi khổ vô biên, một niệm chân vừa khởi quay đầu là bờ.
Lục đạo luân hồi khổ vô biên, chân khởi một niệm tu luyện, quay đầu là bờ. Trong “bài kệ vô thường buổi chiều” được ghi trong Vãng sinh lễ tán kệ khuyên người trong thế gian nên nhân lúc cơ thể còn khỏe mạnh, hãy cố gắng đốc thúc bản thân tu luyện, thoát khỏi lục đạo luân hồi, bởi sinh mệnh vô thường như ngọn đèn trước gió, sáng tắt không lường trước được, bản thân không cách nào kiểm soát được.
Cả đời bận bịu lo sự việc, nào biết tuổi đời lướt qua nhanh.
Mạng sống như ngọn đèn trước gió, trôi lăn sáu nẻo biết về đâu
Chưa được thoát khỏi biển khổ, sao lại dửng dưng không lo sợ?
Mọi người hãy nhân khi tráng kiện, cố gắng nỗ lực cầu Thánh Đạo.
Luân hồi trong “lục đạo”, bất luận là chuyển sinh vào đạo nào thì cũng đều thuộc nội trong tam giới. Muốn thoát li khỏi cái khổ luân hồi trong tam giới thì duy nhất chỉ có thật tâm xuất một niệm tu luyện thành Phật, phát nguyện khiến sinh mệnh phản bổn quy chân, siêu thoát phạm vi của tam giới, ngoài ra còn phải thời thời chấn chỉnh tâm niệm của mình, nỗ lực thực tu. Đặc tính căn bản nhất của vũ trụ là “Chân, Thiện, Nhẫn”, khai sáng cho con người một con đường tu luyện.
Trong Ngọc lịch bảo sao thuộc tập sách nổi tiếng Địa ngục kiến văn lục có ghi rằng: “Chúng sinh trong lục đạo đều bởi do vọng mà thành duyên, do vọng mà tạo nghiệp, phân biệt thiện ác; nhân quả không sai, rõ ràng từng chút, tâm niệm vừa động, nghiệp tướng đã thành; người tuy không thấy nhưng quỷ thần đã sớm tỏ tường, chớ bảo trong phòng tối, quả báo cũng khó thoát!” Báo ứng trong lục đạo luân hồi không hề sai chạy, “chưa được thoát khỏi biển khổ, sao lại dửng dưng không lo sợ?”
Tư liệu tham khảo: