Câu chuyện luân hồi: ‘Quái thai’ kể lại nhân duyên chuyển sinh, khuyên nhủ thế nhân
Ngày nay, luân hồi chuyển sinh là chủ đề đã được y học nghiên cứu, đồng thời nhận được sự chú ý của dư luận. Trên thực tế, ở Trung Quốc thời cổ đại đã có rất nhiều câu chuyện luân hồi chuyển sinh nổi tiếng được ghi chép lại.
Vì sao chuyển sinh, chuyển sinh như thế nào? Chuyển sinh đến nơi nào? Vì sao lại chuyển sinh thành nam hay nữ? Thọ mệnh ngắn dài có thể thay đổi hay không? Hai câu chuyện dưới đây có lẽ sẽ tiết lộ cho chúng ta một số manh mối.
Thọ mệnh ngắn dài có thể thay đổi hay không?
Triệu Sinh 16 tuổi, là con trai của Triệu thị ở Ninh Hải, tuổi còn trẻ lại gặp một trận bệnh nặng. Một ngày, trong lúc thần hồn hoảng hốt, đột nhiên cậu nhìn thấy phụ thân đã qua đời của mình ở Địa Phủ đang làm chức Thị ngự công (một chức quan hầu cận).
Phụ thân nhìn thấy cậu, kinh ngạc nói: “Con trai, sao con đi nhầm vào Địa Phủ vậy? Ta và con cùng đi gặp Thần Thành Hoàng của nơi này thôi.”
Chỉ chốc lát, Thị ngự công dẫn theo Triệu Sinh đến sở quan. Người giữ cửa giúp họ gửi danh thiếp lên, sau đó Thần Thành Hoàng dùng lễ đón tân khách để nghênh đón hai người.
Thị ngự nói với Thần Thành Hoàng rằng người đứng bên cạnh là Triệu Sinh, con trai kiếp trước của ông, tuổi còn trẻ không biết vì cớ gì mà nhập Địa Phủ. Thần Thành Hoàng xem xét ghi chép trong sổ sinh tử Triệu Sinh, sau đó nói rằng: “Công tử có thể trở về dương gian, sống thêm 10 năm nữa.”
Triệu Sinh sau khi ghe xong, trái tim giống như bị bóp chặt, mặt biến sắc, dáng vẻ vô cùng khổ sở.
Thần Thành Hoàng hiểu được tâm trạng của cậu, bèn nói: “Số tuổi thọ ghi chép trong sổ sinh tử cũng không phải là hoàn toàn cố định, cả đời nỗ lực làm việc thiện thì có thể thay đổi được nó, kéo dài tuổi thọ là có thể làm được.”
Ngay sau đó, có viên sai dịch đến báo: “Khương tiết phụ tới!” Thần Thành Hoàng sai người mở rộng cửa chính, rất kính cẩn ra cửa nghênh tiếp. Triệu Sinh định thần nhìn người tới được gọi là “Khương tiết phụ”, là một bà lão chừng hơn 70 tuổi. Lúc này Thần Thành Hoàng nói với bà lão rằng: “Bà ý chí kiên định, 40 năm thủ tiết không đổi, khi chuyển sinh sẽ đến nơi đó làm phu nhân.”
Khương tiết phụ vội vàng hỏi: “Kiếp sau tôi có được thân nam làm nam tử không?” Thần Thành Hoàng đáp: “Bản phận vốn là như vậy, đi chuyển sinh cũng không nên hồ đồ quên mất tiền căn. Đến kiếp sau nữa, có thể đầu thai làm một vị quan hiển đạt.” Nói xong, Thần Thành Hoàng lập tức sai người tấu nhạc tiễn đưa Tiết phụ ra khỏi Địa Phủ.
Triệu Sinh từ trong hôn mê tỉnh lại, thì ra cậu đã ngủ mê một ngày đêm. Mà trong thời gian một ngày đêm này, ở thôn phía nam quả nhiên có một vị tiết phụ họ Khương mắc bệnh đã qua đời vào ngày hôm qua. Sau khi Triệu Sinh từ Âm Phủ quay trở về, đã nỗ lực làm việc thiện, sống đến hơn 80 tuổi.
“Quái thai” kể lại nhân duyên chuyển sinh, khuyên nhủ thế nhân
Vào những năm cuối thời Sùng Trinh triều Minh, băng đảng trộm cướp Trương Hiến Trung trắng trợn sát hại người dân ở vùng Tứ Xuyên. Có một người ở Ma Thành (thuộc Hoàng Cương, Hồ Bắc) bị băng đảng loạn tặc này giết hại, linh hồn phiêu dạt trong vùng Tứ Xuyên, người này không biết là mình đã chết rồi, cứ vội vàng tiến về hướng Đông để đi về nhà mình ở Ma Thành. Mỗi lần anh ta đi được nửa đường thì bị gió thổi chuyển phương hướng, cứ như vậy đi vào ban đêm suốt ba năm vẫn không về tới được quê nhà. Vì thế, mỗi lần hồn người này nghe tiếng gió, liền lập tức nằm rạp trên mặt đất nắm chặt lấy gốc cây cỏ, mới có thể không bị gió thổi bay. Cuối cùng hồn người này cũng về đến quê hương Ma Thành, lúc đó trời còn chưa sáng, cửa thành cũng chưa mở. Thế là, nó bèn ở lại phía sau Nhạc Thần miếu (miếu thờ phụng Thần Đông Nhạc Thái Sơn, còn gọi là Nhạc Đế miếu), nghỉ ngơi chờ đợi một lúc.
Lúc này nó nhìn thấy có một vị Thần, tay nâng cuốn sổ ghi chép đi vào điện, báo cáo với Nhạc Đế rằng: “Ban cho người họ Mai nọ ở Ma Thành một người con trai.”
Nhạc Đế nói: “Người này tội nghiệt rất nặng, không thể có con trai.”
Vị Thần kia lại nói: “Mệnh lệnh của sở quan trên Trời, không dám vi phạm.”
Lúc này phán quan cầm một cuốn sổ ghi chép sinh tử nói với Nhạc Đế: “Người họ Mai đó, vào ngày này, nhìn thấy một người bị lạnh cóng sắp chết, đã mua một bó cỏ đem tới giúp người kia sưởi ấm, đã cứu sống được người bị lạnh kia, vì vậy đáng có được con trai.”
Lúc đó Nhạc Đế nói: “Có thể đem người đang ngồi bên ngoài miếu làm con trai của ông ta.”
Tức thì, có bốn, năm người từ trong miếu đi ra, túm lấy hồn người ở Ma Thành đang dựa vào miếu kia đi vào trong điện.
Hồn người này kêu to: “Tôi là người, làm sao bảo tôi đi đầu thai được?”
Nhóm người đó đều cười ồ lên: “Ngươi là người, vậy tại sao sợ gió lại còn đi lại vào ban đêm?” Lúc này thì nó mới hiểu ra mình đã làm quỷ hồn rồi.
Nó đi lên trên điện, nói với phán quan rằng: “Cho dù tôi đầu thai, cũng không muốn đầu thai đến nhà của người họ Mai nọ. Tôi biết ông ta rất lâu rồi, biết hết lai lịch của ông ta, sao có thể đi làm con của ông ta được?”
Phán quan nói: “Ngươi cứ yên tâm đi làm con trai của ông ta đi, làm như vậy là có điều tốt.”
Linh hồn kia ghi nhớ lời nói của Phán quan. Lúc này có mấy người dẫn nó đến nhà của người họ Mai nọ.
Đêm đó, vợ của người họ Mai đó đã sinh được một bé trai, đứa bé này thực sự là một “quái thai”, vừa sinh ra liền biết nói chuyện. Người nhà họ Mai cảm thấy quái dị, hoảng sợ muốn giết chết nó. Nó liền hô to: “Khoan đã!” Thế là đứa trẻ vừa mới chào đời kể lại đời trước của mình, cùng với duyên cớ vì sao chuyển sinh đến nhà họ Mai. Người nhà họ Mai nghe xong thì vô cùng kinh ngạc, biết rằng “trên đầu ba thước có Thần linh”. Vì vậy, người nhà họ Mai từ đó về sau đều nỗ lực làm việc thiện, nuôi dưỡng người con trai này trưởng thành. Vào năm Bính Thìn thời Khang Hy (năm 1676), người con trai này của nhà họ Mai vẫn còn sống.
(Tiến sĩ Thi Phổ Lâm, hậu duệ của tướng lĩnh Thi Lang triều Thanh, đã kể lại câu chuyện này).
Nguồn tư liệu: “Thủ nhất trai khách song bút ký”, “Ngu sơ tân chí – quyển 11”
Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ