Câu chuyện luân hồi: Đồ tể chuyển sinh làm quan nhất phẩm, ba lần gặp Lã Động Tân
Trong Hoàn Thúy Cung ở Côn Minh có một câu đối nói về câu chuyện một người đồ tể chuyển sinh thành Trần Dụng Tân, Tuần phủ Vân Nam thời nhà Minh. Kiếp trước ông là đồ tể phát nguyện “bớt hỏa trong lòng, muốn gặp Lã Động Tân”, kiếp này ông là một vị quan nhất phẩm, trong hai kiếp sống có đến ba lần gặp Tiên nhân Lã Động Tân. Kết quả như thế nào? Ông vốn có cốt Tiên, vậy có thể theo Tiên trở về hay không?
Vào cuối triều Minh, ở vùng ngoại ô Nam Quan, Côn Minh, Vân Nam, có một người đồ tể họ Triệu. Một hôm, ông muốn mổ một con bò mẹ, thế nhưng không tìm thấy con dao giết mổ của mình, tìm khắp nơi trong nhà đều không thấy. Khi đó, con bò con đang nằm dựa vào bên cạnh con bò mẹ, cất tiếng kêu to thảm thiết. Triệu đồ tể vung roi lên để xua con bò con chạy sang một bên, bất ngờ nhìn thấy con dao giết mổ của mình. Hóa ra con bò con đã dùng thân mình che giấu con dao này.
Khoảnh khắc nhìn thấy con dao giết mổ, Triệu đồ tể như bừng giác ngộ. Thế là ông vứt con dao, dắt theo bò mẹ và bò con đến Tây Sơn, Côn Minh (núi Bích Khê, núi Ngọa Phật) để ẩn cư. Ông có tâm niệm tu hành, ngày ngày niệm tụng câu “bớt hỏa trong lòng, muốn gặp Lã Động Tân” để tự khích lệ bản thân mình. Ngày ngày ông đều tự nhắc nhở bản thân không được tức giận, thời thời khắc khắc phải tu dưỡng tâm tính.
Động Tân vừa mới tới, hỏa trong lòng lại sinh
Một hôm, có một vị Đạo nhân đi qua sơn động nơi Triệu đồ tể ẩn cư. Ngày thường khó mà gặp được dấu chân người đi qua nơi này, huống hồ lại là một vị Đạo nhân, Triệu đồ tể mừng rỡ mời vị Đạo nhân ghé vào sơn động một chút. Ông mang ra một bộ ấm bằng gốm sứ cổ mà mình yêu thích, mời Đạo nhân dùng trà. Nào ngờ khi Đạo nhân tiếp nhận chén trà thì bị sẩy tay, chiếc chén cổ rơi xuống đất vỡ nát. Khoảnh khắc đó, tâm của Triệu đồ tể liền động, lửa giận đột ngột bùng lên.
Ngay lúc đó, vị Đạo nhân đang ngồi trước mặt bỗng nhiên không thấy đâu nữa, còn chiếc chén cổ kia rõ ràng đã bị rơi vỡ nát trên đất lại vẫn còn hoàn hảo như mới. Triệu đồ tể phát hiện bên cạnh chén trà có một mảnh giấy, trên đó viết: “Động Tân vừa mới đến, hỏa trong lòng lại sinh”.
Triệu đồ tể vừa xấu hổ vừa hối hận, ý nguyện “muốn gặp Lã Động Tân” của bản thân đã thực hiện được rồi, thế nhưng khi Lã Động Tân vừa đến, thì công phu tu trì “bớt hỏa trong lòng” lại không chịu nổi một kích, đã vỡ nát rơi đầy trên đất!
Tâm tình của Triệu đồ tể như rơi vào cơn sóng nhỏ. Có một hôm, ông nhìn về phương xa ngóng về phía hồ Côn Minh, nhìn thấy Mộc Vương đang tiến hành diễn tập thủy chiến, trong tâm dấy lên một tia hoài niệm, rồi trong mông lung cứ như vậy mà qua đời.
Luân hồichuyển sinh
Tây Sơn vẫn như trước, bao độ ánh dương hồng! Chẳng mấy chốc, mấy chục năm đã trôi qua.
Trần Dụng Tân (1550-1617, tự là Đạo Hanh, hiệu Dục Đài) làm Đô Ngự sử triều Minh, trấn phủ Vân Nam, một lần ngẫu nhiên dạo chơi đến Tây Sơn, Côn Minh. Ông nhìn cảnh trí ở nơi đây dường như rất quen thuộc, từng cảnh từng cảnh đều giống như là chốn cũ. Trong lòng ông cảm thấy phiền muộn, cứ cất bước đi, vô tình đi đến bên ngoài của một sơn động, trên vách đá có ghi ngày… tháng… năm Gia Tĩnh thứ 29 (năm 1550). Điều này khiến Trần Dụng Tân chấn động, đây chính là ngày tháng năm sinh của mình mà! Thì ra hơn 30 năm trước, Triệu đồ tể đã ẩn cư trong sơn động này, cũng qua đời vào ngày tháng năm này.
Thoáng chốc, một chuyện đã từng xảy ra khiến cho ông bụng đầy nghi hoặc, dường như sự thật đã dần hiển lộ! Trần Dụng Tân thế mới biết kiếp này của mình là Triệu đồ tể chuyển sinh.
Trước khi ông đến Vân Nam, từng có một vị Đạo nhân đến thăm ông. Lúc ấy, ông dùng trà khoản đãi vị Đạo nhân, Đạo nhân bưng chén trà lên rồi hỏi ông: “Đã bớt được hỏa trong lòng chưa?” Khi đó, bản thân ông không hiểu lời nói của vị Đạo nhân có ý gì. Trước khi chia tay, vị Đạo nhân hẹn với ông rằng sẽ gặp lại nhau ở núi Anh Vũ. Khi đó, ông chưa từng nghe nói đến “núi Anh Vũ”, rốt cuộc “núi Anh Vũ” này ở đâu?
Câu chuyện cũ “khó hiểu” này đã được giữ kín trong lòng Trần Dụng Tân. Giờ đây đặt chân đến nơi kiếp trước mình từng ẩn cư, ông bỗng nhiên khai ngộ: Hóa ra kiếp trước đã ở ẩn cư nơi sơn động này, Tiên nhân Lã Động Tân đã từng tới tìm mình! Tâm nguyện “muốn gặp Lã Động Tân” vẫn luôn tồn tại trong sinh mệnh, chẳng qua là bị phàm trần che lấp mất. Thì ra, Tiên nhân vẫn luôn không quên không bỏ, còn tìm đến gặp ông sau khi đã chuyển kiếp, đồng thời thức tỉnh ông!
Sau khi nhận chức Trấn phủ Vân Nam, ông dò hỏi được ở Côn Minh quả nhiên có một ngọn núi có tên thường gọi là núi Anh Vũ, nằm ở phía đông bắc, người dân ở Vân Nam gọi đó là “núi Tương Độ”, cũng có khi gọi là núi Minh Phượng. Ông đi đến núi Anh Vũ, nhìn thấy một vị Đạo nhân hói đầu đã đứng sẵn ở đó tự bao giờ, dường như đang chờ ông. Trong tay Đạo nhân cầm hai cái bình, hai miệng bình đối diện với nhau, Đạo nhân cười hỏi: “Quân môn [cách gọi kính trọng quan võ trấn phủ một vùng] lâu rồi có khỏe không? Bây giờ ông muốn thoát ra theo đầu nào?” Lúc này, tùy tùng của Trần Dụng Tân quát to rằng không được vô lễ với đại nhân! Vừa quát lên, bóng dáng vị Đạo nhân liền biến mất.
Trần Dụng Tân hiểu ra: Hai miệng bình đối diện với nhau tức là chữ “Lã” (呂), núi đá – sơn thạch (山石) tức là chữ “Nham” (岩), Lã đứng trên núi đá tức là Lã Nham, đây chính là tên thật của Lã Động Tân! Người vừa mới xuất hiện trước mắt ông, chính là Tiên nhân!
Vì thế, Trần Dụng Tân bèn cho xây dựng một cây cầu trên núi Anh Vũ, nơi ông và Lã Tiên nhân gặp nhau, đặt tên là “Nghênh Tiên Kiều”, đồng thời xây một bức tượng Lã Động Tân ở ngang lưng chừng núi, hơn nữa còn xây dựng Hoàn Thúy Cung. Đây đều là những sự việc diễn ra vào năm thứ ba sau khi Trần Dụng Tân nhận chức Trấn phủ Vân Nam. Trong Hoàn Thúy Cung, ông còn ghi chép lại tường tận:
“Năm thứ 3, ta – trấn phủ Điền (tên gọi khác của Vân Nam), mệnh quan xây dựng Hoàn Thúy Cung ở núi Minh Phượng, lầu các bên trong để cúng tế Lã sư (Lã Động Tân), có hai điện… Trở thành nơi lễ tế, trông ngóng được gặp (bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tưởng nhớ đối với Tiên nhân Lã Động Tân).
Trần Dụng Tân trong hai kiếp sống đều có duyên với Tiên nhân, rốt cuộc ông “muốn thoát ra theo đầu nào?” Là theo hướng Tiên? Hay là lưu lại nơi hầu môn quyền quý?
Hồi kết
Trong Hoàn Thúy Cung có một bộ câu đối, có người nói là do Trần Dụng Tân viết, cũng có người nói là người đời sau viết nên. Nội dung câu đối kể về chuyện Trần Dụng Tân mê nhập mộng phàm trần, bỏ lỡ Tiên duyên:
“Xuân mộng quán mê nhân, cửu hoàn tiên cốt, ngộ trứ liễu nhất phẩm triêu y, nhậm kê minh tử mạch, mã đạp hồng trần, quân môn hướng na đầu khiêu xuất?
Không sơn tằng ước bạn, lục chiếu bôi trà, do ký đắc thất mân từ tổ, khán kiếm ảnh hoành thiên, địch thanh xuy hải, tiên sinh tòng hà xử phi lai?”
Tạm dịch:
Mộng ảo quen mê người, cốt Tiên cửu hoàn, lỡ khoác một bộ y quan nhất phẩm, chuyên cần việc triều chính, ngựa đạp hồng trần, Quân môn theo phía nào nhảy ra?
Núi cao từng hẹn ước, chén trà Lục Chiếu, còn nhớ lời thơ Thất Mân, nhìn bóng kiếm ngang trời, tiếng địch ngân mãi, Tiên sinh từ nơi nào bay tới?
(Ghi chú: Lục Chiếu là địa danh ở Vân Nam)
Trần Dụng Tân sinh ra ở Trấn Giang, Phúc Kiến, đỗ tiến sĩ năm Long Khánh thứ 5 (năm 1571) thời Vua Minh Mục Tông, từng làm Huyện lệnh địa phương, Đốc học, Tham nghị, Tham chính, chuyên cần chính sự, yêu thương dân, bài trừ các tệ nạn, giảm nhẹ thuế má, nhanh chóng xét xử các vụ án kiện tụng, chăm lo cho dân chúng. Đối với việc kiểm tra, tiến cử và hạch tội người khác, ông luôn theo lẽ công bằng chính đáng, không có tư tâm, về sau ông được thăng chức làm Bố Chính Sử vùng Hồ Quảng. Năm Vạn Lịch thứ 21 (năm Quý Tỵ, 1593), Vua Minh Thần Tông thăng Trần Dụng Tân lên làm Đô Ngự Sử Tuần phủ Vân Nam, ông giữ chức này suốt 16 năm.
Trần Dụng Tân vốn có tài năng về quân sự, tài trí mưu lược kiệt xuất, giỏi dùng binh, nhiều lần bình định giặc Miễn (Miến Điện) ở phía tây Vân Nam, công lao rất cao, được thăng làm Hữu phó Đô Ngự Sử kiêm Binh Bộ Hữu thị Lang. Thế nhưng, năm Vạn Lịch thứ 36 (năm 1608), Thổ quan ở Vũ Định là A Khắc làm phản tấn công phủ Vũ Định, Tri phủ chạy trốn. Trong khi chờ binh lực điều động chưa đến kịp, Trần Dụng Tân vì bảo vệ dân chúng, đã dùng kế tạm thời để cho A Khắc đoạt được ấn Vũ Định rồi rút binh. Về sau ông đã bình định xong cuộc nổi loạn và thu ấn trở về, nhưng bị những kẻ đối thủ chính trị hợp nhau lại báo thù, vu cáo ông tội “vứt bỏ ấn”, giam ông vào ngục luận tội chết. Những sớ dâng kháng án minh oan cho ông đều bị những kẻ tiểu nhân nắm giữ, không thể dâng cáo.
Ông làm quan nhất phẩm, đến cuối đời gặp tai ương 9 năm, trở thành tù phạm, trước khi chết nhiễm bệnh tật, mặc dù được phép mời thầy thuốc bên ngoài trị liệu, nhưng không bao lâu thì mất. Ông được truy tặng thụy hiệu là Tương Nghị. Xét theo nhân quả của Phật gia, 9 năm tai ương của ông hẳn là nghiệp báo ở kiếp trước của ông, chỉ có tu hành mới có thể cải biến nhân sinh.
Từ những bài viết của ông còn lưu lại như “Ngộ Chân Thiên Chú Sơ”, “Y Xuyên Tam Đại Nạn Sự Thuyết” v.v… có thể thấy được rằng, ông tuy là thân ở hồng trần, nhưng tâm ở trong Đạo. Song, một đời này của ông cuối cùng đã chọn lựa đường mê, đường khó, đường nguy hiểm ở nhân gian! Để lại Nghênh Tiên Kiều ở núi Anh Vũ, kiếp trước kiếp này lưu lại một tấm gương cho người đời sau. Sinh mệnh muốn thoát khỏi phàm trần, quả thực là chuyện không dễ!
Tài liệu tham khảo:
“Doanh Liên Tùng Thoại Toàn Thiên – Doanh Liên Tùng Thoại Cố Sự” của Lương Chương Cự triều Thanh; “Minh Sử”, “Minh Thực Lục Thần Tông Thực Lục”, “Tấn Giang Huyện Chí Đạo Quang Bản”, “Điền Chí – Nghệ Văn Chí”.
Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ