Vị Thủ tướng Anh cố gắng ngăn chặn một ‘cuộc chiến tranh vô đạo’ chống lại các thuộc địa Mỹ
Ngài William Pitt the Elder là một nhà đấu tranh cho tự do và hòa bình. Ông đã lường trước việc nước Anh sẽ thua trong một cuộc chiến chống lại các Thuộc địa và ủng hộ việc bãi bỏ các Đạo luật khiến xung đột bùng nổ
Thành ngữ phổ biến “Nói lên sự thật với giới cầm quyền” (Speak truth to power) ngụ ý rằng quyền lực là thù nghịch với sự thật và chính quyền lực có thể được hưởng lợi từ việc lắng nghe sự thật. Thành ngữ này cũng ngụ ý rằng người ta hẳn sẽ gặp một số rủi ro khi dám nói thật.
Những ai không sợ hãi khi nói lên sự thật trước quyền lực luôn đứng trong hàng ngũ những vị anh hùng vĩ đại của lịch sử. Họ đề thăng chuẩn tắc và thúc đẩy lòng dũng cảm của chúng ta. Tuy những kẻ độc tài e sợ họ, nhưng những người còn lại như chúng ta lại được họ truyền cho nguồn cảm hứng bất tận.
Nhà hùng biện người La Mã Cicero đã từng chống đối tướng Marc Antony và phải trả cái giá rất đắt, nhưng đến tận 2,000 năm sau, thế giới vẫn còn ngưỡng mộ tài hùng biện và lòng dũng cảm ấy của ông Cicero.
Nhà hoạt động chính trị Sophie Scholl, cùng với người anh trai Hans của mình, đã sáng lập phong trào Hoa Hồng Trắng để phản kháng Hitler ngay trên quê hương nước Đức của họ. Họ đã [bất chấp] phạm pháp để in và phân phát tài liệu chống Đức Quốc xã trên khắp Berlin vào những năm 1940.
Ở Liên Xô, những vị anh hùng từ ông Aleksandr Solzhenitsyn đến ông Andrei Sakharov đã góp phần chấm dứt một chế độ tà ác bằng sức mạnh vô song trong câu chữ của họ.
Cô nữ sinh Malala Yousafzai đã lên tiếng ủng hộ giáo dục cho phụ nữ ở quê hương Pakistan. Năm 2012, cô bị bắn vào đầu, nhưng cô đã sống sót và tiếp tục hoạt động của mình. Sau đó, cô đã giành được một giải Nobel Hòa bình năm 17 tuổi vì dám đối kháng với sự áp bức của Taliban, đưa cô trở thành người trẻ tuổi nhất từng nhận được giải thưởng này.
Những tấm gương như thế này không phải nơi đâu cũng có, nhưng cũng không hề hiếm hoi, và đó cũng chính là điều mà chúng ta nên biết ơn. Thế giới này sẽ trở thành một nơi tăm tối hơn nếu vắng bóng họ.
Nói lên sự thật dưới ách cường quyền là một chủ đề mà tôi dự định thỉnh thoảng sẽ nhắc lại bằng cách vinh danh một tấm gương mà tôi hằng ngưỡng mộ. Đối tượng tôi muốn nhắc đến là một cái tên đã từng khơi dậy lòng kính trọng của gần như mọi người dân Mỹ, nhưng đáng buồn thay, kể từ đó cái tên này đã chìm vào màn sương mù của lịch sử: Ngài William Pitt the Elder (1708–1778).
Tiểu bang Pittsburgh chính là được đặt theo tên ngài Pitt, mặc dù ông chưa bao giờ đặt chân đến Mỹ quốc. Ông chính là kiến trúc sư cho chiến thắng quân sự rực rỡ của Vương quốc Anh trong Chiến tranh Bảy năm, còn được gọi là Chiến tranh Pháp và Người Mỹ bản địa, và từng phụng sự với cương vị thủ tướng từ năm 1766 đến năm 1768. Trong sự nghiệp phục vụ công chúng lâu dài với tư cách là một nghị viên, ông đã chứng tỏ mình là một người liêm khiết, từ chối những vị trí và cơ hội mà những người ít thận trọng hơn háo hức nắm bắt để thăng tiến cá nhân. Rất lâu sau khi ông qua đời vào năm 1778, ông được tôn kính ở Mỹ quốc và được Vương quốc Anh quê hương ông công nhận là một trong những chính khách lỗi lạc nhất của quốc gia này.
Đến những năm 1760, ngài Pitt the Elder đã trở thành một người tôn sùng tự do đầy nghiêm cẩn và là một người phản đối hùng hồn quyền lực chính trị tập trung. Tháng 04/1763, Vua George Đệ Tam đã có một bài diễn văn trước Quốc hội để bảo vệ Hiệp ước Hòa bình Paris (được lập ra để chấm dứt Chiến tranh Bảy năm). Ký giả theo chủ nghĩa tự do kiêm nghị viên John Wilkes đã chỉ trích nhà vua một cách gay gắt trên tờ báo của mình, tờ The North Briton, khiến nhà vua ban hành một lệnh bắt giữ ông Wilkes. Ông đã đào thoát khỏi đất nước, nhưng ngài William Pitt lại mạo hiểm bảo vệ ông ấy mà không hề do dự. Ngài Pitt tuyên bố rằng, nền tự do của Vương quốc Anh đòi hỏi sự ủng hộ mạnh mẽ cho quyền tự do ngôn luận.
Năm 1766, ông Pitt đứng lên bảo vệ những người Mỹ thuộc địa trong cuộc tranh chấp với Đạo luật Tem gây bất bình của Quốc hội. “Tôi vui mừng vì Mỹ quốc đã kháng cự,” ông tuyên bố. “Việc mọi cảm giác về tự do của ba triệu người đã hoàn toàn bị tê liệt đến mức họ tự nguyện phục tùng để trở thành nô lệ sẽ là những công cụ phù hợp để nô dịch hóa những người còn lại [trong chúng ta].”
Khi rạn nứt giữa Mỹ quốc và Anh quốc có nguy cơ dẫn đến chiến tranh, ông Pitt liên tục yêu cầu hòa bình và tự do. Chính vì hành động bảo vệ Mỹ quốc của ông vào thời khắc sống còn này mà trong bài viết này tôi giới thiệu ông với tư cách là một vị anh hùng đã dám nói lên sự thật dưới ách quyền lực. Mặc dù ông chưa bao giờ gặp nguy hiểm về tính mạng khi lên tiếng cho những điều này, nhưng ông hoàn toàn có thể chọn cách giữ im lặng một cách thoải mái và lấy lòng nhà vua, nhưng ông đã không làm vậy.
Người viết tiểu sử Vera Muriel White viết về ông trong “Encyclopedia Britannica” như sau:
“Nền giáo dục cổ điển mà ông thụ nhận đã dạy ông suy nghĩ, hành động, và phát ngôn theo kiểu cách La Mã cao quý. Nhà thơ yêu thích của ông là thi hào Virgil, và ông không bao giờ quên những bài học ái quốc của lịch sử La Mã; ông liên tục đọc về Cicero, nhà biện thuyết hùng hồn có thể đả kích những kẻ phạm tội bằng sự phẫn nộ của mình. Sau đó, tại Quốc hội, giọng nói tựa như tiếng đàn organ của ông có thể được nghe thấy rõ ràng dẫu đứng bên ngoài [tòa nhà] Quốc hội. Giọng nói, khả năng nắm bắt đúng thời điểm, và những cử chỉ tuyệt vời này sánh ngang tầm với ông David Garrick, một diễn viên lừng danh nhất thời bấy giờ và cũng là một người bạn của ông; dáng người cao gầy, uy nghiêm của ông Pitt, kết hợp với một chiếc mũi khoằm kiểu La Mã và đôi mắt diều hâu — to và xám nhưng chuyển sang màu đen khi ông cao hứng — làm choáng ngợp tất cả những người chứng kiến. Đối với những người đồng hương của mình, ông ấy gần như trở thành một điềm báo thiêng liêng, như một lời sấm truyền của bậc tiên tri vùng Delphic.”
Có lẽ bài diễn văn vĩ đại nhất trong đời ông là bài diễn văn mà ông Pitt đọc tại Thượng Nghị viện vào ngày 20/01/1775. Ông đã đứng lên để lên án Đạo Luật Cưỡng Chế do Quốc hội ban hành vào năm trước đó. Đạo luật đề ra nhằm mục đích trừng phạt thuộc địa Massachusetts nói chung và Boston nói riêng, vì Phong trào Tiệc trà nổi tiếng, Đạo luật này đã chấm dứt chính quyền tự trị địa phương và ngăn cấm thương mại thuộc địa. Trong cuốn sách “Nguồn Cơn: Cuộc cách mạng Mỹ và Những Sự Bất Mãn” (The Cause: The American Revolution and Its Discontents), sử gia Joseph J. Ellis viết về thời điểm đó như sau:
“Ông Pitt đã nói trong hơn một giờ … và vài năm sau, khi mọi hậu quả thảm khốc mà ông cảnh báo đều trở thành sự thật, không một nhân vật ăn năn nào trong chính phủ Anh quốc có thể bào chữa cho sự ngu muội của họ.
“Nơi đâu đã viết rằng … rằng ‘một người Anh có thể bị tước đi ổ bánh mì mà anh ta ăn mà không được sự đồng ý của anh ta?’ Làm thế nào mà một nhóm nhỏ những người dân thuộc địa, tụ tập ở Philadelphia, ‘có vẻ nhận thức rõ tinh thần tự do chân chính của người Anh hơn là các ngài thượng nghị sĩ của vương quốc tụ họp trong những hội trường thiêng liêng này?’
“Niềm tin rằng hai hoặc ba trung đoàn của Anh có thể kiểm soát vùng nông thôn New England bên ngoài Boston luôn là một giấc mơ viển vông. Mười, hai mươi, hoặc ba mươi trung đoàn rồi cũng sẽ nhận ra được rằng họ sẽ thất bại trước đối thủ mà ông Pitt mô tả là ‘một lãnh thổ thống trị 1800 dặm của Lục địa, hùng mạnh về lòng dũng cảm, tự do và tinh thần bất khuất.’”
Vua George Đệ Tam, các bộ trưởng của ông, và phần lớn Nghị viện đã thành lập ban hội thẩm chống lại ông Pitt về cách ứng phó với người Mỹ. Điều này vẫn không thể ngăn cản được vị chính khách xuất chúng này tiếp tục đứng về phía những điều mà ông tin tưởng. Dưới đây là những đoạn trích từ bài diễn văn đáng chú ý đó:
“Nhưng bây giờ, thưa các ngài Nghị viên, chúng ta đều thấy rằng thay vì đàn áp phe đối lập ở Boston, những biện pháp này trái lại đã khiến sự chống đối lan rộng ra toàn lục địa. Những thủ đoạn này khiến toàn bộ người dân ở đó liên kết lại bằng một nhóm không thể chia cắt nhất trong tất cả các nhóm — đây là những sai trái không thể dung thứ …
“Hãy để tài sản thiêng liêng của họ không bị xâm phạm; hãy chỉ đánh thuế những thứ này khi có sự đồng thuận của chính họ, được đưa ra trong các hội đồng cấp tỉnh của họ, nếu không, chúng sẽ cũng chẳng còn là tài sản nữa …
“Việc chống lại các điều luật của các ông là cần thiết vì điều đó đúng, và những tuyên bố hão huyền của các ông về quyền hạn toàn năng của Nghị viện, và những học thuyết hống hách của các ông về sự phục tùng tất yếu, sẽ được phát hiện là vô dụng như nhau trong việc thuyết phục hoặc nô dịch những thần dân của các ông ở Mỹ, những người cảm thấy rằng sự chuyên chế đó, cho dù đó là tham vọng của một bộ phận riêng lẻ của Cơ quan lập pháp, hoặc là do các cơ quan đó gây ra, đều không thể dung thứ đối với các nguyên tắc của Anh quốc …
“Khổ thân cho kẻ nào đổ giọt máu đầu tiên — không thể chuộc lại lỗi lầm — đổ máu trong một cuộc chiến vô đạo với một dân tộc chiến đấu vì chính nghĩa vĩ đại của tự do cho công chúng. Thưa các ngài Nghị viên, tôi sẽ nói rõ với các ngài là: Không một người con trai nào của tôi, cũng như bất kỳ người nào mà tôi có ảnh hưởng, lại sẽ rút gươm tấn công chính những người cùng một giống nòi với mình …
“Tôi tin rằng điều này đã quá hiển nhiên đối với Nghị viên các ngài rằng mọi cố gắng áp đặt chế độ nô lệ [đối với người Mỹ thuộc địa], nhằm thiết lập chế độ chuyên quyền đối với một quốc gia lục địa hùng mạnh như vậy, đều là vô ích, và tất sẽ có thương vong. [Cuối cùng], chúng ta sẽ buộc phải rút lui, trong khi chúng ta còn có thể, chứ không phải khi chúng ta buộc phải như vậy. Tôi nói rằng chúng ta nhất thiết phải hủy bỏ những Đạo luật mang tính bạo lực và áp bức này. Chúng bắt buộc phải bị bãi bỏ!”
Một lúc sau, Quốc hội đã bỏ phiếu với tỷ lệ 68 phiếu thuận – 18 phiếu chống phản bác quan điểm của ông Pitt. Quân đội Anh sẽ không rút khỏi tiểu bang Boston. Một năm sau đó, Mỹ quốc tuyên bố độc lập.
Ông Pitt qua đời vì bệnh gút vào tháng 05/1778 và được an táng tại Tu viện Westminster trong sự huy hoàng và đau buồn. Đúng như ông dự đoán, Anh quốc đã thất bại trong cuộc chiến này. Hầu hết người Anh bắt đầu hối hận vì đã tham chiến ngay từ đầu. Ông Pitt đã dám nói lên sự thật trước ách cường quyền, nhưng trong trường hợp này, giới cầm quyền đã không lắng nghe ông.
Năm năm sau sự ra đi của ngài William Pitt the Elder, con trai ông là William Pitt the Younger trở thành thủ tướng ở tuổi 24. Ông đã phụng sự gần 19 năm trong vai trò này. Một trong những thành tựu phi thường của ông là mở đường cho Nghị viện để cuối cùng bãi bỏ nạn buôn bán nô lệ khét tiếng. Ông đã nói lên sự thật về chế độ nô lệ với giới cầm quyền, nhóm có lịch sử lâu dài hậu thuẫn cho chế độ này — một hành động mà tôi tin rằng, cha ông sẽ rất tự hào.
Để tham khảo thêm thông tin, bạn có thể tìm đọc:
“The Fight For Freedom Begins in Culture” của tác giả Robin Koerner.
“William Pitt’s Defense of the American Colonies” của tác giả Colonial Williamsburg.
“A Tale of Two Pitts: The Careers of the Elder and Younger William Pitt” của tác giả Matthew Shea.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times